Saturday, May 19, 2018

MẤY LỜI GÓP Ý VỚI BÁO CÁO KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA CHÍNH PHỦ (FB Trần Đức Anh Sơn)





Như thường lệ, trước khi Quốc hội họp, nhà cháu lại được phân công đọc bản Báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế xã hội mà Chính phủ trình Quốc hội, được gửi trước cho các đoàn đại biểu quốc hội, để đóng góp ý kiến cho Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng. 

Nhà cháu đã làm việc này trong gần 10 năm qua (trừ 1 năm đi học ở Mỹ), nhưng chưa lần nào đọc bản báo cáo nào sơ sài, cẩu thả và có nhiều vấn đề như bản báo cáo này (do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp bút cho Chính phủ). 

Đồng nghiệp của nhà cháu là TS. Nguyễn Văn Hùng còn phát biểu rằng "bản báo cáo này cho thấy một sự coi thường đại biểu quốc hội". Gần chục thành viên khác của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng được yêu cầu tham gia góp ý trong từng lĩnh vực cụ thể, cũng đều có nhận xét tiêu cực về bản báo cáo này, và "nhặt" ra vô số "sạn", chuyển cho Đoàn đại biểu quốc hội Đà Nẵng, để thông qua Đoàn mà phản ánh ra Quốc hội.

Nhà cháu được yêu cầu góp ý đầu tiên. Dưới đây là toàn văn bản góp ý của nhà cháu về cái báo cáo này (không kể những dẫn chứng, diễn giải và trao đổi chi tiết hơn trong quá trình thảo luận sau đó):

GÓP Ý BÁO CÁO "Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018"

Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng.

Thực hiện yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về việc góp ý, phản biện bản Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 mà Chính phủ chuyển cho Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, khóa XIV (sẽ khai mạc vào ngày 20/5/2018) và chỉ được phân công góp ý, phản biện những vấn đề xã hội được phản ánh trong báo cáo này, nhưng sau khi đọc xong, tôi xin góp ý như sau:

A. VỀ ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Báo cáo tập trung đánh giá những kết quả đạt được nhiều hơn, với những con số rất tích cực. Trong khi phần đánh giá về những thất bại, yếu kém về kinh tế - xã hội về công tác điều hành của Chính phủ và của các bộ, ngành ở Trung ương trong năm qua, thì viết rất hời hợt, giản lược và né tránh.

2. Vấn đề nổi cộm nhất trong năm 2017 là tham nhũng và kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng thì được viết rất sơ sài (chỉ có 5 dòng), trong khi đây là vấn đề nóng nhất năm 2017, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đến niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước, chính phủ và chế độ nói chung, ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. 

3. Vấn đề làm ăn thua lỗ của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước không hề có dòng nào trong báo cáo. Một ví dụ điển hình là Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, mắc nợ hơn 100.000 tỉ đồng, mỗi ngày phải trả lãi vay ngân hàng đến 12 tỉ đồng… được báo chí chính thống đăng tải liên tục, cũng không hề được nhắc tới trong báo cáo.

4. Vấn đề Tập đoàn Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hủy hoại môi trường biển ở 4 tỉnh bắc miền Trung đã được khắc phục ra sao, kết quả kiểm tra thế nào, đời sống nhân dân ở khu vực bị ảnh hưởng bởi sự hủy hoại này đã bị tác động như thế nào, cuộc sống và nghề nghiệp của họ đã hồi phục đến đâu… đã không được phản ánh, phân tích trong báo cáo này. Thay vào đó chỉ vỏn vẹn 3 dòng về cái gọi là “sự cố môi trường biển” này với ngôn ngữ được giảm nhẹ để đánh lạc hướng dư luận. Hoàn toàn không phân tích, không đánh giá, không đưa giải pháp khắc phục và dự báo lâu dài về tác động của vụ Formosa giết chết môi trường biển đối với sinh kế của cư dân trong vùng bị ảnh hưởng, đối với kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước nói chung.

5. Việc chậm trễ hoàn thành các dự án trọng điểm quốc gia như dự án đường tàu điện trên cao ở Hà Nội, đường tàu điện ngầm ở Thành phố Hồ Chí Minh, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp quốc lộ 1 ở một số đoạn trọng yếu…, cũng không được đề cập trong báo cáo. Tình trạng các trạm BOT thu phí giao thông “mọc” dày đặc tràn lan, sai quy định pháp luật, thu phí bất hợp lý… tác oai, tác quái ở khắp nơi, gây bức xúc trong dư luận, gây thiệt hại kinh tế cho người dân… không hề xuất hiện trong báo cáo. Việc thu phí bảo vệ môi trường qua xăng dầu quá cao, thu và sử dụng phí này bất hợp lý, nay tiếp tục thu cao hơn nữa, khiến nhân dân, doanh nghiệp, đại biểu quốc hội lên tiếng phản đối, cũng bị bỏ ngoài báo cáo.

6. Vấn đề thu hồi đất đai của người dân sai quy định, đẩy người dân nhiều nơi vào con đường bần cùng hóa, diễn ra nhức nhối từ nhiều năm qua, luôn có nguy cơ bùng phát thành bất ổn xã hội, điển hình như vụ “dân oan Thủ Thiêm” cũng né tránh, không hề nhắc đến một dòng trong báo cáo này. Vì thế, không hề có phân tích nguyên nhân, thực trạng và đề xuất giải pháp để giải quyết thực trạng phức tạp này.

7. Bố cục báo cáo lộn xộn, chắp vá lung tung. Số liệu dẫn trong báo cáo không được xác tín; người viết báo cáo không phân biệt được đâu là giải pháp, đâu là kiến nghị khiến người đọc không hiểu, không tin tưởng cũng biết nên đánh giá, phản biện báo cáo này như thế nào cho hợp lẽ.

B. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI

1. Lĩnh vực giáo dục trong năm qua có quá nhiều bất cập, tiêu cực bị phơi bày như: nạn bằng cấp giả; đạo đức của quan chức ngành giáo dục, của nhà giáo xuống cấp; nạn giáo viên bạo hành học sinh dưới nhiều hình thức diễn ra ngày một nhiều trong các trường học trong cả nước; nạn bạo lực học đường gia tăng ở mức nguy hiểm; nạn “chạy học hàm” của quan chức và những trí thức “dổm” qua đợt xét phong GS, PGS vừa qua khiến 95 hồ sơ phải bị xem lại và bị loại; nạn đào tạo TS, ThS có chất lượng quá kém; nạn tuyển dụng giáo viên vô tội vạ, rồi sa thải cũng vô tội vạ tại một số địa phương; nạn thất nghiệp của cử nhân, thạc sĩ rất cao, phải bỏ bằng đi học lại trường trung cấp nghề để mong kiếm được việc làm đã kéo dài từ nhiều năm qua và nay có sự gia tăng đột biến… đều không được nhắc đến trong báo cáo. Vì thế mà không hề có một phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, thực trạng và đưa ra giải pháp khắc chế những vấn nạn trên.

2. Trong lĩnh vực y tế, những hạn chế tồn đọng từ nhiều năm nay như chất lượng khám chữa bệnh, nạn bệnh nhân không có giường điều trị, phải ghép 3 - 5 người/gường bệnh vẫn tồn tại (dù lãnh đạo ngành y đã hứa với Quốc hội, với dân là sẽ chấm dứt sớm, nhưng lời hứa đó đã không thành), không được đề cập trong báo cáo. Các vụ sai sót, sự cố trong ngành y dẫn đến chết người diễn ra ngày càng nghiêm trọng; nạn bệnh nhân tấn công nhân viên y tế diễn ra ngày càng nhiều và càng nguy hiểm; nạn thuốc giả, thực phẩm chức năng giả tràn lan, gây thiệt hại cho bệnh nhân và người dùng nhưng Bộ Y tế không kiểm soát được; nạn thực phẩm bẩn tràn lan gây hại cho sức khỏe của người dùng, mà Bộ Y tế phải chịu một phần trách nhiệm… Tất cả đều bị lờ đi, không thấy nhắc đến trong báo cáo này. Vì thế, không thấy ngành Y tế đưa ra giải pháp gì để khắc phục những vấn nạn trên.

3. Trong lĩnh vực văn hóa - du lịch - thể thao, ngoài việc nêu 1 số thành tích trong việc làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận một số di sản văn hóa của Việt Nam là di sản văn hóa thế giới, ngoài việc nêu một số thành tích về thể thao tại SEA GAMES và bóng đá cấp châu lục, ngoài việc nêu số du khách quốc tế tới Việt Nam đạt con số ấn tượng là 13 triệu trong năm 2017, thì báo cáo bỏ qua rất nhiều tồn tại hạn chế trong lĩnh vực văn hóa - du lịch - thể thao, như: nạn trùng tu sai lệch gây hại cho di tích (như việc trùng tu một nhóm tháp trong khu đền tháp Mỹ Sơn vừa qua, việc trùng tu chùa Bổ Đà… đang bị báo chí phản ánh và các chuyên gia bảo tồn phản ứng là những ví dụ). Đối với du lịch, thì báo cáo thì chỉ quan tâm đến số lượng du khách đến Việt Nam, mà không quan tâm đến chất lượng khách, số ngày lưu trú, mức chi tiêu của họ khi ở Việt Nam và tổng thu xã hội mà ngành du lịch mang tới là bao nhiêu… Đó là những thứ, những số liệu cần phân tích, cần thể hiện trong báo cáo thì lại không có.

4. Công tác bảo vệ tài nguyên môi trường và chống biến đổi khí hậu trong năm qua có nhiều vấn đề như: việc toan tính đổ gần 1 triệu m3 chất thải rắn của do Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân xuống đáy biển ở khu vực Hòn Cau ở Bình Thuận, “âm mưu” đổ thêm 12 triệu tấn chất thải rắn khác xuống khu vực biển đông bắc Việt Nam; vấn đề sụt lở nghiêm trọng ở vùng ven biển miền Trung và đặc biệt là ở đồng bằng sông Cửu Long (với 33 điểm cực kỳ nguy hiểm, có tổng chiều dài hơn 110 km…), đã không được thể hiện trong báo cáo này. Vấn đề bảo vệ các di sản văn hóa, các di tích lịch sử - văn hóa ven biển trước tình trạng biến đổi khí hậu, tình trạng nước biển dâng trong tương lai gần có thể hủy hoại các di sản văn hóa ven biển của Việt Nam, đã không được nhắc đến, cảnh báo và đề xuất giải pháp khắc phục trong báo cáo này.

Ngoài ra, còn có nhiều vấn đề bất cập khác thể hiện trong báo cáo này, tuy nhiên với trách nhiệm được phân công, tôi chỉ tập trung phản biện vào những vấn đề xã hội có trong báo cáo này mà thôi.

Kính thưa Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng.

Trên đây là những điều tôi bất cập tôi nhặt ra sau khi đọc bản Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 này. Tôi xin gửi những lưu ý này đến Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng để Đoàn lưu tâm, chất vấn Chính phủ và các bộ, ngành trong kỳ họp tới.

Kính chúc quý đại biểu sức khỏe. Chúc kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp.

TRẦN ĐỨC ANH SƠN









No comments: