Nguyễn
Thông (Nguyễn
Thông Cào)
Thiên
hạ đang bàn điếc tai về đồng hồ, cụ tỉ là chiếc đồng hồ Patek Phillippe của thằng
(phải gọi là thằng cho chính xác) Lê Đức Thọ, khi chưa bị bắt nó đóng ủy viên
Trung ương đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Nó phạm tội lúc đương chức chứ không
phải "nguyên" như cách nói của nhà cai trị, của báo chí quốc doanh.
Gần
như một trăm phần trăm chúng nó đều như thế, phạm tội đều đương chức, không phải
nguyên. Chỉ riêng cách dùng từ "nguyên" đã thể hiện nhà cai trị xứ
này không thật thà, quanh quéo, tránh trớ, không dám nhìn thẳng vào sự thật.
Cái
đồng hồ Patek ấy, chính báo chí quốc doanh xì xào giá gần 10 tỉ đồng (ông hàng
xóm nhà tôi bảo, đè.o mẹ, nó đeo trên cổ tay nó 2 căn nhà), không phải thằng Thọ
mua hoặc vợ con nó mua, mà do bọn đại gia bẩn hối lộ. Bọn Xuyên Việt Oil này
kinh doanh xăng dầu, tiền hối lộ thằng Thọ thực ra móc từ túi dân, túi người đổ
xăng.
Chả
riêng thằng Thọ chơi đồng hồ bạc tỉ, dạo cách nay chưa lâu, thằng Nguyễn Văn
Yên - Phó trưởng ban Nội chính trung ương đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đảng
của Ban Nội chính trung ương bị kỷ luật cách chức. Thằng này dạng "mặt trơ
trán bóng" đúng nghĩa xem tướng (nhân diện), vậy ai đưa nó ngồi vào ghế
quyền cao chức trọng ấy.
Tất
cả những đứa như thằng Thọ, thằng Yên không phải tự mình bò lên chức tước được,
mà do cái gọi là Ban tổ chức trung ương, Ban bí thư trung ương định đoạt. Rồi
có lúc phải coi lại công tội của những quan lớn như Nguyễn Ph.ú Tr.ọng, Trương
Thị Mai..., "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" chứ không thể
lờ đi là xong. Thằng Yên cũng chơi đồng hồ siêu xịn Patek, hình như nó bị lộ từ
cái gót chân Achiles này.
Thôi,
chuyện chúng nó có mà kể cả ngày không hết "thôi kể làm sao hết được
anh/buồn vui muôn nỗi của quê mình", giờ nhân vụ cái đồng hồ của thằng Thọ
thằng Yên, nhà cháu kể chuyện đồng hồ, dạo trước dăm bảy năm cũng đã từng đưa
vài chi tiết lên phây búc, nhưng cái địa chỉ đó bị cu xoăn nó giải tỏa không đền
bù từ lâu rồi.
Bây
giờ chả mấy ai khoe đồng hồ dù có những cái xịn giá lên tới mấy trăm nghìn đô Mỹ,
thậm chí cả triệu đô, quy ra tiền xứ ta phải chục tỉ bạc. Bởi nó đã hết thời.
Chỉ những ai coi tiền như rác, nhiều tiền hơn quân Nguyên, tiền do bất chính mà
có... thì mới chơi nó.
Đồng
hồ chủ yếu chỉ để coi giờ giấc, nhất là ở cái thời con người còn nhờ vào bóng nắng,
tiếng gà gáy, tiếng tút tút trên đài phát thanh, thậm chí cả hoa (hoa đồng hồ)
để biết thời gian, thì nó là soái ca. Những người đeo đồng hồ, oai phong chả
khác gì đại gia thời nay diện xe ô tô Toyota Avalon hoặc Lexus 570.
Nhưng
cái gì cũng có thời, khó tránh khỏi bị rẻ rúng, thất sủng. Bây giờ trong mỗi
chiếc điện thoại di động đều hiện đủ cả giây phút giờ ngày tháng, thậm chí ngày
âm ngày dương, nạp sẵn lịch cho vài trăm năm, vậy thì sắm đồng hồ làm quái gì,
chỉ tổ vướng víu. Các hãng sản xuất đồng hồ, dù nổi tiếng như ở Thụy Sĩ đi
chăng nữa, cũng sẽ chết, cũng như đám sản xuất phim ảnh, giấy ảnh, máy ảnh
Kodak, Fuji, Orwo, Minolta… bị ngỏm củ tỏi bởi không đọ nổi máy ảnh kỹ thuật số
vậy.
Lại
nhớ thời còn bé, những năm 60-70 ở miền Bắc, đồng hồ là của hiếm. Thực ra chỉ
hiếm sau năm 1954, tức là sau khi chính quyền mới tiếp thu miền Bắc. Đuổi được
Pháp thì cũng đồng thời đuổi luôn những tiện nghi, vật dụng của bọn “đế quốc
sài lang”. Ô tô, xe đạp, quạt máy, lụa là vải vóc…, chả riêng gì đồng hồ, dính
với thực dân phong kiến, với lối sống hưởng lạc, cứ là dẹp cho bằng hết. Ta độc
lập tự chủ, tự ta làm lấy mọi thứ, không có thì tạm nhịn. Ấy là nói với dân
thôi, chứ cán bộ đã có hàng hóa Liên Xô, Trung Quốc viện trợ.
Cả
làng tôi, tới khi tôi lên 10 tuổi, tức là lúc Mỹ bắt đầu đánh phá bằng máy bay,
thú thực tôi chả thấy ai đeo đồng hồ. Cán bộ xã Thụy Hương (huyện Kiến Thụy, Hải
Phòng) như ông Sơn bí thư, ông Hoạt phó bí thư, ông Mạo chủ tịch… cũng không thấy
ai có đồng hồ bởi nếu có thì phải đeo trên tay.
Tôi
thường ra trụ sở ủy ban mượn báo về cho thày tôi đọc, gặp các ông hằng ngày,
tôi nhớ như thế. Về sau, khi Liên Xô viện trợ hàng hóa, cán bộ xã được phân phối
đồng hồ Raketa, vị nào chức to hơn thì được mua đồng hồ Poljot (pô li ốt, bị
dân ta ít chữ đọc chệch thành pôn dốt). Nếu cán bộ huyện trở lên thì được loại
mạ vàng, trông sang và đẹp, còn thì mạ trắng. Tất cả đều lên giây cót, lên căng
hết mức cũng chỉ chạy được một ngày, tối nào quên lên giây sáng mai nó chết ngỏm.
Hồi
tôi học lớp 8, lớp đầu cấp 3 hệ 10 năm, cả thôn có 4 đứa học trường huyện, đều
nhà nghèo, trường cách nhà hơn 3 cây số nhưng tinh đi bộ, hôm nào cũng phải dậy
từ sáng sớm. Không có đồng hồ, chả biết đâu mà lần, cứ căn theo gà gáy và tiếng
người đi chợ thì dậy. Riêng lão Cước cùng lớp, cùng tuổi nhưng tôi gọi bằng
chú, có chiếc đồng hồ Nicle hai kim, kim xanh kim đỏ. Đeo oai lắm, ai hỏi giờ,
thỉnh thoảng lão vung tay quay một vòng rõ rộng rồi mới trả lời.
Hồi
đó người ta truyền tai nhau “Ni cờ le vừa nghe vừa lắc”, muốn biết nó đang chạy
hay không phải áp sát vào tai nghe tiếng tích tắc, nếu đã chết thì lắc mạnh nó
mới chạy lại. Tôi ngờ lắm, mấy lần hỏi giờ lão Cước đều ấp úng, hình như chỉ
đeo để tán gái, cô Chi mậu dịch viên cửa hàng bách hóa huyện rất xinh, chứ
không cốt xem giờ.
Hồi
trước năm 1975 ở nông thôn miền Bắc những nhà khá giả thường sắm đồng hồ để bàn
của Trung Quốc, quên hiệu rồi, chỉ nhớ nó màu trắng viền xanh, dưới số 12 có
con gà mái màu vàng mổ thóc. Bà con mình quen gọi nó là đồng hồ con gà mái, hoặc
đồng hồ gà mổ thóc. Nó mổ theo tiếng tích tắc, tích tắc, bây giờ thì thấy đơn
giản nhưng hồi ấy quả là tuyệt vời.
Hàng
Tàu thời xưa tốt lắm, phích nước, thau sắt tráng men, xe đạp Vĩnh Cửu hoặc Phượng
Hoàng, bút máy Kim Tinh, vải Tô Châu, cả cái đồng hồ con gà mổ thóc nữa. Xài rất
bền, ít hỏng hóc. Vải Tô Châu mặc đến rách te tua, sờn hết đầu gối hoặc mông
đít nhưng vẫn tươi màu, lạ thế. Ông Tế anh họ tôi làm phó chủ nhiệm hợp tác xã
được phân phối một chiếc con gà mổ thóc, cả nhà nâng niu như của gia bảo, hình
như dùng mấy chục năm mới chịu bỏ.
Nhà
tôi không có đồng hồ, cả để bàn lẫn đeo tay đều không. Thày bu tôi thức khuya dậy
sớm quen rồi, vả lại cứ ăn xong là ra đồng nên không cần đồng hồ. Đám mấy chị
em tôi hiểu hoàn cảnh nhà mình thiếu thốn nên biết nghe gà gáy cầm canh để ước
chừng khi nào cần dậy đánh răng rửa mặt rồi đi học. Nhà tôi hướng chính đông,
buổi trưa biết coi bóng nắng mấy hàng gạch mà tính giờ, chả mấy khi sai.
Nhiều
người chắc còn nhớ trong truyện Tắt đèn của cụ Ngô Tất Tố có chi tiết nhà nghị
Quế “bóng nắng xuống thềm một hàng gạch, xe lửa 1 giờ toe toe hét còi” nhưng
lão nghị cứ gân cổ cãi mới 12 giờ. Nghị Quế sai chứ anh em tôi chả mấy khi sai.
Tôi
xin nói thêm rằng gạch phải là gạch Bát Tràng vuông cỡ 20x20 cơ chứ không phải
gạch thẻ, có thế coi bóng nắng mới chính xác. Đám gạch đó thày tôi hồi sau cải
cách ruộng đất mua lại được của mấy ông bà nông dân được chia quả thực tài sản
địa chủ, lát được cái sân để tiện phơi thóc, phơi khoai khô. Gạch bóc lên từ
sân địa chủ, hòn lành hòn vỡ, hòn cong hòn vênh, trông cái sân gạch cứ như chiếc
áo vá chằng vá đụp, nhấp nhô cao thấp. Mà khiếp thật, đến cả cái sân gạch của địa
chủ mà đội cải cách cũng không tha, quyết bẩy lên bằng được, đánh cho địa chủ
chỉ còn hai bàn tay trắng. (còn tiếp)
Nguyễn
Thông
.
No comments:
Post a Comment