Đại
học Fulbright VN hợp tác với nhà chức trách để điều tra về chiến dịch tấn công,
xúc phạm, đe dọa
31/08/2024
Hiệu trưởng
trường Đại học Fulbright Việt Nam nói trong một thư ngỏ hôm 30/8 rằng trường “hợp
tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng” trong những tuần gần đây để điều tra về
“chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực”.
https://gdb.voanews.com/01000000-c0a8-0242-13d9-08dcc94769f2_w1023_r1_s.jpg
Hiệu
trưởng Scott Andrew Fritzen của Đại học Fulbright Việt Nam công bố thư
ngỏ hôm 30/8/2024.
Thư
ngỏ của Hiệu trưởng Scott Andrew Fritzen được đăng trên cả website lẫn trang
Facebook của trường.
Như
VOA đã đưa tin, khoảng đầu tháng này, trên các nhóm Facebook Tifosi và Đơn vị
Tác chiến Điện tử (Com Com) có tổng cộng hơn 600.000 người theo dõi, đã xuất hiện
nhiều ý kiến bị Đại học Fulbright Việt Nam xem là “các cuộc tấn công ác ý” sử dụng
ngôn ngữ “xúc phạm” hoặc thậm chí có lời lẽ “đe dọa” đối với sinh viên, giảng
viên, nhân viên, người thân và bạn bè của trường.
Những
ý kiến đó có điểm chung là cáo buộc rằng Đại học Fulbright Việt Nam “tham gia
vào những hoạt động ươm mầm cho một cuộc ‘cách mạng màu’” ở Việt Nam.
Vào
ngày 14/8, trường đã ra thông báo phản bác các luận điệu đó, mà trường gọi là
“một số tuyên bố sai lệch và gây kích động”.
Tiếp
đến, như VOA đã tường thuật mới đây, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt
Nam phát biểu hôm 26/8 rằng bộ hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright
Việt Nam và ca ngợi sự hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ.
Người
phát ngôn nói thêm trường này là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam
và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.
Mặc
dù vậy, theo quan sát của VOA, trong các nhóm Facebook nêu trên và thậm chí
ngay trong trang Facebook chính thức của Đại học Fulbright Việt Nam vẫn tiếp tục
có nhiều ý kiến chỉ trích, đe dọa.
Đưa
ra thư ngỏ hôm 30/8, ông Scott Andrew Fritzen, hiệu trưởng trường, nhấn mạnh rằng
những cáo buộc đó “không chỉ vô căn cứ mà còn hoàn toàn phi lý”.
Vị
hiệu trưởng lưu ý rằng những luận điệu sai lệch và gây chia rẽ “đã gây ra những
hậu quả nghiêm trọng khi cộng đồng Fulbright chúng tôi bị xúc phạm uy tín và tổn
thương tinh thần một cách bất công”, ngoài ra “còn có nguy cơ gây ảnh hưởng đến
mối quan hệ song phương” giữa Việt Nam và Mỹ.
Ông
Fritzen tuyên bố rằng trường “không chấp nhận là nạn nhân thụ động” mà trong mấy
tuần qua đã và đang “hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan để điều
tra về chiến dịch đưa tin sai lệch và cả các đe dọa có tính bạo lực”.
Ông
cũng “cảm ơn các cơ quan ban ngành và những người bạn đã đứng lên bảo vệ sự thật
về chúng tôi và về những gì chúng tôi làm”.
Vị
hiệu trưởng dành một phần lớn của thư ngỏ để nhấn mạnh rằng Đại học Fulbright
Việt Nam là một trường đại học Việt Nam, có những đóng góp để giải quyết các ưu
tiên quốc gia trong lĩnh vực giáo dục cũng như giải quyết những thách thức lớn
về phát triển của đất nước.
Cụ
thể, ông nhắc lại rằng trường được thành lập theo một quyết định của thủ tướng
Việt Nam hồi năm 2016 và khẳng định trường “không phải là chi nhánh của một trường
đại học nước ngoài, và cũng không phải là công cụ của bất kỳ một chính phủ nước
ngoài nào”.
“Chúng
tôi chịu sự quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo” và “sinh viên của chúng tôi phải
học các môn bắt buộc theo chương trình giáo dục quốc gia”, Hiệu trưởng Fritzen
viết, đồng thời lưu ý rằng “Chúng tôi đã, đang và tiếp tục nhận được sự ủng hộ
mạnh mẽ từ chính phủ Việt Nam ở các cấp cao nhất”.
Tại
Đại học Fulbright, là trường không vì lợi nhuận được hỗ trợ từ hai chính phủ Việt,
Mỹ và các nhà hảo tâm, sinh viên được tiếp cận với nền giáo dục chất lượng quốc
tế, đồng thời được bồi dưỡng kiến thức sâu sắc và thấu hiểu bối cảnh xã hội,
truyền thống và các cơ hội của Việt Nam trong tương lai, ông cho biết.
Đây
là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam hỗ trợ tài chính theo điều kiện kinh tế
gia đình cho phần lớn sinh viên, vẫn theo vị hiệu trưởng của trường, nhờ đó,
trường đang có những sinh viên tài năng đến từ 55 tỉnh thành trong cả nước cùng
hàng ngàn cựu học viên từ các chương trình sau đại học và đại học.
Những
thách thức lớn về phát triển của Việt Nam đã và đang được trường nghiên cứu và
góp phần giải quyết, Hiệu trưởng Fritzen chỉ rõ.
Ông
nêu bật rằng hơn 95% đội ngũ giảng viên của trường có bằng tiến sỹ từ các trường
đại học hàng đầu thế giới, họ thiết kế, giảng dạy chương trình học mang tính đổi
mới sáng tạo và tiến hành các nghiên cứu về những thách thức của Việt Nam. Hiện
nay, trường cũng đang tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao.
Cuối
thư ngỏ, vị hiệu trưởng nhấn mạnh một lần nữa rằng Đại học Fulbright là một trường
“của Việt Nam” và trường “tận tâm đóng góp cho sự thịnh vượng của đất nước” bên
cạnh việc trường là “một biểu tượng của quá trình hòa giải bền bỉ và hiệu quả
giữa Việt Nam và Hoa Kỳ”.
No comments:
Post a Comment