Sunday, December 11, 2011

ĐẠT ĐƯỢC THỎA THUẬN TẠI HỘI NGHỊ LHQ VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (BBC, VOA)



BBC
Cập nhật: 04:34 GMT - chủ nhật, 11 tháng 12, 2011

Hội nghị về bến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc ở Durban, Nam Phi đã kết thúc với thỏa thuận về một gói các giải pháp mà chủ tịch hội nghị đánh giá là ‘cân bằng’.
Theo đó, Liên minh châu Âu đã đáp ứng một đòi hỏi chủ chốt của các nước đang phát triển là đưa các cam kết cắt giảm khí thải của họ vào khuôn khổ Nghị định thư Kyoto vốn có tính ràng buộc pháp lý.
Các cuộc thảo luận về một một thỏa thuận mang tính ràng buộc mới giữa tất cả các quốc gia sẽ bắt đầu vào năm 2012 cho đến trước năm 2015. Thỏa thuận mới này sẽ có hiệu lực vào trước năm 2020.
Các quốc gia cũng đồng ý về cách quản lý một quỹ hỗ trợ biến đổi khí hậu dành cho các nước nghèo mặc dù chưa đồng ý về việc gây quỹ bằng cách nào.
Các cuộc đàm phán đã kéo dài thêm 36 tiếng đồng hồ so với dự kiến, và nhiều phái đoàn đã than phiền cách tổ chức của nước chủ nhà Nam Nhi là thiếu chiến lược và tính khẩn thiết.
Nguyên nhân dẫn đến sự kéo dài thảo luận này là bất đồng giữa Ấn Độ và Liên minh châu Âu về các ngôn từ trong văn bản thỏa thuận về một ‘lộ trình’ cắt giảm khí thải.
Ấn Độ không muốn nêu rõ là lộ trình này mang tính ràng buộc pháp lý. Tuy nhiên, cuối cùng đại diện các nước cùng đồng ý rằng thỏa thuận này cần phải có ‘sức mạnh pháp lý’.
Lộ trình cắt giảm khí thải được đề xuất bởi Liên minh châu Âu, Liên minh các quốc đảo nhỏ và nhóm các nước kém phát triển nhất.

Quá muộn để hành động
Trước đó, Ấn Độ đã trở thành quốc gia chống đối mạnh mẽ nhất thỏa thuận này.
Ấn Độ kiên quyết chỉ bắt đầu cắt giảm khí thải sau năm 2020 đòi bản thỏa thuận bớt tính ràng buộc pháp lý.
Liên minh châu Âu và nhiều nhóm nước dễ bị tổn thương nói đây là vấn đề mà họ không thể nhượng bộ.
Các nước này đang quan ngại rằng thời hạn 2020 là quá muộn để ngăn chặn các hiểm họa từ biến đổi khí hậu, chẳng hạn như nước biển dâng cuối cùng sẽ nhấn chìm các hòn đảo thấp và biến những nơi này thành không thể trú ngụ được nữa.
“Nếu không có công cụ pháp lý giúp chúng ta có thể bắt các quốc gia chịu trách nhiệm cho hành động của họ, thì chúng ta chỉ đánh lừa các nước bằng sự hào nhoáng của các mỹ từ,” Karl Hood, ngoại trưởng đảo quốc Grenada, phát biểu đại diện cho Liên minh các quốc đảo nhỏ (Aosis).
“Trong khi họ phát triển thì chúng tôi phải chết,” ông nói, “Tại sao chúng tôi phải chấp nhận việc này?”
Chris Huhne, người đại diện Chính phủ Anh trên mặt trận biến đổi khí hậu, cũng đồng ý những ngôn từ không mạnh mẽ và kéo dài thời hạn là điều không thể chấp nhận được.
“Anh, cùng với Liên minh châu Âu, sẽ tiếp tục thúc đẩy cho một thỏa thuận đáng tin cậy nhất mà có thể đáp ứng các yêu cầu của khoa học,” ông nói.
Văn bản mới nhất của thỏa thuận đã giảm nhẹ nhiều khía cạnh của bản thảo được đưa ra trước đó và đưa nó đến gần hơn lập trường ban đầu của nhóm các quốc gia Brazil, Nam Phi, Ấn Độ, Trung Quốc.
Đại diện của các quốc gia này đã lần lượt trình bày lập trường của họ.
“Tôi kiên quyết giữ lập trường của mình về sự công bằng,” Bộ trưởng Môi trường Ấn Độ Jayanthi Natarajan phát biểu một cách thống thiết.
“Đây không phải là vì Ấn Độ, mà còn vì toàn thể thế giới,” bà nói.
Ấn Độ tin rằng cần phải duy trì sự phân chi thẳng thừng như hiện nay là chỉ những quốc gia nào được gọi là ‘phát triển’ thì mới phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Các quốc gia phương tây, bà nói, đã không cắt giảm lượng khí thải của mình như đã hứa.
Lập luận này của Ấn Độ đã được ông Giả Chấn Hoa, đại diện của Trung Quốc, đồng tình.
“Chúng tôi đang làm những việc mà quý vị không làm… chúng tôi muốn nhìn thấy hành động thật sự của quý vị,” ông đả kích các quốc gia phát triển.
Mọi người đều nhìn thấy vị đại diện của Trung Quốc run lên vì tức giận khi lên án các nước phương tây.

Nguy cơ thất bại
Tuy nhiên, Bangladesh đứng về phía các quốc đảo và cho rằng một thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý là rất cần thiết.
Nhóm các quốc đảo và các quốc gia chậm phát triển nhất (LDC) cũng đồng ý rằng các nước giàu cần phải làm nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó các nước này cũng chấp nhận các phân tích kết luận rằng các quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Trung Quốc sẽ phải cắt giảm khí thải trong vòng một vài năm tới nếu họ muốn đạt được mục tiêu duy trì sự gia tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu kể từ thời tiền công nghiệp hóa dước mức 2 độ C.
Nhiều vấn đề khác cũng được trình bày trong những tập văn bản dài mà hiện nay các phái đoàn đang xem xét.
Nhưng nếu các nước không đạt được thỏa thuận về các điểm mấu chốt về lộ trình cắt giảm khí hậu thì các cuộc đàm phán ở Durban đối diện với nguy cơ kết thúc trong bế tắc.
Ngay chính Liên minh châu Âu cũng bị chỉ trích cho lập trường của họ đối với Nghị định thư Kyoto.
Đại diện các nước Mỹ Latinh hối thúc Liên minh châu Âu gia tăng mức cắt giảm khí thải của họ và chấp nhận những ngôn từ ràng buộc mạnh mẽ hơn nữa so với bản thảo thỏa thuận hiện nay.
 “Điều này đã phá hoại [Nghị định thư] Kyoto,” đại diện Nicaragua Paul Oquist Kelly nói.
Ông Kelly cũng lên án các quốc gia phát triển đã không cung cấp tài chính mà họ đã hứa ở hội nghị thượng đỉnh thế giới về biến đổi khí hậu ở Copenhagen hai năm trước đây.
Với việc một vài phái đoàn đã về nước trong khi hội nghị phải kéo dài thêm một ngày so với kế hoạch càng làm cho các cuộc đàm pháp thêm phức tạp.
Trên một số khía cạnh thì thỏa thuận nằm trong tầm tay, trong đó có cơ chế quản lý của Quỹ khí hậu xanh, một quỹ sẽ thu thập và giải ngân các khoản tiền lên đến 100 tỷ đô la một năm để giúp các nước nghèo phát triển một cách không ô nhiễm và thích nghi với các tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, có vẻ như là các nước đã đạt được thỏa thuận về việc cắt giảm khí thải gây ra do tình trạng phá rừng và xuống cấp rừng, phóng viên chuyên trách mảng môi trường của BBC Richard Black hiện đang có mặt ở Durban cho biết.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng với sự bất đồng hiện rõ trong các phòng họp thì bất cứ điều gì cũng có thể trở thành con tin cho điểm bất đồng mấu chốt về lộ trình cắt giảm khí thải.

----------------------------------


.
.
.

No comments: