Monday, January 28, 2019

TRUNG QUỐC KẾT ÁN LS VƯƠNG TOÀN CHƯƠNG 4 NĂM 6 THÁNG TÙ (RFI | BBC)



Đăng ngày 28-01-2019

Luật sư Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang), nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng tại Trung Quốc, bị một tòa án thành phố Thiên Tân (Tianjjn) hôm nay, 28/01/2019, kết án 4 năm tù rưỡi. Ông Vương Toàn Chương được công luận biết đến nhiều do các hoạt động bảo vệ nạn nhân Pháp Luân Công, cũng như nông dân bị tước đoạt đất.

Thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình từ Bắc Kinh :

« Đã hơn ba năm nay ông Vương Toàn Chương không gặp người thân, trước hết là vợ ông. Sáng hôm nay, trên Twitter, vợ của luật sư Vương tố cáo việc tư pháp trong vụ án này đã đi ngược lại chính luật pháp của Trung Quốc. Bà Lý Văn Túc (Li Wenzu) khẳng định chồng bà không có tội, mà chính các quan tòa mới là người có tội.

Luật sư Vương Toàn Chương - người bảo vệ các thành viên giáo phái Pháp Luân Công, những nông dân bị cướp đất, và các nhà tranh đấu nhân quyền - bị quản thúc tại gia, rồi bị giam giữ bí mật. Ông bị đưa xét xử trong một phiên tòa kín, hồi cuối tháng 12 năm ngoái, kéo dài chỉ vọn vẹn trong bốn giờ. Tòa án tại Thiên Tân khép ông vào tội lật đổ chính quyền.

Những người ủng hộ luật sư Vương đưa lên mạng hình ảnh nhà bảo vệ nhân quyền, với cặp kính vuông, trang phục sẫm màu trên nền hồng. Ông Vương Toàn Chương là một trong các biểu tượng của phong trào mang tên 709, tức mùng 9 tháng 7 năm 2015, ngày mà chính quyền tổ chức đợt bắt bớ đồng loạt nhắm vào gần 200 luật sư nhân quyền tại Trung Quốc.

Luật sư Vương Toàn Chương thoạt tiên trốn thoát, ông ẩn náu gần một tháng tại quê nhà ở tỉnh Sơn Đông, trước khi bị an ninh bắt đúng vào tuổi 42. Vợ luật sư Vương Toàn Chương cho biết sẽ khiếu nại phúc thẩm ».

Bản án bị chỉ trích
Theo nhà tranh đấu Wang Yaqiu của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch ở Hồng Kông, bản án nói trên cho thấy những tuyên bố tôn trọng Nhà nước pháp quyền của ông Tập Cận Bình chỉ là một trò hề.

Vụ án luật sư Vương Toàn Chương khiến nhiều quốc gia phương Tây quan ngại, đặc biệt là Đức. Hồi đầu năm ngoái, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tới nhà thăm vợ của luật sư Vương tại Bắc Kinh.


------------------------------------ 



BBC Tiếng Việt
28 tháng 1 2019

Trung Quốc đã kết án luật sư nhân quyền nổi tiếng Vương Toàn Chương ̣(Wang Quanzhang) bốn năm rưỡi tù vì tội lật đổ nhà nước.

Ông Vương Toàn Chương bị bắt giữ hồi tháng 8/2015. FAMILY

Ông Vương Toàn Chương, 42 tuổi, chuyên bào chữa cho giới vận động chính trị, nạn nhân của các vụ cướp đất, cũng như những người theo phong trào bị cấm Pháp Luân Công.
Ông Chương là một trong một số luật sư và nhà hoạt động bị bắt trong vụ đàn áp năm 2015, và là người cuối cùng ra tòa.

Trung Quốc trong những năm gần đây đã tăng cường việc truy tố các luật sư nhân quyền.
Ông Vương Toàn Chương "bị kết tội lật đổ quyền lực nhà nước, bị kết án bốn năm sáu tháng tù giam và bị tước quyền chính trị trong năm năm", tòa án ở Thiên Tân nói.
Phiên tòa được xử kín với các nhà báo và nhà ngoại giao nước ngoài bị cấm không được vào bên trong.

Phóng viên John Sudworth của BBC tại Bắc Kinh cho biết bản án - bao gồm cả thời gian đã phục vụ - dường như được đặt ra để gửi một thông điệp lạnh lùng tới những người dám thách thức chính quyền của Đảng Cộng sản tại tòa.

'Tượng trưng cho sự đàn áp dưới thời Tập Cận Bình'

Michael Caster, nhà nghiên cứu và tác giả của cuốn sách ''The People's Republic of the Disappeared'' ̣(Cộng hòa Nhân dân của những người Mất tích), nói với BBC sau khi toà tuyên án, rằng trường hợp của ông Vương ToànChương là "biểu tượng cho sự đàn áp của Tập Cận Bình với nhân quyền và cộng đồng pháp lý".

"Giới bảo vệ quyền và cộng đồng xã hội dân sự rộng lớn hơn ở Trung Quốc đương nhiên đang hết sức phẫn nộ. Trong thời gian qua, họ đã tập họp xung quanh Vương Toàn Chương và vợ ông, Lý Văn Túc (Li Wenzu) như một biểu tượng của cả sự đàn áp và kháng cự dưới thời Tập Cận Bình, " ông nói.

Ông Caster nói rằng "Nhóm làm việc của Liên hiệp quốc về Giam giữ Tùy tiện nhận định rằng việc giam giữ ông Vương Toàn Chương là tùy tiện, điều đó có nghĩa là theo luật pháp quốc tế, ông ta lẽ ra không bao giờ phải đối mặt với một phiên tòa, và vì vậy rõ ràng không bao giờ phải bị giam cầm trong bất kỳ thời hạn nào".

Khi bắt đầu phiên xử, giới đấu tranh cho quyền đã lên án các thủ tục tố tụng của tòa án, với Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi họ là "một trò hề độc ác". Việc đàn áp luật sư của Trung Quốc, được gọi là cuộc đàn áp "709" bởi vì nó bắt đầu vào ngày 9 tháng 7, đã được các nhà hoạt động coi là một dấu hiệu của sự không khoan nhượng giới bất đồng chính kiến ngày càng khắc nghiệt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Hơn 200 người đã bị giam giữ trong cuộc càn quét đó, với nhiều án tù ở, tù treo hoặc quản thúc tại gia.

Luật sư Vương Toàn Chương với vợ con. FAMILY

*
Tin liên quan



---------------------------------

29/01/2019

Luật sư nhân quyền nổi tiếng của Trung Quốc Vương Toàn Chương (Wang Quanzhang) bị kết án 4 năm rưỡi tù giam hôm 28/1 về tội danh chống phá nhà nước, hơn ba năm sau khi ông bị bắt giam trong một chiến dịch đàn áp nhắm vào giới hành nghề luật.

Một người biểu tình cầm một tấm hình của luật sư nhân quyền nổi tiếng Vương Toàng Chương đang bị cầm tù bên ngoài văn phòng liên lạc của Trung Quốc ở Hong Kong hôm 13/7/2018.

Một tòa án ở Thiên Tân loan báo bản án trong một tuyên bố tải trên mạng, tuyên bố cho biết ông Vương đã bị tước các quyền chính trị trong 5 năm tới. Vợ ông Vương, bà Lý Văn Túc (Li Wenzu), nói với AP rằng bà lấy làm lo lắng về sức khỏe của chồng bà trong thời gian bị giam.

“Vương Toàn Chương chưa hề phạm tội, thế mà họ lại cáo buộc anh là phạm tội,” bà Lý nói, “Tôi nghĩ lý do là vì anh ấy không chịu thỏa hiệp với họ và sẽ không nhận bất cứ một tội nào.”

Bà Lý khẳng định: “Thế cho nên tôi mạnh mẽ phủ nhận kết quả đó.”

LS Vương là một thành viên của công ty luật Fengrui nổi tiếng vì những nỗ lực pháp lý để bảo vệ quyền lợi đất đai cho dân nghèo, đồng thời cũng đại diện cho những thành viên của Pháp Luân Công, nhóm thiền bị cấm ở Trung Quốc.

Các nhóm nhân quyền lên án bản án này. Nhà nghiên cứu về Trung Quốc của Tổ chức Ân xá quốc tế Amnesty International, Doriane Lau, mô tả bản án là “sự bất công trắng trợn.”

“Thật là vô nhân đạo khi Vương Toàn Chương bị trừng phạt vì đã đấu tranh cho nhân quyền một cách ôn hòa ở Trung Quốc. Phải thả ông ngay lập tức và vô điều kiện,” đại diện của tổ chức ân xá quốc tế nói trong một thông cáo.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch nói bản án tù đối với ông Vương là một “sự nhạo báng khái niệm nhà nước pháp quyền” của Đảng Cộng sản do Chủ tịch Tập Cận Bình lãnh đạo.

“Cách đối xử của các nhà chức trách đối với ông Vương… là thước đo luật pháp Trung Quốc,” tổ chức nhân quyền này nói trong một thông cáo.

Ông Vương vị xét xử trong một vụ xử kín hồi tháng trước sau khi bị bắt giam mà không được tiếp cận luận sư, hay gia đình từ năm 2015, khi ông là một trong 200 nhà hoạt động về luật pháp bị bắt trong một vụ đàn áp. Không rõ liệu thời gian ông bị giam giữ vừa qua có được tính vào án tù vừa tuyên không.

Các vụ án xét xử các nhà hoạt động nhân quyền ở Trung Quốc thường kéo dài từ năm này qua năm khác trong khi các bị cáo bị giam trong những điều kiện khắc nghiệt, có thể đe dọa sức khỏe của họ. Có nhiều cáo buộc về những hành vi tra tấn thường xuyên, bị khước từ quyền có luật sư đại diện, gia đình, thân nhân bị cấm thăm nom.

Tù nhân lương tâm nổi tiếng nhất của Trung Quốc, ông Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên giải Nobel Hòa bình, qua đời vì bệnh ung thư gan vào năm 2017 trong khi đang thọ án tù 11 năm về tội “xúi giục chống phá nhà nước”. Ông Lưu tham gia viết Hiến chương 08, một văn kiện kêu gọi tự do hóa chính trị và kinh tế.

Vận động pháp lý phát triển mạnh mẽ trong một thời gian sau khi Trung Quốc mở cửa xã hội và kinh tế vào cuối những năm 1970, khi các luật sư bào chữa cho những người bị tước quyền và đóng góp cho một xã hội dân sự non trẻ.

Trong khi các luật sư này thường xuyên phải đối mặt với sự đe dọa và quấy rối từ chính quyền, thì vụ đàn áp năm 2015 đánh dấu một bước ngoặt nghiêm trọng, trong đó thể hiện quyết tâm của ông Tập nhằm đè bẹp bất cứ thách thức tiềm năng nào đối với chính quyền của ông.

Cuộc đàn áp cho thấy rõ rằng các luật sư nhân quyền sẽ phải đối mặt với những tội danh mà trước đây chỉ dành cho những người mà họ bào chữa. Chiến dịch đàn áp có phối hợp khiến các luật sư bị tống giam, trục xuất khỏi đoàn luật sư, bị quản thúc tại gia hoặc đối mặt với những cáo buộc mơ hồ. Chiến dịch này được biết đến dưới tên là “cuộc đàn áp 709” diễn ra vào ngày 9 tháng 7, trong đó phần lớn các luật sư bị bắt.

Hầu hết các luật sư đã được trả tự do, mặc dù họ không còn được hành nghề hoặc tự do nói chuyện với giới truyền thông. Ông Vương được cho là một trong những người cuối cùng bị xét xử.

Vợ ông Vương đã bị các nhân viên an ninh chặn lối ra khỏi khu chung cư nơi bà cư ngụ, ngăn cản bà đến dự phiên tòa xét xử chồng bà.






No comments: