Sunday, December 18, 2011

ĐỌC SÁCH CHUYỆN LÀNG NGÀY ẤY CỦA VÕ VĂN TRỰC [3/6] - (Mọt Sách)



MỌT SÁCH
Saturday, December 10, 2011

 (Tiếp theo)

Tập trung mồ mả

Nói cho công bằng, ở những làng quê đất chật người đông, đất đai canh tác bị chia cắt manh mún thành hàng trăm mảnh nhỏ. Mảnh thì vuông. Mảnh thì méo. Mảnh thì xiên xẹo. Đã vậy còn chen chúc bao nhiêu là mộ lớn mộ nhỏ. Bởi vậy nếu tập trung tất cả lại trong một nghĩa địa thì cũng là việc nên làm. Tuy nhiên việc thực hiện phải rất thận trọng, có kế hoạch di dời cụ thể, tôn trọng hương hồn người chết. Đằng này không. “Người ta lại đùng đùng phát động thanh niên mở chiến dịch đào mồ đào mả”, công việc hóa ra hài hước và độc ác.

Sáng hôm ấy, con gái và con trai, cuốc và xẻng, thuổng và bàn vét ồ ạt xông ra đồng, mở hai mũi quân mạnh nhất xung phong vào hai cứ điểm Ruộng Quan và Cồn Rộng - hai nơi nhiều mộ nhất.”

Người nằm dưới mộ là những ai?

Mộ ông Liễn, một tay chuyên đặt vè nổi tiếng... Mộ anh Tiếu, con ông mõ nghèo xơ xác, tác giả của nhiều câu ca dao trữ tình trong những đêm hát phường vải. Mộ o Thiện, cô gái con nhà giàu lẳng lơ... Mộ ông Đường, không vợ con, suốt đời làm thày lang mang cái bị thuốc đi làm phúc cho thiên hạ...”

Tất cả những con người ấy, mỗi người còn lại một nắm xương khô nằm riêng trong một ngôi mộ từ bao năm nay. Giờ đây tất cả đều bị đào lên, “tất cả mọi bộ hài cốt được trộn vào trong một khối cộng đồng bao bọc bởi tấm ni lông... Hàng chục cái sọ dừa, hàng chục cái xương tay xương chân, hàng chục bộ răng đổ ào vào một đống...”

Sau mấy ngày đào bới, tất cả các hài cốt đều được mang tới chôn ở nghĩa địa mới. Gọi là nghĩa địa cho oai chứ có ra cái hình dạng gì đâu:
Giữa cánh đồng mầu, nham nhở lồi lõm gò đống, bùn lầy, xương cốt vùi xuống, đất lấp lên, thế là xong. Để tiết kiệm đất, không được đắp riêng từng nấm mộ mà mỗi chi họ đào một cái rãnh dài, rồi xếp các bộ hài cốt liền nhau, đắp đất như bờ ruộng...”
Đọc đoạn văn này, người ta không khỏi liên tưởng tới “cánh đồng chết” ở Campuchia thời Khơme đỏ sau này.

Cái nghĩa địa chung của làng ngày càng trở nên kinh hoàng như địa ngục khiến người già trong làng sợ... không dám chết. “Tôi nói thật đấy mà. Tâm lý dân tộc ta là người đã bảy mươi, tám mươi ra đi rất thanh thản. Thế mà ở làng tôi, có cụ Đinh nhìn cái nghĩa địa tồi tệ mà sợ mình phải chết. Cố đã trên tám mươi tuổi. Vào giờ phút lâm chung, con cháu khiêng cố ra nhà ngoài cố không cho khiêng, con cháu thay áo mới cố không cho thay. Cố nói thều thào: Tao nhìn cái nghĩa địa, tao sợ lắm, đừng bắt tao chết...”.
Thật là một bi hài kịch cười ra nước mắt chỉ thấy có ở làng quê Việt Nam vào thời sau cách mạng.

Di dời xong mộ dân thường rồi, cách mạng bắt di dời tiếp mộ các danh nhân lịch sử ngay cả những ngôi mộ chẳng ảnh hướng gì tới đất đai canh tác - phàm cứ là mộ là di dời tập trung tuốt luốt.

Trước hết là đào “Mộ bà Cô”. Bà vốn là cô gái chăn trâu cắt cỏ nhưng qua nhiều đời bà được thêu dệt nên nhiều huyền thoại để trở thành một thần tượng người làng thờ cúng. Nào khi bị bọn giặc cỏ đến cướp đất, bà trát bùn đầy người để tả xung hữu đột khiến hàng trăm mũi tên địch không bắn thủng được lớp bùn trên người bà. Thế rồi trong lúc chiến đấu, một mảng bùn trên người bà bị bong lộ một khoảng da bị tên bắn trúng vào đó, bà ngã xuống. Khi chết rồi, bà vẫn nằm trên mình trâu để dân làng lùa đi đuổi giặc khiến chúng sợ hãi chạy như vịt cỏ. “Mộ bà Cô” chỉ nằm khiêm tốn trong một góc nhà thờ, chẳng choán một tấc ruộng của ai, vậy mà cũng bị đào lên đem chôn chung với các mộ khác. Làng từ đó mất một huyền thoại.

Mộ lớn nhất làng là “Mộ tổ nổi lên như một cái gò, rộng chừng ba sào đất ngay giữa làng, là mộ của đức Triệu Cơ Võ Chính Đạo, người sáng lập làng này từ thế kỷ 13. Gần đó còn có “cồn Tổ con” rộng chừng một sào có mộ táng hài cốt con trai ông Võ Chính Đạo...”.

Tục truyền khi đức Tổ Triệu Cơ đã về chầu trời, người con trai buồn bã cỡi voi đi lang thang, đến bụi ruối này ông cột voi lại và hóa theo cha. Cây ruối cổ thụ có nghĩa có tình sống thế kỷ này qua thế kỷ khác, nghiêng bóng mát trên ngôi mộ. Ấy thế mà: “tìm hài cốt đức Triệu Cơ đâu có dễ dàng gì. Người ta phải đào lung tung, đào toang hoang, đào kỳ được mới thôi. Cuối cùng tìm được hài cốt và không hề ngần ngại, người ta mời cụ vào nằm chung với bảy thế kỷ con cháu”.

Mộ võ tướng của vua Lê tên là Võ Cương, tục gọi là “cố Hùng” có cả đền thờ giữa làng cũng bị “ba chục thanh niên đào suốt một ngày ròng, chẳng thấy hài cốt đâu...”. Có người khuyên cán bộ Đảng rằng Ngài Cố Hùng là võ tướng đời Lê có công đánh quân nhà Minh, mộ của Ngài đã trải 5 thế kỷ, không nên dời đi thì cán bộ nghiêm mặt trả lời:
Hứ... đã dời mồ mả phải dời tất thì mới quy hoạch đồng điền theo thế đứng chủ nghĩa xã hội được. Làm cách mạng phải triệt để chứ cách mạng nửa vời thì hỏng bét...”

Cách mạng triệt để là phải tìm cho ra hài cốt của Ngài “cố Hùng”. Thế là hàng chục thanh niên lại đào tiếp ngày này qua ngày khác. Sau cùng người ta tìm ra “một nắm xương bọc trong chiếc mo cau xơ xác. Lục thần phả ra xem thì đúng đó là hài cốt võ tướng Hùng lễ bá”. Cụ già đọc thần phả, rớm nước mắt rủ các cụ khác lên gặp chủ nhiệm hợp tác xã để xin 15 đồng mua tiểu sành đựng hài cốt. Tên chủ nhiệm này xẵng giọng trả lời:
Mộ vua mộ chúa mộ thượng thư cũng dập thành đống đất huống hồ là một ông tướng làng...”
Thế là hài cốt vị tướng được chuyển từ mảnh mo cau sang tấm ni lông và táng vào huyệt chung của cả làng lẫn với xương của đám ăn mày. Còn mộ chí của Ngài bị thanh niên trong làng... quẳng xuống sông cho mất tăm tích. Nghe tin đó, cán bộ Đảng, bác Chắt Kế giả vờ lên giọng phê phán:
Có ai giáo dục thanh niên làm việc đó. Chủ nghĩa cộng sản phải biết quý trọng lịch sử dân tộc...”

Rõ thật vừa đánh trống vừa ăn cướp là thế. Đào bới, đập phá những ngôi mộ cổ, di dời hài cốt tới chỗ chôn tập trung hóa ra chẳng phải nhằm mở rộng diện tích canh tác mà chính là bôi xóa danh nhân trong lịch sử để thần tượng những nhà cách mạng trở nên “duy ngã độc tôn” nơi trần thế đã thiết lập xong chế độ toàn trị của Đảng cộng sản. Chẳng thế mà trên bàn thờ tổ tiên của những người nhà quê sau cách mạng người ta chỉ thấy có hình hai ông da vàng là Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông và bốn ông tây trắng là Mác, Ăng ghen, Lênin, Stalin. Thần thánh của xã hội mới chỉ có nhiêu đó, phàm những danh nhân, huyền thoại khác làm nên lịch sử đều phải hạ bệ, xóa sạch. Nguyên tắc “dân tộc” (đi cùng khoa học và đại chúng) trong đề cương văn hóa của Đảng xem ra chỉ là lời hô hào suông trên giấy, thực tế những di sản vật thể và phi vật thể đã bị cách mạng “đào tận gốc, trốc tận rễ” ngay từ những ngày mới cướp được chính quyền rồi.

Phá phách xong các mộ cổ, đền chùa miếu mạo, cách mạng nhằm tới phá cả... cảnh quan thiên nhiên.

Núi Hai Vai xệ một bên vai

Núi Hai Vai tức Lưỡng Kiên Sơn là một di tích khảo cổ và một thắng cảnh lớn của vùng Hoan Châu - Diễn Châu cổ xưa. Núi thuộc làng Kẻ Dặm nên còn có tên là Lèn Dặm, vua Lê Thánh Tôn đi qua nhìn ngọn núi giống người đàn bà búi tóc nên đặt tên là Kế Sơn, sư chùa Hà Trung nhìn dáng núi như người ngồi tụng kinh nên đặt tên núi là Di Linh. Rồi trong núi có vết tích của trận địa Mạc Mậu Giang. Dưới gốc cây đa cổ thụ La Sơn phu tử đã ngủ lại đêm trên đường tìm đất định đô cho vua Quang Trung. Rồi lẫn lộn trong lòng hang, cùng với phân dơi là những cổ vật thời Lý Trần, những cọc đèn đồng đời Lê, Nguyễn. Ngoài ra, núi Hai Vai đã đi vào văn thơ từ thời xưa như nho sĩ Bùi Dương Lịch đã ca ngợi: “Chống trời xương cốt nhục. Non nước nặng hai vai...”, trong nhà thờ của làng cũng có đôi câu đối cổ: “Di Linh phong cao thế hệ trường”.

Còn tác giả viết về ngọn núi với giọng văn thật hào hùng:
Ngọn núi từ muôn ngàn xưa đường bệ biết bao. Núi là biểu tượng của khí phách của khát vọng dân chúng. Từ phía mặt trời mọc nhìn lên phía Tây, núi ngẩng cao đầu nhô hai vai như dáng người với nghị lực phi thường...”

Ấy thế rồi chỉ không đầy 10 năm sau khi “ông Bí thư Đảng ủy dõng dạc tuyên bố: “Chúng ta phải mở một nhà máy xi măng ngay dưới chân núi Hai Vai. Cho đến lúc núi hết sạch đá hóa thành đồng bằng, ta có thêm hàng chục mẫu đất để tăng gia sản xuất...”, núi Hai Vai đã bị con người chém đứt hẳn một bên vai. Và tác giả đã kêu lên những dòng đau đớn:
Đâu rồi, đâu rồi tất cả những gì xa xưa ấy
Đâu rồi, đâu rồi, quá khứ cần lao và hùng vĩ
Đâu rồi đâu rồi?

Còn đâu nữa, người ta đã phá sạch rồi... Tòa thiên nhiên lộng lẫy ấy chỉ trong 10 năm đập phá là bị tiêu tan hết... Tôi bần thần ngỡ mình như hòn núi ấy bị quỷ bắt mất hồn, tôi đi lang thang và dừng lại tại vị trí ngôi chùa cổ lưng chừng núi, lưng chừng trời, lưng chừng mây. Tôi bới tìm trong đống gạch vụn và đá vụn, vô tình nhặt được khối thạch nhũ đẹp như bầu vú căng sữa bị một lưỡi rìu chém đứt ngang...”

Và lòng đầy phẫn uất, tác giả quăng ra câu hỏi:
Người ta thù hằn với thiên nhiên chăng? Người ta thù hằn với cái đẹp chăng?”

Câu trả lời sẽ là “người ta” chẳng những thù hằn với thiên nhiên, với cái đẹp mà còn thù hằn cả với con người như những chương sau của cuốn sách. Đúng vậy, những gì cách mạng cư xử với dân làng trong chương dưới đây chỉ có thể bắt nguồn từ lòng “thù hằn” con người thì mới tàn bạo được đến thế.

Sống dưới chế độ phong kiến đế quốc, cuộc sống người nông dân Việt Nam đã oằn xuống vì “sưu cao thuế nặng”. Một trong những nội dung quan trọng lãnh tụ cộng sản Nguyễn Ái Quốc trình bày trong cuốn sách “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Những yêu sách ở Hội nghị Versaille” là tố cáo và đòi bãi bỏ những sắc thuế vô lý như “thuế thân”, thuế “điền thổ”...
Ấy thế nhưng khi đã cướp được chính quyền rồi, những người cộng sản quên phứt những gì mà lãnh tụ của họ đã kêu gọi để đặt ra lắm thứ thuế quái quỉ, trong đó có thứ thuế trước nay chưa hề có trên thế giới:

Thuế khả năng

Cứ tưởng rằng khi cách mạng đã giành được chính quyền, nạn đói kinh hoàng như năm Ất Dậu vĩnh viễn qua đi, người dân từ nay sẽ được no ấm, yên lành. Nào ngờ, nạn đói lại ập đến. “Mới tháng Giêng nhà tôi chỉ còn một chum thóc. Gần ba tháng nữa mới có lúa gặt, với chum thóc ấy cả nhà tôi chỉ ăn chừng nửa tháng là hết....
Cả làng đều chỉ hái rau khoai ăn qua ngày vậy mà họ vẫn phải tham gia đầy đủ các đợt vận động như đào ao, đắp bờ, phá đình, phá chùa và “điều đặc biệt là hầu như tối nào cũng họp, cuộc họp nào cũng rất đông”.

Họp gì mà liên miên vậy? Hóa ra toàn họp để nghe cán bộ nói chuyện: nào giải thích chính sách tiết kiệm, nào nghe phổ biến tin chiến thắng, nào học tập chính sách thuế nông nghiệp... Trong đợt đói này, các cuộc họp chỉ xoay quanh một thứ “thuế” lạ lùng nhất thế giới: “thuế khả năng.”

Muốn biết thế nào là “thuế khả năng”, tốt hơn hết là cứ ngồi dự các cuộc họp với bà con. Người điều khiển cuộc họp này, còn gọi là họp “đấu tranh phát hiện thuế khả năng” là chú Văn mắt toét, chi hội trưởng nông hội. Chú này vốn chuyên nghiệp đi làm thuê, ở đợ, mù chữ, khi cách mạng thắng lợi; do “đường lối giai cấp”, vì nghèo nhất làng, thất học nhất làng nên trở thành cốt cán nhất, cán bộ uy quyền nhất làng. Tại sao lại có lối chọn người và xây dựng bộ máy quyền lực lạ đời vậy?

Mục tiêu hàng đầu trong “công tác tổ chức” là xây dựng Đảng vững mạnh chứ không phải một bộ máy vì dân và hoạt động có hiệu quả. Bởi vậy tiêu chuẩn cốt lõi của “những con ốc trong guồng máy” không phải là thông minh sáng tạo mà là sự tuân phục tuyệt đối. “Tuyệt đối trung thành và chấp hành lệnh Đảng đến mù quáng là yêu cầu hàng đầu đối với các cán bộ và chỉ những kẻ đầu óc tăm tối, thất học, trái tim sắt đá mới có đầy đủ được hai phẩm chất đó. Bởi thế người ta không lấy làm lạ rằng tại sao Đảng không chọn người tài mà chọn toàn thằng ngu để xây dựng bộ máy của mình. Lẽ ra “bộ máy” của Đảng chỉ là phương tiện của Đảng để xây dựng nước giàu dân mạnh, tiếc thay, vì quá lo đến sự sống còn, Đảng đã biến nó thành cứu cánh, coi nó là mục tiêu cao nhất của Đảng, trọng sức mạnh của bộ máy quan trọng hơn là hiệu quả hoạt động của nó.

Sai lầm chết người này vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay và trở thành cố tật, vô phương cứu chữa.
Nhân vật chú Văn mắt toét tuy chỉ được tác giả mô tả sơ sài nhưng cũng đủ cho ta thấy cái cốt lõi trong “công tác tổ chức cán bộ” của Đảng. Cũng cùng tham gia cách mạng, cùng vào Đảng với bố mẹ của tác giả, nhưng chú Văn mắt toét do nghèo hơn, thất học hơn - “tất cả các văn bản đều phải nhờ người khác đọc cho nghe và viết hộ”, nên chú đã nhảy tót lên vị trí quyền lực cao hơn.

Và người ta sẽ thấy chú Văn mắt toét chấp hành lệnh Đảng mù quáng đến mức nào?

Khi nạn đói hoành hành trong làng, chú Văn mắt toét họp dân và tuyên bố như sau:
Tình hình vấn đề đói hiện nay rất khẩn trương... đa phần các đồng chí hội viên nông dân không còn lương thực và thực phẩm. Bởi vậy ai thấy ai có “khả năng” thì phải nói ra, vì thế chủ trương của cấp trên là phải đóng thuế khả năng. Nhà ai thừa mười tạ bắt nộp mười tạ. Nhà ai thừa một tạ bắt nộp một tạ...”

Hóa ra cái màn cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở Hà Nội năm 1954 và ở Sài Gòn 1975 cũng là một loại “thuế khả năng” mà Nhà nước đã thi hành từ hồi mới giành được chính quyền 1945.

“Thuế khả năng” thực chất là cướp hết tài sản và chỉ để lại một phần tối thiểu cho nạn nhân sống sót. Nghe chú Văn mắt toét nói chuyện lạ đời, cuộc họp im thin thít, chú lại hùng hồn:
Giai cấp vô sản không sợ bất cứ ai, vấn đề là thấy ai thừa thóc tích trữ đầu cơ thì cứ nói toạc ra để vấn đề là bắt họ phải đóng thuế khả năng...”

Ông đồ H. xin thưa rằng mùa vừa rồi làng bị lũ lụt, sâu keo mất trắng làm gì có gia đình nào thừa thóc, lập tức chú Văn “đùng đùng vung tay về phía trước”:
Nói như thế là bao che cho bọn đầu cơ tích trữ, hút máu hút mủ của bà con hội viên. Vấn đề là phải vạch mặt chúng để chúng phải nộp thuế khả năng...”

Và rồi chú Văn túm ngay lấy cụ đồ:
Ai vừa bao che đó? Ông H. phải không? Tôi thấy ông H. còn khả năng, ông H. phải đóng hai tạ...”

Ông H. phản đối vì ông làm gì ra thóc, lập tức chú Văn đập bàn:
Anh thư ký cứ ghi biên bản. Ông bán gia tài điền sản không đủ hai tạ thì ông bán cái thân ông đi mà đóng thuế...”

Thường dân bị đối xử vậy, ngay cả những “đồng chí đảng viên” như mẹ của tác giả cũng chẳng được ưu ái hơn. Chính vì thế, nhà văn Võ Văn Trực viết về mẹ với lòng cảm thương:
Những năm cách mạng mới thành công, mẹ hăng hái tham gia công việc đoàn thể, xã hội. Bây giờ tôi thấy mẹ có phần mệt mỏi. Thế giới đại đồng ngày càng lùi xa. Chân mẹ gày yếu thế kia làm sao mẹ đi tới được cái đích cao sang mờ tít tắp ấy. Con có cảm giác như mẹ đang dẫn con đi trên dặm đường thiên lý sa mạc ngùn ngụt nắng gió, chốc chốc lại hiện ra trước mặt mình những lâu đài tráng lệ, nguy nga của ảo giác lừa dối, để rồi lại tiêu tan hy vọng, để rồi lại nuôi hy vọng hiện lên những tòa lâu đài khác...”

Là một nhà văn đảng viên kỳ cựu, nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn Nghệ, Võ Văn Trực quả đã thức tỉnh nên mới khái quát hóa được con đường lý tưởng cộng sản đầy tính hình ảnh như vậy. Các cán bộ tuyên huấn quả là rất tinh nhạy trong việc cấm đoán cuốn sách này.

Là cán bộ đảng viên, nhưng bố mẹ của nhà văn cũng không thoát được thân phận nạn nhận của cuộc “đấu tranh thực hiện thuế khả năng” khiến tác giả phải kêu lên: “Trời ơi, lại thuế khả năng. Cả cái làng này, ai còn khả năng để đóng thuế?”

Kêu thì kêu, mặc kệ, chú Văn mắt toét vẫn cứ hùng hồn phát biểu trong cuộc họp chỉ vài chục người mà chú làm như đang diễn thuyết trước cả ngàn người:
Vấn đề là phải chống đến tận gốc bọn đầu cơ tích trữ, bọn ngồi mát ăn bát vàng. Các đồng chí hội viên ta phải bới cho ra hết những ai đầu cơ tích trữ lấy thóc về mà ăn không thì vấn đề là chết đói cả lũ... Tôi nhắc lại ông Khương 4 tạ, bà Hương 2 tạ, ông cụ Vạn 2 tạ...”
Ông Khương đứng dậy xin:
Nông hội rút bớt cho tôi, tôi xin mang ơn, nhà tôi cũng kiệt rồi...”

Chú Văn mắt toét đập bàn rất mạnh làm nhiều người giật mình:
Vấn đề là ông chống lại nông hội à? Ông sợ đóng 4 tạ quá ít à? Thế thì ông đóng 5 tạ. Anh Bá ghi cho tôi, ông Khương 5 tạ...”

Tới đây người ta thấy rõ, Đảng chủ trương “đường lối giai cấp” trong công tác tổ chức cán bộ là rất khôn ngoan và sáng suốt. Phải là loại người khố rách áo ôm, thù ghét bà con trong làng, lòng lang dạ thú, đầu óc tăm tối và thất học như chú Văn mắt toét thì mới có đủ sự gan lì để thực hiện chính sách “thuế khả năng” của Đảng đến cùng mà thôi. Chính vì thế ngay với các đồng chí cùng trong chi bộ, chú Văn mắt toét cũng không tha, chú bắt bà Đoan - đảng viên, mẹ của tác giả đóng 3 tạ.


Ba tạ! Ba tạ! Vấn đề là bà phải gương mẫu. Vấn đề là gia đình bà là gia đình cán bộ phải gương mẫu... Vấn đề là cho bà khất ba ngày. Bà không đóng thì thế này này - chú nắm chặt hai nắm tay, nắm này đấm vào nắm kia - cứ cầm vồ mà nện từ trên sọ nện xuống cho đến khi mồm ợ ra mới thôi...”

Đồng chí đồng chuột với nhau mà còn tàn bạo thế, thử hỏi với người dân thường, cán bộ của Đảng còn tàn bạo đến đâu?

Dẫu sao, “chú Văn mắt toét” cũng được giáo dục tinh thần hữu ái giai cấp, bởi vậy chú hạ mức đối với bà Đoan - mẹ tác giả, cũng là đảng viên:
Thôi được, vấn đề là chiếu cố gia đình cán bộ, rút mức thuế cho bà Đoan từ ba tạ xuống hai tạ...”

... Mẹ tôi mếu máo:
Xin nông hội vào khám nhà tôi ngay tối nay xem còn được mấy hột thóc. Nếu bắt tôi đóng thì tôi xin khất đến mùa...”

Nhưng khất sao được, đêm ấy nhà tác giả như có đám tang: “cha gối đầu lên chiếc gối gỗ đã lì mòn đến chừng nửa thế kỷ rồi. Chiếc gối gỗ của ông đồ nghèo xứ Nghệ đã từng đỡ cái đầu chứa đựng những luân thường đạo lý Khổng Mạnh, bây giờ cái gối cũ kỹ ấy vẫn hằng đêm đỡ cái đầu chứa đựng những giấc mơ Mã Khắc Tư - Liệt Ninh” (tức Các Mác và Lênin).

Giấc mơ cộng sản thay thế cho giấc mơ Khổng Mạnh của ông đồ già phút chốc bỗng trở nên lãng xẹt vì phải chạy cho ra hai tạ thóc để đóng “thuế khả năng” cho Đảng. Hết cách xoay rồi, bố tôi đành phải nghĩ tới chuyện bán cả... đồ thờ trong nhà y như lời đồng chí Văn mắt toét quát tháo:
Mẹ cầm đèn soi cho cha trèo lên gác khênh cái hòm xuống... chiếc hòm làm bằng gỗ trắc từ đời cụ đời kỵ để lại, màu gỗ đã trơn lỳ, nhẵn thín, bên trong đựng những đồ tế tự quý, như đôi hạc đồng ngậm hoa sen, bát đĩa cổ đời Tống đời Thanh... hằng năm vào dịp tết Nguyên Đán và ngày giỗ ông, cụ, cha tôi mới đem những thứ đồ cổ này ra dùng rồi lại cẩn thận cất vào hòm...”

Ông đồ “cộng sản” phải bán cả đồ tế tự của ông đồ “Khổng Mạnh” để lấy tiền mua thóc đóng thuế cho cách mạng thì hẳn nỗi đau ấy phải ăn cả vào lời ru con của mẹ:
Khắp nam bắc tây đông
Nghe kêu van chuyên đói
Cơ trời làm tội
Đồ cộ (cổ) mang ra
Bán hết cả ông bà
Tổ tiên chi cũng bán
Tổ tiên rày cũng bán...”
Thật độc ác hơn cả thời phong kiến đế quốc mà Đảng vẫn cứ leo lẻo mang lại cơm no áo ấm cho người dân.

Thuế khả năng của Đảng bất nhân quá, đến nỗi người thừa hành nó là anh thư ký trong các cuộc họp tên Bá đành phải xin... từ chức. Anh nói: “Thật thà thì cháu làm. Điêu toa thì thôi. Đói thì chịu đói chung. Chứ thằng đói lại xẻo thịt thằng đói để ăn là cháu không chịu...”

Cái vụ “thuế khả năng” tuy độc ác, bất nhân và điêu toa vậy, người dân phải đau lòng “bán hết cả ông bà, tổ tiên” như vậy, nhưng vẫn còn chưa kinh hoàng bằng những vụ “đấu tranh chính trị” sau đó.

.
.
.

No comments: