Mọt Sách
Sunday, December 11, 2011
(Tiếp theo)
Đấu tranh chính trị
Thế nào là đấu tranh chính trị tại làng quê?
Vạch mặt những người khai man thuế nông nghiệp, đấu tranh với những người không chịu nộp thuế nông nghiệp, dần dần phát hiện ra “bọn phản động phá hoại sự nghiệp cách mạng” gọi là “đấu tranh chính trị”.
Thực chất “đấu tranh chính trị” là họp dân quê lại để tố cáo, đấu tố lẫn nhau; làm cho nông thôn rối mòng mòng qua đó thiết lập quyền lực ngày càng vững chắc và tuyệt đối của Đảng là quốc sách được sử dụng rộng rãi ở làng quê Việt Nam. Họp, họp và họp ngày càng trở thành nỗi kinh hoàng cho người dân.
“Rét. Đói. Mưa dầm. Người dự họp vẫn đông.... Có hai ngọn đèn dầu hỏa: một ngọn đặt ở bàn chủ tọa, một ngọn đặt giữa hội trường. Ánh sáng rất mờ chỉ đủ hiện lên nhưng cái đầu lố nhố. Xung quanh ngọn đèn, chừng mười khuôn mặt hiện ra có thể nhìn thấy được - vốn những khuôn mặt này đã gầy gò và nhuốm màu lam lũ, ánh sáng đèn ăn vào càng làm cho khuôn mặt hốc hác...”
Chủ tọa cuộc họp là ông cu Đình xóm Tây, nhờ bẻm mép được Đảng cử làm Bí thư Nông Hội xã. Hãy nghe ông ta khai mạc cuộc họp:
“Các chiến sĩ ta đang đổ xương máu ngoài chiến trường để giành độc lập tự do hạnh phúc cho nhân dân thì có một thiểu số phần tử ở hậu phương rất là cá nhân ích kỷ, man khai thuế nông nghiệp, lảng tránh thuế nông nghiệp, chui chui rúc rúc như chuột nhắt...”
Bí thư Nông Hội xã mới nói mấy câu mà bà con đã thấy tai ương đang nổi lên, “người ta im lặng chờ đợi một cái gì rất quan trọng đang nhích đến từng phút từng giây như đoàn người kéo gỗ không có con lăn làm đà, gỗ nhích đi từng li từng tý, mệt mỏi biết chừng nào...”
Cái nặng nề của cuộc họp chẳng khác gì cây gỗ được kéo mà không có con lăn, cứ nhích tới nhích tới qua những lời đe dọa ngày càng hùng hồn của ông Bí thư Nông Hội:
“Đồng bào ta phải đoàn kết, triệu người như một, đấu tranh với những phần tử phi chính trị, phi lập trường giai cấp, phi ái quốc, phi hòa bình để thúc đẩy công cuộc kháng chiến, kiến quốc chóng đến thắng lợi hoàn toàn...”
Và sau cùng sự im lặng nặng nề thực sự bùng nổ khi yêu cầu của Đảng được đề ra cho mỗi người:
“Nếu chúng ta không tố giác, không đấu tranh với những phần tử đó thì các chiến sĩ ta càng đổ nhiều xương máu, hòa bình thế giới sẽ bị đe dọa. Bà con ta đồng tâm nhất trí đào tận gốc trốc tận rễ những phần tử trốn thuế nông nghiệp như đập vỡ ổ rắn...”
Hàng triệu, hàng triệu nông dân một thời đã bị khủng bố tinh thần như vậy trong không biết bao nhiêu cuộc họp mà bài hát mở đầu luôn luôn đập vào quả tim đập thon thót của họ: “Vùng lên, nông dân...”. Bài hát này ngày nay đã tuyệt diệt vì nó gợi lại cả một thời Đảng “phóng tay phát động quần chúng” cho con người xúm vào ăn thịt lẫn nhau. Hóa ra chẳng phải chờ tới thời cải cách ruộng đất, ngay sau khi cướp được chính quyền, Đảng đã phát động đấu tố, tố cáo lẫn nhau trong giai cấp nông dân rồi.
“Nào, mời bà con tố giác. Nếu không tố giác hết những phần tử này, chiến sĩ ta ngoài mặt trận sẽ không có súng đạn, không có cơm ăn áo mặc để đánh giặc, bà con ở hậu phương sẽ đói khát...”
Ghê gớm chưa, đi xa hơn nữa, ông Bí thư Nông Hội xã còn nêu hậu quả có tầm thế giới nếu bà con không chịu tố giác nhau: “...bọn phản động quốc tế sẽ tấn công lại ta và phá hoại sự nghiệp độc lập, tự do, hạnh phúc của ta...”
Hội trường vẫn im như chết. Người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa vốn trọng tình làng nghĩa xóm, tối lửa tắt đèn có nhau, hoàn toàn chưa quen với việc bất nhân bất nghĩa là tố cáo lẫn nhau, bởi thế mặc cho ông Bí thư Nông Hội kêu gào, họ vẫn không chịu hé răng. Nhưng chủ trương của Đảng đã đề ra rồi, dù có “đốt cháy cả dẫy Trường Sơn” cũng phải phá tan cho được cái im lìm của đám đông ù lì, bằng mọi thủ đoạn phải phát động cho được quần chúng đứng lên tố giác lẫn nhau.
Và Đảng đã làm điều đó như thế nào?
“Không ai nói thì tôi châm mồi trước - ông Bí thư Nông Hội xã giơ cao nắm tay - Bà Hinh, ông Khang đã nộp thuế chưa? Ban thuế trả lời cho biết. Ai ở trong ban thuế, đứng lên trả lời.”
“Chưa nộp”
Thế là mồi lửa đã được châm lên. Nó sẽ đốt cháy hết những chần chừ do dự, những đạo lý xóm làng để làm tan chảy sự im lặng của người nông dân; lo sợ cho số phận và sự an nguy của bản thân mình, họ sẽ lao vào cấu xé lẫn nhau như bày chó đói đúng theo yêu cầu của Đảng. Bí thư Nông Hội lập tức ra lệnh:
“Bà Hinh, ông Khang lên đây ngay. Chống lại chế độ à? Sao không lên tiếng. Lên đây ngay...”
Chơi ngay đòn phủ đầu là “chống chế độ” thì chẳng riêng hai nạn nhân là bà Hinh, ông Khang mà tất cả mọi người dự họp đều sởn gai ốc. Hai gia đình này tương đối có máu mặt trong làng vì có nhà ngói, sân gạch, sống hòa thuận với dân làng, chỉ có mỗi tội là chậm nộp thuế khả năng tức là chưa chịu để cách mạng cướp tài sản. Vậy mà họ bị đối xử như thân phận tội đồ:
“Bước lên ba bước nữa.. Quay mặt xuống. Đứng chổng đít vào bà con dân làng là vô lễ, vô phép tắc...”
Như vậy đó, không phải người dân “vô phép tắc” mà chính là chính quyền cách mạng chẳng có phép tắc gì hết, không những họ không bảo vệ người dân mà còn tổ chức cho những người nằm ngoài bộ máy công quyền như Bí thư Nông Hội công khai xúc phạm, làm nhục người dân. Không luật pháp, không đạo lý, người dân còn biết trông chờ vào ai bảo vệ quyền sống tối thiểu của họ?
Tuy nắm quyền sinh quyền sát trong tay, nhưng cán bộ Đảng không phải dễ phát động được nông dân đấu tố lẫn nhau, lắm khi còn trở thành trò hề, cười vui trong con mắt người dân.
Trong buổi họp phát động quần chúng, sau khi đã lôi được ông Hinh bà Khang ra làm hai đối tượng để đấu tố rồi, ông Bí thư Nông Hội mới mở đầu cuộc vận động:
“Con sâu làm rầu nồi canh, các người có biết nhục không?”
“Dạ biết nhục...”
“Xin mời bà con phân tích tác hại của việc hai người dây dưa thuế nông nghiệp...”
Thúc mãi, thúc mãi chẳng ai lên tiếng, sau cũng mới có một anh chàng cà lăm xin phát biểu:
“Dây dưa thuế... thuế... nông nghiệp là... là... là... cái đồ liếm... liếm... l...”
Cả hội trường cười ầm. Ông Chủ tọa tức giận:
“Ai cười là thiếu ý thức. Đề nghị anh Cà bình tĩnh nói từng tiếng một, đừng nói lắp...”
“Chống... chống lại... lại... chính... chính sách... thuế... thuế nông nghiệp là cái đồ liếm... liếm l...”
Bà con lại cười ồ. Cuộc họp như thế là tan. Hôm sau, “cán bộ” rút kinh nghiệm, cử người làm bài hát giặm để tuyên truyền chống trốn thuế:
“Có kẻ giàu nứt cót,
Thuế má cứ khai man.
Lẩn trốn đủ trăm đàng
Như là lươn là trạch...”
Bài vè được độc tấu ngay trong cuộc họp, anh chàng cà lăm lại lên tiếng:
“cái... cái lũ lươn trạch ấy cũng là... cũng là... đồ liếm... đồ liếm l...”
Bà con lại lăn ra cười làm “cán bộ” phải đập bàn:
“Cấm cười... cười là phá hoại hội nghị. Cười là tiếp tay cho bọn chống lại chính sách thuế nông nghiệp của Đảng, Chính phủ...”
Ông Hành Giật giơ tay:
“Cấm đàn ông không cười là đúng. Nhưng đối với đàn bà phải cho họ cười mỉm, chứ cấm họ cả cười mỉm thì chỉ có cách bắt họ... đứng mà họp...”
Quen với lối xỏ xiên của ông, mọi người hiểu ý và lại lăn ra cười... Cán bộ tức quá ra lệnh cho dân quân tống cổ ông Hành Giật ra khỏi cuộc họp. Khi cuộc họp trở lại trang nghiêm rồi, “cán bộ” mới lần lượt gọi những người đã được “bồi dưỡng”, mớm lời từ trước để phát biểu.
Một anh tên Toàn nhảy ra chỉ mặt nạn nhân:
“Ngoài mặt trận các chiến sĩ không tiếc máu xương để giành độc lập, tự do, hạnh phúc cho đất nước. Các ông các bà thật là đồ vô ơn bạc nghĩa, ăn cháo đái bát. Các ông bà ăn no mặc ấm không nghĩ tới các chiến sĩ nhịn đói, nhịn khát ăn sương nằm gió... Tư tưởng đó là tư tưởng của bọn phong kiến đế quốc, của quân xâm lược xài lang...”
Một bà tên Nhuyên cũng nhảy lên:
“Bà Hinh ông Khang là đồ phản động, đồ Việt gian... là quân đế quốc, là lũ sài lang... bà Hinh ông Khang...”
Bà nói như hát làm một cô gái bật cười, lập tức cô bị dân quân giải ra ngoài. Không khí căng dần. Một ông tên Vận nhảy ra:
“Man khai thế nông nghiệp là “tặc”. Các chiến sĩ ngoài mặt trận là “đạo”. Tặc chống lại đạo là phi nhân phi nghĩa, phi độc lập phi tự do phi hạnh phúc. Các ông các bà...”
Một người đàn ông từ phía dưới thét to:
“Chúng nó chống Đảng chống Chính phủ, không gọi chúng nó là “ông bà” mà gọi là “thằng” là “con”.
Như mèo vớ được cá rán, chủ tọa bật dậy:
“Ông Tư phải không? Mời ông lên đây...”
Ông Tư xồng xộc chạy lên:
“Tao thấy chúng mày thường gặp nhau họp kín, thậm thụt bàn với nhau. Bàn cái gì? Bàn chống Đảng, chống Chính phủ hả? Tao căm ghét chúng mày...”
Một mụ đàn bà chắc được “cán bộ” gài sẵn đứng lên vu cáo cả “ông Đẹt ông Thọ cũng dự họp...”.
Tội nghiệp ông Thọ, nghèo nhất làng, bố mẹ chết sớm, chuyên đi làm thuê khắp nam bắc đông đoài. Người cùng khổ như ông, cách mạng về lẽ ra phải được đổi đời như cán bộ luôn luôn tuyên truyền. Ai ngờ, ông Thọ cũng được đổi đời nhưng lại đổi ngược không phải sung sướng hơn mà là cực khổ hơn.
“Người đàn bà giọng ồm ộp như ếch kêu:
“Thằng ni ngu si suốt đời, nghe Quốc Dân đảng rót lời rủ rê, đầu óc tăm tối u mê, đi dự họp kín theo nghề chó săn...”
Nói xong bà dồn tất cả sức mạnh vào cánh tay phải tát vào đầu ông Thọ... Gần chục người xô lên:
“Bắt khai đi... những ai họp kín?”
“Thằng nào trùm “
“Ngợi...”
“Thằng nào nữa?”
“Giản...”
Chủ tọa Đình khuôn mặt hiện lên một vẻ khác thường, vừa hăm hở, vừa căm giận: “Hoan nghênh tinh thần đấu tranh của bà con nông dân. Tôi hạ lệnh bắt trói hai tên Ngợi và Giản, nhốt vào ngục...”
Thế là chẳng phải tới giai đoạn cải cách ruộng đất, ngọn lửa “đấu tố” do Đảng phát động mới bật hồng mà ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng Đảng đã cho “nổi lửa” trên khắp các làng quê Việt Nam. Bằng đủ mọi thủ đoạn đê tiện nhất, nào dựa hẳn vào đám người tàn ác, bất lương, lưu manh trong cộng đồng, kích động chúng làm nòng cốt, nào vu cáo, dựng chuyện, bày đặt ra những tội lỗi kinh hoàng nhất úp lên đầu lên cổ người dân vô tội... chỉ trong một thời gian rất ngắn, ngọn lửa “đấu tố” đã bùng phát thiêu cháy mọi truyền thống tốt đẹp về “tình làng nghĩa xóm”, về “bán anh em xa mua láng giềng gần”, về “tối lửa tắt đèn có nhau”, về “bầu ơi thương lấy bí cùng” biến con người thành bầy thú man rợ nhảy xổ vào cấu xé, ăn thịt lẫn nhau. Đó thực sự là một tội ác diệt chủng, trời không dung đất không tha, ghi vào lịch sử một món nợ tinh thần muôn đời không xóa nổi.
Thế là từ đó, tối tối xóm làng lao vào một cơn hội họp không ai được phép vắng mặt. “Bà đang cấy dở sào ruộng cũng vội về ăn cơm nguội để đi họp. Ông đang bửa củi cũng dừng tay ăn vội mấy củ khoai để đi họp. Cụ già lên cơn hen cũng choàng tấm chăn đi họp. Vắng họp lại sợ người ta nghi là mình có liên quan gì đến bọn phản động, nên ai cũng lo đi sớm...”. Chỉ sau một hai cuộc họp, bốn người dân hiền lành đã trở thành tội đồ bị chủ tọa kêu gào:
“Bà con ta thẳng tay vạch mặt bọn hại dân hại nước, đào tận gốc trốc tận rễ hang ma động quỷ. Ta không thương xót gì chúng nó. Thương xót là mất lập trường giai cấp. Bằng tất cả mọi cách, ta bắt chúng nó khai hết, không khai thì đánh chết, chết thì chôn...”.
Ép cung là biện pháp hàng đầu trong các cuộc đấu tố, không biết, không làm gì hết cũng cứ phải nhận bừa, chỉ bừa những “tên đồng phạm” để từ đó cách mạng “nhân rộng” thêm vụ việc tưởng tượng, lấy cớ để bắt thêm người. Nhưng lấy gì để ép cung? Nếu không dùng “áp lực của quần chúng” thì những kẻ bị đấu tố dễ gì mà nhận bừa tội lỗi. Một tên cò mồi trong đám đông hét to:
“Chúng nó ngoan cố lắm. Chúng nó cứ đứng lì như đá tảng. Phải treo cổ một thằng để làm gương.”
Bị kích động, hàng chục người nhao nhao:
“Phải treo cổ một thằng...”
“Đừng treo cổ. Treo cổ thì nó chết ngay. Chết ngay thì nó không biết đâu. Cứ treo ngược lên đã...”
Ở đâu sinh ra cái lối tàn ác không cho chết ngay, phải chết từ từ cho đau đớn để lòng dạ được hả hê này? Cái mầm mống ác độc này đã nằm sẵn trong người nông dân Việt Nam để rồi được Đảng phát động cho nó bùng phát thành tội ác hay là do Đảng đã tạo ra ở họ trong cơn cắn xé nhau để tự bảo vệ mạng sống của mỗi người. Không biết nữa, chỉ thấy sự hung bạo của “quần chúng” ngày càng lớn, biến dần những người dự họp thành những con thú say máu người.
“Phải rồi, treo ngược lên...”
“Treo thằng Khang lên! Treo ngược lên...”
Và nạn nhân bị treo ngược thật. “Ba anh dân quân mang đại đao xồng xộc tới, buộc dây thừng vào hai cổ chân ông Khang rồi trèo lên xà nhà kéo người dây...” Đến nước này, nạn nhân không còn biết làm gì hơn, đành phải lậy van:
“Tôi xin khai, tôi xin khai hết...”
Nhưng mà khai cái gì? Ông Khang có làm gì đâu mà khai? Nhưng không khai thì chết, thế là cứ nhắm mắt khai bừa, muốn chết ai thì chết, mặc kệ, miễn cứu được cái mạng của mình.
Một vở kịch vừa đau đớn vừa cười ra nước mắt được Võ Văn Trực dựng lại như một bức ký họa sinh động.
“Họ lại buông dây xuống để ông Khang đứng nói:
“Tôi có tội với dân với nước. Từ nay tôi không làm phản động nữa...”
Dân quân A:
“Mi làm phản động với ai?”
Dân quân B:
“Mi đã chỉ điểm cho giặc mấy lần?”
Dân quân C:
“Mi đã nhận mấy tỉ đô la của Quốc Dân đảng?”
Bị hỏi dồn dập, ông Khang không biết trả lời thế nào. Chủ tọa liền ra lệnh:
“Thằng này ngoan cố, treo ngược lên xà nhà.”
Ba dân quân lại xô vào. Ông Khang chắp hai tay lạy:
“Cho tôi khai. Tôi xin khai hết...”.
Chủ tọa hỏi từng câu:
“Mi làm phản động với ai?”
“Với mấy người đang ngồi đây.”
“Mi đã chỉ điểm cho giặc mấy lần?”
“Hai lần.”
“Mi đã nhận mấy tỉ-đô la của Quốc Dân đảng?”
“Năm tỉ.”
“Mi để ở đâu? Mang ra đây?”
Suốt từ đầu, dưới đòn vọt, ông Khang cứ nhắm mắt mà khai bừa cho vừa lòng bọn quỷ đội lốt người, nhưng đến cái vụ phải “mang 5 tỉ-đô la ra cho chúng coi” thì ông chịu. Trong đầu cả ông Khang lẫn bọn dân quân đều không thể hình dung 5 tỉ đô-la nó như thế nào, cũng chỉ cho rằng nó bằng một bọc tiền có thể giấu trên mái nhà hoặc chôn cất trong vườn thôi chứ mấy? Do không lấy được 5 tỉ đô-la cho chúng coi nên ông Khang lại bị đánh nữa:
“Chủ tọa lại kết án là “thằng này ngoan cố, treo lên xà nhà”. Ba dân quân hung hăng cột dây thừng vào cổ chân ông Khang kéo ngược lên xà nhà. Ông Khang bỗng trở thành một cái xác treo ngược lủng lẳng...”
Một người dân trong làng, đồng bào, đồng chủng tộc chẳng có tội gì, bỗng chốc bị đối xử như một tội đồ trọng tội, lẽ ra những người trong làng, trong xóm phải đứng ra bênh vực. Đằng này không, tâm lý bạo hành của đám đông đã bị kích động khiến tất cả mọi người đều bị biến thành những con thú say máu:
“Tất cả mọi người trong hội trường không ai bảo ai bỗng đứng giãn ra vây thành vòng tròn. Một người giơ chân đạp vào người ông Khang, ông bị văng sang bên kia, ở bên kia lại một người khác giơ chân đạp thẳng vào đầu ông... Cứ như vậy, cái đầu ông Khang như một quả bóng bị đá từ phía này sang phía kia...”
Đọc tới đây, người ta bỗng liên tưởng tới những cuộc hành hình của bọn 3K ở Mỹ ngày trước. Tuy cả hai đều là những đám đông điên cuồng bị kích động, say máu người, nhưng những cuộc đấu tố ở làng quê Việt Nam buồn thay lại xảy ra ngay trong những người cùng màu da vàng, máu đỏ chứ chẳng phải da trắng da đen như trong chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
“Một người trong đám đông nhô đầu ra:
“Nó ngoan cố không chịu khai. Buộc dây như thế này nó không đau. Tôi đề nghị buộc dây vào hai ngón chân cái.”
Hàng chục người nhao nhao hưởng ứng:
“Phải rồi! Buộc vào ngón chân!”
“Buộc vào ngón chân!”
“Buộc vào ngón chân!”
Thế là hình phạt dã man thời trung cổ đã xẩy tới. Một dân quân trèo lên xà nhà mở dây. Hai dân quân đứng dưới đỡ ông Khai nằm xuống đất. Họ dùng sức mạnh thiết sợi dây thật chặt vào hai ngón chân cái rồi kéo ngược ông lên xà nhà. Bất chợt, ông rên ư ử. Ngay tức thì một dân quân đạp trúng vào mặt ông hộc máu mũi: “Lại còn vờ rên...”
Trong những người chứng kiến cuộc “hành hình” có cả con trai nạn nhân. - thằng Biều. Chứng kiến bố mình bị hành hạ, thằng Biều không dám ho he, “nó khóc nấc lên, nhưng cố bịt miệng để không bật ra thành tiếng, cái đầu nó cứ rung trên vai tôi một cách tuyệt vọng”. Và duy nhất chỉ có mỗi ông tác giả còn thông cảm với nó, cho nó gục đầu vào vai mình mà khóc nhưng ông cũng “cảm giác ghê ghê như cật nứa cứa khắp làn da tôi” bởi lẽ ông lo sợ “liệu có ai nhìn thấy thằng Biều gục đầu vào vai tôi không?” Và ông phải vờ như không biết có thằng Biều đứng cạnh mình, chỉ dám “trong bóng tối, tôi giơ cánh tay ra phía sau nắm lấy cánh tay Biều. Bàn tay nó rung rung như chiếc lá sắp rụng. Tôi biết lòng nó đang tê tái, đang xé ruột xé gan vì người cha đang bị hành hình ở ngay trước mặt nó...”
Thế rồi: “Bất thình lình một ông già hùng hổ rẽ đám đông, xộc vào giữa...” làm người đọc nhói lên hy vọng liệu ông già có phải ông Bụt ở trên trời cám cảnh địa ngục ngay dưới trần gian nên bay xuống cứu giúp người hàm oan chăng? Hóa ra không phải, ngược lại, “ông ta đá vào đầu ông Khang một cú như sét đánh: “Tổ cha quân phản động”. Thân thể ông Khang văng xa như đánh đu, dây thừng bị đứt, cái thân nặng nề của ông rơi thịch lên đầu đám đông. Đám người giãn ra. Một người kêu lên: “Nó chết rồi”. Người khác: “Chết thì chôn”. Anh dân quân đến gần: “Nó đang thở. Bọn này ăn sướng. Chưa chết được đâu...”.
“Bọn này ăn sướng, chưa chết được đâu” - “Ăn sướng” tức là trong nhà có bát ăn bát để, vậy ắt hẳn phải “khó chết” hơn “nhân dân cách mạng” - suy nghĩ theo kiểu cốt cán của Đảng thế này trách gì mấy tên dân quân độc ác còn hơn cầm thú.
Chủ tọa:
“Để tên Khang nằm đó. Bà con vạch mặt những tên khác”.
Những tên khác là tên nào?
“Chủ tọa cu Đình đĩnh đạc lên giọng:
“Lệnh của trên là phải giải hai tên đầu sỏ Ngợi và Giản lên huyện ngay đêm nay. Các đồng chí dân quân thực hiện mệnh lệnh của tôi!”
“Lệnh của trên” chẳng biết là lệnh của ai, đầu cua tai nheo nó ra làm sao, người bị bắt có tội gì, chỉ biết nó từ mồm gã Bí thư Nông Hội xã phát ra là lập tức được thi hành:
“Xã đội trưởng Niên “tuân lệnh” dẫn hai dân quân vào trói cánh gà Ngợi và Giản. Họ ngã sấp mặt xuống nền nhà. Anh dân quân đấm một phát như trời giáng vào mặt Ngợi:
“Mi chống lại à?”
Hàng chục người xô tới đánh túi bụi vào Ngợi và Giản. Họ ngã sấp mặt xuống nền nhà. Anh dân quân đá vào hông họ và quát:
“Đứng dậy mà đi! Vào tù nằm cho sướng...”
Chỉ còn lại giữa đấu trường mấy người: bà Hinh, ông Đạt, ông Thọ và ông Khang đang bị treo ngược lơ lửng...”
Lúc này vòng người càng ngày càng xiết hẹp lại quanh bốn con người tội nghiệp “như vòng lửa bao vây bầy thú bị trọng thương. Trong vòng người ấy tưởng có thể bất cứ lúc nào một cánh tay vung ra hoặc một bàn chân giơ lên là có thể thụi vào con thú chết ứ ự ngay tức khắc...”
Cái cảnh dã man đầy thương tâm bầy ra trước mắt Võ Văn Trực khiến tác giả nhớ lại cảnh những ngày hội vây hổ ở làng ngày xưa. Khi phát hiện có hổ về làng bắt trâu bò, người ta gióng trống gióng mõ, tổ chức trai tráng bao vây. Xung quanh con hổ là vòng người chiêng trống, thanh la, não bạt và tiếng hò reo long trời lở đất kéo dài tới bảy ngày, mười ngày, nửa tháng... Con hổ dần bị thác loạn thần kinh, lúc đầu còn hốt hoảng, dần dần bị tê dại, cuối cùng một đám lực điền cầm dáo xông vào đâm chết hổ. Tác giả đau xót viết:
“Con hổ còn loạn thần kinh, huống hồ con người”.
Và ông lớn tiếng đặt câu hỏi:
“Những con người đang ngồi giữa vòng vây đêm nay có còn chút tỉnh táo nào để nghĩ về thân phận họ?”
Họ không những là người cùng làng cùng xóm, cùng chung lưng đấu cật để tạo nên một cộng đồng nhỏ bé và ấm áp, mà còn là người cùng một dòng máu, dòng máu họ Võ, cùng một ông tổ Triệu Cơ, vậy vì sao bỗng nhiên họ biến thành “những kẻ thù của nhân dân”, bị đấu tố, nhục mạ, hành hạ cho đến chết.
Vì sao và kẻ nào đã gây nên nông nỗi đó?
Ta hãy nghe lời giải thích từ chính miệng tên đầu trò - Bí thư Nông Hội xã:
“Lịch sử loài người được hình thành trên cơ sở lịch sử đấu tranh giai cấp. Chúng ta không bao giờ quên là phải đấu tranh giai cấp để tồn tại. Muốn đấu tranh giai cấp thắng lợi thì phải đề cao tinh thần cảnh giác, phải triệt để cảnh giác với mọi phần tử xấu đang lăm le phá hoại cuộc đấu tranh giai cấp của chúng ta...”
Khi viết những dòng chữ đầu tiên về thuyết “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội”, liệu ông Karl Marx có hình dung được “lý thuyết” của ông mai đây sẽ bị những bọn đồ tể say máu người dùng để kích động đám đông xúm vào chém giết nhau ở khắp nơi nơi mà lại nhân danh “giải phóng con người” chăng? Than ôi, ở cái làng quê Việt Nam “tận cùng trái đất” này, người ta chỉ biết các ông Mác-Ăngghen-Lênin là... ba ông Tây, nhưng lời kêu gọi của mấy ông “vùng lên, hỡi ai nô lệ ở thế gian... sục sôi nhiệt huyết trong tim chan chứa... quyết phen này sống chết mà thôi...” thì họ hưởng ứng rất nồng nhiệt bằng cách xua đồng bào của họ chém giết lẫn nhau ghê rợn không thua gì thời Trung Cổ.
Đầu óc tăm tối của những tên lưu manh nhà quê, một tấc đất cắm dùi cũng chẳng có – được những người cộng sản đặt tên là “vô sản nông thôn”, đã tưởng tượng ra đủ mọi thứ tội lỗi kỳ quặc vu oan giáng họa cho những người lương thiện. Tên Bí thư xã biến “ông Khang thành thủ quỹ của bọn phản động nước ngoài giữ những 5 tỷ đô-la, chú xã Thọ nghèo rớt mùng tơi đến làm thuê cho ông Khang cũng trở thành đảng viên trung kiên của Quốc Dân đảng...”. Theo gương hắn, những con thú trong bầy đàn cũng nhao nhao vu cáo kết tội.
Một gã thanh niên kể tội ông Đẹt:
“Khi giặc đổ bộ lên Quỳnh Lưu thì mi đem con dao găm ra mài. Mi mài dao găm làm gì? Mi mài dao găm để ám sát cán bộ, để đội giặc lên mà rước vào nhà phải không?”
Một lão già kể tội bà Hinh:
“Khi cán bộ thuế nông nghiệp vào vận động thì mi đem rổ khoai lang ra mời cán bộ ăn. Hành động của mi có hai âm mưu: một là mua chuộc cán bộ, hai là mi khinh thường cán bộ, chỉ mời cán bộ ăn khoai lang còn cơm gà cá gỏi thì mi để dành nuôi bọn phản động...”
Một mụ đàn bà kể tội chú xã Thọ:
“Một hôm tao thấy mi từ nhà bà Đoan ra, tay cầm một gói cà. Mi có nhớ gói cà bằng cái gì không? Bằng ảnh của Mao chủ tịch. Mi có tư tưởng nhạo báng lãnh tụ cộng sản quốc tế...”
Thú tính trong con người của “giai cấp nông dân” được Đảng phát động đã dâng cao ngoài sức tưởng tượng. Sau đêm đấu tố, trời rét căm căm, ở đầu làng hiện ra một cảnh tượng khủng khiếp:
“Những người bị đấu tố đêm qua bị trói ở gốc cau... Mỗi gốc cau trói một người: ông Đẹt, bà Hinh, ông Khang, chú xã Thọ... Còn hai người nữa là ông Ngợi và ông Giản đã bị bắt lên huyện... Tối hôm qua rét như muốn nứt nẻ da người, nứt nẻ trời đất. Mấy đứa chúng tôi ôm nhau trong ổ rơm vẫn còn rét. Thế mà những người này sau cơn tra tấn ê ẩm cơ thể, lại bị phơi ra ngoài trời. Họ chống chọi bằng cách nào để qua một đêm rét như thế?”
Lẽ ra trước cảnh đồng bào đồng chủng - “người trong một nước” bị đầy đọa như vậy, những người qua đường nếu không rủ lòng thương xót thì cũng che mặt mà đi, không nỡ nhìn cảnh thương tâm đó. Vậy mà không, “Có một đoàn các bà đi chợ, gánh gồng, đội, mang ngổn ngang những thúng mủng, bị cói, lồng gà. Đến hàng cau họ dừng lại, một bà nói: Thì ra quân phản động đây rồi. Tôi cứ tưởng là phản động ở đâu đâu. Té ra quân phản động ở làng Hậu Luật. Bà cho chúng mày biết tay...”
Những tưởng bà sẽ vác đòn gánh đánh đập đám người bị trói, thật chẳng ai ngờ “bà tốc váy đái lên đầu ông Đẹt. Mấy bà khác cũng làm theo, tốc váy đái lên đầu ông Khang, bà Hinh, chú xã Thọ. Nước đái chảy từ tóc xuống ướt đẫm cả quần áo...”
Có lẽ từ thuở vua Hùng dựng nước tới bấy giờ, trong suốt chiều dài lịch sử chưa bao giờ có một cảnh tượng người Việt đối xử với người Việt dã man và đểu cáng đến như vậy. Đem gắn vào cảnh tượng trên lời ca của một bài hát cách mạng nổi tiếng “Tổ quốc ơi có bao giờ đẹp thế này chăng?” – mới thấy hết được sự mỉa mai, dối trá đến trâng tráo, không còn chút lương tri con người.
Đám các bà đi chợ “đái” vào những người chịu tội xong rồi đi thẳng, tưởng như thế đã đủ làm nhục những người bị trói. Ngờ đâu “có một bà khác băm bổ bước tới “vì quân phản động này mà con tao phải ăn sương nằm gió ngoài mặt trận.” Vừa nói bà vừa đái rê từ đầu ông Đẹt qua đầu ông Khang, bà Hinh, chú xã Thọ...”
Cảnh tượng nhục nhã cho cả dân tộc Việt Nam này chưa một họa sĩ nào dám đưa nó lên tranh mà lẽ ra nó phải được khắc trong đá, trong bia để ghi nhớ những món nợ tinh thần này sẽ có ngày những kẻ gây ra nó phải đền tội cho những người dân vô tội được ngậm cười nơi chín suối.
Tính chất phi nhân của cảnh tượng còn sắc nét hơn nữa khi con bé Hoa, con gái ông Khang lậy lục tên du kích đứng gác:
“Thưa chú, chú cho cháu mở trói cho cha cháu, ăn xong chú lại trói như cũ”.
Nhưng tên du kích lòng dạ đã hóa đá, hắn không thèm quay lại, còn xẵng giọng quát tháo:
“Mày định âm mưu cái gì? Mở trói để bỏ chạy à? Đến lúc này mà mày còn âm mưu làm cho tao mất cảnh giác giai cấp à?”
Lại “cảnh giác giai cấp” – câu nói cửa miệng một thời khi Đảng phát động nông dân đi làm cách mạng. Chính vì cái “cảnh giác giai cấp” kỳ quặc đến quái gở này mà không biết bao nhiêu người vô tội bỏ mạng trong các đợt phóng tay phát động quần chúng đứng lên lật đổ toàn bộ giai cấp địa chủ trong các đợt cải cách ruộng đất sau này.
“Sai lầm trong cải cách ruộng đất” không phải như Đảng thừa nhận vào lúc nó đã bộc lộ rõ ràng như ban ngày, mà ngay từ hồi cướp được chính quyền, mới chỉ ban hành chính sách thuế nông nghiệp, các cuộc vận động đấu tố đã diễn ra rồi, và nếu thành tâm rút kinh nghiệm thì Đảng đã có thể sửa sai ngay từ những ngày đó, đâu phải đợi đến thực hiện xong cuộc cải cách ruộng đất với cả trăm ngàn người chết oan, Đảng mới vội vội vàng vàng “sửa sai”.
Quả thực, ngay từ hồi mới cướp được chính quyền, Võ Văn Trực lúc đó còn là một cậu bé, đã chất vấn bà mẹ đảng viên:
“Cách mạng thành công lâu rồi, sao lại nhiều phản động thế?”
“Thế mới là chuyên chính vô sản con ạ. Đấu tranh giai cấp càng ngày càng quyết liệt thì bọn phản động càng hoạt động nhiều...”
“Chú xã Thọ nghèo khổ, hiền lành thế, có đúng là phản động không? Hay người ta nói sai? Sao họp chi bộ, mẹ không bênh chú xã Thọ?”
Nước mắt chảy ra trên gò má nhăn nheo, mẹ nói trong sụt sùi tiếng khóc:
“Con muốn người ta bắt trói luôn cả mẹ à?”
Như vậy là ngay cả đảng viên cũng không dám nói ra sự thực vì đó là cái án tử dành cho bất kỳ ai dù là trong Đảng hay ngoài Đảng. Khước từ sự thực, cấm đoán, truy sát những ý kiến trung thực, những sai lầm trong đấu tố của Đảng phát động tại một làng quê không những không được phát hiện và sửa chữa kịp thời mà còn được “nhân rộng” ra khắp trong huyện trong tỉnh và trong cả mấy tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Phong trào đấu tố rầm rộ tới mức học sinh phải nghỉ học cả tháng trời để đi dự các cuộc đấu tố. Tối nay đi nơi này, tối mai đi nơi khác. Nhiều xã tổ chức đấu tố vào ban ngày hoặc trời mưa, trời rét, đường lầy sục... học sinh cũng vẫn phải kéo nhau đi dự.
Vì sao Đảng phải huy động tới cả con nít đi đấu tố và tại đó chúng phải làm những việc gì và chuyện đó đã ảnh hưởng tới trí óc non nớt và tâm hồn trong trắng của chúng như thế nào?
Xưa nay Đảng rất coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho thiếu niên nhi đồng. Hầu như không một cán bộ đảng viên nào không biết tới lời bác dậy: “Trồng cây phải 10 năm, trồng người phải 100 năm...”. Mục tiêu tối thượng của công tác “trồng người” là làm sao “đúc” cho ra hàng loạt người: “trung thành với Đảng” trong đó quan trọng nhất là “công đoạn” trồng người ở tuổi thơ ấu và tuổi mới lớn. “Yêu nhân dân, yêu tổ quốc” trong 5 điều bác Hồ dậy tuổi nhi đồng thực chất là tập cho con nít nhắm mắt yêu bác Hồ, yêu Đảng. Rời khỏi mẫu giáo lên cấp 1, “sản phẩm con người” được chuyển qua công đoạn “thiếu niên Tiền Phong”, được đeo khăn quàng đỏ, được giáo dục về Đảng, về chủ nghĩa xã hội, hết tuổi “bé con” lớn lên đã có Đoàn Thanh Niên Cứu Quốc (trước đây) và Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh (ngày nay) chờ sẵn để đưa vào “xưởng đúc” trở thành “cánh tay phải của Đảng”, lực lượng trù bị “làm đầu tàu cho thanh niên Việt Nam tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.”
Vốn hết sức coi trọng thực tiễn và kinh nghiệm, Đảng thường cho rằng cách tốt nhất để rèn luyện thanh niên thành những người trung thành đến mù quáng không nằm trong các giảng đường đại học mà chính là ở chiến trường, công trường và đặc biệt là trong những cuộc đấu tranh chính trị do Đảng phát động. Bởi vậy cuộc đấu tranh chống phản động ngay sau ngày mới cướp được chính quyền cần phải huy động cả thanh thiếu nhi tham gia vì đó là một trường đào luyện vô cùng “thực tế” và “bổ ích”.
Trong những ngày nóng bỏng này, tác giả tâm sự:
“Một cảm giác rất lạ tràn ngập cả người tôi suốt đêm này qua đêm khác, suốt ngày này qua ngày khác, vừa là để muốn thỏa mãn đầu óc tò mò vừa là để hiểu thêm tiến trình cách mạng. Nghe mẹ tôi nói: “Cách mạng đã chuyển sang bước ngoặt, chuyên chính vô sản phải tăng cường...”
Vậy nhưng đập vào mắt cậu bé Võ Văn Trực là biết bao cuộc đấu tố, bao người bị oan khuất khiến cậu không thể không thắc mắc: “Chuyên chính vô sản là thế này ư? Phản động nhiều đến thế ư? Kẻ giàu sang làm phản động còn có thể hiểu được, chứ sao người khốn khó cũng làm phản động? Bao nhiêu câu hỏi xoáy vào tâm trí tôi, chồng chất trong tâm trí tôi. Tôi không tự cắt nghĩa được và tôi cứ buông thả mình như con thuyền độc mộc bị cuốn vào giữa dòng nước xoáy. Tôi chỉ biết là tôi không ngồi yên được. Tôi phải đi dự đấu, đi xem đấu...”
Hàng triệu, hàng triệu thanh thiếu nhi Việt Nam đều đã như “con thuyền độc mộc bị cuốn vào dòng nước xoáy” như vậy. Ban đầu là cưỡng ép, dần dà là tự nguyện. “Những sản phẩm con người” qua từng “công đoạn” cứ mất dần, mất dần đầu óc tự chủ, độc lập suy nghĩ, tính bản thiện trong từng mỗi người và dần dà trở thành những “tín đồ” rập theo một khuôn cùng một đầu óc nô lệ, cùng một cách suy nghĩ, cùng một cung cách ứng xử. Sự nghiệp “trồng người” của Đảng ta xem ra đã gặt hái được những “thắng lợi lớn”, nhất là qua các cuộc vận động “chống phản động”, “cải cách ruộng đất”, “hợp tác hóa nông nghiệp” vân vân.
Ta hãy coi Đảng đã thắng lợi như thế nào trong sự nghiệp “trồng người” qua ngòi bút của Võ văn Trực.
“Người đứng vây kín vòng trong vòng ngoài. Ba tội nhân co ro đứng giữa. Tôi không thể chen vào được để nhìn rõ mặt ba người, tôi chỉ nhận ra được một người là chú Trường. Chú Trường cũng “là tên phản động” à? Chú là dân khố rách áo ôm, đi làm thuê tứ thời bát tiết. Nhiều năm sau cách mạng tháng Tám chú làm trung đội trưởng du kích Xóm Chợ”. Chú Trường là người cốt cán cách mạng như thế nhưng tại sao lại bị mang ra đấu tố? Hóa ra bố vợ chú bị nghi là phản động thì chú cũng là phản động chứ sao. Đó là một cách suy diễn cực kỳ đơn giản của “cách mạng” làm nên “một trong những phương pháp đấu tranh là phải trị bọn “liên quan”, phải chặt cho hết cành hết ngọn, cuối cùng sẽ trơ ra cái gốc, đến lúc đó sẽ dễ dàng đào bật gốc”.
Để đấu tố “chú Trường” được tốt, cán bộ đã “làm công tác tư tưởng” cho nông dân Xóm Chợ kỹ càng tức là đã răn đe, xúi bẩy bà con lên tiếng “tố cáo”, “vạch mặt” càng vu oan giáng họa cho chú Trường nhiều thì thành tích càng cao. “Đến như o Ái khoèo tay, khoèo chân, lúc nào cũng giỏ nước rãi ở mép, cả đời không nói năng với ai một câu ra hồn, cũng xông vào gí cái cùi tay lên đầu “bọn phản động”, giơ cái chân khoèo đá vào mông “bọn phản động” một cái rồi chạy ra.”
Người tật nguyền còn hăng hái đấu tố vậy huống hồ người khỏe. “Đặc biệt là tụi thanh niên mới trưởng thành đấu tranh rất hăng hái. Lực lượng này phải là đội ngũ xung kích của cuộc đấu tranh chính trị. Những đứa cùng lứa tuổi cùng bạn bè với tôi tranh nhau vào “vạch mặt”. Đứa nào cũng quát rất to cũng đỏ gay mặt. Có đứa sau một đêm đấu tranh thì cổ khản đặc. Các đồng chí lãnh đạo đánh giá rất cao tinh thần cách mạng của thanh niên và chọn một số để bồi dưỡng kết nạp Đảng...”
Hóa ra những người anh em cộng sản Trung Quốc phải chờ tới những năm thập niên 1970 mới dùng được thanh niên làm Hồng Vệ Binh để đi đầu trong vận động cách mạng, còn các đồng chí Việt Nam ngay từ những năm đầu thập niên 1950 đã sáng tạo ra cái mẹo này rồi với những danh xưng đẹp đẽ như “lực lượng hậu bị của Đảng”, “cánh tay phải của Đảng” vân vân.
Tuy nhiên tính thiện vẫn còn tiềm tàng trong mỗi con người, bởi thế không phải bất kỳ ai cũng vâng lời Đảng xông vào cấu xé đồng loại trong đấu tố. Hòa vào đám đông gào thét, vẫn còn những con người đầy rụt rè, xấu hổ:
“Tôi cảm thấy ngượng vì mình không mạnh dạn như các bạn... Mấy lần tôi đã nhắm sẵn trong óc vài ba câu để xông ra đấu tranh, nhưng mỗi lần nhớm bàn chân lên định chạy vào thì bỗng nhiên như có sức nặng vô hình nào đó tì xuống, thế là thôi lại đứng im. Nếu tôi xông vào thật, tôi cũng phải hò hét, phải giơ tay giơ chân, bao nhiêu cặp mắt chăm chăm nhìn vào mình, xấu hổ lắm...”
Chính cái nỗi “xấu hổ lắm” đó đã hạn chế thắng lợi “trồng người” của Đảng. Khi con người ta không còn xấu hổ nữa, lúc đó sẽ nhắm mắt theo Đảng làm bất cứ chuyện gì Đảng yêu cầu: dựng chuyện, vu cáo, hãm hại và giết người vô tội. Tiếc thay theo dòng thời gian, cái cơ chế vận hành của Đảng đã làm mất dần, mất dần và tiêu diệt cái khả năng “xấu hổ” đó đến mức ngày nay từ quan lớn xuống tới quan bé, không còn một quan nào biết “xấu hổ” để mà treo ấn từ quan hoặc làm việc gì đó có lợi cho dân cho nước nữa.
Tất nhiên kẻ nào cả gan đi ngược lại yêu cầu của Đảng sẽ bị trừng phạt ngay lập tức. “Trước đây, chi bộ đánh giá tôi là một thanh niên có nhiều triển vọng để kết nạp Đảng, qua cuộc đấu tranh này, vai trò của tôi bị lu mờ; những đứa từng bị coi là lổ láo là ba gai, nhưng bây giờ hăng hái lên vạch mặt bọn phản động thì được xếp vào hàng ngũ tích cực.”
Tới đây tác giả làm lộ ra cái “chính sách dùng người” của Đảng. Thông thường, bất kỳ tổ chức nào muốn phát triển lớn mạnh cũng đều thu nhận vào mình con người ưu tú, vừa có phẩm chất đạo đức, vừa có năng lực làm việc. Riêng Đảng lại ngược lại, Đảng thu nhận bất kỳ ai, bất kỳ kẻ đó ra sao, miễn cứ hăng hái đấu tố là trở thành nòng cốt của Đảng. Từ bao nhiêu năm nay, cái chính sách chỉ tuyển chọn “người trung thành”, không cần người có đầu óc, không cần người độc lập suy nghĩ đó đã đẩy biết bao nhân tài và tâm huyết sang hàng ngũ “kẻ địch” khiến cho ngày nay thật khó kiếm được người tử tế, tâm huyết trong bộ máy Nhà nước cũng như trong bộ máy của Đảng.
Và sự thực những người tử tế, tâm huyết ngày càng trở nên hiếm hoi trong cái xã hội bị toàn trị bởi sự sàng lọc theo thước đo của tinh thần “tuân thủ” này. Thời của “chuyện làng ngày ấy” vẫn còn nhiều những đứa bé còn cảm thấy xấu hổ khi giơ chân, giơ tay xông vào đấu tố, còn có chút tình người cả gan tới thăm những người bị đấu tố.
“Hai đứa bước lên thềm, ngập ngừng rồi mạnh dạn mở cửa phòng. Cửa không khóa. Phòng trống rỗng, tất cả bàn ghế đã xếp chồng chất ngoài hè... Kìa trong phòng có ai thế kia? Linh cảm ngay được đó là người bị đấu tố tối hôm qua, chúng tôi bước tới. Thì ra o Đa, vợ chú Trường đang chăm sóc cho chồng. Trời buốt giá, chú nằm trên sàn xi măng trải chiếu, đắp tấm chăn chiên vá nhiều mảnh. O xụt xịt lau nước mắt: “Sao các anh dám vào đây? Cha nó chết mất... Tôi lụi cụi làm ăn suốt ngày, có biết cha nó đi phản động phản điệc gì đâu? Cha nó cũng hiền lành sao đến cơ sự này? Cha nó mà chết thì tôi nuôi nổi làm sao mấy đứa nhỏ?”
Chú Trường trùm kín chăn. Tôi choáng váng khi nhìn thấy chú: tóc cháy lam nham, da mặt bị bỏng rộp từng mảng ri rỉ nước...”
Cái cảnh vợ còn dám săn sóc chồng, trẻ con tới thăm người bị đấu tố chỉ có ở thời kỳ đầu Đảng thực hiện đường lối “phóng tay phát động quần chúng”, sang tới thời kỳ cải cách ruộng đất thì đã nhan nhản những cảnh con tố cha, vợ tố chồng... sống giữa bầy quỷ sứ ai ai cũng chỉ nhăm nhăm giữ cho được cái mạng sống của mình là việc chính ở đời ngoài ra nghĩa cha con, tình vợ chồng... tất cả đều chỉ còn là những kỷ niệm buồn tủi của quá khứ bị kết án, bị bôi xấu và bị nguyền rủa.
Mức độ độc ác và phi nhân của những cuộc đấu tố qua cuốn “chuyện làng ngày ấy” của Võ Văn Trực làm người đọc phải kinh hoàng. Quả thực nếu không có vai trò chứng nhân của các nhà văn, nhà báo, nhà viết sử tâm huyết và trung thực thì hẳn tội ác của những tên mặt người dạ thú đã gây nên bao cái chết tức tưởi cho những con người lương thiện trong đấu tố hẳn sẽ bị chôn vùi trong quên lãng dưới tầng tầng lớp lớp những bụi thời gian.
Ta hãy coi Võ Văn Trực “khắc bia” ghi lại nỗi kinh hoàng của một cuộc đấu tố.
“Tụi làm phản động ở Nho Lâm sao mà đông thế? Đông hơn nhiều so với các xã khác. Một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây người nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa. Người xem đông quá là đông. Sóng người xô dồn lên, rồi dạt ra phía sau, rồi lại cuộn xoáy, ôm nhau, níu áo nhau, đạp lên nhau. Không thể nào nghe được dân quân đang tra khảo tội nhân điều gì? Chỉ nghe những tiếng quát lớn: “Mi có khai không? Mi có khai không?” trộn lẫn với tiếng đấm đá huỳnh huỵch...”
Kìa... Lại cái món tra tấn cổ điển khởi đầu từ làng Hậu Luật: trói ngược người có tội. Những kẻ hung hăng đứng xung quanh tha hồ giơ chân đá vào đầu, vào người suốt từ bên này qua bên kia. Vì nhiều người đá, cái dây bị xoắn lại và cái xác người treo ngược cũng bị quay tít mù như một thứ đồ chơi kỳ quặc...”
“Cán bộ phát động quần chúng” đã là những tên độc ác bất nhân thời trung cổ, “quần chúng được giác ngộ” cũng trở nên những con thú say máu người. Một tên như vậy đã nổi điên:
“Tổ cha cái đồ phản động cái đồ Việt gian” - có tiếng người hét to như muốn vỡ ngực vỡ họng. Chính cái người hét to ấy đang ôm một gốc cây phi lao sần sùi mấu lao từ trên bức tường xuống như con mãnh thú vồ mồi, giơ cao gốc cây phang một cú vào ngực người bị treo ngược. Người bị treo rú lên một tiếng thất thanh và hai tay run rẩy như con nhái trước lúc chết. Thịch! Sợi dây đứt. Người bị treo ngược rơi xuống, sọ đập lên nền đất lổn nhổn cứt sắt...”
Thật đúng là một cuộc hành hình man rợ không thua gì thời Trung Cổ. Tụi 3K hành hình người da đen chắc cũng phải ngả mũ kính chào mấy ông cán bộ phát động đấu tố.
Chứng kiến tội ác dã man của bọn quỷ sứ, đám đông con người đã phản ứng ra sao?
“Cả rừng người đột nhiên lặng thinh như một trận chết thình lình ập xuống, đè nặng, đay nghiến làm cho họ không chịu đựng nổi và thốt ra tiếng xuýt xoa kinh hãi...”
Không một chút phản kháng bọn sát nhân, không một mảy may thương xót, cảm thương người xấu số, cả cái đám đông này bị sự sợ hãi và tinh thần khủng bố đè xuống bẹp gí. Đã vậy, “quần chúng cách mạng” còn đẩy tội ác vượt tới mức man rợ hơn thế nữa:
“Người bị treo ngược bây giờ thành cái xác nằm sóng soài trên đất và chắc chắn không còn thở được nữa. Vẫn chưa hết sự đầy đọa! Lại có một người khác hùng hùng hổ hổ lách đám đông, xô ngã đám đông dạt ra hai bên, không nói không rằng, lù lù như cái trục lăn, tiến đến cạnh cái xác và ôm cái xác ném qua bức tường rơi cách xa tới cả chục mét. Toàn thể đấu trường im lặng ngột ngạt như địa ngục, im lặng đến nỗi người ta nghe được cái xác rơi bên kia bức tường...”
Trong suốt đợt phát động quần chúng đấu tranh chống phản động tại các làng quê Việt Nam ngay sau cách mạng tháng Tám đã có bao nhiêu người chết oan, chết thảm thương như vậy? Trong suốt cả những năm dài phát động “cải cách ruộng đất” long trời lở đất, đã bao nhiêu người ngã xuống trong tức tưởi và oan khiên giữa cả rừng người say máu như một bầy ác thú? Lương tri dân tộc đã biến đâu mất để mặc ma quỷ hiện hình, nhảy múa, hoành hành trên những làng quê xơ xác trong suốt những năm tháng dài? Mai sau, dầu có bao giờ, lịch sử sẽ phải làm một cuộc tính sổ nợ nếu muốn trở mình để bước vào một vận hội mới của dân tộc.
Tất nhiên trong những kẻ tới chứng kiến cuộc đấu tố cũng còn những người còn đôi chút tính người, còn biết suy nghĩ và day dứt trước tội ác.
“Hồn vía tôi bị thần chết cướp mất rồi. Tôi không về nhà. Tôi vào ngủ ở nhà Bá. Thâu đêm suốt sáng không một giây chợp mắt. Nằm bên cạnh nhau, tôi cảm thấy người Bá lạnh như một khối băng. Thỉnh thoảng tôi rùng mình... Người bị treo ngược... Cái gốc phi lao phang vào chính giữa ngực... Hai tay người bị treo ngược run lẩy bẩy như chân con nhái run trước lúc chết...”
Tuy nhiên trong đám đông hàng vạn hàng triệu người được Đảng phát động “đứng lên đi làm cách mạng”, liệu có mấy người nghĩ ngợi được như tác giả:
“Con người là động vật cao cấp, khi loài động vật cao cấp đó hiện nguyên hình là giống động vật trần trụi thì bản chất độc ác bị kích dậy đến tột cùng man rợ. Lịch trình tiến hóa của nhân loại có phải là lịch trình đấu tranh giai cấp hay lịch trình đấu tranh giữa cái lương thiện và cái độc ác ngay trong mỗi con người?”
Đấu tranh giai cấp không phải là “lịch trình tiến hóa” của nhân loại (chắc tác giả muốn nói động lực của tiến hóa), ở Việt Nam sau ngày cộng sản cướp được chính quyền, đấu tranh giai cấp thực chất là những cuộc sát phạt, đấu đá, thanh toán bằng đủ mọi thủ đoạn độc ác và nhơ bẩn nhất để giành giật, củng cố và giữ gìn quyền lực đã “cướp” được chứ không phải thông qua bầu cử dân chủ mà có được.
Thế còn lịch trình đấu tranh giữa cái “lương thiện và cái độc ác ngay trong từng mỗi con người”? Cuộc đấu tranh đó thực sự đã diễn ra từ khi hình thành xã hội con người; đứng về phía cái thiện trong một xã hội lành mạnh bao giờ cũng có luật pháp, lương tâm, sự liêm sỉ và Thượng Đế. Tiếc thay, trong xã hội Việt Nam “quá độ lên chủ nghĩa xã hội” - cả bốn cái đó, cả luật pháp, lương tâm, liêm sỉ và Thượng Đế đều đã bị tiêu diệt trong từng mỗi người. Bởi vậy người ta chấp nhận dối trá, chấp nhận bất công, chấp nhận kìm kẹp một cách... hồn nhiên và tự nguyện. Làm gì còn “sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác”, cái ác đã tràn lan khắp nơi nơi trong xã hội nhưng dường như người ta đã quen sống với nó, chấp nhận nó kiểu như ở đồng bằng sông Cửu Long người ta phải chấp nhận “chung sống” với lũ vậy. Cuộc sống trong xã hội toàn trị là thế! Sao khác được?
Khi cuộc đấu tố đã được phát động, nó như một đám cháy gặp gió đùng đùng lan rộng. “Gió” đây là sự khuyến khích, tưởng thưởng của Đảng cho những kẻ lao vào “đấu tố” bất chấp vu cáo, dựng chuyện, có nói không, không nói có và trừng phạt tàn bạo những kẻ bị đấu tố đã đành mà cả những người dám đứng ngoài cuộc chơi, cả gia đình ruột thịt của cán bộ đảng viên - những người đã làm nên những cuộc đấu tố.
Nhà văn Võ Văn Trực kể:
“Mẹ ngồi thừ bên rổ rau cải. Mẹ nhìn tôi, mặt ỉu xìu:
“Cậu Quế của con chết rồi... Người ta đấu ác quá. Nửa đêm cậu vào chuồng xí thắt cổ chết...”
“Cậu Quế” chính là em ruột mẹ của Võ Văn Trực, bà vốn là cán bộ đảng viên từ hồi Đảng còn hoạt động bí mật, vậy vì sao em bà lại bị “đấu tố”:
“Mấy năm vừa rồi, người ta phá sạch đền chùa, cậu Quế lại lập bàn thờ Phật trong nhà. Người ta nghi là cậu chống lại chính quyền nên mới lập bàn thờ Phật. Bị dân quân bắt ra đình cho dân làng Quảng Trạch đấu. Tra khảo cậu, cậu không khai - vì có biết gì đâu mà khai. Càng không khai cậu càng nếm đủ mọi món đòn tra tấn: treo ngược lên xà nhà, trói vào gốc cây, hắt nước bẩn vào mặt. Nhục nhất là cậu bị mấy mụ đàn bà tốc váy trùm lên đầu. Hàng tháng trời cậu bị giam, không được về nhà. Đêm hôm ấy cậu xin phép người dân quân gác cho đi ỉa. Người dân quân ngủ quên, sáng dậy, không thấy cậu đâu cả, chợt mở chuồng xí thì thân hình cậu đã cứng đơ treo lủng lẳng bởi sợi dây thừng...”
Hơn ai hết, bà cán bộ đảng viên chị cậu Quế phải thừa biết cậu là vô tội vì cậu rất yêu Đảng, Chính phủ mà. “Cách đây mấy năm, huyện cho tôi sang Trung Quốc học ngân hàng. Vừa nghe tin, cậu liền đem quà xuống: bộ quần áo mới, cái cặp da, đôi giày vải. Cậu xoa đầu tôi: “Cháu sang bên đó nghe lời bác Mao học cho giỏi, sau về mà kiến thiết nước nhà...”
Đó - cậu Quế giác ngộ cách mạng cao thế làm sao mà thành phản động? Người chị đảng viên, gia đình, họ hàng, làng xóm... tất cả đều biết cậu Quế vô tội nhưng đều im lặng, không một ai “bênh” cậu một câu, hoặc van xin cho cậu được tha tội. Tại sao như thế? Người Việt Nam xưa nay có bao giờ như vậy không?
Tất cả chỉ vì hai chữ “liên quan” - một thuật ngữ do Đảng tung ra. Bất kỳ ai “liên quan” với địch thì cũng coi như là... địch, cũng bị xử trí như địch. Đường lối cơ bản của Đảng là như vậy. Đảng rất sợ sự chống đối nhất khi nó được tổ chức lại, bởi vậy tốt nhất bóp chết nó từ trong trứng. Giết lầm còn hơn bỏ sót là chủ trương của những người cộng sản. Chính vì sợ “liên quan” nên tất cả những người xung quanh cậu Quế dù mười mươi biết cậu vô tội nhưng chẳng ai dám bênh cậu lấy một câu. Một khi đã có “phát biểu có lợi cho kẻ đang bị đấu tố” lập tức bất kỳ ai cũng bị chụp cho cái mũ “liên quan” và hiển nhiên bị đẩy sang hàng ngũ kẻ thù. Chính vì vậy “cậu Quế” đã âm thầm chết oan.
“Cậu Quế chết rồi! Từ nay tôi về quê ngoại không được gặp cậu nữa. Vả lại, với không khí nghi kỵ này chẳng biết đến bao giờ tôi mới được đặt chân vào gian nhà ông bà ngoại tôi, cậu tôi, mợ tôi. Cậu chết đi, để lại bốn em nhỏ. Mợ Quế chưa đầy ba mươi tuổi, liệu mợ có chịu đựng nổi tình cảnh gia đình thê thảm cho đến hết đời?”
Cậu Quế chết đi để lại sự khó xử nhất cho người chị đảng viên cộng sản. Liệu bà có dám về nhà để đưa đám đứa em ruột xấu số của mình chăng? Hay nỗi e sợ Đảng đã ngăn bà không dám nhìn mặt đứa em lần cuối cùng?
“Mẹ ngồi thừ người hàng tiếng đồng hồ. Cả nhà cũng ngồi im lặng như bụt. Trưa rồi, chẳng ai buồn nấu cơm ăn. Mẹ uể oải đứng dậy, thở dài:
“Mẹ phải về lo tang cho cậu...”
Chị tôi hỏi:
“Chúng con cũng phải đi chứ?”
Mẹ lắc đầu:
“Thôi... một mình mẹ...”
Người chị thứ hai vô tình nói một câu:
“Liệu mẹ về lo tang cho cậu thì Đảng có kỷ luật mẹ không?”
Mẹ òa khóc:
“Chẳng thà mẹ chịu mất Đảng... Mẹ là con cả của ông bà mà không về thì cả họ hàng làng nước người ta chửi cho thối óc...”
Sau cùng thì cái tia sáng lương tri còn sót lại trong lòng “người mẹ đảng viên” - bà thà mất Đảng chứ không cam chịu mang tiếng là “bất nghĩa” với gia đình, họ hàng, bà thà nhận chịu mọi hậu quả khi đi ngược lại “phép Đảng” chứ không thể nào chịu nổi “làng nước người ta chửi cho thối óc...”.
Tất nhiên sự phản kháng của “bà mẹ đảng viên” chỉ trong âm thầm, nỗi sợ cố hữu trong bà vẫn làm “trong đầu mẹ chợt lóe ra một tia sáng lý trí. Mẹ dặn lại: “Mẹ chỉ nói trong nhà biết thôi, đừng lộ cho người ngoài biết... Rồi mẹ cắp nón lủi thủi về ngoại...”
Như vậy cả nhà chỉ có một mình bà mẹ về dự tang “cậu Quế”, còn ngay chính tác giả Võ Văn Trực cũng chỉ thầm đặt câu hỏi:
“Ai đã tạo ra cái hố ngăn cách này giữa tôi và cậu tôi?”
Tác giả chỉ dám đặt câu hỏi thôi, không dám tìm câu trả lời cho dù nó rất hiển nhiên và rõ ràng: “chính là Đảng đã tạo ra cái hố ngăn cách đó...”
Và rồi nỗi đau cũng không dám thốt thành lời, đành cứ đào sâu chôn chặt trong lòng:
“Nước mắt tôi cứ dào ra hết đợt này đến đợt khác. Nước mắt cháu vẫn còn mặn lắm cậu Quế ơi. Dẫu có sức mạnh hung hãn nào dọa nạt, nước mắt cháu vẫn không bao giờ nhạt như nước mưa...”
Nước mắt dù mặn tới đâu thì cũng vẫn cứ chỉ là... nước mắt. Nó thật khó mà biến thành bom thành đạn để đánh sập bạo quyền, chỉ mặt đặt tên những kẻ đã gây nên những bi kịch đau đớn cho cả dân tộc này. Và vì những nạn nhân chỉ có nước mắt và nước mắt mà không có qua một chút phản kháng nào nên những cuộc đấu tố giống như đám cháy, cứ lan mãi, lan mãi tới mức đốt cháy cả những kẻ đã châm lửa - đó là bi kịch của những cán bộ đảng viên cộng sản khi chính họ bị lôi ra trước “tòa án nhân dân” để những cốt cán do bản thân họ gây dựng nên quay trở lại đấu tố họ.
Đó là tình trạng “phù thủy không còn kiểm soát được âm binh” khiến công cuộc cải cách ruộng đất “long trời lở đất” của Đảng giáng những đòn sấm sét vào ngay gan ruột, cốt nhục của Đảng tạo nên một vết nhơ trong lịch sử không cách nào xóa nổi...
.
.
.
No comments:
Post a Comment