Mọt Sách
Saturday, December 3, 2011
(Trích từ cuốn Chuyện Làng Ngày Ấy do Tạp chí Văn Học xuất bản tại California, năm 2005)
Bác Chắt Kế đã về...
...là tiếng xôn xao của cả làng, tiếng reo vui của con nít:
“Thế là mình sắp được đi học, sắp được tập hát, tập múa, sắp được ăn chung ở chung với bạn bè cùng lứa tuổi trong làng. Còn gì sung sướng hơn?”.
Bác Chắt Kế là ai mà trở thành niềm tin yêu, trông đợi của cả làng vậy?
“Các cụ đồ trong làng bảo rằng Cố Kế là cụ thân sinh bác Chắt Kế, một lần đi vận động phong trào Văn Thân từ Yên Thành về qua giếng thần, thần hiện lên trao cho thanh gươm... Còn bác Chắt Kế là người của thần linh sai phái xuống để cứu nhân độ thế... Từ năm 15, 16 tuổi bác đã tham gia “hội kín”. Năm 1927, bác đứng ra thành lập chi bộ Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của làng tôi... bác đi khắp bốn phương trời... Rồi bác bị đi đầy ở Lao Bảo, Ban Mê Thuột...”
À... thì ra bác Chắt Kế chính là cộng sản, là Đảng...
Một buổi sáng cờ bay
Thế rồi Đảng cũng đã về làng qua một ngọn cờ đỏ rất lớn treo ở ngọn cây phượng ngay trước sân nhà thờ. “Tôi bộn chộn cả người. Ngước nhìn màu cờ đỏ tung bay, đẹp, đẹp quá. Biết bao mùa nắng, lũ trẻ chúng tôi thường trèo lên cây phượng để hái hoa. Bây giờ trên cái tán cây đơm đầy kỷ niệm đó đã bay bổng ước mơ của chúng tôi. Tôi chưa biết cách mạng là gì, chỉ nghe bác Chắt Kế là cách mạng, bác Chắt Kế về là cách mạng về, là ăn no mặc ấm, được đến trường học hành...”
Dân làng tập trung quanh ngọn cờ đỏ, “bác Chắt Kế đứng chính giữa, mặc bộ đồ soóc vải nâu mới nguyên. Bác nói những gì dài, dài lắm. Nào là đồng minh thắng lợi rồi, trục phát xít bại trận rồi. Nào nước Nga xô viết vạn tuế. Nào là chủ nghĩa Mã Khắc Tư vô địch... Hai tay bác giơ lên rồi hạ xuống, trông rất oai vệ...”
Rồi bác Chắt Kế đi tới ông quan hưu ở trong làng - ông hàn Hạp, oai vệ:
“Việt Minh khoan hồng những người trước đây làm tay sai cho Pháp cho Nhật. Mọi người phải ủng hộ Việt Minh. Ai chống lại Việt Minh thì bị xử tử...”
Ông hàn Hạp chắp hai tay miệng lẩm bẩm: “Dạ... dạ...”. Từ đó, “bác Chắt Kế đi đâu vai cũng mang khẩu súng trường, hai thanh niên cầm dao sáng quắc đi hai bên để bảo vệ...”, từ đó “đoàn người đến làng nào thì làng ấy nổi trống dân kéo như ngày hội. Bác Chắt Kế lại hiểu thị lại diễn thuyết. Tiếng trống vang dội chuyền từ làng này sang làng khác”, từ đó “tuy đang trong trận đói, nhưng không khí trong làng thanh bình như thời Nghiêu Thuấn. Nhà nào nhà nấy cửa bỏ ngỏ, ríu rít mời nhau uống nước chè xanh...”
Mẹ tôi
Cách mạng về làng gây bao đổi thay, ngay cả mẹ tôi, “chẳng mấy tối mà mẹ không đi họp. Có hôm họp đến quá nửa đêm mới về. Sáng hôm sau vẫn dậy từ gà gáy để lo cơm nước cho mọi người trong nhà ăn đi làm đồng... Một hôm, mẹ bảo tôi lấy mấy tờ giấy đóng quyển vở để mẹ đi học bình dân học vụ. Chừng sau một năm mẹ đã cầm tờ báo vừa đánh vần vừa đọc lẩm nhẩm...”
Rồi mẹ tôi trở thành đảng viên cộng sản “Tôi nghe lõm bõm người lớn nói chuyện với nhau: bà Đoan - tức mẹ tôi - là người của Đoàn thể, bà ấy vừa mới được kết nạp vào Đoàn thể...”.
Mấy làng Hậu Luật, Văn Tập, Thanh Lý, Xuân Viên được gom lại để thành lập xã Đồng Tâm. Ngày tuyên bố thành lập xã, “mẹ tôi trang phục hoàn toàn khác hẳn, không ăn bận bình thường như trước nữa: mặc quần đùi, cắt tóc ngắn, đi dép cao su trắng nhãn “Con hổ”, cả xã chỉ có dăm bà ăn mặc như thế...”
Vào ngày giỗ, tôi thường theo mẹ về quê ngoại, mẹ tôi là con cả nên phải ở lại từ sáng đến tối. Nhưng năm nay cách mạng rồi, cúng xong mẹ tôi về ngay. “Vừa tới nhà, đã thấy bác Chắt Kế đang ngồi đợi. Bác nói nặng lời: Tôi phê bình đồng chí về chậm, lần đầu đồng chí phạm kỷ luật sắt của đoàn thể”... Bác Chẳt Kế nói gì với mẹ tôi nhiều lắm, có vẻ quan trọng lắm. Trước khi đứng dậy ra về, bác nhìn chúng tôi vui vẻ:
“Tụi này lớn lên được hưởng thế giới đại đồng, sướng lắm...”
Tết độc lập
“Quên làm sao được Tết độc lập đầu tiên năm 1946. Suốt từ ngày 19 tháng Tám đến ngày mồng 2 tháng Chín, mọi người nô nức mặc quần áo mới đi dự hội...”. Trong những ngày này, dân quân du kích tổ chức tập trận, các cụ bô lão “rào làng chiến đấu”, đến ngày 2 tháng Chín thì diễn kịch do bác Chắt Kế viết kịch bản đả phá mê tín dị đoan. Kịch vừa diễn xong, dân quân đã bắt trói ông Tường trong làng về tội... uống rượu.
“Bà Tường vừa chạy theo vừa khóc, chắp tay xin bác Chắt kế: “Bác tha tội cho nhà em. Người dưng nước lã bác cũng phải tha tội giữa ngày vui này, huống hồ bố nó là bậc em út họ hàng của bác.” Bác Chắt Kế giơ tay nói đĩnh đạc: “Em út họ hàng cũng phải phạt. Bây giờ cách mạng không có cái lối một người làm quan cả họ được nhờ... cách mạng phải nghiêm, không nể nang ai hết...”
Tết cách mạng đã có, tết dân tộc phải dẹp bỏ là cái chắc:
“Thêm được ngày hội “tết độc lập”, nhiều ngày hội cổ truyền khác bị phế bỏ: rằm tháng Giêng, Thanh Minh, tết Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy... đó là phong kiến cổ hủ, là mê tín dị đoan. Thế là cả làng làm cách mạng triệt để, thay cũ đổi mới hoàn toàn...”
Cứ với giọng bình thản, rỉ rả như vậy, tác giả bóc dần, bóc dần từng lớp cái vỏ bên ngoài của cuộc cách mạng làng quê “long trời lở đất”:
“Gặp nhau ngoài đường giơ nắm tay phải lên ngang tai “chào đồng chí”. Nhất là trong các cuộc hội nghị, mẹ gọi con bằng “đồng chí”, con gọi bố bằng “đồng chí”, anh gọi em bằng “đồng chí”...”
Thật là một bức tranh vui được vẽ đơn sơ mà hóa ra là thực. Cười mà hóa ra mếu ở trong lòng.
Ngày Tết độc lập phế bỏ hết các ngày hội truyền thống chỉ trừ ra tết nguyên đán nhưng cũng bị giản lược đi nhiều thứ lắm. Trước hết là lễ “khai canh” với ngày hội “mở đường cày” có từ ngàn xưa bị dẹp bỏ. Tục “mở hòm gỗ trắc” đem ra nào câu đối, hạc đồng, lư hương... để cúng tết cũng bãi luôn.
“Chiều 29 tết, ông tôi mở hòm gỗ trắc, lau bụi đôi hạc đồng, xếp lại đôi câu đối rồi... khóa hòm. Tôi ngỡ ngàng hỏi: “Sao ông không đem ra cúng tết”. Ông trả lời ngậm ngùi: “Bây giờ là cách mạng khác rồi cháu ạ...” Vĩnh viễn các đồ tế khí linh thiêng ấy nằm trong hòm khóa kín như tấm lòng ông tôi khóa lại niềm tôn kính thờ phụng tổ tiên...”
Tổ tiên không còn thờ phụng nữa thì niềm tôn kính của người dân dành cho ai? Lẽ tất nhiên “bàn thờ tổ tiên” được thay bằng “bàn thờ tổ quốc” trên đó có ảnh ông Hồ Chí Minh và “ảnh ba ông Tây” theo cách nói dân gian tức ba ông Mác, Lênin và Stalin. Từ nay người dân Việt Nam sẽ phải thờ mấy ông đó thay vì thờ tổ tiên.
“Tết đến. Các gia đình cũng gói bánh tét, bánh chưng, cũng thắp hương đơm cỗ. Nhưng đó là việc của từng gia đình không liên quan gì tới xã hội. Sáng mồng 2 tết, xã đã phát động phong trào “động canh”, nghĩa là tất cả mọi người đều phải xuống đường, nghĩa là tết chấm dứt...”
Để chống lãng phí, loại bỏ các loại bánh truyền thống “tốn kém” như bánh mật, bánh ít, bánh nổ, bánh ong, bánh tày... bác Chắt Kế phát minh ra một loại bánh gọi là “bánh Độc Lập” làm bằng... khoai lang. “Chẳng qua đó là một loại bánh của con nhà nghèo, ăn chẳng ngon lành gì...”
Thông thường ngày tết người ta chỉ ăn cá, thịt gà, thịt lợn, vậy mà sáng mồng một tết, ông Chắt Kế chơi “món độc”, sai con bắt chó làm thịt.
“Thật là to gan. Tin này truyền đi nhanh. Các cụ trong làng ngồi uống rượu bàn tán:
“Ông Chắt Kế liều thật...”
“Không phải liều đâu, làm cách mạng phải thế chứ!”
“Sao làm cách mạng lại ăn thịt chó giữa ngày mồng một tết?”
“Để làm gương cho người khác, để phá đầu óc cổ hủ của dân...”
Như vậy đấy, để phá bỏ tập tục cũ của cha ông, người cách mạng sẵn sàng... ăn thịt chó vào sáng mồng một Tết.
Trong những ngày hội xuân, tuồng cổ bị dẹp hết, “bao nhiêu đồ trang phục của hội tuồng sắm sanh qua hàng chục hàng trăm năm bị vứt bỏ.” Tuồng bị thay thế bằng kịch nói, kịch dân ca “viết theo từng thời vụ, từng chủ trương chính sách của cấp trên đưa xuống...”. Nhưng cũng “chỉ có thanh niên kéo nhau đi xem diễn những đêm ấy, còn các cụ già thì trùm chăn ngủ khoèo giữa ngày Tết Nguyên Đán...”.
Thế rồi sau vài cái Tết, cách mạng cũng nhận ra “vắng tiếng trống tuồng, làng xóm buồn tẻ. Nhưng mà diễn lại các tích vua quan phong kiến thì chỉ có hại...”. Thế là bác Chắt Kế cho viết vở tuồng “Núi Nam Sơn” nói về các đồng chí cách mạng đánh Pháp. Đêm công diễn người ta kéo nhau đi đông nghịt, nhưng chỉ vài đêm là vắng teo, chẳng ai thèm coi, hội tuồng coi như tan rã. Tác giả bùi ngùi viết:
“Một nền nghệ thuật được xây dựng qua mấy trăm năm bị phế bỏ hoàn toàn. Trong tâm tưởng của lớp người cao tuổi vẫn lưu lại những hình ảnh đẹp đẽ: Thúy Văn Long xông vào hang quỷ để cứu nàng công chúa, vua Trần Anh Tôn cởi áo bào đắp cho người ăn mày nằm bên vệ đường...”
Sự cấm kỵ trong sáng tác văn học không cho phép Võ Văn Trực bình luận gì thêm, nhưng chỉ một câu như vậy cũng đủ sức tố cáo sự mông muội, ngu dốt của những kẻ phá hủy những giá trị tinh thần của cha ông mà vẫn vỗ ngực xây dựng thiên đàng cộng sản.
Đám cưới O Thèo - anh Mẫn
“Cách mạng về, cái gì cũng mới cũng lạ. Việc cưới xin hệ trọng đến cả đời của con người mà người ta cũng xem nhẹ bẫng như không có gì xảy ra...”
Cô Thèo anh Mẫn, cô dâu chú rể đều có chân trong đội du kích. Ngày cưới loa phát oang oang: “Mời bà con dân làng tối nay đến nhà anh Mẫn dự đám cưới đời sống mới... a lo a lo... o Thèo đã nêu một tấm gương sáng: không đòi lễ cưới linh đình mà chỉ đòi bên nhà trai mang sang... hai quả lựu đạn... a lo a lo...”.
Nhà gái nhận được hai quả lựu đạn, chuyện như đùa mà hóa thật, bà mẹ cô dâu còn chạy đi khoe khắp làng:
“Cách mạng thành công rồi... bây giờ khác rồi, ai cũng phải có ý thức tiết kiệm...”.
Suốt cả ngày hôm đó, cô dâu chú rể vẫn hăng say sản xuất ngoài đồng ruộng. Mãi đến xâm xẩm tối, nhà anh Mẫn mới chật ních người và đám cưới bắt đầu:
“Tất cả mọi người... nghiêm” - có ai đó hô lên dõng dạc, oai nghiêm.
Từ ngoài ngõ, ai đó lại hô tiếp: “Chú ý, đi đều... bước. Một hai... một hai...” Đám người rẽ ra hai bên. Anh Mẫn, o Thèo ăn vận theo kiểu quân sự, dây da thắt ngang lưng, vai đeo súng đĩnh đạc tiến vào. Bác Chắt Kế đứng dậy, giơ tay:
“Cho các con ngồi xuống...”
Mẫn và Thèo ngồi trên chõng tre đã đặt sẵn giữa nhà. Bác nói dài lắm: Phe đồng minh đã thắng lợi hoàn toàn ở châu Âu cũng như châu Á. Nước ta đã giành được độc lập. Tư tưởng canh tân vô sản phải được thực hiện... Hử... Việt Minh lãnh đạo toàn dân đứng lên vừa kháng chiến vừa cứu quốc. Hử... đám cưới cũng phải tiết kiệm... Các con đứng dậy...”
Cô dâu chú rể đứng im nghe bác “hiểu thị”:
“Hai con vui duyên mới không được quên nhiệm vụ canh tân vô sản... Hử... các con là công dân mới của nước Việt Nam độc lập. Hử... bọn thực dân Pháp đang lăm le quay lại...”
Cứ như thế bác Chắt Kế bắt cô dâu chú rể hết “các con ngồi xuống” lại “các con đứng lên...” làm con nít trong làng phải phì cười. Ngày nay, có nhà làm phim nào muốn dựng lại cảnh đám cưới tại một ăngca của dân Campuchia trong thời Pôn Pốt - Iêng Sary xin cứ tham khảo “đám cưới đời sống mới” mà Võ Văn Trực đã mô tả rất tỉ mỉ và chân thực trong cuốn “chuyện làng ngày ấy” này.
Chúng mình sắp được ở chung rồi
Chung ăn chung ở là tinh thần cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản trong tổ chức cuộc sống mới ở làng xóm. “Ngay từ năm 1927, bác Chắt Kế vừa thành lập chi bộ Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội (tiền thân Đảng Cộng Sản) làng Hậu Luật, người ta đã phác thảo một bản đồ ăn chung ở chung. Thời kỳ Mặt Trận Dân Chủ, những người cộng sản trong làng cũng xúm nhau ngồi dưới chân núi Hai Văn vẽ bản đồ ăn chung ở chung...”
Từ những năm 1940-1941, “mô hình chủ nghĩa cộng sản đã được xây dựng ở trại cày Thọ Lộc” - đó là một trại trong đó “họ ở chung, ăn chung, tài sản chung, tạo ra một mô hình về xã hội cộng sản...”. Ngày nay, cách mạng đã thắng lợi, “ta nắm chính quyền rồi, ta lại không tổ chức được làng cộng sản giỏi hơn Thọ Lộc à?”.
Thế là “mấy ông lãnh đạo đứng trên cồn đất chỉ trỏ bốn phương và bàn với nhau những điều rất hệ trọng: “dãy nhà lão ông xây ở Đập Tràn, dãy nhà của lão bà xây ở Mo Nạng, dãy nhà của nữ thanh niên xây ở Giếng Trầu, dãy nhà của thiếu nhi xây ở Cồn Rùa...”
Không hiểu vài chục năm sau, các “đồng chí Khơ-me Đỏ” khi xây dựng các ăngca cho dân có học tập các đồng chí cán bộ của Đảng ở làng Hậu Luật huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An này không? Thế là từ đó, con nít trong làng đều phải ngủ tập trung ở Cồn Rùa. Ngày xưa, cách mạng chưa về, trẻ con trong làng có Hội Mục Đồng. Hội đã đắp cồn Mục Đồng có miếu thờ Thần Nông, có cây đa cổ thụ rợp bóng mát. Cách mạng về, lập tức Hội Mục Đồng bị giải tán thay vào đó lập Hội Nhi Đồng. Công việc đầu tiên của Hội Nhi Đồng là phá bỏ cồn Mục Đồng có đền thờ Thần Nông để... chống mê tín dị đoan.
“Tất cả chúng tôi như một đội quân đi làm nhiệm vụ tiêu thổ kháng chiến, xông vào, cuốc... xông vào, đào... đào, phá, cuốc, xới không tiếc tay. Chuột chạy tứ tung. Chim bay tung tóe. Có đứa vô tình cuốc phải tổ chim, trứng vỡ rơi ra, con chim non bé xíu ngọ nguậy... Thôi vĩnh biệt nhé, vĩnh biệt cồn đất thân thuộc của tuổi chăn trâu...”
Rồi đến cả cây đa cũng bị chặt hạ:
“Cây đa đổ xuống... ầm. Vòm trời trống quang. Một vầng xanh mãi mãi chết đi cùng với thời bé dại hồn nhiên...”
Quả thực rừng phá có thể trồng lại, người chết có thể vẫn còn sự sinh sôi, nhà cháy sập mai sau có thể xây dựng lại “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, nhưng cái “vòm trời trống quang” kia, cho đến ngày nay vẫn chưa có gì lấp đầy, cái “vầng xanh mãi mãi chết đi kia” vẫn chưa có gì thay thế. Đó là cái giá của một mô hình mang tinh thần “ăn chung ở chung” bao năm qua đã áp đặt lên làng quê Việt Nam.
Sau khi đã thực hiện xong “chiến tích” chặt cây đa và phá cồn Mục Đồng cổ xưa, đám con nít trong làng “xông vào những ngày vui triền miên: cắm trại, hành quân, tập võ, tập hát... cờ trống tưng bừng”.
Một hôm đang họp tại nơi cắm trại, bất chợt trời đổ mưa, đứa nào đứa ấy ướt rượt, nhưng “vẫn cứ ngồi họp - họp với tinh thần cách mạng cao cả”.
Con nít họp hành thì bàn chuyện gì ghê gớm vậy?
Hóa ra nghe “báo cáo tình hình trong nước”: “Mấy chục ăn mày ở chợ Mới đã về quê hết rồi. Quê họ ngoài Bắc cũng giành chính quyền rồi. Từ nay ở chợ Mới và trong khắp nước không còn có ăn mày nữa...”, tất cả vỗ tay hoan hô.
Sang phần “kiểm điểm nội bộ”, một thằng con nít đứng lên tố giác: “Lúc chiều đồng chí Trực vào nhà ông Giai, con chó lài xồ ra sủa, đồng chí Trực quát “đồng chí chó lài không được sủa”. Gọi con chó lài như thế là phạm lỗi. Nhiều bạn khác nhao nhao: “Gọi chó bằng đồng chí là phản động...”
Bác Chắt Kế quàng áo đi mưa bước vào bất ngờ (hóa ra Đảng theo dõi cả cuộc họp của con nít) lên nòng súng lách cách: “Thằng Trực gọi chó bằng đồng chí à? Đội viên đội Nhi Đồng Cứu Vong mà như thế à?”. Thế là người ta giải ngay tác giả tức thằng bé Trực tới nhà giam và cùm lại: “cái cùm này đã cùm mấy người phạm lỗi với cách mạng: hai ông say rượu nói lè nhè, một bà ăn cắp váy của hàng xóm, một ông thầy xem tướng ở chợ Mới... Bây giờ đến lượt tôi bị đưa chân vào cùm vì tội gọi chó là “đồng chí”.”
Cùm chân một thằng bé con chỉ vì một câu nói đùa đã thấy “dã man thời bán khai” rồi, tác giả lại còn cho đứa trẻ bị cùm không hề giận dỗi mà lại còn thấy... tự hào nữa kia: “Tuy có xấu hổ nhưng tôi vẫn cảm thấy tự hào rằng: “Mình không phải thằng bé bình thường, mà là đội viên đội Nhi Đồng bị cùm...” Vậy là “cháu ngoan bác Hồ” có đi ăn cắp thì vẫn cứ tự hào mình là “cháu ngoan bác Hồ ăn cắp”. Viết thế này, tội của Võ Văn Trực thật đáng xử trảm.
Vĩnh biệt những cây cổ thụ
“Làng tôi” nhờ những cây cổ thụ mà trở nên sầm uất.
“Mỗi cây gắn liền với một chuyện kể, một bài vè hoặc một câu ca. Cổ thụ là tình yêu là máu thịt của quê hương. Bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên và qua đời, gửi lại cho cây những chứng tích kỳ diệu của thời gian...”
Tưởng rằng những cây cổ thụ đó sẽ trường tồn cùng với thời gian, với làng xóm. Vậy mà không! Cách mạng thành công, người ta nghĩ ngay tới chuyện chặt bỏ những cây cổ thụ đó. Tại sao vậy? “Cây” cũng là “phản động” sao? Tác giả giải thích:
“Hầu như trong tâm tưởng của một số người nào đó, trong một phút cuồng nhiệt, họ muốn chặt phá đi tất cả những gì xưa cũ để rồi vun trồng lên những gì non tơ hơn, mới mẻ hơn, giàu sức sống hơn. Và từ một số ít người, ý nghĩ đó được lan truyền, được kích động vào số đông. Thế là chính những con người đã tự tay mình chăm bón, đã từng gắn bó máu thịt cuộc đời mình với cây, lại thản nhiên xông ra chặt cây...”
“Một số người nào đó” chính là những người cộng sản mà tác giả không dám nói thẳng ra. Ngoài lý do “cổ thụ” là thuộc thời xưa cũ phải chặt bỏ, “theo bác Chắt Kế, những thân cây to lớn này và những cồn đất làm địa thế cho cây mọc lên, địch có thể lợi dụng làm pháo đài. Vì thế, phải phá tất, chặt tất...” Triệt hạ những thứ “là tình yêu, là máu thịt của quê hương” như vậy, nếu đầu óc không bị “quỷ ám” thì chắc chắn đó cũng phải là những con người cuồng tín mà dốt nát.
Ông Mác hay ông Lênin gì đó, những ông tổ của chủ nghĩa cộng sản có nói một câu đại ý rằng “quyền lực cộng với sự ngu dốt chính là thảm họa”. Thời Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc, mấy ông nhà văn bị trừng trị cũng vì đã phát biểu một câu nổi tiếng: “l’ ignorance au pouvoir” (dốt nát nắm chính quyền). Cho tới tận ngày nay, kỷ nguyên tin học, cái thảm trạng đó xem ra vẫn đè nặng trên phận số của dân tộc Việt Nam. Đưa nhà máy lọc dầu Bà Rịa ra tuốt ngoài Dung Quất tốn cả trăm ngàn tỷ, xây dựng nhà máy đường ở những nơi không có... mía, rồi cảng cá, cảng biển, chợ búa, khu vui chơi... xây xong bỏ xó thành phế tích, rồi mưu toan xây dựng nhà máy điện hạt nhân tương lai bất chấp sự phản đối của các nhà khoa học, sự ngu dốt của những kẻ nắm quyền sẽ còn tiếp tục gây tổn hại nhiều nữa.
“Tử tội” đầu tiên trong “chiến dịch” chặt hạ cổ thụ là “cây muỗm đền thờ Bạch Y thần dễ chừng cao tới bốn, năm chục mét. Cách xa mười cây số có thể thấy ngọn cây mờ xanh như một đám mây. Dáng cây thẳng tắp. Cành tỏa đều đặn xung quanh. Càng lên cao càng bé dần. Từ xa trông tới, cây giống như tháp canh hùng vĩ...”
Cây muỗm cổ thụ và ngôi đền đã gắn bó với nhau hàng trăm năm nay như trời với đất, như âm với dương, thế mà bây giờ phải chia lìa. Tác giả tả cảnh đốn cây:
“Sáng hôm ấy, hơn mười trai làng vác rìu ra chặt thì chợt thấy chân hương cắm chi chít quanh gốc...”
Không biết ai đã cắm hương cho cây nhưng chính điều đó làm các trai làng sợ không dám chặt. Thế là đồng chí cán bộ cộng sản Chắt Kế phải tới thúc giục:
“Các đồng chí chưa bắt đầu chặt à? Các đồng chí mê tín dị đoan à? Tối hôm qua bọn phản động lại bày ra cái trò này để cản trở công cuộc kháng chiến kiến quốc...”
Người của Đảng cầm quyền đã nói vậy thì bố thằng dân nào còn dám cãi! Thế là... chặt. Còn đền thờ, từ hôm không còn được cây che bóng mát, “người ta đồn rằng có một đám mây trắng ngày đêm lởn vởn trên đó - đám mây ấy chính là áo trắng của vị thần hiện về đòi lại cây...”
“Nạn nhân” tiếp theo là “cây đa Cồn Rộng đứng sừng sững giữa đồng không mông quạnh... người ta xây miếu nhỏ dưới gốc đa và hương khói thờ phụng những ngày rằm mồng một hằng tháng... Cây đa bủa rễ phụ chằng chịt như những vòng tay hung dữ ôm chặt ngôi miếu. Rễ chẻ đôi bệ thờ. Rễ quấn chặt bát hương...”
Cây đa lớn tới mức “mấy chục dân quân to khỏe như trâu mộng vác rìu, búa, cưa, cuốc chim xông thẳng tới, trương khẩu hiệu: “Cách mạng quyết thắng thần thánh ma quỷ... Đào tận gốc trốc tận rễ đầu óc mê tín dị đoan...”. Thế là họ hùng hục đào, cuốc, chặt. Bát hương vỡ tung tóe. Bệ thờ nát thành vôi vụn gạch vụn. Bỗng một tổ rắn bung ra, rắn con rắn mẹ bò lổm ngổm. Tất cả bỏ chạy tán loạn. Mấy chục dân quân đánh tháo về nhà ngồi im thin thít...”
Tất nhiên đời nào Đảng cho dân bỏ cuộc, bác Chắt Kế lại lệnh cho dân quân trong làng: “Các đồng chí hãy gột sạch đầu óc cổ hủ thì mới xứng đáng là thanh niên của thời đại dân chủ cộng hòa... Hử... thanh niên mà sợ ma quỷ, sợ rắn rết thì tức là thanh niên của thời phong kiến đế quốc...”
Đảng đã răn dậy thế, thằng nào còn dám cãi, thế là cây đa cổ thụ Cồn Rộng bị đốn ngã.
Rồi đến cây đa Đập Trùn tỏa rộng tán giữa cánh đồng màu, nơi ngồi nghỉ mát cho cả bà con trong làng những buổi trưa nắng gắt. Cây đa xóm Bắc, các cụ gọi là “cây đa phù Lê” vì có công giúp vua Lê đánh giặc Minh, tuổi thọ chừng hai trăm năm, “chứng nhân của nhiều thời đại, pho sử của làng. Bộ rễ bủa tung ra, xoắn xuýt, hăm hở, dữ dằn, trìu mến như cuộc đời người nông dân cắm sâu vào đất đai quê hương...”. Cây đa xóm Trung gắn với câu ca dao:
“Xóm Trung mà đổ cây đa...
Cả làng Hậu Luật đàn bà chửa hoang...”.
Cây mọc trên một cồn đất dài dài trông giống hình một cái b..., đối diện với một cồn đất khác hình tam giác giống như một cái l...” Bởi vì cái b... hoang chĩa vào cái l... hoang thì con gái chửa hoang nhiều, cho nên phải trồng lên cái đầu b... một cây đa để chặn lại sự dâm dục. Nghe nói khi cây đa mới được trồng, cứ nửa đêm là cái cồn b... này quẫy đành đạch và cái cồn l... cũng rung lên chờ đợi...”...
Tất cả những cây cổ thụ “huyền sử” ở trong làng đều đã bị đốn hạ, riêng cây phượng vĩ trường làng khi dân quân vác rìu ồ ạt đứng quanh gốc cây chuẩn bị chặt hạ, thầy hiệu trưởng đứng ra van xin:
“Năm mươi năm tôi trồng cây lớn được chừng này các ông chặt nó thì tôi khổ tâm lắm...”
Mặc, những lưỡi rìu phũ phàng vẫn chém vào gốc cây như chém vào lòng thày giáo vì từ nay sẽ không còn nữa “ba cây phượng sân trường tuổi thọ nửa thế kỷ, bóng rùm ròa tỏa mát sân rộng, khi tiếng ve dóng dả thì hoa phượng cũng nở đỏ. Hoa phượng là hình ảnh thân thương của tuổi học trò. Hoa rụng xuống sân dày đặc như một tấm thảm đỏ...”
Mặc kệ thần thánh, mặc kệ kỷ niệm, những cây cổ thụ trong làng vẫn bị chặt hạ hết, bất chấp:
“Bây giờ thần hát giặm đi đâu? Những người kể vè dưới gốc cây phiêu dạt phương trời nào. Những cặp trai gái lấy nơi nào để hò hẹn? Cây đa bị triệt hạ như tổ ấm bị phá vỡ. Một khoảng trống của nỗi tiếc thương ngày ngày hiện ra đầu cổng xóm và hiện ra trong lòng người. Cho đến bao giờ, đến bao giờ mới có vòm đa khác thay thế che rợp cái khoảng trống ấy.”
Cho đến bây giờ, nhà văn Võ Văn Trực đã có câu trả lời: không bao giờ còn có cái vòm cổ thụ che rợp ấy nữa và cái khoảng trống ấy, vĩnh viễn vẫn chỉ là những khoảng trống...
Cuộc cách mạng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt của làng xóm: những cây cổ thụ bị chặt hạ hết, con người phải ngủ tập trung, tết nhất, hội hè, tuồng chèo bị dẹp bỏ... Tuy nhiên cách mạng vô sản không bao giờ dừng lại, nó luôn luôn đi tới, luôn luôn quét cái nhìn xăm xoi của nó vào mọi ngóc ngách để triệt tiêu những cái cũ. Nạn nhân sắp tới của nó là ai đây?
Thật chẳng ai ngờ tới, các “nạn nhân” kế tiếp lại chính là những người đã khuất bóng, các ông bà ông vải và tổ tiên.
(Còn tiếp)
.
.
.
No comments:
Post a Comment