Sunday, February 12, 2017

TỔNG THỐNG TRUMP & CHỦ TỊCH TẬP CẬN BÌNH (Lê Phan)




Lê Phan
February 11, 2017

Thế là trong vòng một của cuộc đối đầu giữa Tổng Thống Donald Trump và Chủ Tịch Tập Cận Bình, ông Trump đã bị thua. Ông Trump đã công nhận với ông Tập là ông sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc,” trong một hành động một số các nhà bình luận nghĩ là giải tỏa căng thẳng giữa hai siêu cường, nhưng một số nhà bình luận ở Á Châu thì ngại là sẽ làm Trung Cộng thêm khó đối phó.

Trong cuộc điện đàm với ông Tập lần đầu tiên từ khi ông trở thành chủ nhân của Tòa Bạch Ốc, ông Trump nói là Tòa Bạch Ốc sẽ công nhận chính sách “Một Trung Quốc” vốn là nền tảng của việc Hoa Kỳ chuyển từ công nhận Trung Hoa Dân Quốc ở Đài Bắc sang Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc ở Bắc Kinh, là chính phủ duy nhất đại diện cho Trung Hoa.

Tòa Bạch Ốc đã xác nhận là hai lãnh tụ đã nói chuyện với nhau và rằng ông Trump đã “đồng ý theo lời yêu cầu của Chủ tịch Tập chấp nhận chính sách “Một Trung Quốc.” Thông cáo của Tòa Bạch Ốc thêm là cuộc điện đàm đã “rất thân thiện.”

Lục Khảng, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Trung Cộng, tuyên bố hôm thứ sáu 10 tháng 2 đó là “một cú điện thoại tốt” và thêm “cả hai bên đã có liên lạc chặt chẽ kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.”

Hẳn chúng ta ai cũng nhớ là ngay sau khi đắc cử, trước khi bước chân vào Tòa Bạch Ốc, hôm Tháng Mười Hai, 2016, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đã có một cuộc điện đàm với Tổng Thống Thái Anh Văn của Đài Loan, trong một cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa một tổng thống Hoa Kỳ, hay đúng hơn một tổng thống đắc cử và một lãnh tụ Đài Loan kể từ khi Washington và Bắc Kinh thiết lập bang giao từ năm 1979. Bắc Kinh giận dữ cáo buộc Hoa Kỳ đã can thiệp vào nội tình của họ. Bắc Kinh, cũng xin thêm, không chấp nhận chính phủ dân cử ở Đài Loan và vẫn coi đảo quốc này là một tỉnh nổi loạn mà họ vẫn nói là sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần để chiếm đóng. Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đã biện minh cho cú điện thoại này nói là Hoa Kỳ không nên bị buộc bởi chính sách Một Trung Quốc.

Cú điện thoại của Tổng Thống Trump với ông Tập – vào tối thứ năm giờ Washington – đã xảy ra là trong khi ông Trump đang chuẩn bị tiếp đón Thủ Tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, ở tòa Bạch Ốc vào ngày Thứ Sáu. Quyết định nói chuyện với ông Tập vào đêm trước khi có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh giữa ông Trump và ông Abe được thực hiện trong cố gắng để giảm thiểu hậu quả của việc Tòa Bạch Ốc trải thảm đỏ đón lãnh tụ Nhật Bản. Ông Abe đã dùng cơm với ông Trump đến bốn lần, bay trên chiếc phi cơ dành riêng cho tổng thống, chiếc Air Force One, đến khu nghỉ mát ở Florida của tổng thống, và chơi đánh golf với tổng thống.

Ở Á Châu, ngoại giao đánh golf đã là một sáng kiến do Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á (ASEAN) khởi xướng và là một màn không thể không có cho mọi cuộc họp thượng đỉnh của ASEAN. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á có lần giải thích lợi ích của ngoại giao sân golf, một nơi ông bảo các lãnh tụ có thể thư giãn và làm quen với nhau ngoài khung cảnh chính thức của nghi lễ.

Tiến Sĩ Dennis Wilder, một cựu phân tích gia hàng đầu của CIA mà nay đang dạy học ở Viện đại học Georgetown, giải thích “Ý nghĩa của cú điện thoại trước cuộc viếng thăm của Thủ Tướng Abe không thể giảm nhẹ được. Người Trung Quốc đã tìm một sự trấn an là Tổng Thống Trump không có ý định thay đổi nguyên tắc căn bản làm nền tảng cho liên hệ Mỹ Trung và sự ổn định địa lý chính trị cho vùng đông bắc Á trong suốt bốn thập niên nay – chính sách Một Trung Quốc.” Ông Wilder thêm là qua việc tái khẳng định quyết tâm theo đuổi chính sách này “Tổng Thống Trump đã mở cửa cho một đối thoại tích cực với Bắc Kinh về vấn đề khó khăn nhưng có thể giải quyết được về tái thăng bằng liên hệ mậu dịch vốn đã nghiêng về phía có lợi cho Bắc Kinh.”

Tờ New York Times thì nói là hôm thứ năm, Ngoại Trưởng Rex Tillerson gặp các viên chức của Tòa Bạch Ốc để bàn thảo về việc đưa ra một tuyên bố về liên hệ với Trung Cộng. Sự việc là sau cùng ông Tillerson được mời tham dự là một điều đáng chú ý vì ông đã hứa, trong một câu trả lời bằng văn bản trong khi điều trần để được Thượng viện chuẩn thuận, sẽ duy trì chính sách Một Trung Quốc. Ông Tillerson đặc biệt bác bỏ ý kiến, mà Tổng Thống Trump đưa ra, là Đài Loan có thể là một quân bài trong cuộc điều đình rộng lớn hơn với Trung Cộng về mậu dịch, an ninh và các vấn đề khác.

Hôm Thứ Tư, Tòa Bạch Ốc gửi một bức thư của ông Trump đến ông Tập chúc mừng năm mới, một cử chỉ mà các viên chức của chính phủ Trump diễn tả là một cố gắng để giữ cho liên hệ không tan rã trong khi họ tìm cách giảm thiểu căng thẳng.

Để đặt nền tảng cho một liên hệ tốt hơn, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, ông Michael Flynn, đã có một cuộc điện đàm với Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì, nhân vật cao cấp nhất trong ngành ngoại giao của Bắc Kinh. Cuộc điện đàm đó chỉ đạt được một hứa hẹn mơ hồ “củng cố trao đổi ở cấp cao,” cho thấy là tuyên bố của ông Trump về Trung Cộng đã khiến chưa thể có trao đổi trực tiếp giữa hai lãnh tụ.

Trong một cử chỉ hòa hoãn nữa, ông Flynn và người phó của ông, ông K. T. McFarland, đã trao tận tay Đại sứ Thôi Thiên Khải của Bắc Kinh bức thư chúc tết. Trong bức thư chúc tết đó, ông Trump viết là ông cầu chúc “nhân dân Trung Hoa một ngày hội Hoa Đăng hạnh phúc và một năm Dậu phồn vinh.” Tổng thống cũng nói ông sẽ làm việc với ông Tập để phát triển một liên hệ xây dựng có lợi cho cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc.”

Nhưng theo tờ Times, có những chỉ dấu cho thấy là chính phủ Trump công nhận là họ cần phải làm thêm nữa. Ông Tillerson, theo các viên chức, đề nghị là ông Trump công khai tái xác nhận chính sách Một Trung Quốc như là cách để giải quyết sự bế tắc và giúp tạo cuộc điện đàm. Đối với tổng thống thì đây là một sự lật ngược đáng kể lập trường. Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News hồi Tháng Mười Hai, ông còn nói là chính sách ngoại giao với Bắc Kinh phải dựa trên việc đòi Bắc Kinh phải nhượng bộ. Ông đã nói “Chúng ta bị thiệt hại nặng bởi chính sách phá giá đồng bạc của Trung Quốc, với chúng ta bị đánh thuế nặng ở biên giới khi chúng ta không đánh thuế họ; với xây dựng một thành trì khổng lồ ở giữa Biển Đông, mà họ không nên làm; và không làm gì giúp chúng ta ở Bắc Hàn.”

Ông Evan Medeiros, một cựu cố vấn hàng đầu về Á Châu của Tổng Thống Barack Obama nay đang làm việc cho tổ chức nghiên cứu Eurasia Group, thì nhắc nhở “Nay phần còn lại của Á Châu sẽ hỏi: Liệu ông Trump sẽ đối phó với Trung Cộng như thế nào về mậu dịch, về Biển Đông và về Bắc Hàn.”

Trong khi vận động tranh cử, ông Trump ủng hộ đánh thuế 45% trên hàng nhập cảng từ Trung Cộng vào Hoa Kỳ, than phiền là Trung Cộng đã lũng đoạn tiền tệ. Tuy vậy tháng này, cô Ivanka Trump, ái nữ của tổng thống, đến dự tiếp tân nhân Tết Nguyên Đán ở Tòa Đại sứ Trung Cộng ở Washington. Con gái của cô Ivanka là Arabella còn hát một lời chúc bằng tiếng Quan thoại vốn được rộng rãi phổ biến ở Hoa Lục. Tờ New York Times còn thêm là liên hệ kinh doanh giữa một số các cố vấn của ông Trump và các công ty Trung Cộng có liên hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Trung Cộng cũng có thể giúp tăng cường liên hệ. Mới năm ngoái, ông Kushner, con rể của tổng thống, đã có điều đình với một nhà tỷ phú Trung Cộng để giúp phát triển tòa nhà vốn là gia tài quý báu nhất của gia đình Kushner, một tòa nhà ở Fifth Avenue của New York.

Ông Paul Haenle, giám đốc trung tâm nghiên cứu Carnegie-Thanh Hoa ở Bắc Kinh, và là một cố vấn hàng đầu về Trung Cộng của cả Tổng Thống George W. Bush và Tổng Thống Barack Obama, đã giải thích là trong khi ông Trump suy tính với ý tưởng dùng vấn đề Đài Loan như là một quân bài để điều đình, thì ông kết luận “Chính sách Một Trung Quốc không phải là lá bài trên bàn mà là cả bàn cờ.”

Tiến Sĩ Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Cộng ở Trung Tâm Nghiên cứu Quốc Tế và Chiến Lược (CSIS) ở Washington, nói là ông Trump có lẽ đã được thuyết phục là quá nguy hiểm sử dụng chính sách Một Trung Quốc như là một lá bài. Bà giải thích: “Ông Tập Cận Bình không có nơi nào để điều đình về vấn đề này. Với vấn đề này nay giải quyết, hai quốc gia có thể quay sang vấn đề kinh tế và những vấn đề khác vốn thực sự là ưu tiên của ông Trump.”

Đài truyền hình nhà nước Trung Cộng, Central China Televison (CCTV), theo sau lời tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, nói là ông Tập đã khen ngợi ông Trump trong cuộc điện đàm về việc đã bày tỏ sẵn sàng “mở rộng hợp tác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.” Ông Tập được dẫn lời nói: “Chúng tôi sẵn sàng tăng cường hợp tác lưỡng lợi trong thương mại, đầu tư, khoa học, nhiên liệu, văn hóa và hạ tầng cơ sở và tăng cường và hợp tác trong các vấn đề toàn cầu và vùng để cùng nhau bảo vệ hòa bình và ổn định trên thế giới.”

Đó là một tuyên bố công thức mà hậu ý các quốc gia Đông Á và nhất là Đông Nam Á đều biết quá rõ. Phải chăng lại một lần nữa Đông Nam Á bị bỏ quên trong bàn cờ cường quốc.

----------------------------------------------------

Ngô Nhân Dụng
February 10, 2017

Bà Thái Anh Văn là người tỉnh táo nhất trong cơn bão hai tháng trước. Sau khi bà điện thoại với ông Donald Trump vào đầu Tháng Mười Hai năm ngoái, khắp thế giới sôi nổi bàn tán và tiên đoán về “chính sách mới” của vị tổng thống tương lai nước Mỹ. Nhiều người vui mừng nói ông Trump tát nước vào mặt Bắc Kinh! Ông Trump đã xóa bỏ quy tắc “Một nước Trung Hoa” của các vị tổng thống Mỹ trong suốt 44 năm qua! Nhiều người đoán ông Trump sẽ dùng Ðài Loan làm con bài mặc cả với Trung Cộng khi cãi cọ chuyện thương mại. Trước khi vào Tòa Bạch Ốc, ông Donald Trump công khai đặt câu hỏi: Chính sách “Một nước Trung Hoa” là cái gì? Tại sao chúng ta phải theo chính sách đó? Cho nên có người còn lo chiến tranh có thể xảy ra. Giữa những “náo động ồn ào” trong trận bão dư luận mà bà đứng ở trung tâm, bà tổng thống Trung Hoa Dân Quốc thản nhiên tuyên bố: Chính sách của nước Mỹ đối với Trung Quốc không hề thay đổi!

Hai tháng sau, Tổng Thống Donald Trump đã chứng minh bà Thái Anh Văn nói đúng, ông chính thức công nhận quy tắc “Chỉ có một nước Trung Hoa,” trong cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình ngày Thứ Năm, 9 Tháng Hai, 2017.

Từ khi đắc cử, ông Donald Trump đã điện thoại với 20 nhà lãnh đạo các nước. Lần trước, ông Tập Cận Bình gọi sang Mỹ để chúc mừng đắc cử, ông Trump đã “bày tỏ lòng tương kính,” theo Tân Hoa Xã kể. Ðài truyền hình Trung Ương Trung Quốc CCTV còn thuật lời ông Tập nói rằng “sự thật cho thấy cộng tác là lựa chọn đúng nhất giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.” Người dân lục địa phải vỗ bụng sung sướng nghe lãnh tụ của họ lên giọng “khuyên bảo” như một đàn anh! Nhưng kể từ cuộc điện đàm này, không khí ngày càng căng thẳng.

Ngày Thứ Tư vừa qua, trước Lễ Nguyên Tiêu, ông Trump đã gửi thư chúc Tết tới dân chúng Trung Hoa, qua ông Tập! Tối Thứ Năm (sáng Thứ Sáu ở Bắc Kinh), ông Trump chủ động gọi điện cho ông Tập. Không những ông Trump xác định chính phủ Mỹ tôn trọng nguyên tắc “Một nước Trung Hoa,” tức là chỉ công nhận chính quyền Trung Cộng trong lục địa, ông còn hứa hẹn hai nước sẽ giao hảo và hợp tác. Họ Tập “bốc phôn” sau khi biết chắc rằng ông Trump sẽ cam kết theo chính sách “Một nước Trung Hoa” của sáu đời tổng thống Mỹ trước.

Bà Thái Anh Văn đã nói trước với dân Ðài Loan chuyện này: Ðừng mong chính quyền Mỹ thay đổi chính sách! Bà hiểu rằng quyền lợi kinh tế sẽ quyết định chính sách ngoại giao! Ðài Loan chưa tới 23 triệu dân, còn lục địa là một thị trường lớn 1,400 triệu nhân khẩu. Họ sẽ tiêu thụ hàng hóa của Mỹ trong thế kỷ 21 này; ngoài máy bay Boeing, đậu nành và bắp, còn có mấy chục nhãn hiệu của các công ty mang tên Trump “đã trình tòa” trong lục địa. Trong hai năm 2015 và 2016, 14 công ty của ông Trump có nhãn hiệu được Bắc Kinh công nhận. Lần sau chót, ngày 14 Tháng Mười Một năm 2016, sau khi ông Donald Trump đắc cử, một nhãn hiệu TRUMP đã được ghi danh với mã số 5771154 tại Bộ Công Nghiệp và Thương Mại chính phủ Bắc Kinh; cái tên viết hoa này dành cho các dịch vụ trang trí và chỉnh trang nhà cửa và khách sạn. Trước đó ông Trump đã gặp nhiều trắc trở vì từ năm 2006 nhiều nhãn hiệu mang tên Trump được người dân lục địa “đăng ký” giành chỗ trước! Hiện nay trong số 46 nhãn hiệu tên Trump được “trình tòa” ở nước Tàu chỉ có 29 thuộc các công ty của ông Donald Trump… thật.

Nhưng không thể nghĩ vì quyền lợi của chính mình mà ông Trump đã nhượng bộ Tập Cận Bình, nói ngược lại những lời tuyên bố trước về nguyên tắc “Một nước Trung Hoa.” Lý do chính là hai nền kinh tế lớn nhất nhì hoàn cầu đã dính líu với nhau. Nếu buông ra là cả hai bên đều thiệt hại, nếu gây chiến tranh mậu dịch thì cả thế giới thiệt hại nặng. Những tỷ phú trong giới kinh doanh Mỹ có mặt chung quanh ông tổng thống tỷ phú biết như vậy. Chính sách ngoại giao thế nào cũng không thể làm thiệt hại kinh tế nước Mỹ.

Trong một phần tư thế kỷ qua, người Mỹ đầu tư 228 tỷ Mỹ kim vào nước Tàu, trong 6,700 thương vụ, theo tính toán của một công ty tư, Rhodium. Hơn 430 công ty Mỹ đầu tư hơn 50 triệu đô la, và 56 công ty trên một tỷ đô la, trong số 1,300 công ty có hoạt động quan trọng ở nước Tàu.

Trong khi đó người Tàu lục địa đầu tư vào Mỹ 1,200 vụ, tổng cộng 64 tỷ. Trong năm 2015, lần đầu tiên số đầu tư của người Trung Quốc vào Mỹ đã vượt lên, cao hơn số tiền Mỹ đem qua Tàu làm ăn. Từ năm 2005 đến 2016, Trung Quốc đầu tư 109 tỷ đô la vào Mỹ, đứng hàng đầu, trên nước đứng hạng nhì Australia với 93 tỷ. Gần một phần tư số vốn này, hơn 25 tỷ, đã đem vào California. Công ty Rhodium cho biết các công ty Mỹ tạo thêm công việc cho 1.6 triệu người Tàu, còn các công ty Tàu thuê mướn hơn 100 ngàn công nhân Mỹ.

Ðối với nhiều người, “bước ngoặt” ngoại giao của Tổng Thống Donald Trump có vẻ bất ngờ. Nhưng nếu theo dõi kỹ, người ta sẽ không ngạc nhiên. Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis đã tuyên bố tại Tokyo bốn ngày trước rằng những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc ở vùng Ðông Nam Á phải được giải quyết trong hòa bình. Ý kiến này trái ngược với lời Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson đã nói tại Thượng Viện, rằng Trung Cộng sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo; khiến nhiều người lo chính phủ Mỹ sẽ dùng vũ lực để ngăn cản. Ngày Thứ Hai, báo China Daily của Bắc Kinh đã viết trong mục Quan Ðiểm rằng lời tuyên bố của ông Mattis là “một liều thuốc an thần” đã “phá tan những đám mây chiến tranh mà nhiều người sợ đang tụ lại trên bầu trời Nam Hải.”

Hai ngày sau, những đám mây chinh chiến trên bầu trời eo biển Ðài Loan cũng tan biến, sau khi Tổng Thống Donald Trump chính thức công nhận Trung Cộng là đại diện duy nhất của dân Hán tộc!

Tình trạng nói đi nói lại trong thời gian qua cho thấy trong chính quyền Trump, đối với Trung Cộng, còn nhiều ý kiến mâu thuẫn. Ngoại Trưởng Tillerson đã xác nhận với Ủy Ban Ngoại Giao Thượng Viện Mỹ rằng chính phủ Trump vẫn giữ chính sách “Một nước Trung Hoa.” Ông viết gửi các nghị sĩ: “Theo chính sách này, chính phủ Mỹ chỉ công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc, và xác định Ðài Loan là một phần của lãnh thổ Trung Quốc.”

Trong một cuộc phỏng vấn của đài Fox News vào Tháng Mười Hai vừa qua, Tổng Thống Trump nói rằng ông sẽ công nhận chủ trương “Một nước Trung Hoa” nếu Trung Quốc chịu nhượng bộ trên các vấn đề khác. Ðáp lại, Bắc Kinh đã công khai xác định vấn đề “Một nước Trung Hoa” đối với họ là thiêng liêng, không thể dùng làm vật trao đổi được. Ông Tillerson từng đứng đầu công ty Mobil với hoạt động trên 140 quốc gia trên thế giới, có kinh nghiệm ngoại giao hơn ông tổng thống. Ông biết thể diện rất quan trọng đối với người Á Ðông, cho nên không đồng ý việc đem Ðài Loan ra để mặc cả với Bắc Kinh trong lúc bàn các vấn đề an ninh hay thương mại. Quan điểm của Tillerson có vẻ đã thắng thế. Ông Tillerson đã thuyết phục chính phủ Trump rằng Tập Cận Bình chỉ chịu nói chuyện nếu ông Donald Trump công khai chấp nhận chủ trương “Một nước Trung Hoa.”

Thứ Sáu tuần trước, cố vấn an ninh Tòa Bạch Ốc, Tướng Michael T. Flynn, đã điện thoại cho Dương Thiết Trì (Yang Jiechi) Quốc Vụ Khanh đặc trách ngoài giao. Ông Flynn còn đích thân mang lá thư chúc Tết Nguyên Tiêu của Tổng Thống Trump tới Sứ Quán Trung Cộng, trao tận tay cho Ðại Sứ Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai).

Cuộc điện đàm giữa Tập và Trump đưa tới kết quả ngay: Người đứng đầu hai nước kinh tế lớn nhất sẽ gặp nhau, ông này mời ông kia sang thăm nước mình. Biến cố này phải xảy ra ngay tuần này, trước khi Tổng Thống Trump tiếp Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe, một cách trọng thể và thân mật trong ba ngày – sau cuộc đón tiếp tại Tòa Bạch Ốc, hai người sẽ cùng bay trên chiếc phi cơ của tổng thống đến chơi Golf và dự dạ yến tại “sân cù” của một công ty Trump ở Palm Beach, Florida!

Chính phủ Mỹ càng tỏ ra thân thiện với Nhật Bản thì càng thấy không nên làm cho Trung Cộng lo sợ! Cho nên ông Trump đã gọi ông Tập trước khi đón ông Abe.

Nhưng câu chuyện này cho thấy nhiều người đã hiểu lầm ông Trump khi nghĩ rằng ông sẽ thay đổi chính sách của nước Mỹ đối với Trung Cộng. Hiểu lầm sẽ gây nhiều ảo tưởng nguy hiểm! Không nên chỉ nghe những lời tuyên bố khi ông Trump vận động tranh cử! Mà Ông Trump là người vận động tranh cử thường xuyên! Trong ba, bốn năm sắp tới ông vẫn luôn luôn tìm cách làm các cử tri then chốt tiếp tục ủng hộ mình, chờ năm 2020! Mà phần lớn các cử tri này họ chỉ cần nghe ông nói là đủ. Nếu ông làm khác những lời ông nói, họ luôn luôn tha thứ. Họ sẽ đổ lỗi ở “các thế lực thù nghịch” như bọn nhà báo, bọn quan tòa, và tất cả bọn chính trị gia ở Washington – trừ gia đình Trump đang tạm cư ở đó!



No comments: