Thursday, December 29, 2011

CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ LƯỢNG ĐỊNH THÀNH QUẢ NĂM 2011 (Thanh Trúc, RFA)



Thanh Trúc, phóng viên RFA
2011-12-29

Những ngày cuối năm là thời điểm nhìn lại quá trình sinh hoạt, thành quả, cái được cái mất của ba trăm sáu mươi lăm ngày sắp hết.
Nhiều thập niên sau chiến tranh, đã có nhiều tổ chức từ thiện hay phi chính phủ đến Việt Nam. Hôm nay, vào khi bốn mươi tám tiếng ngắn ngủi của 2011 sắp hết, trước thềm 2012 mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi mạn phép nhắc lại công việc của hai tổ chức NGO phát xuất từ Hoa Kỳ, Project Vietnam hay Dự Án Việt Nam chuyên về y khoa, Pacific Links Vòng Tay Thái Bình chuyên về phòng chống buôn người.

Dự Án Việt Nam

Project Vietnam thành hình qua sự phối hợp và hỗ trợ từ Viện Hàn Lâm Nhi Khoa Mỹ cũng như một số bác sĩ Hoa Kỳ và Mỹ gốc Việt ở California. Năm 1996, Project Vietnam đặt chân đến Hà Nội. Người đồng sáng lập Project Vietnam, bác sĩ Quỳnh Kiều, cho biết:

Trong bốn năm đầu tiên thì chúng tôi đi liên tục và hoàn toàn là miền Bắc, là tại vì các bác sĩ ở miền Bắc không có được sự hỗ trợ của Hội Y Sĩ Hoa Kỳ trong mười năm cuối cùng, từ 65 đến 75, thành ra chúng tôi cần tìm hiểu về cách chữa bệnh cũng như sự hiểu biết của bác sĩ miền Bắc như thế nào. Và dù sao chăng nữa hệ thống hành chánh của Việt Nam thì Bộ Y Tế nằm ở miền Bắc và những việc quyết định về ngành Y Tế đều ở miền Bắc hết. Chúng tôi cần hiểu cách suy nghĩ và cách đặt ưu tiên của họ như thế nào.


Tính đến lúc này Dự Án Việt Nam đã có mặt tại ba mươi địa phương, từ những vùng sâu vùng xa như Lạng Sơn, Bắc Cạn, cho đến những tỉnh thành ở đồng bằng sông Hồng cách Hà Nội bốn tiếng đi về. Hai nơi tại miền Bắc mà Project Vietnam chưa đến được do phương tiện giao thông còn khó khăn là Lào Cai và Điện Biên Phủ. Tuy nhiên các giảng viên hoặc nhân viên ý tế trong nước được Project Vietnam đào tạo đã được gởi đến để giúp các Sở Y Tế ở địa phương đó:
Tại sao chúng tôi đặt trọng tâm về sức khỏe của trẻ em? Là vì chúng tôi từ Hàn Lâm Viện Nhi Khoa thì chúng tôi làm việc trong lãnh vực sở trường của chúng tôi. Nói tổng quát làm sao cho trẻ em sinh ra được an toàn về phương diện y tế cũng như phát triển là trọng tâm của chúng tôi.
Chúng tôi thấy khi giúp trẻ em thì tương đối mình đầu tư thời gian nhưng về trang thiết bị cũng giới hạn và dễ đạt tới hơn những bệnh ở người lớn.

Từ 1996 đến 2011, mỗi năm Project Vietnam có ba chuyến công tác y khoa về trong nước, thực hiện chăm sóc y tế bà mẹ và trẻ sơ sinh, khám bệnh và chữa răng cho tất cả năm mươi sáu ngàn người.

Nhìn lại quá trình mười sáu năm trong lãnh vực chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng sâu vùng xa, nhất là giai đoạn đầu đến Việt Nam, bác sĩ Quỳnh Kiều nhận định:

Chăm sóc lúc ban đầu thiếu sót rất nhiều. Trong các nước đang mở mang thì săn sóc trẻ sơ sinh là một lãnh vực rất khó khăn. Tuy rằng Việt Nam đã cải tiến rất nhiều cho tử vong trẻ em trên năm tuổi, nhưng mà phân nửa tử vong trẻ em vẫn nằm trong ba mươi ngày đầu tiên của sự sống. Muốn chăm sóc sơ sinh cho đầy đủ là phải ngay từ giây phút đầu tiên, tốt hơn hết là kể cả lúc trước khi sanh nữa.
Trong những năm vừa qua chúng tôi đã bỏ rất nhiều công sức để hỗ trợ cho vấn đề trẻ sơ sinh .

Từ 2004, Project Vietnam đã hoàn tất xây dựng những chương trình mẫu:

Đối với những miền xa thì cần phải có những trang thiết bị như thế nào, cần phải có những hiểu biết gì, cần phải có những cơ chế hay những guidelines hướng dẫn để chăm sóc sơ sinh như thế nào cho hiệu quả.

Được sự chấp thuận của Bộ Y Tế, bác sĩ Quỳnh Kiều nói tiếp, đến 2010 những chương trình mẫu của Project Vietnam đều có một đơn nguyên sơ sinh:
Tuy rằng có sự cố gắng có sự cải tiến rất nhiều nhưng nó thay đổi và nó không đồng đều đối với mỗi nơi. Có những tỉnh thì có nhiều máy thở, có những nơi khác thì một cái máy đơn giản nhất còn chưa có. Bởi vậy đó là lãnh vực phải cố gắng.

Tháng Ba năm nay, Project Vietnam hoàn tất chương trình huấn luyện và đào tạo trên hai trăm giảng viên, thiết lập mười bốn trung tâm ở các bệnh viên. Đây là những nơi giảng dạy về hồi sức cấp cứu sơ sinh. Ngoài ra, trước giờ hơn ba ngàn nhân viên y tế được đào tạo kiến thức về hồi sức cấp cứu sơ sinh

Chương trình hồi sức cấp cứu sơ sinh là của Hàn Lâm Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ, kể như là hội mẹ của chúng tôi, đưa về cho Việt Nam để chính những bác sĩ trong nước tiếp tục đào tạo nhân viên trong ngành y tế.
Đó là sự thành công và chúng tôi cố gắng tiếp tục nuôi nấng để phát triển thêm nhiều bác sĩ sơ sinh chuyên ngành cao, khuyến khích những huấn luyện viên tiếp tục giảng dạy. Điều rất quan trọng là đặt những hạt giống ở Việt Nam, cho điều kiện để phát triển thành những cây có bóng mát để che chở trẻ em.


Từ 2007, Project Vietnam còn phát huy thêm chương trình Trại Hè, cơ hội cho giới trẻ hải ngoại tiếp xúc và làm việc với giời trẻ trong nước:
Không những Hoa Kỳ mà có những trại sinh từ Canada từ Âu Châu tham gia với chúng tôi nữa, mỗi năm là sáu chục em, đồng thời với những chuyên viên y tế của Project Vietnam, để chữa bệnh, chữa răng cho trẻ em và các gia đình những vùng sâu vùng xa, để hiểu biết thêm về những nhu cầu y tế và tình trạng ở những vùng nghèo khó đó, đến thăm những trẻ em kém may mắn, bị tàn tật ở các viện mồ côi, cùng các em sinh viên trong nước đóng góp để có một chương trình đem lại phúc lợi cho vùng sâu vùng xa.
Trong trại hè hồi tháng Bảy 2011 tổng cộng chín mươi bảy người tham gia, trong đó hơn sáu chục em là sinh viên ở các nơi. Nhiều em tiếng Anh rất tốt mà tiếng Việt thì rất là qua loa, làm việc với ba mươi sinh viên Việt Nam ở hai tỉnh Bến Tre và Kiên Giang, khám chữa bệnh cho ba ngàn năm trăm người.


Đó là công việc của Project Vietnam, Dự Án Việt Nam, trong năm 2011 này, sẽ được tiếp tục bằng mọi cách qua 2012, vì những lợi ích thiết thực đặc biệt đối vói ngành nhi ở Việt Nam, bà mẹ và trẻ sơ sinh cũng như đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa.

Vòng Tay Thái Bình

Tổ chức phi chính phủ thứ hai, Pacific Link, Vòng Tay Thái Bình, chuyên về phòng chống nạn buôn người, nhất là trẻ em ở tại các vùng ven biên Việt Nam giáp giới Kampuchia và Trung Quốc.
Đến Việt Nam từ 2001, đến 2005 Vòng Tay Thái Bình chính thức khởi sự chương trình ADAPT, tức Liên Minh Phòng Chống Buôn Bán Người cho An Giang Đồng Tháp, hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán tái hoà nhập vào gia đình và xã hội, đưa các em về từ những đường dây mãi dâm bên Kampuchia trở lại trường học, khuyến khích em trau dồi kiến thức để vươn lên trong cuộc sống và tự lo cho bản thân.

Những nụ cười thơ ngây trở lại nhờ "Vòng Tay Thái Bình"

Năm 2008, được sự chấp thuận của chính quyền địa phương, Nhà Mở hay Nhà Tạm Lánh của Vòng Tay Thái Bình khai trương tại An Giang. Cả trăm em gái nhỏ, hoặc là nạn nhân hoặc là những em ngoài cộng đồng đang có nguy cơ rơi vào tay những kẻ buôn người, đã và đang nhận sự giúp đỡ hổ trợ từ chương trình ADAPT của Pacific Links. Trên hai ngàn lượt học bỗng của Pacific Links đã đến tay những đối tượng được kể trong bài này.

Cô Diệp Vương, chủ tịch và cũng là người đồng sáng lập Vòng Tay Thái Bình:
Tại vì những địa phương mà chúng tôi đang hoạt động là vùng sâu vùng xa, cũng là vùng biên giới, thì tất cả những nguy cơ rình rập, chuyện phòng ngừa rất là quan trọng. Cái mà chúng tôi cảm thấy cần thiết nhất, trong tầm với và mình có thể làm tốt được là chương trình học bổng cho các em gái đi đến trường.
Có hai ba loại học bổng, học bổng học nghề, học bổng tìm việc làm, nhưng quan trọng nhất của chúng tôi là tiếp tục cho các em đến trường. Khi các em có được cơ hội đến trường học chữ thì đương nhiên là không sa vào tay của bọn buôn người. Một khi các em bỏ học trong độ tuổi mười bốn mười lăm, không chữ không cơ hội thì rất dễ rơi vào tay bọn buôn người trong nước và ngoài nước.


Theo cô Diệp Vương, sự hợp tác và nhận thức từ phía cơ quan hữu trách Việt Nam đối với việc phòng chống tệ nạn buôn người là điều có thể nhận thấy:
Là vì đây là chính quyền ở tại nơi chịu rất nhiều khó khăn, vùng sâu vùng xa, sự hỗ trợ của họ tương xứng với nguy cơ mà họ nhìn thấy được và những gánh nặng về chuyện buôn người xảy ra trong địa bàn của họ. Chuyên buôn bán con gái qua vùng biên giới cũng là chuyện nặng nề cho họ. Trong việc hợp tác với chúng tôi, nhất là về tuyên truyền và phòng chống buôn người thì chúng tôi cảm thấy chính quyền địa phương có sự quan tâm đặc biệt. Một mong muốn thức sự là những việc này không tràn lan một cách tệ hại như thế này.

Tháng Năm 2010, cũng với sự đồng ý của Chi Cục Phòng Chống tệ Nạn Xã Hội tỉnh Lào Cai, Pacific Links khai trương Nhà Mở Nhân Ái tại Lào Cai, hỗ trợ nạn nhân buôn người trở về từ những động mãi dâm bên Trung Quốc mà phần lớn là các cô gái trẻ dân tộc Tày , H’mong và Dao:

Theo thống kê thì hơn 60% của tất cả những việc buôn bán người xảy ra tại biên giới phía Bắc. Vì lý do đó chúng tôi chấp nhận lời mời của chính quyền Lào Cai. Lào Cai là một cửa khẩu rất quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc, cũng là nơi mà rất nhiều chuyện buôn bán người không phải người của Lào Cai không thôi mà rất nhiều nơi.
Khi giải cứu từ bên Trung Quốc và đưa về thì rất nhiều lần bị đưa qua cửa khẩu Lào Cai là người của An Giang, Hậu Giang, Cần Thơ.


Như vậy, trong bảy năm vừa qua, với trên hai ngàn lượt học bổng, đã có những em gái nhỏ ở trong chương trình của Pacific Links được sáu năm. Năm 2011, khoảng ba chục tới bốn chục em tốt nghiệp trung học:
Chúng tôi cảm thấy cuộc đời các em đi theo một hướng khác, các em có những bài toán khác và hy vọng là các em vững bước trên đường đời. Đó là những cái chúng tôi cảm thấy mình đã làm được. Các em trở về, tự giải cứu mình để trở về thì phải nói quyết tâm của các em rất cao, thực sự là cao để các em làm lại cuộc đời.

Năm 2012, ba em nhận học bổng của Vòng Tay Thái Bình sẽ tốt nghiệp trung học và vào đại học:
Đây là bằng cớ hùng hồn nhất cho cái chuyện là chúng ta phải mở rộng thêm nữa những cơ hội học tập, cơ hội làm việc cho các em.

Niềm mong ước năm 2012 của chủ tịch Vòng tay Thái Bình, cô Diệp Vương:
Hy vọng có thể làm thêm được ở nhiều địa phương, hợp tác với các tổ chức khác để có thể trao một phần, một gói hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân buôn bán người mới trở về.
Chúng tôi cũng rất mong muốn chính phủ Việt Nam sớm thông qua Nghị Định Thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người ở tại Việt Nam, và nhất là ký Công Ước Quốc Tế về vấn đề buôn bán người. Đây là một khung pháp lý rất cần thiết và cần phải có, nói lên được quyết tâm mong muốn tội phạm quốc tế về buôn bán người phải thu hẹp phải co rút lại ở Việt Nam.


Câu chuyện của mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tối nay chấm dứt nơi đây. Thanh Trúc xin hẹn lại tối thứ Năm tuần tới.

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments: