Thursday, January 17, 2019

BIỂN ĐÔNG : FONOP VÔ HIỆU VỚI TRUNG QUỐC, MỸ CẦN BIỆN PHÁP MẠNH HƠN (Mai Vân - RFI)




Mai Vân – RFI
Đăng ngày 17-01-2019 

Ngày 07/01/2019, khu trục hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành chiến dịch tự do hàng hải gần 3 thực thể ở quần đảo Hoàng Sa. Đây là chiến dịch lần thứ 9 được loan báo của chính quyền Trump.

Các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) đã trở nên thường xuyên hơn tại Biển Đông bất chấp các thách thức khá nguy hiểm của Trung Quốc. Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến cho rằng các chiến dịch của Mỹ không mấy hữu hiệu, và muốn thách thức các hành động xâm lấn của Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần đến những biện pháp mạnh mẽ hơn nhiều.

Trong bài viết mang tựa đề khá châm biếm: “Các chiến dịch tự do hàng hải của Mỹ mất dạng trên biển - America’s Freedom of Navigation Operations Are Lost at Sea”, đăng trên chuyên san Mỹ Foreign Policy ngày 08/01 vừa qua, hai chuyên gia Mỹ Zack Cooper, thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute và Gregory Poling, giám đốc cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á (Asia Maritime Transparency Initiative) thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS đã phân tích những lý do thất bại của Mỹ trong đối sách chống Trung Quốc ở Biển Đông, để đề ra một số biện pháp khắc phục.

Trung Quốc lấn lướt

Nhận xét đầu tiên của các tác giả là tình hình Biển Đông đôi khi được mô tả như một sự bế tắc, nhưng thực tế là các láng giềng của Trung Quốc và các quốc gia ngoài khu vực – bao gồm cả Mỹ - như đang bị thua trước Trung Quốc.

Theo bài phân tích, các chiến dịch tự do hàng hải đã không đủ sức ngăn ngừa việc Trung Quốc dùng các thủ đoạn “vùng xám” để bành trướng ảnh hưởng trên biển và trên không, ngăn chận không cho các láng giềng tiếp cận tài nguyên (từ dầu hỏa, khí đốt, đến hải sản) ngay tại chính vùng biển của họ.

Trung Quốc tìm cách giới hạn một loạt quyền tự do trên biển, vi phạm rõ rệt luật lệ quốc tế, nhưng các chiến dịch tự do hàng hải lại chỉ giới hạn trong việc bảo vệ quyền tự do đi lại của tàu quân sự nước ngoài. Đó là điều cần thiết nhưng hoàn toàn không đủ, trong lúc các nước Đông Nam Á càng lúc càng bị mất thêm lợi ích kinh tế cũng như những quyền khác ngay trong vùng biển của họ.

Washington có thể là đã đặt lợi ích của Mỹ lên trên hết, và đã bỏ rơi các đồng minh và đối tác ở Biển Đông.

Lợi ích chiến lược lâu dài của Mỹ bị đe dọa ?

Theo Foreign Policy, thất bại trong việc chống lại một cách hữu hiệu sự thống trị dần dần của Trung Quốc ở Biển Đông, không chỉ tác hại đến quyền lợi các bạn bè của Mỹ, mà còn đe dọa 3 trong số các lợi ích chiến lược lâu dài của Washington trong vùng : luật lệ, quan hệ, và tài nguyên.

Luật lệ trên biển rất quan trọng đối với chính sách của Mỹ trên thế giới. Hoa Kỳ có lợi trong việc hậu thuẫn cho các quyền tự do trên biển đối với tất cả các quốc gia. Ý tưởng về vùng biển chung trong đó tất cả các nước đều được tự do đi lại, đánh bắt cá, buôn bán, là nền tảng của chính sách đối ngoại của Mỹ từ thời tổng thống Thomas Jefferson… Đó cũng là lý do thúc đẩy Hoa Kỳ dấn thân vào châu Á và trở thành cường quốc hàng đầu của Thái Bình Dương. Đó cũng là lý do Mỹ đóng vai trò cột trụ trong đàm phán về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS), và tại sao cho dù Thượng Viện không phê chuẩn UNCLOS, năm đời tổng thống Mỹ gần đây nhất đều xem trọng Luật Biển Liên Hiệp Quốc.

Theo Cooper và Poling, nếu Biển Đông trở thành một ao nhà của Trung Quốc trong đó tàu Mỹ thì có thể đi lại, nhưng tàu thuyền của các quốc gia nhỏ bé hơn không thể thực hiện quyền của mình theo luật quốc tế, thì đó sẽ là một vố nặng đối với luật quốc tế và lợi ích của Mỹ. Bắc Kinh sẽ chiếm được một vùng biển rộng gấp 5 lần diện tích mà UNCLOS và luật quốc tế cho phép, và thiết lập một vùng ảnh hưởng bất chính.

Và tác động dây chuyền đối với các vùng biển khác, từ vùng vịnh Ba Tư, đến vùng Bắc Cực đang tan băng, có thể rất tai hại nếu các quốc gia ven bờ, như Iran hay Nga, quyết định xem xét lại và lý giải luật biển theo cách riêng của họ.

Nguy hại thứ hai là các quan hệ ngoại giao của Mỹ cũng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Từ khi Thế Chiến II kết thúc, hệ thống liên minh và đối tác của Mỹ đã củng cố sự ổn định ở châu Á. Mạng lưới liên minh đó là một nền tảng quan trọng giúp bảo vệ quyền lợi ngoại giao, kinh tế và an ninh của Mỹ, ngăn chặn đà vươn lên của các thế lực ảnh hưởng đối nghịch và giúp Mỹ tăng cường uy lực quân sự.

Tuy nhiên, thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn, răn đe Trung Quốc lấn lướt, nhất là vào năm 2012, khi để cho Trung Quốc chiếm lấy bãi Scarborough từ tay Philipppines, và xây dựng căn cứ không quân và hải quân ở Trường Sa, các sự kiện đó đã làm dấy lên hồi chuông báo động trong các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Điều này đã được thấy rõ và trở thành hiện thực ở Philippines : tổng thống Rodrigo Duterte đã lợi dụng thất bại của Mỹ trong việc ngăn chặn các hành động lấn lướt của Trung Quốc, và việc Washington không xác nhận là hiệp ước phòng thủ ký với Mỹ có bảo vệ quyền lợi của Philippines ở Biển Đông hay không, để khẳng định là ông không còn chọn lựa nào khác là đáp ứng yêu cầu của Trung Quốc.

Nếu đà rời xa nhau giữa Philippines và Mỹ tiếp tục, điều đó chẳng những làm Mỹ yếu thế ở Đông Nam Á, mà còn có nguy cơ tác động đến các liên minh khác trong vùng và ngoài vùng.

Đối với các tác giả bài viết trên tờ Foreign Policy, vấn đề là Mỹ đã xây dựng hệ thống liên minh ở châu Á không phải vì lòng vị tha, mà là để đối phó với những mối đe dọa tương lai bằng một sự hiện diện quân sự và các quan hệ liên minh vững chắc. Việc Trung Quốc thắng lợi liên tục ở Biển Đông đặt lại khả năng của Mỹ duy trì được quyền lợi của mình cũng như của đồng minh và đối tác ở vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Hiện nay, Trung Quốc có 3 căn cứ hải và không quân lớn ở Trường Sa và một căn cứ lớn khác ở Hoàng Sa, không kể nhiều tiền đồn nhỏ hơn. Những cơ sở này hỗ trợ cho sự hiện diện suốt ngày đêm của không quân, hải quân, tuần duyên và lực lượng bán quân sự Trung Quốc ở khắp Biển Đông.

Tình hình đó làm cho bạn bè của Mỹ lo âu (và họ có lý). Giả sử mà tranh chấp quân sự nổ ra giữa Philippines và Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ có sẵn căn cứ không quân và hải quân chỉ cách căn cứ Philippines ở Trường Sa, đảo Palawan hay nơi khác, vài hải lý. Trong khi đó căn cứ trên đất liền của Mỹ ở cách xa, ít ra 1000 hải lý, còn các lực lượng trên biển sẽ gặp nhiều nguy hiểm khi hoạt động tại Biển Đông hay gần đó.

Trong một cuộc đọ sức rộng lớn hơn với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ phải huy động một nguồn lực to lớn để vô hiệu hóa căn cứ của Trung Quốc ở Biển Đông, khiến cho kế hoạch triển khai quân của Mỹ thêm khó khăn.

Việc lực lượng Mỹ luân chuyển qua các căn cứ quân sự ở Philippines, theo hiệp ước quốc phòng EDCA năm 2014, có lẽ sẽ giúp giải quyết thách thức chiến thuật này. Nhưng những kế hoạch này đã bị ông Duterte dẹp qua một bên, và cũng không rõ khi nào thì lực lượng Mỹ mới có thể tiếp cận với những cở sở đã đồng ý đó.

Ba bước cần thực hiện…

Đối với hai chuyên gia Cooper và Poling, Washington không thể ngồi yên nhìn Trung Quốc thao túng các quy tắc luật pháp, quan hệ ngoại giao và nguồn tài nguyên sống còn đối với quyền lợi của Mỹ. Chính quyền Trump phải thực hiện nhiều bước để bảo vệ lợi ích của Mỹ và buộc Trung Quốc phải trả giá cao hơn về những hành vi gây bất ổn định.

Bước thứ nhất là lãnh đạo Mỹ phải sử dụng mọi cơ hội để nêu bật việc Trung Quốc xâm phạm quyền của các nước khác ở Biển Đông. Không nên vùi sâu lời lẽ về Biển Đông ở cuối bản thông cáo chung của lãnh đạo khu vực, như đã xẩy ra trong cuộc họp thượng đỉnh Mỹ - ASEAN ở Singapore vừa qua.

Biển Đông là một trong những thách thức lớn hàng đầu của Mỹ trong khu vực, và xứng đáng được nêu hàng đầu trong mọi cơ hội, nhắc nhở lãnh đạo thế giới, là Mỹ không chấp nhận cách hành xử không chính đáng và cưỡng bức của Trung Quốc.

Thứ hai, các quan chức quốc phòng Mỹ phải thông báo cho các đồng nhiệm Philippines là Hoa Kỳ xem hiệp ước phòng thủ hỗ tương và EDCA phải được gắn với nhau, vì cái thứ nhất sẽ không đáng tin nếu không có cái thứ hai. Mỹ phải trấn an quan chức Philippines, bảo đảm là hiệp ước bao trùm cả trường hợp “lực lượng Philippines, tàu thuyền hay máy bay của Nhà nước Philippines bị tấn công”…

Thứ ba, Mỹ phải xem xét lại một cách nghiêm chỉnh khả năng trừng phạt các thực thể Trung Quốc vi phạm luật quốc tế. Cả chính quyền Obama lẫn Trump đều muốn Nga phải chịu hậu quả kinh tế nghiêm trọng do sáp nhập Crimée và hậu thuẫn phe ly khai ở đông Ukraina. Đối với Bắc Kinh, Washington cũng nên công bố hoạt động của công ty Trung Quốc trong các ngành như đánh cá, du lịch và xây dựng, hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, cấm họ hoạt động ở Mỹ và thuyết phục các nước đồng minh, đối tác làm tương tự.

Những hành động này không thay đổi tính cách của Trung Quốc một sớm một chiều. Nhưng nó sẽ thúc đẩy Bắc Kinh tính toán lại, thỏa hiệp một cách thành thực, thẳng thắn với các láng giềng, và cũng cho thấy là Mỹ có một chiến lược rộng lớn hơn ở Biển Đông để bảo vệ không chỉ quyền lợi của Mỹ mà cả quyền lợi của đồng minh và đối tác.

-----------------------------

XEM THÊM

Đăng ngày 17-01-2019

Ngày 16/01/2019, kết thúc chuyến thăm Cam Bốt, phó trợ lý bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đặc trách Nam Á và Đông Nam Á đã cảnh báo về sự hiện diện quân sự của Trung Quốc trên đất nước Chùa Tháp.

Ảnh minh họa : Một sân bay do tập đoàn Trung Quốc Union Development Group xây dựng ở Koh Kong, từ đây có thể đi thẳng đến các bãi biển Sihanoukville. REUTERS/Samrang Pring

Lời cảnh báo này được đưa ra trong bối cảnh mới đây, Phnom Penh đã bác bỏ tin đồn về khả năng giao cảng Koh Kong cho Trung Quốc để lập căn cứ hải quân. Trong một bài phân tích ngày 12/01, giáo sư Carl Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc (Đại Học New South Wales) cho biết là Trung Quốc đang xây một sân bay lớn ở vùng Koh Kong, hoàn toàn có thể được sử dụng vào mục tiêu quân sự.

Đó là sân bay quốc tế Dara Sakor do một tập đoàn Trung Quốc xây dựng ở tỉnh Koh Kong, một trong những dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc tài trợ ở Cam Bốt. Điều đáng nói, theo giáo sư Thayer, là tập đoàn Trung Quốc Union Development Group (UDG) đã được Cam Bốt cho thuê khu vực này trong thời hạn 99 năm để xây dựng một khu nghỉ dưỡng du lịch ở Koh Kong, và sân bay là một phần của dự án này.

Công việc xây dựng đang được tiến hành nhanh chóng, bắt đầu khởi công vào tháng 6 năm ngoái và một phần phi đạo đầu tiên sẽ đi hoạt động vào cuối năm 2020. Đối với giáo sư Thayer, phi đạo của sân bay mới này dài 3,4 km, do đó có thể được dùng cho các loại phi cơ lớn như Boeing 777 và Airbus A340, và cũng như ba đường băng dài 3km mà Trung Quốc đã xây trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi), đều có thể tiếp nhận tất cả các loại phi cơ quân sự trong biên chế hiện nay của quân đội Trung Quốc.

Sân bay quốc tế Dara Sakor cũng có một lợi thế là nằm gần cảng nước sâu tại Koh Kong, mà mới đây các quan chức Cam Bốt đã bác bỏ tin đồn cho rằng nơi đây sẽ được biến thành căn cứ hải quân của Trung Quốc. Trong tình hình quan hệ quân sự Trung Quốc – Cam Bốt được tăng cường đáng kể trong thời gian gần đây, giáo sư Thayer cho rằng cả cảng nước sâu tại Koh Kong và sân bay Dara Sakor có thể được dễ dàng biến đổi để dùng vào mục tiêu quân sự.

Việc Trung Quốc triển khai lực lượng hải quân hay không quân đến Koh Kong hoàn toàn có thể nhằm mục tiêu dân sự, như hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp xảy ra thảm họa thiên nhiên lớn ở Vịnh Thái Lan. Chẳng hạn vụ máy bay Malaysia MH370 biến mất khi bay qua Vịnh Thái Lan trước đây, Cam Bốt lúc đó chỉ có thể cung cấp một số lượng máy bay trực thăng hạn chế cho công cuộc tìm kiếm ban đầu. Nếu một thảm họa hàng không khác xảy ra với hành khách Trung Quốc, Bắc Kinh có thể nhanh chóng lấy Koh Kong làm bản doanh cho các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ.

Về mặt quân sự cũng vậy. Trong trường hợp căng thẳng gia tăng hoặc khủng hoảng ở Biển Đông và vùng biển lân cận, Trung Quốc có thể dễ dàng triển khai tàu chiến và máy bay quân sự tới Cam Bốt. Việc này sẽ không khó, vì do quan hệ quốc phòng rất mật thiết với Trung Quốc, Phnom Penh sẽ tuân thủ ngay lập tức yêu cầu của Bắc Kinh.

Cuối cùng, các cơ quan tình báo Úc và đồng minh đã đánh giá rằng mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là thiết lập các cảng quân sự trên khắp khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Các cảng này có thể đóng vai trò điểm dừng cho chiến hạm hay là căn cứ thường trực cho hải quân Trung Quốc.

Về trường hợp Koh Kong, theo giáo sư Thayer, cần phải chờ đến khi các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc ở Cam Bốt được hoàn tất, thì sẽ rõ hơn về ý định của Bắc Kinh là dùng các cơ sở lưỡng dụng này vào mục tiêu nào.





No comments: