Sunday, May 20, 2018

ĐÓ LÀ SÚNG (David Frum - The Atlantic)




David Frum  -  The Atlantic   
DCVOnline dịch
Posted on May 20, 2018 by editor_

Phẫn nộ sau vụ 17 học sinh và nhân viên bị bắn chết ở trường trungg học ở Parkland Florida khiến người ta phải thức tỉnh và suy nghĩ lại về đạo đức — có lời giải thích đơn giản cho những vụ nổ súng ở trường học.

Một thiếu niên cầu nguyện trong một buổi lễ được tổ chức tại Texas First Bank sau vụ nổ súng chết người tại trường trung học Santa Fe ở Santa Fe, Texas. Nguồn: Trish Badger/Reuters.

Người Mỹ ở độ tuổi học sinh trung học có xác suất chết vì súng nhiều gấp 82 lần so với những người từ 15 đến 19 tuổi ở tất cả những quốc gia trong thế giới phát triển.

Sự khác biệt rõ rệt này thường được coi là một thực tế khó hiểu, đòi hỏi một số giải thích phản trực quan. Sau vụ thảm sát ngày hôm nay ở Texas, Phó Thống đốc tiểu bang, Dan Patrick, cho rằng vấn đề có thể là các trường trung học có quá nhiều cửa. “Nếu chỉ có một lối vào duy nhất cho tất cả học sinh, có lẽ [kẻ nổ súng] sẽ bị chận lại.”

Vào những lúc khác, chúng ta được biết rằng vấn đề là chúng ta cần phải đoán giỏi hơn khi nào thì những thanh thiếu niên gặp khó khăn có thể giết người tại một thời điểm nào đó trong tương lai, hoặc đối phó với nam tính quá đáng, hoặc có thể là khủng hoảng về thân phận trong thế giới thế tục hiện đại. Như mọi khi, mặc dù, có một giải thích rất đơn giản và mạnh hơn về lý do tại sao không có những vụ nổ súng tương tự ở Đức kể từ năm 2009; hoặc ở Canada kể từ năm 2016; không có ở Anh kể từ năm 1996 — trong khi ngược lại, có nhiều thanh thiếu niên Mỹ đã chết trong các vụ nổ súng ở trường học vào năm 2018 hơn trong tất cả các hoạt động ngoài mặt trận của Mỹ trên toàn thế giới.


Câu trả lời gần như đơn giản đến xúc phạm và đúng: Đó là súng.

Vụ thảm sát ở Parkland đầu năm nay dường như cuối cùng đã kích động một phong trào quần chúng để đối phó với những tội ác khủng khiếp này. Tuy nhiên, ngay cả những tác động tích lũy của những vụ giết người không ngưng tay đã không làm giảm đi sự chia rẽ và bế tắc về súng trong xã hội Mỹ. Hồi năm 2012, Nate Silver quan sát:

“Người có súng là một chỉ dấu về khuynh hướng chính trị mạnh đảng phái mạnh hơn phái tính, hay người đó là đồng tính, hoặc là người gốc Tây Ban Nha, hay là người sống ở miền Nam hay một số những đặc điểm nhân khẩu học khác.”

Hơn 70 phần trăm cử tri bầu cho Trump năm 2016 đã mô tả súng là “rất quan trọng” để được phiếu bầu của họ, so với chỉ 40% cho rằng phá thai là “rất quan trọng” để có phiếu bầu của họ và chỉ có 25% người cảm thấy như vậy về quyền đồng tính. Với sự phai mờ dần của những cuộc tranh luận về hôn nhân đồng phái tính và phá thai, và sự sụp đổ nhanh chóng của những mặt khác của ý thức hệ bảo thủ, súng có thể được xếp hạng là đường ranh chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ 21 của Mỹ.

Chỉ có 30% người Mỹ có súng. Cho đến nay, thiểu số đó đã đủ để chận lại hành động đáng kể của chính phủ liên bang đối với súng. Nhưng một thiểu số một phần ba — và đặc biệt là một thiểu số một phần ba không ở đô thị — có thể không còn đủ để định hình văn hóa Mỹ nữa.

Phẫn nộ sau vụ thảm sát ở Parkland trông không như một phong trào chính trị, mà giống như những một đợt đổi mới đạo đức vĩ đại từ thập niên 1840 với những lần đã thách thức trật tự chính trị dưới danh nghĩa của lý tưởng đạo đức cao hơn. Thành công quan trọng nhất của phong trào những người mẹ chống say rượu chẳng hạn, không nhằm thay đổi luật pháp (mặc dù nó đã làm một số phải thay đổi), nhưng để thay đổi lòng người: thuyết phục người Mỹ rằng lái xe say rượu không có gì vui vẻ, không quyến rũ và không được chấp nhận.

Văn hóa súng của Mỹ trong những năm 2010 cũng vô trách nhiệm như văn hóa uống rượu say của Mỹ trong những năm 1960.

Theo một cuộc thăm dò của Pew, chỉ có khoảng một phần tư số người có súng nghĩ rằng cần nói cho khách đến thăm với con rằng có thể có súng trong nhà. (Gấp đôi số người không có súng nghĩ như vậy.) Chỉ có 66% người có súng nghĩ rằng cần giữ súng trong tủ khóa khi không sử dụng. (Chín mươi phần trăm những người không có súng nghĩ như vậy.) Chỉ có 45 phần trăm người có súng họ thực sự làm điều đó.

Sự bất cẩn và xem thường này đang lấy đi mạng sống và phá vỡ nhiều gia đình. Bước đầu tiên để điều chỉnh sai lầm xã hội là mở mắt của mọi người để thấy điều đó sai. Nước Mỹ hiện nay vẫn là có nhiều nạn nhân và biết bao gia đình đau khổ. Đó là cái giá khủng khiếp phải trả cho một sự nghĩ lại và thức tỉnh đạo đức — nhưng lịch sử của Mỹ hứa hẹn rằng dù sự thức tỉnh thường có thể đến rất chậm nhưng nó đến đúng lúc, với tất cả sức mạnh của công lý bị trì hoãn nhưng không bị khước từ.

© 2018 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net
*
Nguồn: It’s the Guns. David Frum May 18, 2018.






No comments: