Thursday, February 23, 2017

TRIỂN VỌNG TÁI LẬP QUAN HỆ GIỮA NGA VỚI PHƯƠNG TÂY (Robert Skidelsky - Project Syndicate)




Robert Skidelsky  -  Project Syndicate 
Biên dịch: Dương Trường Phúc |Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Posted on 24/02/2017 by The Observer

Vấn đề mối quan hệ giữa phương Tây và Nga đã bị ngập tràn bởi những câu chuyện truyền thông về tấn công an ninh mạng, bê bối tình dục và nguy cơ tống tiền. Hồ sơ của cựu điệp viên người Anh Christopher Steele về hoạt động của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Nga mấy năm trước đây có thể không đáng tin cậy tương tự như tuyên bố Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc ngược lại. Đơn giản là chúng ta không biết sự thực. Duy có điều rõ ràng là những câu chuyện như vậy đã làm phân tán sự chú ý khỏi nhiệm vụ lấp đầy khoảng cách ngoại giao hiện nay giữa Nga và Phương Tây.

Thậm chí một người Phương Tây có tổ tiên là người Nga như tôi cũng thật khó có thiện cảm với Vladimir Putin. Tôi ghét cách chính phủ ông ta sử dụng luật ám chỉ sự can dự của các “điệp viên nước ngoài” để sách nhiễu và đóng cửa trên thực tế các tổ chức phi chính phủ (NGOs). Tôi ghét sự vi phạm nhân quyền, các vụ ám sát, các thủ đoạn bẩn thỉu và việc truy tố hình sự để đe dọa các đối thủ chính trị.

Điều dường như không còn gây tranh cãi hiện nay là một nước Nga phi tự do, chuyên chế ngày nay bắt nguồn từ mối quan hệ tồi tệ với phương Tây cũng như từ lịch sử nước Nga hoặc từ những mối đe dọa tan rã mà Nga phải đối mặt trong những năm 1990.

Sự xói mòn quan hệ với phương Tây này bắt nguồn từ nhận thức của Nga, được củng cố bằng sự ảo tưởng và nhận thức sai lầm về lịch sử hậu cộng sản, rằng phương Tây, và đặc biệt là Mỹ, có ý đồ gây hấn với Nga. Không đúng sự thật khi cho rằng nước Nga sẵn sàng từ bỏ đế chế của mình để gia nhập thế giới dân chủ phương Tây để rồi bị chối bỏ bởi chính các nền dân chủ ấy. Liên Xô đã quá suy yếu nên không thể duy trì được các lợi ích thời kỳ hậu Thế chiến II, thậm chí cả các đường biên giới thời kỳ trước cuộc chiến của mình. Các dân tộc Đông Âu và những nước chịu ảnh hưởng của Liên Xô đã rất hân hoan khi được giải thoát khỏi sự kiềm tỏa của Điện Kremlin.

Tuy nhiên, như Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie ở Moskva đã chỉ ra, Robert Gates, người đứng đầu CIA trong những năm đầu thập niên 1990, sau đó đã thừa nhận rằng phương Tây, đặc biệt là Mỹ, đã “đánh giá rất thấp mức độ nhục nhã mà Nga cảm nhận về thất bại trong Chiến tranh Lạnh”. Cảnh tượng “quan chức chính phủ Mỹ, giới học giả, doanh nhân, chính trị gia” ngạo mạn “dạy dỗ người Nga cách quản lý […] công việc của họ” rõ ràng đã “dẫn đến sự bất bình cũng như oán hận lâu dài và sâu sắc”.

Trong bối cảnh này, việc NATO mở rộng sang các nước Baltic từ năm 1999 đến năm 2004, theo quan điểm của tôi, là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi nhớ có một người theo chủ nghĩa tự do hàng đầu của Nga nói với tôi trong thập niên 1990 rằng một chính quyền dân chủ ở Moskva có thể giúp đảm bảo chống lại chủ nghĩa phiêu lưu của Nga chắc chắn hơn nhiều so với quân đội của NATO ở Vilnius (thủ đô Litva).

Mong muốn gia nhập NATO của Nga trong giai đoạn 2001-2002 đã bị từ chối một cách có thể đoán trước được. Mục đích chính yếu nhất của NATO thời hậu cộng sản là bảo vệ Đông Âu trước chủ nghĩa phục thù của Nga (revanchism). Nhưng đó là một cú đá vào mặt (nước Nga) khi tại Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Bucharest vào năm 2008, Tổng Thư ký NATO lúc đó là Jaap de Hoop Scheffer nói rằng Ukraine “một ngày nào đó” sẽ tham gia liên minh này. Mặc dù các lãnh đạo NATO đã bác bỏ quan điểm của Scheffer, nhưng người Nga vẫn tin rằng bất cứ nơi nào quyền lực của Nga rút đi đều được thay thế bởi sự mở rộng quyền lực của phương Tây mà không có vùng đệm. Putin gọi tư cách thành viên NATO của Ukraine là một “mối đe dọa trực tiếp” đối với Nga.

Mặc dù Nga và phương Tây đều từng tuyên bố duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, nhưng cả hai bên đã xem thường Hiến chương Liên Hợp Quốc khi thấy cần, cáo buộc lẫn nhau là đạo đức giả. Có nhà hoạch định chính sách phương Tây nào chú ý đến những cảnh báo của các chính trị gia có trách nhiệm của Nga rằng việc NATO không kích Belgrade năm 1999 và việc Kosovo sau đó li khai khỏi Serbia – cả hai đều vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc – có thể thiết lập một tiền lệ nguy hiểm hay không?

Bất chấp tình trạng tham nhũng rõ ràng của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych, và việc ông phá vỡ cam kết sẽ ký một thỏa thuận liên kết với EU, Nga chỉ nhìn thấy bàn tay của phương Tây trong cuộc nổi dậy của người dân dẫn đến sự lật đổ ông Yanukovych hồi năm 2014. Đến lượt mình, phương Tây đã đồng loạt lên án Nga sáp nhập Crimea và cung cấp hỗ trợ quân sự bí mật cho những kẻ ly khai thân Nga nổi dậy tại khu vực Donbass miền đông Ukraine.

Từ quan điểm của chính trị hiện thực , sự can thiệp của Putin vào Ukraine là một sai lầm nghiêm trọng: ngoài các biện pháp trừng phạt kinh tế mà Nga phải gánh chịu còn có việc chính sách của Nga đã đẩy Ukraine hoàn toàn rơi vào vòng tay các nước phương Tây. Với sự rạn nứt các mối liên hệ với Mỹ và EU, Nga phải trông cậy vào liên minh Á-Âu với Trung Quốc để củng cố lại vị thế địa chính trị đang sụp đổ của mình. Nhưng mối quan hệ này lại không phải là mối quan hệ đối tác được cả hai nước yêu thích.

Trenin tin rằng phương Tây nên lo sợ sự yếu kém của Nga hơn là những mưu đồ đế quốc của nước này. Khiếm khuyết chủ yếu của Nga thời hậu Xô-viết là thất bại của nước này trong việc hiện đại hóa nền kinh tế. Chính quyền Putin-Medvedev cai trị đất nước 17 năm qua đã không vượt qua được “lời nguyền dầu mỏ”. Sự phụ thuộc kéo dài của nhà nước vào nguồn thu từ tài nguyên đã khiến tham nhũng ăn sâu, duy trì chế độ chuyên chế, và khuyến khích sự phiêu lưu về đối ngoại như một sự thay thế cho sự thịnh vượng kinh tế của người dân (làm cơ sở cho tính chính danh của chính quyền).

Chính quyền Trump sẵn sàng tạo ra nỗ lực mới nhằm nối lại quan hệ giữa Nga và phương Tây. Trump đề nghị một thỏa thuận gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga để đổi lại một thỏa thuận giảm kho vũ khí hạt nhân của nước này. Đây có lẽ là một khởi đầu tốt giúp thúc đẩy lòng tin.

Có ít nhất ba điều tích cực có thể dựa vào. Thứ nhất, các “cú đấm” trong chính sách đối ngoại của Putin, dù mang tính cơ hội nhưng vẫn thận trọng. Ông nói về những điều to tát nhưng cũng tôn trọng các giới hạn của mình. Sau khi giành được điểm ở Gruzia và Ukraine, ông đã dừng lại. Ông là một con bạc nhưng lại không muốn đặt cược vào cửa cao nhất.
Thứ hai, luận điểm của Nga về “thế giới đa cực” mang lại nhiều điều cho quan hệ quốc tế. Với sự suy yếu quyền lực của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc, việc tái cấu trúc các mối quan hệ quốc tế là khó tránh khỏi. Các quy tắc trò chơi được thiết lập trong kỷ nguyên quyền lực đỉnh cao của Mỹ sẽ được điều chỉnh lại để dung hòa các nhận thức và lợi ích khác nhau. Nga có thể sẽ đóng một vai trò mang tính xây dựng trong trật tự mới nếu như quốc gia này không đánh giá quá cao sức mạnh của mình.

Cuối cùng, những gì Nga đã thể hiện – thỏa thuận hạt nhân với Iran và việc loại bỏ vũ khí hóa học ở Syria – đã chứng tỏ nước này có thể hợp tác với Mỹ để thúc đẩy những lợi ích chung. Và theo quan điểm của tôi, “chủ nghĩa thực dụng” của Putin trong việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad thích hợp hơn nỗ lực vô ích của phương Tây trong việc dàn xếp một “giải pháp chính trị”. Nếu thành công, hàng triệu người tị nạn có thể trở về nhà.

Sự xung đột về giá trị giữa hai bên sẽ tiếp diễn. Nhưng, nếu phương Tây đối xử với Nga và các mối quan tâm của nước này bằng sự tôn trọng, thì sẽ không có lý do gì để một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai bên lại không thể được thiết lập.

*
Robert Skidelsky, Giáo sư danh dự chuyên ngành Kinh tế Chính trị tại Đại học Warwick và Viện sĩ Viện Hàn lâm Anh chuyên ngành lịch sử và kinh tế, là một thành viên của Thượng Nghị viện Anh.

Nguồn: Robert Skidelsky, “Another Reset with Russia?”, Project Syndicate, 24/01/2017.




No comments: