Mọt Sách
Sunday, December 4, 2011
(Tiếp theo)
Tập trung tổ tiên
“Hôm nay cả làng nghỉ lao động để làm một trong những việc trọng đại nhất trong lịch sử làng: tập trung tổ tiên”.
Quả là độc đáo!
Tại sao cách mạng vô sản lại “chủ trương” tập trung tổ tiên?
Hóa ra chặt cây cổ thụ để xóa cái cũ là chuyện dễ ợt, nhưng tập trung cả làng vào một ngôi nhà lớn để ăn chung, ngủ chung dưới một mái nhà “đại đồng” chứ không chỉ đêm đêm mới đến ngủ tập trung như hiện tình thì lại đòi hỏi lắm thứ ngoài tầm tay: “phải có gạch, phải lắm tiền nhiều của để xây từng dãy nhà dài cho từng giới và từng lứa tuổi nam phụ lão ấu. Lại cần phải xây một cái bếp thật lớn có nhiều nồi, nhiều bát đũa nhiều mâm. Nhiêu khê lắm.” Vậy là công trình “nhà đại đồng” cho người sống thì cứ tạm để đấy, chưa làm được.
Thế còn người chết? Tại sao không nhỉ? Mỗi người chết chỉ còn tồn tại như một cái bài vị, ảnh thờ, hoặc bát hương. Vậy thì căn “nhà đại đồng” cho quý vị đã chầu âm phủ bất quá cũng chỉ bằng một cái phòng thôi chứ gì? Cách mạng thừa sức xây dựng được. Chỉ cần đem tổ tiên tập trung lại, có khó khăn gì!
Phong tục làng tôi cũng như khắp nơi nơi trên cái nước Việt Nam này là người chết mang ra đồng chôn, hoặc hỏa táng và ít ra mỗi người cũng còn có một cái linh vị trên bàn thờ mỗi gia đình để khói nhang giỗ tết. Ấy thế mà đùng một cái... “Phong tục hình thành bền vững hàng trăm hàng ngàn năm, nhưng “cách mạng” cái phong tục này lại quá đơn giản...”
Đơn giản như thế nào?
Lẽ ra một “chủ trương lớn” như vậy, tập trung ông bà tổ tiên của cả làng vào một nơi chứ bỡn - phải tiến hành lần lượt theo từng bước. Nào tổ chức quán triệt trong nội bộ Đảng, nào phổ biến ra toàn dân thông suốt, nào thực hiện theo đúng phương châm “mục tiêu một, quyết tâm hai, biện pháp ba” nắm chắc thắng lợi mới tiến hành. Đằng này không, “đêm hôm trước, tập trung bà con để giải thích ý nghĩa của công việc. Sáng hôm sau, từng gia đình đã phải rước tổ tiên đến nhà thờ họ. Rồi từ nhà thờ họ, tổ tiên lại được rước đến nhà thờ đại tôn. Như vậy là cả làng chỉ có một nơi thờ tự, tất cả mọi bàn thờ cá thể bị phế bỏ”. Vậy là từ nay tổ tiên, ông bà ông vải “chung sống đại đồng”, đến ngày giỗ con cháu cứ mang đồ cúng tới thắp nhang và tất nhiên được chia đều cho tuốt luốt mọi “vong linh” không phân biệt già trẻ, sang hèn, coi như “chủ nghĩa cộng sản đã thắng lợi trước hết ở dưới... cõi âm!”
Tuy nhiên, tập trung tổ tiên là quyết định dễ dàng đối với Đảng nhưng lại cực kỳ day dứt đối với người dân, trước hết là do tình cảm của họ đối với bậc sinh thành. Với gia đình tác giả, lẽ ra chỉ cần rước đi cái bài vị ra nơi tập trung là xong, nhưng “cha tôi đã sửa soạn từ chiều hôm trước. Để bà con láng giềng không biết, mãi đến tối mịt cha mới đem trưng ra tất cả những đồ tế khí vốn chỉ dùng trong ngày tết như đũa sơn, bát trái hồng, đĩa cây trúc, đĩa con phượng, đôi hạc đồng ngậm hoa sen...”. Tuy không phải ngày tết nhưng ông cũng cúng vái y như ngày tết là bởi vì:
“Ông bà tổ tiên chỉ được hưởng những thứ này lần cuối cùng thôi. Sáng mai ông bà đi tập trung rồi, có về nhà mình nữa đâu...”
“Có về nhà mình nữa đâu” - tác giả hạ một câu nhẹ nhàng mà lòng như xát muối, ôi chao ôi, cách mạng là ưu việt, là thần kỳ, là giải phóng cho nhân dân, nhưng chẳng hiểu vì sao lại đuổi tổ tiên ra khỏi nhà?
Chuyện ngang ngược như vậy ngay đến “mẹ tôi” là đảng viên cộng sản cũng không thông được, nhưng bà cũng chỉ biết ngậm đắng nuốt cay mà không dám nói ra. “Mẹ tôi hình như thâu đêm không ngủ, quá khuya mới đi họp về. Mẹ lo vo nếp, làm thịt gà để cúng. Trước khi rước ông bà đi tập trung, mẹ tôi đứng chắp tay khấn. Ồ, sao lạ thế, chưa hề bao giờ tôi thấy mẹ khấn. Những ngày giỗ ngày tết chỉ có ông hoặc cha khấn, chứ đàn bà con gái có được khấn đâu. Thế mà bây giờ, lần đầu tiên, mẹ khấn. Đang khấn dở chừng, bỗng nhiên mẹ òa khóc, chạy vào buồng. Mẹ nói nhỏ với tôi qua nước mắt: “Con ra khấn ông bà đi, lớn lên con không được khấn nữa đâu...”.
Ở đây người ta thấy rõ phẩm chất tuân phục đến mù quáng của người đảng viên cộng sản, một khi Đảng đã “ra nghị quyết” thì người đảng viên dẫu thấy sai trái mười mươi cũng vẫn cứ phải nhắm mắt vâng theo mà không được phép buông một lời oán thán.
*
Và rồi cái ngày rước tổ tiên ra nơi tập trung cũng đã tới!
“Có đám rước nào trên thế gian độc đáo như đám rước của làng tôi ngày hôm nay? Hai trăm gia đình tổ chức hai trăm đám rước cùng một lúc. Mỗi gia đình một vẻ, muôn hình nghìn sắc. Nhà giàu thì rước to, nhà nghèo thì rước nhỏ. Nhà đông con cháu thì đám rước đông, nhà ít người thì đám rước bé. Bố, mẹ, con, cháu rối rít thành đoàn thành lũ. Có nhà rước giá gương. Có nhà rước cọc đèn sơn đỏ. Có nhà rước bát hương...”
Quả thật trên thế giới chưa có dân tộc nào phải hai lần rước người thân về nơi chín suối như ở cái làng Bùng này: một lần ra nghĩa địa và thêm một lần về nhà tập trung!
Có lẽ chưa nhà xã hội học nào đã bỏ công ra nghiên cứu xem tại sao chủ nghĩa cộng sản lại đẻ ra những yêu cầu trái khoáy như chuyện tập trung tổ tiên tại cái làng Bùng nhỏ bé ở cái nước Việt Nam này. Chắc nó có cội nguồn sâu xa ở chủ thuyết vô thần của cuộc cách mạng vô sản. Đám rước tổ tiên về nơi tập trung được tác giả khắc họa rất giản dị, chân thực như một bức tranh ký họa nhưng lại ẩn chứa rất nhiều điều kỳ quặc về cuộc cách mạng đang diễn ra trên làng quê vốn đã xơ xác và khốn khổ.
Cố Tuấn không vợ không con, chỉ có mình cố bưng cái bát đàn sứt mẻ cắm mấy nén hương đen. Bà Đồn suốt ngày đi làm thuê, tối về nằm còng queo trong cái túp lều lụp sụp có hai cái bát để ăn cũng phải dành một cái đi rước. Riêng nhà bà Cựu Diệm rước to nhất, có người bê giá gương, có người cầm cọc đèn, người cầm chuông vừa đi vừa gõ, tiếp đến những người cầm câu đối và liễn thờ màu đỏ màu vàng... Dù giàu hay nghèo nhưng tất cả mọi người có chung một cảm giác đau đớn, buồn tủi đuổi tổ tiên khỏi nhà mà không ai dám hé răng nói một lời.
Tuy nhiên, mọi sự đều có giới hạn của nó, đồng chí cán bộ Đảng Chắt Kế cũng gương mẫu rước tổ tiên ra nơi tập trung nhưng lại đi “quá đà” biến ngay gian thờ cũ thành phòng ở cho cô con gái mới lấy anh bộ đội. Đến nước này thì dân làng không còn chịu nổi chướng tai gai mắt nữa. Họ bất bình, xầm xì: “Có đời thuở nhà ai lại đem nhà thờ làm cái nơi ngủ của bà O với ông Dượng. Đời sống mới gì lạ thế? Đời sống mới đến đâu cũng phải giữ lấy nề nếp gia phong chứ...”.
“Nề nếp gia phong” nghĩ lại mà thấy tội nghiệp cho những người dân quê, họ đâu có biết rằng chỉ vài năm sau, khi Đảng phóng tay phát động quần chúng làm cải cách ruộng đất thì chẳng những cái “gia phong” ấy không còn nữa mà một thảm trạng kinh hoàng đã xảy tới, con tố cha, vợ tố chồng... đau đớn, tủi nhục trước nay chưa hề thấy.
Sau khi tất cả tổ tiên trong làng đã được tập trung vào một nơi, cách mạng bắt đầu cho phá tất cả những nhà thờ họ trong làng. “Có nhà thờ biến thành địa điểm hội họp. Có nhà thờ biến thành kho phân.”
Tại sao chốn linh thiêng nhất của mỗi dòng họ đều bị phá hủy mà người dân chẳng những không phản đối mà lại còn tích cực hưởng ứng?
Họ hết sợ trời Phật, quỷ thần rồi sao? Không phải, mà chính là do cách mạng đã khôn khéo đánh vào lòng tham của họ: “Hầu hết các nhà thờ đều rỡ ra cùng với những đồ tế tự, đem chia đều cho mọi người: người được gạch, người được cái án thư, người được cái trướng, người được chục bát...”
Hóa ra cách mạng đã biến công cuộc cải tạo xây dựng đời sống mới thành một cuộc cướp ngày chia chác cho những người tham gia. Bởi thế trách gì người dân trong làng chẳng rần rần cầm búa cầm cuốc theo lệnh cách mạng đi phá đền đài, miếu mạo?
Khi công cuộc “tập trung tổ tiên” đã hoàn thành, tác giả phải than trời: “Thế là thôi, hết nơi thờ tự, hết nơi sum họp huyết tộc. Các dòng họ bỗng dưng ly tán...”.
Các dòng họ quy về một nơi tưởng sẽ gắn kết nào ngờ tan tác hết, ảo tưởng “đại đồng” của những người cộng sản hóa ra phản tác dụng “càng tập trung, lòng người càng ly tán”.
Tại sao vậy?
Nguyên là bảy trăm năm trước, có một người từ miền Bắc vào chiêu dân lập ấp. Trong một lần ngủ mơ, ông thấy được rồng cõng lên, bay chu du khắp vòm trời. Khi tỉnh dậy ông vươn vai hóa thành người khổng lồ giết hết rắn rết, hổ báo, gọi dân về cày cấy. Từ đó làng suy tôn ông là đức tổ Triệu Cơ, lập nhà thờ đại tôn, mấy trăm năm qua chỉ thờ riêng mình ông một cách trang nghiêm.
Từ ngày cách mạng tập trung tổ tiên, đức ông Triệu Cơ phải ngồi cùng với vong hồn bá tánh “thậm chí cả lưu manh, kẻ cắp và ăn mày...”... “nhiều cụ tỏ vẻ không bằng lòng, nhưng cũng đành im cho xong chuyện, thời nào theo phép ấy, chống lại làm sao được?”
Từ đó ngôi nhà thờ đại tôn oai nghiêm phải đặt hổ lốn đủ đồ tế sự: “lọng ngai, hạc gỗ, giá gươm, bát hương sứ, bát hương sành thậm chí cả bát sắt bát mẻ, nhiễu điều rách che giá gương...”. Tác giả phải thốt lên: “Ôi thôi, trăm thứ bà rằn chen chúc nhau lộn xộn. Còn ra thể thống gì. Còn gì là tôn nghiêm...”
Ngay từ hồi chủ nghĩa cộng sản mới giành được thắng lợi ở nước Nga Sa hoàng, một nhà báo tên là Prudon đã vạch trần: “chủ nghĩa cộng sản là sự đánh đồng cái đẹp với cái xấu, cái thiện với cái ác, cái cao thượng với cái ti tiện...”. Việc tập trung tất cả tổ tiên vào một nơi ở làng Bùng quả là một hình ảnh sinh động minh chứng cho ý kiến trên.
Khi Đảng đã “ra chủ trương”, tất nhiên người dân không dám ra mặt phản đối, tuy nhiên họ vẫn tỏ thái độ theo cách riêng của họ “nhiều cụ thấy tình cảnh vậy, chán nản không muốn đến ngày giỗ Tổ. Nhà thờ đại tôn ngày càng hoang vắng. Ngói vỡ. Tường gạch loang lổ từng mảng. Câu đối bị đánh cắp. Trẻ em viết nguệch ngoạc, bậy bạ lên cánh cửa...”
Cái nhà thờ tổ tiên đã tan hoang, vậy nhưng Đảng vẫn chưa... tha. Thờ tự đâu có quan trọng bằng sản xuất, thế là “đùng một cái, ông Bí thư Đảng ủy xã quyết định lấy nhà thờ đại tôn của họ Võ làm... kho thóc...”
Đến mức đó thì các cụ trong làng không thể ngồi yên. “Cả làng chỉ còn lại một nhà thờ mà ông Đảng cũng đòi chiếm làm kho thóc thì thờ cúng vào đâu? Con cháu vô ơn bội nghĩa với tổ tiên à? Phải kêu lên tận Đảng ủy...”
Than ôi, con kiến mày kiện củ khoai, Đảng cấp dưới, Đảng cấp trên, Đảng ở đâu mà chẳng vậy, quả nhiên ông Bí thư nghe tin các cụ định kiện đã nói như búa bổ:
“Đồng bào miền Nam hy sinh xương máu không tiếc, bà con ta ngồi ở hậu phương lại tiếc cái nhà thờ à?”
Đồng chí Bí thư đã đưa “xương máu của đồng bào miền Nam ta” ra như vậy, cố nội thằng nào còn dám cãi. Muốn bị kết tội “phản động”, tập trung cải tạo hả? Thế là các cụ trong làng im thít, “đành phải buông tay xót xa nhìn ngôi nhà thờ biến thành kho thóc”.
Vậy là chỉ trong vòng vài tháng cách mạng thành công tại làng Bùng, những người cộng sản đã đạt được những “thành tích” rực rỡ: nào biến phụ nữ thành “nữ tướng” vác súng, mặc quần đùi, cưới đời sống mới trong đó cô dâu thách cưới bằng... lựu đạn, nào bỏ tết cổ truyền cũng như các hình thức văn nghệ dân tộc như tuồng, chèo... bắt dân làng ngủ chung, chặt hạ các cây cổ thụ, tập trung tổ tiên của mọi nhà vào một xó... Tuy nhiên, cuộc cách mạng vẫn tiếp diễn, và Đảng lại mở một chiến dịch mới, kỳ quặc nhất trong lịch sử nhân loại:
Tập trung thần, thánh, Phật
Làng tôi có con sông Bùng chảy qua, “bao nhiêu đêm trăng, đám trai trong làng đã đóng bè chuối vượt sông để hát đối đáp với đám con gái làng bên. Con sông tình ca và cũng là con sông thần thoại”.
Sông Bùng của tác giả là cái nôi sản sinh ra nhiều vị thần. Vì thế trong làng cũng có nhiều đền thờ thần như “ông Đùng đã dùng tay không xẻ đất mở nền sông Bùng tiêu nước đồng trũng ra bể...”, “thần Cửa Thung đánh nhau với lũ thủy quái để ngăn nước mặn tràn vào đồng”, “thần Áo Trắng đã cứu vua Lê thoát khỏi tay giặc Minh ngay bên bờ sông...”.
Ngoài các vị thần còn có các vị thánh, các nhân vật lịch sử có công với làng xóm, có cả chùa thờ Phật, miếu thờ những vong hồn bất hạnh... Ấy thế đùng cái, “lệnh của chính quyền địa phương không ai được cưỡng: “tất cả các thánh, thần, phật ở rải rác trong thôn trong xã đều phải về tập trung tại đền Hàng Khoán dưới chân núi Hai Vai...”
Tại sao cách mạng mới lên còn bộn bề công việc bận rộn như vậy mà lại đi làm cái việc “gây chiến” với thần thánh vậy? Có phải do trình độ cán bộ lúc đó còn thấp, mắc bệnh tả khuynh “ấu trĩ cộng sản” không?
Không phải vậy, bởi lẽ sự triệt phá thần thánh, “lấy đền miếu làm kho hợp tác” còn kéo dài suốt cả một thời bao cấp sang tới thời kinh tế thị trường vẫn chưa thôi.
Từ thượng cổ, con người vẫn có hai cơ chế kiểm soát: ở bên trong là trời Phật, ở bên ngoài là luật pháp và miệng tiếng người đời. Chủ nghĩa cộng sản xóa bỏ cả hai cơ chế kiểm soát con người bên trong và bên ngoài để thiết lập một cơ chế kiểm soát toàn trị bằng một ý thức hệ thô thiển, giản lược hóa con người vào những mô hình kinh tế, bằng các tổ chức quản lý thực chất là kìm kẹp, bằng những chủ trương, chính sách đường lối dựa trên một “khế ước xã hội” áp đặt lên toàn dân: Đảng là mặt trời duy nhất, và quyền lợi của Đảng là tối cao, cao hơn cả dân tộc và lịch sử.
Để tuyệt đối hóa vai trò bao trùm của mình lên toàn xã hội, vào thời kỳ đó, Đảng chủ trương phải xóa bỏ cơ chế kiểm soát bên trong con người cũ, thiết lập cơ chế kiểm soát mới bằng xóa bỏ giáo lý của tôn giáo, chôn vùi huyền thoại của tín ngưỡng, thay thế chúng bằng những tín điều cộng sản, xóa bỏ thần Phật thay thế bằng hình ảnh các lãnh tụ.
Người dân trong làng đâu có biết tới những căn nguyên sâu xa đó, bởi vậy “cái cú tập trung ông bà, ông vải, tổ tiên đã làm cho mọi người choáng; bồi thêm cái cú tập trung thần thánh này nữa có thể làm cho dân làng bị ngất...”
Nhưng dù có ngất đi thì cũng phải tỉnh lại để mà tỉnh táo thực hiện chủ trương của Đảng. Lệnh ban ra quá gấp, thời gian thực hiện Đảng chỉ cho đúng một đêm “làm lễ tiễn đưa thần thánh”.
Thế là “nhiều ông cụ, bà cụ tất tưởi chạy hết miếu này tới đình kia qua chùa nọ để thắp hương, để khấn vái, nhỡ bỏ sót một nơi nào trong giờ phút thiêng liêng này thì sợ thần thánh giận...”
Thực hiện cái công việc vô ơn với người xưa này, ngay cả mẹ tác giả là đảng viên cộng sản trong thâm tâm cũng không đồng tình mà đâu dám nói ra. Ngoài mặt bà vẫn nói cứng:
“Cách mạng triệt để con ạ. Chủ nghĩa cộng sản là tập thể hóa. Thần thánh tập thể trước, sau đó sẽ tập thể con người...”
Bà chỉ nói ngoài miệng vậy thôi, thực chất bên trong có điều gì đó làm mẹ “mệt nhừ người, mặt bệch bạc vì mất ngủ...” và bà khóc thầm. “Hình như trong lòng mẹ đang nén lại một điều gì khó bộc lộ cho ai biết...”
Tuy nhiên, bất chấp các cụ trong làng ta thán, nhiều đảng viên ngấm ngầm thở dài, công tác tập trung thần, thánh, Phật vẫn được tiến hành và người dân vẫn cúi mặt chấp hành và rỉ tai nhau những tin đồn “Pho tượng đức thánh Khổng tử ở nhà thánh của hội Tư Văn bỗng nhiên mặt đỏ bừng bừng, Pho tượng Phật ở ngôi chùa xóm Trang Hà bỗng lắc lư làm rung cả tòa sen. Bình hương ở ngôi miếu sau đền bỗng nhiên bốc lửa, long ngai ở nhà Thánh tông bỗng nhiên chảy máu...”
Tất nhiên với Đảng những lời đồn thổi như vậy chẳng qua là sự phá hoại của kẻ địch giấu mặt và lập tức Đảng dùng nó như cái cớ để ép buộc dân thu gom thần Phật tích cực và khẩn trương hơn nữa...
Tất cả chư thần, chư Phật trong làng phải được tập trung trong có... một đêm. Lệnh Đảng đã ban ra như vậy, thằng dân nào dám chống? Thế là cái đêm hôm ấy thực sự là đêm đất trời đảo điên, quỷ khốc thần sầu khi dân làng phải đưa hết thần Phật ra khỏi đền chùa miếu mạo để tập trung tất cả vào một xó.
Ngôi đền lớn nhất và linh thiêng nhất trong làng là đền thờ Bạch Y thần. Trong cuốn “Lam Sơn thực lục” Nguyễn Trãi có ghi rõ vua Lê cùng với Lê Liễu chạy giặc Minh đến sông Khả Lam thì thấy thi thể một người đàn bà mặc áo trắng nằm chết ở đó. Vua khấn rằng ta bị giặc Minh đuổi đến đây, xin người giúp ta mai sau thành sự nghiệp lớn sẽ lập đền thờ. Vừa khấn xong thì giặc và chó ngao đuổi tới, người đàn bà hóa thành con chồn trắng chạy đi cho chó ngao đuổi theo, nhờ thế vua Lê thoát được sau này phong thần áo trắng làm Hoằng Hưu đại vương. Vậy là ngôi đền có thần phả được cất giữ trong hộp sơn son thếp vàng đặt ở thượng điện. Thần rất linh thiêng và có công trạng thế nhưng sang thời cách mạng thần cũng phải rời đền đi tập trung trong “cái đêm đó”:
“Trong điện thờ, các cụ từng đôi một đi hai bên dâng rượu, dâng hương. Cụ chủ tế mặc áo thụng đỏ vừa “hương bái”... vừa nước mắt chảy ròng ròng. Các cụ khác cứ ba người một thay nhau vào tấm chiếu hoa trải trước thư án quỳ lạy. Có cụ thụp đầu xuống rất lâu ngỡ như bị ngất vì cơn xúc động lớn. Không xúc động sao được? Thần đã cứu vua Lê thoát khỏi nanh vuốt giặc Minh, thần đã phù hộ cho dân làng vượt qua trăm nghìn trận nguy nan. Sáng mai Thần phải đi tập trung, Thần phải vào thế giới đại đồng cùng với các vị thần khác trong xã...”
Xưa nay “thế giới đại đồng” theo cách hình dung của người của cộng sản chỉ là thế giới của các cộng đồng người, cộng đồng các quốc gia không biên giới, không Nhà nước... Thật không ngờ, trong quá trình thực hiện cái “mô hình lý tưởng vĩ đại ấy” ở cái xứ nhà quê Việt Nam lại nảy sinh “thế giới đại đồng” của các thần linh, thực là một cách vận dụng chủ nghĩa Mác đầy thông minh sáng tạo của các nhà cách mạng Việt Nam.
“Lễ hội kéo dài đến tận tàn canh. Trời hửng sáng. Không thể nấn ná thêm được nữa. Đã đến giờ tiễn đưa Thần. Lòng các cụ rối bời như tơ vò. Ông chủ tế trong các ngày lễ chỉ đứng làm nhiệm vụ “xướng” như người chỉ huy dàn nhạc, bỗng nhiên ông phá bỏ luật lệ bình thường, chạy đến gục dưới chân Ngài khóc nức nở như trẻ thơ... Không ai bảo ai, tất cả mọi già làng đều òa khóc.”
Và Võ Văn Trực cũng kêu lên đau đớn:
“Thế là thôi, thế là xong, kiệu đã ra khỏi cửa tam quan... cuộc tiễn biệt đau buồn như cuộc vĩnh biệt...”
Thần, thánh, Phật tập trung hết cả lại một chỗ còn lại các đền chùa miếu mạo sẽ ra sao?
Tác giả than trời:
“Ôi tan hoang đến tột cùng sau các cuộc rước các thánh các thần về thế giới đại đồng... Thần đã đi rồi. Thánh đã đi rồi. Phật đã đi rồi. Nhưng ngôi đền, ngôi chùa, ngôi miếu như cái xác không hồn. Dân tứ chiếng tranh nhau cướp giật mang đi: người được hòn đá tảng, người được cái cửa vọng, người được viên ngói viên gạch, người được cái cửa gỗ... Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương bị trẻ con ném cứt vào mặt. Đền thờ thần Bạch Y thì cây muỗm mấy trăm năm đã bị đào tận gốc trốc tận rễ. Thượng điện biến thành kho phân. Hạ điện biến thành nơi hội họp. Cửa tam quan bị san bằng...”
Nơi ở cũ thì như vậy, còn khu “tái định cư” cho các thần thánh Phật thì ra sao?
Tất cả thần thánh Phật, ma quỷ đều tập trung về đền Hàng Khoán để cùng nhau chung sống trong không khí thế giới đại đồng. Khổ nỗi, đền có nhà thượng nhà hạ, nhưng tất cả thần Phật tập trung về đây hóa ra chật chội. Cái hình ảnh “thế giới đại đồng” của thần Phật được tác giả vẽ ra rất hài hước:
“Từ ngoài cửa đền trông vào rất buồn cười: tượng ông Khổng Tử đứng cạnh ông Thích Ca Mâu Ni. Ngai thờ Bạch Y thần xếp cùng án thư với thần ăn mày, bài vị ông Đùng đặt kề lư hương đất thờ thần dâm, giá gương thờ cụ tổ nghề làm nón làng Xuân Viên để sát vào thanh gươm thờ tên ăn cướp...”
Rõ thật là một hình ảnh tiêu biểu cho bản chất của chủ nghĩa cộng sản là đánh đồng mọi giá trị, cái cao thượng đặt cạnh cái ti tiện, cái ác ngồi lên cổ cái thiện.
“Mọi tôn ti trật tự bị đảo lộn lung tung phèo. Xã hội thần linh đang bình yên bỗng như bị trận lốc xô tới bất ngờ...”
Vậy nhưng cái nơi tái định cư của thần Phật ấy đâu có tồn tại được lâu dài:
“Dần dà về sau không ai nhòm ngó, không ai hương khói, đền Hàng Khoán vắng tanh và bị phá phách. Ván cửa bị giật. Ngói vỡ, mưa nắng dột nát. Hạc gỗ gãy cổ. Ngai thờ vứt lăn nghiêng ngả. Và cuối cùng, ngôi đền bị phá hủy hoàn toàn, cỏ mọc um tùm...”
Thế giới đại đồng của thần linh do cách mạng lập nên thế là tan vỡ hoàn toàn. Hài hước hơn nữa là nỗi lo của tác giả:
“Các vị thần quay về chốn cũ thì chốn cũ đã tiêu điều. Bây giờ các vị thần phiêu dạt nơi đâu?”
Vâng, thần thánh phiêu dạt nơi đâu trong cái xã hội ma quỷ đầy đường đầy chợ này? Có phải chính vì thế mà lòng người ly tán, gia đình phiêu dạt, con giết cha, vợ giết chồng có khi chỉ vì tranh giành nhau cuốn sổ đỏ sử dụng đất?
Xưa nay nhiều người cứ cho rằng cách mạng tháng Tám là một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, mang tính chất dân tộc và dân chủ (tức là chỉ đánh đổ thực dân Pháp và địa chủ bóc lột).
“Chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực bằng những hình ảnh sinh động đã đưa ra một nhận định ngược lại. Mặc dù lúc chính quyền cách mạng còn đang trứng nước, Đảng đã thực hiện cú lừa đảo chiến thuật bằng cách vờ tuyên bố tự giải tán để thành lập Hội Nghiên Cứu Chủ Nghĩa Mác và tới năm 1951 lại “ra công khai” với cái tên Đảng Lao Động, mặc dù vậy, cuộc cách mạng tháng Tám thực chất vẫn là một cuộc cách mạng vô sản, mang trọn vẹn ý thức hệ cộng sản ngay từ trong trứng nước và được thực hiện toàn diện, khẩn trương và triệt để nhằm củng cố quyền lực lãnh đạo của Đảng và nhanh chóng thiết lập chế độ độc Đảng trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Tất cả những gì Đảng thực hiện trong cuốn “chuyện làng ngày ấy” đặc biệt là sự vội vã xóa bỏ thần Phật đã phơi bày bản chất cộng sản của cuộc cách mạng mà người ta cứ kêu gào là dân tộc, dân chủ.
Khi những giá trị vô hình như tổ tiên, thần Phật đã được tập trung xong xuôi cả rồi, cách mạng bắt đầu nhòm ngó tới những giá trị vật chất: những mồ mả chôn người chết. Và thế là lại một phong trào mới được phát động trong toàn dân: Tập trung mồ mả.
(Còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment