Thursday, March 22, 2018

HOA KỲ ĐỨNG TRƯỚC NGUY CƠ KHỦNG HOẢNG CHÍNH QUYỀN NGHIÊM TRỌNG (Hồng Phúc)




Hồng Phúc
Cập nhật: 08:35 | 22/03/2018

Sau khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bất ngờ bị Tổng thống Donald Trump sa thải, dư luận đã nhắc đến nhiều cái tên khác cũng đang đứng trước nguy cơ sắp phải “khăn gói ra đi.”

Tình trạng này, cùng với việc hàng loạt quan chức khác bị Tổng thống Trump sa thải kể từ khi ông lên làm chủ nhân Nhà Trắng hồi đầu năm 2017 đã khiến nước Mỹ hiện đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng chính quyền nghiêm trọng.

Robert Mueller cũng có thể mất chức
Cái tên mới nhất bị nhắc đến là Công tố viên đặc biệt của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Robert Mueller – người hiện đang phụ trách cuộc điều tra những cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Tổng thống Trump đã kiềm chế việc chỉ trích trực tiếp ông Mueller dù nhiều lần lên án cuộc điều tra. Mọi chuyện thay đổi sau khi có thông tin nói rằng ông Mueller đã đưa trát hầu tòa tới Tổ chức Trump để thu thập tài liệu về việc kinh doanh của tổ chức này. Các luật sư của ông Trump cũng nhận được một danh sách những câu hỏi từ văn phòng của ông Mueller.
Tổng thống Trump cho rằng cuộc điều tra mà ông Mueller đang tiến hành “căn cứ vào những hành vi lừa dối và thông tin sai sự thật.” Ông Trump tuyên bố, đội ngũ của Công tố viên đặc biệt FBI gồm toàn “cánh hẩu” thuộc Đảng Dân chủ và không có ai ủng hộ Đảng Cộng hòa.

Trong khi đó trên thực tế, ông Mueller là thành viên Đảng Cộng hòa và Thứ trưởng Tư pháp Rod Rosenstei - người đưa ông Mueller vào vị trí hiện tại sau khi Tổng thống Trump sa thải GĐ FBI James Comey hồi tháng 5 năm ngoái, cũng là thành viên đảng này. Nhà Trắng hiện đang tỏ ra rất kiềm chế trước những ồn ào nói trên và khẳng định Tổng thống đang không hề cân nhắc hay thảo luận việc sa thải ông Mueller.

Theo bình luận của hãng truyền thông CNN, những phát biểu thiên về công kích hồi cuối tuần qua của Tổng thống nhằm vào cuộc điều tra ông Mueller đang tiến hành có thể đẩy Washington tới gần hơn cuộc khủng hoảng chính quyền nghiêm trọng nếu ông Trump quyết “trút lửa thịnh nộ” vào vị công tố viên đặc biệt.

Trong khi đó, trang mạng newsday.com cho rằng việc ông Trump muốn sa thải công tố viên đặc biệt Robert Mueller và “xóa bỏ” cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ gần như là điều khó có thể ngăn được trừ phi các nghị sỹ cộng hòa đang nắm quyền kiểm soát Quốc hội Mỹ sẵn sàng cản trở ý định này.

Hôm 18-3, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với ông Mueller sau khi Tổng thống Trump và một trong những luật sư của nhà lãnh đạo này là John Dowd lần đầu tiên trực tiếp chỉ trích vị công tố viên FBI cuối tuần qua.

Thượng nghị sỹ Lindsey Graham thậm chí còn cho rằng việc sa thải ông Mueller sẽ bắt đầu đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp Tổng thống của ông Trump, bởi Mỹ là một quốc gia có trật tự luật pháp. Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Trey Gowdy lại nhấn mạnh rằng nếu không làm gì sai, thì Tổng thống Trump lẽ ra phải rất muốn cuộc điều tra của ông Mueller được tiến hành một cách thông suốt và quyết liệt.

Trong bối cảnh trên, một dự luật lưỡng đảng nhằm bảo vệ ông Mueller đã bị chặn lại ở Quốc hội Mỹ. Thượng nghị sỹ bang Illinois Dick Durbin của Đảng Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump có thể “châm ngòi một cuộc khủng hoảng hiến pháp” bằng quyết định của mình, đồng thời kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua dự luật trên.

Trong khi đó, giới lãnh đạo Đảng Cộng hòa vẫn giữ im lặng về vụ việc này. Người phát ngôn của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan chỉ nói rằng Chủ tịch Ryan tin rằng “Mueller và đội ngũ của ông ấy nên được tạo điều kiện để làm việc.”

Nhiều thành viên Đảng Cộng hòa cảnh báo những phát biểu của Tổng thống Trump cùng việc Phó GĐ FBI Andrew McCabe đột ngột bị sa thải hôm 16-3 vừa qua khi sắp sửa về hưu, sẽ nhanh chóng đẩy nước Mỹ tới những bất ổn nghiêm trọng.

Ông McCabe được cho là đã ghi chép chi tiết về cuộc gặp với Tổng thống Trump, điều mà ông Comey cũng từng làm, rồi sau đó đã chuyển các ghi chép này cho ông Mueller. Dù vậy, Tổng thống Trump đã nhanh chóng phủ nhận sự tồn tại của các bản ghi chép này và cho rằng đó là những ghi chép giả mạo.

Quốc hội Mỹ cũng rất mâu thuẫn về việc ông Cabe bị sa thải. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions cho biết báo cáo điều tra chỉ ra rằng ông McCabe đã không trung thực và sai phạm khi để lộ thông tin về vụ điều tra Quỹ Clinton cho báo giới.

Ông McCabe phủ nhận mọi sai phạm trong khi Đảng Dân chủ chỉ ra rằng những chỉ trích không ngừng mà Tổng thống Trump nhằm vào ông McCabe cho thấy động cơ “trả thù.” Hai Thượng nghị sỹ của Ủy ban Tư pháp là ông Graham và Jeff Flake nói rằng họ muốn xem xét lại xem vụ sa thải ông McCabe có hợp pháp hay không. Thượng nghị sỹ Graham tuyên bố: “Chúng tôi cần các thông tin và sự minh bạch hết sức có thể để đảm bảo đằng sau đó không có động cơ chính trị”.

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller (trái) đang có nguy cơ bị Tổng thống Trump sa thải. ảnh tư liệu

Tổng thống Trump vi hiến?
Trong mục bình luận ngày 18-3, tờ "Washington Post" tiết lộ chính quyền của nhà lãnh đạo này đã ép buộc các quan chức cấp cao Nhà Trắng ký thỏa thuận ngăn cấm họ tiết lộ bất cứ thông tin mật nào về công việc của mình, không chỉ trong thời gian tại nhiệm mà thậm chí cả sau khi rời Nhà Trắng.

Nhà báo Ruth Marcus của "Washington Post" đã có trong tay dự thảo của thỏa thuận cấm tiết lộ (NDA), trong đó nêu rõ những người vi phạm sẽ bị phạt 10 triệu USD cho mỗi lần tiết lộ thông tin mật mà họ được biết trong thời gian làm việc tại Nhà Trắng. Ông Marcus cũng cho biết, mức phạt này có thể được giảm bớt trong văn bản cuối cùng.

Tuy nhiên, trong một thông báo ngày 19-3, Nhà Trắng tuyên bố các nhân viên Nhà Trắng không bao giờ được yêu cầu hay bắt buộc phải ký NDA với các điều khoản phạt 10 triệu USD. Ngoài ra, bản thông cáo được trao cho PV Jake Tapper của CNN cũng nêu rõ, nhân viên Nhà Trắng không thảo luận về các vấn đề an ninh hay nhân sự.

Dù vậy, nhà báo Marcus vẫn khẳng định rằng nguy cơ phải nộp phạt số tiền lên tới hàng triệu USD sẽ khiến bất kỳ ai cũng phải cân nhắc kỹ việc tiết lộ thông tin mật của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump. Tuy nhiên, theo 2 giáo sư luật chuyên về các bí mật của chính phủ và tu chính án thứ nhất, những hợp đồng được mô tả trong bài viết của tờ "Washington Post" gần như chắc chắn không thể được thông qua nếu như chúng đã được đưa lên tòa án xem xét. NDA, như mô tả của báo này, có một sai lầm cơ bản về hiến pháp.

Các nhân viên Nhà Trắng không làm việc cho Tổng thống Trump. Họ làm việc cho Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, vì vậy Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được cho là đối tượng thụ hưởng các thỏa thuận không tiết lộ thông tin.

Theo các Giáo sư luật Heidi Kitrosser của ĐH Minnesota và Mark Fenster của ĐH Florida, nước Mỹ chứ không phải Tổng thống Trump sẽ chịu trách nhiệm thực thi các thỏa thuận này. Tuy nhiên, tu chính án thứ nhất bảo vệ người dân Mỹ trước những hạn chế của chính phủ về tự do ngôn luận.

Giáo sư Kitrosser nêu rõ, các NDA này khiến ông nghĩ rằng đó rõ ràng là hành động vi hiến theo tu chính án thứ nhất. Giáo sư Fenster bổ sung thêm: "Một nhân viên liên bang không thể bị ép buộc phải ký vào văn bản từ chối quyền phát ngôn."

Bà Liz Hempowicz thuộc Dự án phi lợi nhuận về giám sát chính phủ (POGO) tuyên bố họ không biết về văn bản cuối cùng của NDA do chính quyền Trump soạn thảo. Bà cũng cho biết POGO thực sự quan ngại về bất cứ nỗ lực nào nhằm "bịt miệng" các quan chức Nhà Trắng, đặc biệt nếu NDA không đảm bảo chắc chắn rằng các nhân viên Nhà Trắng không bị ngăn cấm báo cáo những hành vi nghi ngờ là sai trái.

Tuy nhiên, bà Hempowicz cho biết bà đã nhìn thấy các thỏa thuận không tiết lộ thông tin có thể được đưa ra thi hành, theo đó các cơ quan hành pháp cấm các nhân viên tố giác tiết lộ những chi tiết về các hợp đồng của họ với chính phủ. Bà Hempowicz nhấn mạnh rằng NDA của Trump, nếu nó tương tự như dự thảo được mô tả trong bài viết của tờ "Washington Post," bao quát hơn nhiều và do đó gây rắc rối hơn so với các thỏa thuận về người tố giác, song bà cũng cảnh báo cần đề phòng những giả định hấp tấp cho rằng đó là hành động vi hiến. Hơn nữa, các nhân viên liên bang không được bảo vệ bởi tu chính án thứ nhất.

Các giáo sư luật Kitrosser và Fenster cho rằng Tổng thống có quyền sa thải các nhân viên Nhà Trắng nếu họ tiết lộ thông tin mật. Những người tiết lộ tin mật có thể đối mặt với hình phạt tệ hơn nhiều, bao gồm cả các cáo buộc hình sự.

Nói cách khác, Tổng thống Trump không cần một NDA để cảnh báo các nhân viên của mình về những hậu quả của việc tiết lộ thông tin. Giáo sư Fenster cũng cho biết, khi ông Trump rời Nhà Trắng. Việc thực thi bất kỳ NDA nào đều sẽ phải trình lên Chính phủ Mỹ, chứ không phải Tổng thống Trump khi ông trở về làm công dân bình thường. Một tổng thống tương lai có thể không muốn dùng nguồn lực của chính quyền cho việc điều tra các cựu quan chức dưới thời Trump.

Không chỉ có những ồn ào nói trên, Nhà Trắng hôm 19-3 còn tiếp tục phải đối mặt với những câu hỏi xoay quanh hoạt động của nhóm vận hành chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump sau khi Facebook đình chỉ Cty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica - từng cộng tác với nhóm này trong giai đoạn tranh cử, vì cáo buộc khai thác dữ liệu của hơn 50 triệu tài khoản mạng xã hội khi chưa được chấp thuận.

Bình luận về những rắc rối mà Nhà Trắng dưới thời chính quyền Trump đang phải đối mặt, CNN tỏ ra mỉa mai: “Tổng thống đang lãnh đạo Washington, lãnh đạo dân tộc và đất nước đến một giai đoạn khó đoán hơn, thử thách giới hạn quyền lực chính trị trong nước và đẩy hệ thống quốc tế đối mặt nhiều căng thẳng.”

Hồng Phúc






No comments: