Nhận định của Khách Ẩn danh, X-Cafe đặt tựa đề
Sat, 12/31/2011 - 03:52
Cái nguyên tắc tối cao, cho nền chính trị vương đạo là Rule of Law, do đó vấn đề cốt lõi là làm sao để bảo đảm có những bộ luật phù hợp với công lý. Việc kiểm soát sự tuân thủ pháp luật của chính quyền, cơ quan lập pháp, và người dân là do cơ quan tư pháp và tòa án tối cao đảm nhiệm. Cơ chế tam quyền phân lập này kết hợp với quyền tự do ngôn luận của toàn dân (báo chí, truyền thông) sẽ giúp cả bộ máy họat động theo khuôn khổ luật định.
Sở dĩ cơ chế này hoạt động được là dựa trên các nguyên tắc Responsibility, Accountability và Transparency. Tuy có những lúc, những nơi, những con người không tuân thủ nguyên tắc này khiến vẫn xảy ra sai phạm; không thể và không bao giờ loại trừ hết được, điều quan trọng trong cai trị, và là giá trị ưu việt, của cơ chế này là nó có khả năng chế ngự, không cho các sai phạm này trở thành có tính hệ thống trong thời gian dài.
Chưa có phân tích, đánh giá rõ ràng, đầy đủ về mức độ liên quan giữa cơn khủng hoảng tài chính, kinh tế ở Mỹ hiện nay với những khiếm khuyết trong hệ thống chính trị của nước Mỹ. Tuy nhiên một điều rất rõ ràng mà ai cũng thấy là chính quyền Mỹ luôn có những phản ứng nhanh nhạy với tình thế, dư luận dân chúng Mỹ luôn có cơ hội để cất lên tiếng nói, phản ứng mạnh mẽ, tức thời với nhất cử nhất động của chính phủ Mỹ, và những phản ứng này đã và đang tác động rất mạnh đến sự điều chỉnh đường lối, chính sách của chính phủ Mỹ.
Người ta thường hay nói đến các think tank như những bộ não đứng sau hậu trường để tư vấn, định hình cho các chính sách của chính phủ Mỹ, nhưng thực chất các think tank này cũng phải vạch ra các sách lược trên cơ sở phù hợp với quyền lợi của các tầng lớp xã hội Mỹ. Bởi nếu không cân nhắc như thế, các sách lược của các think tank này khó có thể được đưa vào thực hiện trong khuôn khổ các ràng buộc của cơ chế tam quyền phân lập.
Giới chính trị Mỹ hay đề cập đến khái niệm Check and Balance rất hay. Nguyên lý này đơn giản nhưng là cốt lõi, có tính bao quát mọi mặt, mà một cơ chế chính trị cần tuân thủ để đa số các tầng lớp dân chúng có thể chấp nhận được, sống chung hài hòa với nhau.
Có lẽ cái hay của nền chính trị Mỹ xuất phát từ tư tưởng chính trị rất đơn giản, rõ ràng, hợp lý, thực tế 'kiểu Mỹ', đó là thừa nhận xã hội có nhiều tầng lớp dân chúng khác nhau, xã hội phải được dẫn dắt bởi tầng lớp tinh hoa và mọi tầng lớp phải đều có cơ hội như nhau để tự do MƯU CẦU hạnh phúc.
Trong những năm kinh tế Mỹ khấm khá, tài chính dồi dào, ai cũng kiếm tiền dễ dàng, tiêu xài thoải mái, thì mọi ngưởi dân Mỹ đều vô tư, không ai nghĩ rằng mình đang tiêu tiền quá mức có thể làm ra, nói thẳng là dân Mỹ đã hưởng thụ quá mức, trong một thời gian dài, không tương xứng với khả năng, nên vô tư, vô tình, đã cùng nhau gài quả bom định giờ cho sự xuống dốc tệ hại của nền kinh tế Mỹ hiện nay.
Sách lược toàn cầu hóa nhằm mở rộng, tăng cường ảnh hưởng, sức mạnh của nền kinh tế Mỹ được dân Mỹ, mà đại diện của nó là lưỡng viện quốc hội, tán thành. Chủ trương nới lỏng các qui định chế tài (deregulation) đối với các hoạt động kinh doanh tài chính, ngân hàng cũng được quốc hội Mỹ thông qua. Các sách lược, chủ trương đó đã tạo ra phồn vinh cho kinh tế Mỹ trong một thời gian dài kể từ thời Bill Clinton thay George Bush cha làm tổng thống, thể hiện qua các điểm nổi bật sau
Tăng sản xuất và xuất khẩu kỹ thuật cao để thu lợi nhuận lớn.
Tăng đầu tư vào các quốc gia kỹ nghệ mới để hưởng lợi thế từ giá nhân công rẻ trong sản xuất hàng tiêu dùng, kỹ thuật 'không cao'.
Nới lỏng kiểm soát, thúc đẩy tín dụng cho dân chúng Mỹ để kích thích đầu tư, tiêu dùng, đặc biệt khuyến khích ngành địa ốc để tăng sức kéo cho nền kinh tế.
Mọi việc thoạt nhìn có vẻ rất hợp lý về mặt sách lược vĩ mô, theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên vấn đề kinh tế nào rồi cũng bị ràng buộc bởi các yếu tố xã hội và nhân tố con người, cho nên mới nảy sinh những rối rắm mà hiện nay nước Mỹ đang phải loay hoay tìm cách giải quyết, đó là:
Lòng tham của giới tư bản tài chính trong bước đường 'mưu cầu hạnh phúc' đã khiến họ đưa ra những 'chiêu bài' kinh doanh liều lĩnh, cho vay dễ dãi, hình thành và mua bán vô tội vạ các loại cổ phiếu nợ rất rủi ro, tiếp tay đẩy thị trường đầu cơ địa ốc cùng các định chế tài chính gắn chặt với nó đến mức phải đổ sụp vì quá sức chịu đựng.
Người dân Mỹ một mặt lao vào cơn lốc tiêu dùng, đầu cơ, hưởng thụ, mặt khác đa số không hoặc chưa hội đủ năng lực để có thể tham gia vào các ngành kinh tế mới, kỹ thuật cao, tạo ra giá trị lớn cho kinh tế nước Mỹ (theo sách lược toàn cầu hóa), trong khi các công việc sản xuất tầm trung, thấp thì dần dà đã bị chuyển ra nước ngoài theo những tính toán lợi nhuận đầu tư trên qui mô tòan cầu.
Hệ quả của các vấn nạn trên là:
Tiền của đang ngày càng tập trung một cách nhanh, nhiều vào một số ít giới chủ tư bản, còn người làm công ăn lương thì phải thất nghiệp, dẫn đến hiện tượng 1% vs 99% và phong trào Occupy Everywhere Everything.
Dân Mỹ mất việc làm, không có tiền trả nợ, sức tiều thụ giảm, đẩy nhanh vòng xoáy lao dốc của kinh tế nội địa của nước Mỹ.
Cần nói thêm ở đây rằng việc nước Mỹ tiến hành các cuộc chiến tranh gần đây ở Trung Đông đã góp phần không nhỏ làm thâm hụt ngân sách của nước Mỹ, ảnh hưởng đến các chương trình an sinh xã hội, nhưng thực chất đấy không phải là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng kinh tế Mỹ suy giảm như hiện tại. Trong điều kiện bình thường, không có các yếu tố tác hại như đã nêu, chiến tranh có thể đã kích thích sự tăng trưởng của kinh tế Mỹ như lịch sử từng cho thấy. Còn việc nước Mỹ có nên tiến hành các cuộc chiến ở Trung Đông như vừa qua hay không thì là một câu chuyện rất phức tạp khác, chưa có phân tích nào là cặn kẻ, cuối cùng.
Nhìn nhận lại các sự việc như trên, có thể thấy rằng những vấn đề khó khăn của nước Mỹ hiện nay có lẽ không là chỉ dấu cho việc hệ thống chính trị Mỹ bị tư bản thao túng, chỉ có thể xét đoán được rằng, hoặc là năng lực trí tuệ của giới cầm quyền, tinh hoa của nước Mỹ chưa đủ tầm để lường trước, chuẩn bị và giải quyết kịp thời những vần đề kinh tế, xã hội phức tạp mới nảy sinh trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự dịch chuyển tự do các dòng vốn, nhân lực, công nghệ trên qui mô toàn cầu, hoặc là giới tinh hoa này do quá phấn khích với viễn cảnh của một thời đại Mỹ sau khi khối CS Đông Âu sụp đổ, nên đã vội vã, không cẩn trọng để nghiền ngẫm, đào sâu mọi ngóc ngách của các vấn đề, hình dung, dự tính được hết các hệ quả kinh tế, xã hội trước khi dương cao ngọn cờ, dẫn nước Mỹ và cả thế giới bước trên con đường toàn cầu hóa.
Hiến pháp Mỹ tôn trọng quyền tự do mưu cầu hạnh phúc của mọi tầng lớp dân chúng Mỹ. Trong cuộc đua mưu cầu hạnh phúc này, ai tự nhiên cũng có lòng tham, giới chủ tư bản Mỹ, người dân lao động Mỹ đều đã có thời gian dài cùng nhau lao vào cuộc chơi đầu tư, vay mượn, tiêu dùng bất tận, tất cả cùng vui vẻ, tự nguyện, hăng say, không ai trách móc ai, thì nay đã phải tỉnh ra và quay về lại với những điều căn bản nhất, đó là làm theo năng lực, hưởng theo đúng năng lực; một sự thật gai góc của thời đại toàn cầu hóa mà nay dân Mỹ phải chấp nhận là tiền công lao động 1 USD ở thế giới thứ ba thì cũng đáng giá 1 USD cho công lao động tương tự ở thế giới thứ nhất, không hơn, không kém ! Đây là một trong những nguyên nhân gốc rễ cho các vấn đề xã hội mà nước Mỹ đang rất bối rối để tìm ra cách giải quyết !
Không màng đến cơ chế check and balance của nền chính trị Mỹ, những người theo thuyết âm mưu vẫn có thể tin rằng có những cái đầu suy tính, những bàn tay xếp đặt ở đâu đó trong bóng tối, đã dẫn dắt sự việc lâu nay theo mục đích riêng của họ, khiến xảy ra kết cục xấu cho kinh tế, xã hội Mỹ như hiện nay. Tuy nhiên cũng có thể đặt một câu hỏi lớn ở đây là liệu những thế lực như thế trong giới tinh hoa Mỹ, muốn kiểm soát nước Mỹ, có muốn nhìn thấy một nước Mỹ suy yếu về kinh tế như hiện nay hay không?
Có 2 vấn đề mà hiện tại dân Mỹ lấy làm bất bình và tập trung phê phán như là sai lầm của chính phủ Mỹ, đã làm lợi cho tư bản và không quan tâm đúng mức đến quyền lợi của giới lao động:
Đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, khiến dân Mỹ thất nghiệp ở những ngành nghề cần kỹ năng trung bình, thấp, và có thể hoán đổi được.
Khủng hoảng tài chính khiến giá trị tài sản đầu tư và bất động sản suy giảm nghiêm trọng, nợ gia tăng, nhà đầu tư lẫn người tiêu thụ mất lòng tin, cơ hội kinh doanh, làm việc giảm.
Thực ra hai vấn đề này khởi đi độc lập với nhau nhưng một khi phát sinh thì hệ quả của chúng cọng hưởng lẫn nhau, làm trầm trọng thêm mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội Mỹ.
Đối với vấn đề thứ nhất, nếu xét ở khía cạnh kinh tế thì chính phủ Mỹ không có lý do gì để ngăn chận việc đầu tư tư bản ra nườc ngoài một khi nó mang lại lợi ích kinh tế to lớn và làm gia tăng ảnh hưởng, quyền lợi của nước Mỹ trên toàn cầu. Có trách chăng là những vấn đề xã hội như nạn thất nghiệp nảy sinh từ làn sóng đầu tư ra ngoại quốc này, đã không được chính phủ Mỹ chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết. Thực ra thì những chương trình có tính dài hơi nhằm cải thiện giáo dục thời George W. Bush như 'No Child Left Behind' cùng với các chương trình tái đào tạo nghề nghiệp, nhắm đến việc nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cá nhân cho các thế hệ dân Mỹ, hay các chương trình thúc đẩy, tác động nhanh, để tạo thêm công ăn việc làm ở những lĩnh vực hạ tầng, năng lượng, y tế, ... , chương trình gia hạn các trợ cấp thất nghiệp cho dân Mỹ hiện nay của Barrack Obama, cũng nhằm giải quyết các vấn đề xã hội nêu trên. Tuy nhiên do thành phần dân chúng trong xã hội Mỹ không đồng đều và qui mô dân số lớn, nên không thể một sớm một chiều mà các kế hoạch này có hiệu quả ngay được. Một trường hợp đáng để đối chiếu với nước Mỹ khi xét đến các tác động của toàn cầu hóa là nước Đức, với thành phần dân cư tương đối đồng đều về trình độ, nước Đức nói chung đã không gặp phải những vấn đề xã hội như nước Mỹ hiện nay, ngược lại họ đang hưởng lợi rất nhiều từ xu hướng toàn cầu hóa; xuất khẩu gia tăng mạnh, liên tục, công ăn việc làm vẫn phát triển tốt, dân Đức không bị mất việc làm nhiều là do phần lớn được đào tạo kỹ càng, có kỹ năng cao để làm việc trong các ngành nghề công nghiệp chế tạo, kỹ thuật cao, mà không nước nào có thể thay thế hay cạnh tranh nổi, tuy dân Đức không 'giỏi' về kinh doanh tài chính như dân Mỹ.
Vấn đề thứ hai thì nói như dân Mỹ 'It takes two to tango', hay như dân VN 'Tại anh tại ả, tại cả đôi bên'. Chính sách nới lỏng kiểm soát các hoạt động tín dụng, đầu tư, để kích thích kinh tế phát triển là đường lối đúng của các chính phủ Mỹ kể từ thời Ronald Reagan. Cả các công ty tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp lẫn dân chúng Mỹ đều hăng hái, tự nguyện chấp nhận rủi ro để cùng tham gia cuộc chơi kiếm lợi dễ dàng (easy money). Chỉ khi sự việc đi quá đà, đổ bể ra thì những người bị thua thiệt quay lại trách móc đủ điều, đổ lỗi cho mọi người khác. Thực ra điều đáng trách chăng ở đây là chính phủ Mỹ đã buông lỏng quá mức các biện pháp kiểm soát thiết yếu, trong một thời gian dài, dẫn đến rủi ro quá cao trong các hoạt động tín dụng và kinh doanh tài chính, và khi xảy ra khủng hoảng thì lại dùng tiền ngân quỹ quốc gia để cứu các công ty tài chính, ngân hàng lớn trước, mà không quan tâm đến sự thua lỗ của các tổ chức, nhà đầu tư nhỏ, cá nhân. Có thể nói mãnh lực đống tiền đã làm mờ mắt cả nhà cái lẫn dân chơi, không trừ một ai.
Dư luận xã hội Mỹ, như từ các phong trào Occupy hiện nay, đòi hỏi giới chủ tư bản Mỹ có trách nhiệm xã hội hơn trong việc theo đuổi sự nghiệp làm giàu toàn cầu hóa của họ. Dân Mỹ đang kêu gọi, yêu cầu giới tư bản Mỹ đã làm giàu nhiều từ đầu tư ra ngoại quốc, nhờ khai thác sức lao động rẻ ở các nước đang phát triển, phải đóng thuế nhiều hơn nữa cho nước Mỹ, chia sẻ phúc lợi và tái đầu tư trở lại nước Mỹ để tạo ra cơ hội công ăn việc làm trong các lĩnh vực mới tại nội địa cho dân Mỹ.
Xét cho cùng thì thực ra đây là lời kêu gọi hành xử theo đạo lý chứ không phải yêu cầu tuân thủ pháp lý. Giới chủ tư bản Mỹ có thể nghe theo hoặc bỏ ngoài tai, nhưng chính phủ Mỹ, với trách nhiệm phải bảo đảm các cơ hội mưu cầu hạnh phúc như nhau cho mọi tầng lớp xã hội Mỹ, ắt sẽ phải có hành động để tái lập sự cân bằng, làm hài hòa quyền lợi của các tầng lớp nhân dân Mỹ, như lịch sử đã từng cho thấy các trường hợp tương tự khi chính phủ Mỹ đưa được nước Mỹ ra khỏi các thời kỳ kinh tế, xã hội khó khăn bi đát và hướng xã hội Mỹ đến giai đoạn phát triển mới qua các chính sách New Deal sau cơn đại khủng hoảng năm 1930, hay Great Society sau các biến động dữ dội về dân quyền trong thập niên 1960.
Tuy nhiên, ngoài những điều chỉnh chính sách mà giới tinh hoa Mỹ và chính phủ Mỹ chắc chắn đang phải tính đến, rốt cuộc lại thì giải pháp căn cơ nhất cho các vấn đề xã hội Mỹ hiện tại vẫn là mỗi người dân Mỹ phải tự ra sức nâng cao năng lực cạnh tranh của mình trên bình diện thế giới, chứ không chỉ tại nội địa nước Mỹ, để tăng cơ may bảo đảm được công ăn việc làm, chu toàn đời sống cá nhân, gia đình, góp phần ổn định xã hội và qua đó đóng góp hữu hiệu vào năng lực cạnh tranh, giữ vị thế dẫn đầu của nước Mỹ trên toàn cầu. Chính phủ Mỹ thực ra có các chính sách, chương trình ưu tiên hỗ trợ để dân Mỹ theo đuổi những mục tiêu 'cao cả' này, nhưng năng lực dân Mỹ đáp ứng được đến đâu thì là một câu chuyện dài khác; giới tinh hoa Mỹ đang lo lắng là phần đông giới trẻ Mỹ đang lơ là các ngành học STEM (Science, Technology, Engineering, Math) mà chỉ thích thú với lĩnh vực kinh doanh tài chính hoặc làm các ngôi sao lực sĩ, nghệ sĩ, bác sĩ, nghị sĩ ... và các loại sĩ khác.
Nếu tầng lớp trung lưu Mỹ cứ sống, chiến đấu, lao động, học tập như bấy lâu nay, trong khi đó lại lĩnh lương gấp năm, gấp chục lần tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển có cùng khả năng làm việc tương đương, thì sớm muộn gì giấc mơ Mỹ cũng tan biến mất theo cơn gió vô hình nhưng vô cùng mạnh mẽ của trào lưu kinh doanh toàn cầu hóa. Đến lúc đó thì xã hội Mỹ sẽ thật sự khủng hoảng tận gốc rễ, như đã có những dấu hiệu bắt đầu cho thấy như thế.
.
.
.
No comments:
Post a Comment