Monday, November 18, 2019

BA VIÊN GẠCH NGÁNG ĐƯỜNG SỨC MẠNH MỸ : HOẶC "SAO CHÉP" TRUNG QUỐC, HOẶC VẤP NGÃ ĐAU ĐỚN TRƯỚC BẮC KINH? (Robert Atkinson - Business Insider)




Tất Đạt dịch | 17-11-2019 - 19:15 PM

Sự khác biệt trong chiến lược phát triển công nghệ sẽ định hình một cách rõ nét nhất tương lai của Mỹ và Trung Quốc.

Dưới đây là bài viết của Robert D. Atkinson - giám đốc Quỹ Đổi mới Công nghệ Thông tin, cơ quan chuyên nghiên cứu về chính sách khoa học và công nghệ - về cuộc đua công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Bài viết được đăng tải trên Business Insider.

*
Hiện tại, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang cố gắng đạt được "giai đoạn một" để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong cuộc đàm phán thương mại là Mỹ yêu cầu Bắc Kinh phải chấm dứt những chính sách và phương thức hợp tác bất công về nhiều mặt đối với doanh nghiệp Mỹ.

Dù ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục đánh cắp sở hữu trí tuệ là điều cần thiết, nhưng rõ ràng điều đó vẫn không đủ để Mỹ chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo toàn cầu của ngành công nghiệp tương lai.

Có thể thấy, Trung Quốc đã dẫn đầu trong nhiều ngành công nghiệp không chỉ thông qua việc "chà đạp" lên những luật lệ thương mại toàn cầu, mà còn bởi đầu tư một cách khôn ngoan vào những công nghệ nền tảng như 5G, nhận dạng kỹ thuật số và thanh toán điện tử.

Đây là lúc để Mỹ học hỏi một số cách thức của Trung Quốc và phát triển chiến lược quốc gia nhằm hỗ trợ sự phát triển của những công nghệ như vậy. Nếu thực hiện được điều đó, Mỹ sẽ vượt xa Trung Quốc trong cuộc đua tương lai.

Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực

Một trong những điểm then chốt trong cuộc cách mạng công nghệ thông tin là nó sẽ thay đổi toàn bộ các ngành công nghiệp khác, không chỉ riêng công nghệ. Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thông qua các chính sách giúp tăng tốc độ phát triển công nghệ. Đây là điều Trung Quốc đang làm để dẫn đầu ngành công nghệ.

Trung Quốc có kế hoạch tham vọng trong việc thiết lập mạng lưới năng lượng thông minh trên toàn quốc, giai đoạn đầu tiên dự định sẽ hoàn thiện sau 2 năm. Mỹ không có kế hoạch nào như vậy; các bang tự thực hiện theo chiến lược của riêng mình.

Trung Quốc hiện chiếm tới một nửa trong số "1.000 thành phố thông minh" thử nghiệm của thế giới. Ví dụ, tại Hàng Châu (Trung Quốc), hệ thống thông minh đã bắt đầu thí điểm điều phối tín hiệu giao thông, theo dõi vị trí xe cứu thương tới bệnh viện để chuyển đèn đỏ sang đèn xanh trên tuyến đường xe đi qua. Chỉ một số thành phố ở Mỹ có dự án thành phố thông minh, và chính phủ mới chỉ đầu tư 160 triệu USD cho các dự án này.

Về nền tảng công nghệ thông tin then chốt, Trung Quốc đang đạt được những bước tiến nhanh chóng. Hiện tại, Trung Quốc đang dẫn đầu trong công nghệ 5G, một phần bởi vì chính quyền địa phương chịu áp lực từ Bắc Kinh trong việc triển khai và hỗ trợ thiết lập mạng lưới cơ sở hạ tầng cho công nghệ này.

Trung Quốc cũng đang dẫn trước Mỹ trong lĩnh vực thanh toán điện tử và công nghệ nhận diện kỹ thuật số. Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu đột phá trong hai công nghệ này.

Mỹ cần nghiêm túc hơn

Mỹ hiện tại đang đối mặt với 3 thách thức lớn trên đường đua công nghệ với Trung Quốc.

Thứ nhất, nhiều nhà kinh tế học và nhà hoạch định chính sách tin rằng thị trường mở là đủ để thúc đẩy sự phát triển, tin rằng bất kì chiến lược công nghệ thông tin quốc gia nào cũng có thể là sự can thiệp không thể chấp nhận được từ phía chính phủ. Trong khi đó, các kĩ sư phía Trung Quốc lại chỉ làm việc theo đúng tôn chỉ duy nhất: làm tất cả những thứ có hiệu quả. Do đó, Mỹ có thể tìm ra những cách thức mới để đầu tư cho công nghệ mà không can thiệp quá nhiều vào thị trường.

Thứ hai, Mỹ có thái độ khác Trung Quốc khi xét về công nghệ. Trung Quốc coi công nghệ mới là yếu tố then chốt để đảm bảo một mức sống mới cho người dân. Trong khi đó, Mỹ lại đang trải qua thời kì phức tạp khi bất kì ứng dụng công nghệ mới nào cũng đứng trước nguy cơ bị chỉ trích là "cướp mất công việc của người dân", "gây ra định kiến" hoặc "xâm phạm quyền tự do cá nhân".

Theo khảo sát mới đây, 78% người dân Trung Quốc tin rằng đầu tư mạnh mẽ vào phát triển công nghệ là điều tốt, trong khi ở Mỹ con số này chỉ là 49%. Nếu Mỹ không muốn bị vượt mặt, người dân Mỹ cần thay đổi quan điểm của họ.

Thứ ba, tiền cũng là một thử thách không nhỏ. Việc phát triển trong các ngành này đòi hỏi một nguồn đầu tư lớn. Tại Trung Quốc, điều phối các dòng tiền không phải là trở ngại.

Trong khi đó, Mỹ lại gặp khó khăn khi bỏ ra những khoản đầu tư cho các ngành công nghệ. Để đánh bại Trung Quốc, Quốc hội Mỹ cần đồng thuận trong việc bỏ ra ít nhất 10 tỉ USD hàng năm để phát triển các ứng dụng công nghệ.

Tuy nhiên, tất cả những điều nói trên không có nghĩa rằng Mỹ nên học tập những mặt xấu trong chính sách của Trung Quốc, bao gồm chặn trang web nước ngoài, giám sát người dân, hoặc dành sự ưu đãi đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước.

Nhưng dù sao, Mỹ vẫn cần đầu tư nhiều hơn cho công nghệ. Mỹ đã từng làm điều này một lần trong những năm 1990 khi chính phủ cam kết cung cấp mạng internet cho hầu hết các trường học và trong những năm 2000 khi mạng lưới tiếp cận được nhiều địa phương hơn. Lần này, chính phủ Mỹ phải đầu tư mạnh hơn, trong nhiều ngành công nghiệp với nguồn đầu tư lớn hơn trước đây.

--------------------------------

Nguồn :

Robert Atkinson,  Nov 16, 2019, 11:23 AM







No comments: