Monday, February 27, 2017

THỜI BUỔI DÂN TÚY TẠI MỸ (Joaquin Nguyễn)




Joaquin Nguyễn
February 26, 2017

Cựu Bộ Trưởng Tom Perez (phải) và Dân Biểu Keith Ellison tại đại hội bầu chủ tịch đảng Dân Chủ tổ chức ở Atlanta, Georgia, hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Hai. (Hình: AP Photo/Branden Camp)

Ông Tom Perez được bầu làm chủ tịch đảng Dân Chủ. Ông Perez là người từng giữ chức vụ bộ trưởng Bộ Lao Động dưới thời Tổng Thống Barack Obama. Đối thủ của ông, Dân Biểu Keith Ellison (Minnesota) chỉ thua ông vài chục phiếu.

Vậy là đảng Dân Chủ lại có một sự lựa chọn chắc ăn, giống như lúc tranh cử sơ bộ họ đã chọn bà Hillary Clinton thay vì ông Bernie Sanders. Cả hai ông Ellison và Sanders đều được cho là có khuynh hướng cấp tiến mạnh mẽ hơn bà Clinton cũng như ông Perez, hai nhân vật từng nắm chức vụ hành pháp, chủ trương thay đổi từ từ.

Sự lựa chọn chắc ăn của cử tri đảng Dân Chủ trong bầu cử sơ bộ, và có thể có sự tiếp tay của các đảng viên cao cấp muốn loại ông Sanders quá cấp tiến, đã đưa đến thất bại ê chề, mất Tòa Bạch Ốc, trong cuộc bầu cử vừa qua.

Khuynh hướng thay đổi từ từ đã không cưỡng lại được khuynh hướng dân túy của nhóm ông Donald Trump, đưa đến sự thất bại của đảng Dân Chủ ở ba tiểu bang vốn là thành trì của mình là Michigan, Wisconsin, và Pennsylvania, mặc dù họ vẫn thắng lớn ở số phiếu phổ thông trên toàn quốc.

Sau thất bại nặng nề của cuộc bầu cử 2016, nhiều nhân vật Dân Chủ nhìn nhận rằng đảng của họ đã trở thành đảng của hai bờ biển, mất quan hệ với nhóm cử tri truyền thống của mình là giới thợ thuyền ở vùng mệnh danh là Bức Tường Xanh, màu của đảng Dân chủ.
Điều gì đã làm giới thợ thuyền quay lưng với đảng Dân chủ?

Đây là tầng lớp bị thiệt thòi nhất trong sự thay đổi toàn cầu hơn 10 năm qua, vì các công việc mà họ làm bị công nhân các quốc gia nghèo khó giành lấy. Đây là sự trớ trêu dành cho nước Mỹ, quốc gia vốn cổ vũ tự do thương mại và toàn cầu hóa trong hầu như suốt cuộc đời trẻ trung chỉ mới hơn 200 năm của nó.

Khi dẫn đầu toàn cầu hóa, nước Mỹ phải chia lại một số lợi lộc cho Trung Quốc, Ấn Độ, Mexcio, Việt Nam,… Ngoài ra, toàn cầu hóa còn xóa bỏ biên giới tri thức, công dân của các quốc gia nghèo có thể học hành nhanh chóng, đảm đương các công việc đòi hỏi nhiều kiến thức mà rất đông thợ thuyền của Mỹ không làm được. Thung lũng Silicon Valley ở California tràn ngập những chuyên viên kỹ thuật từ Châu Á sang. Trong khi đó, hãng Boeing sẵn sàng chịu những chi phí xã hội rất cao để đánh đổi lại các kỹ sư và chuyên viên giỏi ở Đức, Thụy Điển, Pháp, Nhật, khi mở các phân xưởng của họ tại đó.

Những người thợ Mỹ chỉ có bằng trung học, bị mất việc làm, bơ vơ không biết chuyện gì xảy ra trong cuộc toàn cầu hóa đầy xáo trộn này.

Trong tình cảnh đó đã xuất hiện Donald Trump. Những người thợ tin tất cả những gì ông ấy nói bất kể là nó có thực hay không, nó có bằng chứng hay không. Họ đã bỏ phiếu cho ông bằng trái tim chứ không phải bằng lý trí. Đổi lại, ông Donald Trump cho họ say sưa bằng những lời hứa có cánh.

Có người nói rằng ông Trump là một kẻ bên ngoài giới tính hoa cai trị nổi lên như một đại diện của những người thợ bơ vơ. Nhưng nếu chúng ta quan niệm rằng giới tính hoa gồm cả những người giàu có, góp phần vận hành nền kinh tế xã hội của quốc gia, thì ông Trump không hề là một kẻ bên ngoài, trái lại, ông là người trục lợi từ chính hệ thống mà ông ta đang chỉ trích. Ông cũng trục lợi từ sự toàn cầu hóa với các cơ sở làm ăn khắp nơi trên thế giới.

Chủ nghĩa dân túy có nhiều mức độ khác nhau. Có những mức độ nhỏ như ông Cộng Sản Nguyễn Bá Thanh ở Việt Nam phát tiền lì xì cho người đạp xích lô, mức độ cao hơn là những lời hứa của ông Donald Trump sẽ đem công việc về lại cho người Mỹ, cao hơn chút nữa là chính sách miễn học phí đại học hoàn toàn cho sinh viên trường công của ông Bernie Sanders (vâng ông ấy cũng dân túy). Nhưng dân túy ở mức độ cao cấp nhất là những lý thuyết xã hội chẳng hạn như lý thuyết quốc gia xã hội của nước Đức Quốc Xã, hay lý thuyết Cộng Sản của ông Karl Marx, mong muốn đưa cả một giai cấp thợ thuyền lên làm kẻ thống trị.

Các người dân túy cũng thường xuyên đưa vào chính sách hay diễn văn của họ những hương vị của chủ nghĩa dân tộc. Người ta đã chứng kiến chủ nghĩa dân tộc ghê gớm của nước Đức Quốc Xã. Tại Việt Nam, những người Cộng Sản cũng lợi dụng được chủ nghĩa dân tộc Việt để giành quyền lực. Và nước Mỹ, vốn sinh ra với tinh thần bao dung, phi dân tộc chủ nghĩa, cũng đang nhấm nháp hương vị nước Mỹ trên hết của ông Donald Trump.

Trở lại sự chắc ăn của đảng Dân Chủ. Những phân tích đưa đến các quyết định chắc ăn của những người Dân Chủ chính là một sự phân tích lý trí, thường thích những cải tổ tiệm tiến từ từ, không gây ra những cuộc chấn động xã hội. Nhưng có nhà quan sát cho rằng để đối lại với khuynh hướng dân túy khuynh hữu của ông Donald Trump, phải cần những liều dân túy tả khuynh hơn giống như của các ông Sanders và Ellison.

Nhưng đảng Dân Chủ một lần nữa lại chọn lý trí, vì có lẽ từ vài chục năm qua, đảng này đã trở thành đảng của giới trí thức từ hai bờ biển của nước Mỹ.

Sự phân tích lý trí là điều giúp cho con người tồn tại và phát triển một cách nhân bản. Nhưng ở những giai đoạn tối tăm lộn xộn của lịch sử, sự phân tích lý trí chưa chắc đã chiến thắng. Sự mất phương hướng của các xã hội Tây Âu cuối thế kỷ 19 đưa đến sự ra đời của chủ nghĩa Cộng Sản. Tình cảnh bi đát của nông dân nghèo và thợ thuyền Nga đã đưa đến sự cầm quyền của Vladimir Lenin. Khủng hoảng kinh tế những năm 1930 đã đưa Hitler lên cầm quyền. Và toàn cầu hóa đầu thế kỷ 21 đã làm xuất hiện Donald Trump.

Nhưng có người cũng nói rằng kẻ thật sự là lý thuyết gia của cao trào dân túy tại Mỹ hiện nay là Steve Bannon, hiện là quân sư của Tổng Thống Trump. Ông Bannon từng tuyên bố mình theo chủ nghĩa Lenin, người đầu tiên thực hiện một mô hình Cộng Sản, với mục đích tối thượng là xóa bỏ nhà nước. Những người Dân Chủ đang đưa ra những luận điểm cho rằng những nhân vật mà chính quyền mới của ông Trump bổ nhiệm là để phá tan đi chính bộ máy nhà nước này.

Có phần rất chắc chắn là những lời hứa dân túy của ông Trump sẽ không được thực hiện. Nhưng giải quyết sự bơ vơ của giới thợ thuyền Mỹ không hề là chuyện dễ dàng, ngay cả nếu như đảng Dân Chủ thắng cuộc bầu cử vừa qua thì với tính lý trí của nó, nó có thể giải quyết việc làm cho công nhân vùng Rust Belt hay thợ mỏ than vùng West Virginia trong một vài năm?

Có lẽ là những người Dân Chủ thời ông Obama cũng nhận ra điều này, cho nên họ đã bắt đầu những bước đi tiệm tiến để giải quyết, chẳng hạn như chương trình học hành khoa học kỹ thuật được bắt đầu thời ông Obama còn là thượng nghị sĩ, cùng với Dân Biểu Mike Honda của California. Và trên hết là chương trình sức khỏe toàn dân Obamacare. Nhưng những thay đổi đó cần thời gian và liệu nó có khả năng tồn tại trong không khí dân túy hừng hực như hiện nay hay không?

Khi các diễn văn mang tính dân túy của các ông Bernie Sanders và Donald Trump bắt đầu vang trên sóng truyền hình của nước Mỹ, có một tác giả viết trên tờ The New Yorker rằng những kẻ dân túy chưa bao giờ cầm quyền ở Mỹ, mặc dù họ góp phần làm khuấy động những lớp tù đọng của xã hội lên. Đây cũng có thể là kiểu suy nghĩ về một nước Mỹ đặc biệt, ngoại lệ, không để cho những người dân túy lên cầm quyền như ở Châu Âu.
Nhưng nay họ đang nắm Tòa Bạch Ốc.

Những định chế nhà nước lẫn xã hội của nước Mỹ như tòa án và báo chí đã phản ứng kháng cự, như chúng ta thấy cuộc chiến giữa giới truyền thông và Tòa Bạch Ốc hiện nay, hay như án lệnh của tòa án liên bang không cho phép thực hiện các quyết định hành pháp.

Liệu trong bốn năm tới, quan niệm về một nước Mỹ ngoại lệ có còn đúng nữa không? Liệu “Trump Bannon” có phá tan được “cái ao tù đọng,” như cách họ gọi những định chế nhà nước ở Washington, DC? Liệu ông Bannon có thực hiện được “những mong muốn Lenin” của ông?

--------------

XEM THÊM :


---------------------

Nguyễn Văn Khanh
February 26, 2017

Đảng Dân Chủ có lãnh đạo mới.

Ông Tom Perez, cựu bộ trưởng Bộ Lao Động, vừa được bầu làm chủ tịch Đảng Dân Chủ Toàn Quốc. (Hình: AP Photo/Branden Camp)

Sau cuộc bầu cử sôi nổi ở Atlanta, Georgia, hôm Thứ Bảy, 25 Tháng Hai 2017, đa số đại biểu đồng ý chọn ông Tom Perez làm chủ tịch, giao trách nhiệm điều hành và hoạch định chiến lược chính trị cho người từng giữ vai trò Tổng Trưởng Lao Động trong chính quyền Barack Obama, nổi tiếng là người “có tư tưởng cấp tiến nhất” trong chính phủ, đồng thời cũng là một trong những nhân vật nổi tiếng về hoạt động dân quyền và nhân quyền.

Ông Perez, 55 tuổi, được chọn sau cuộc vận động đầy tốn kém lẫn khó khăn.

Mặc dù được sự ủng hộ của thành phần bề thế trong đảng như Phó Tổng Thống Joseph Biden, Cựu Tổng Trưởng Tư Pháp Eric Holders và sự ủng hộ ngầm của ông sếp cũ Obama và của bà Cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, nhưng đến giờ chót ông vẫn không thu hút được lá phiếu của những đại biểu muốn đảng được điều khiển bởi “một khuôn mặt mới, tiếng nói mới, đường hướng hoạt động mới,” điển hình là lực lượng cấp tiến xã hội của Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, nhân vật được nhiều người xem là khuôn mặt nổi bật nhất trong cuộc tranh cử tổng thống 2016. Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy ông chủ tịch mới đắc cử quyết định mời đối thủ là Dân Biểu Keith Ellison đứng phó, “để tạo đoàn kết vì chúng ta là người trong một nhà, sẽ cùng xây dựng hướng đi cho đảng” như lời ông Perez nói với các đại biểu ngay sau khi cuộc bỏ phiếu hoàn tất. Ông Ellison, người được mời đứng phó, cũng lên tiếng nhắc nhở các đại biểu “dồn hết sự ủng hộ cho ông tân chủ tịch, chúng ta không được phép rời phòng họp mà không đoàn kết.”

“Mời Dân Biểu Ellison đứng phó là quyết định thật khôn khéo,” theo nhận xét của chiến lược gia William Schaffer, từng làm việc trong Ủy Ban Tranh Cử Al Gore 2000. “Ông Perez thành công ở vòng bỏ phiếu thứ nhì, bỏ ra bạc triệu nhưng chỉ được 235 phiếu ủng hộ, chẳng hơn con số 200 phiếu mà ông Ellison có được là bao nhiêu. Điều đó cho thấy rõ có sự rạn nứt trong đảng, phe cũ chọn ông Perez nhưng cánh mới lại chọn ông Ellison. Để làm được việc, ông phải được sự hậu thuẫn của những người không ủng hộ mình, không thu xếp ổn thỏa chuyện trong nhà, ông Tân Chủ Tịch Perez khó có thể làm được những chuyện ông ta muốn làm trong những năm tới.”

Chuyện “trong nhà” xem như tạm ổn, nhưng chuyện “ngoài ngõ” vẫn là chuyện chính ông Tân Chủ Tịch Tom Perez của đảng Dân Chủ cũng nhìn nhận “không dễ dàng giải quyết,” đặc biệt sau những gì đã xảy ra ở cuộc bầu cử 2016 hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

“Trong cuộc bầu cử vừa rồi,” ông nói, “Cử tri thấy ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump chia sẻ cảm nghĩ của chính họ, họ bảo với nhau ông Trump là người hiểu rõ cử tri muốn gì, trong khi họ chỉ nghe thấy phía bà Clinton nhắn gửi ‘nên bỏ phiếu cho tôi chứ đừng bỏ phiếu cho ông điên đó.’ Lời kêu gọi (của Ủy Ban Vận Động cho bà Clinton) không đủ sức thuyết phục” dẫn đến kết quả “đảng Dân Chủ thua trận chiến ai ai cũng thấy là có thể thắng.”

Dựa vào điều đó, ông Perez cho hay trong những ngày tháng tới, “chúng tôi phải đưa ra một kế hoạch dài hạn, kéo dài từ năm này tới năm khác, không thể chờ đến ngày bầu cử mới đi nước rút.” Kế hoạch ông sẽ đưa ra bao gồm nhiều điểm, “chúng tôi phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống lãnh đạo và đường lối làm việc ở các địa phương, từ thành thị cho tới thôn quê, để mọi người hiểu rõ lập trường của đảng, giúp mọi người thấy tại sao lại phải ủng hộ các ứng cử viên Dân Chủ, đừng bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng khác.”

Vẫn theo ông Perez, “thay vì đợi đến cuối Tháng Mười mới xuất hiện kêu gọi cử tri tuần tới nhớ đi bầu” (các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ thường diễn ra vào đầu Tháng Mười Một), “từ nhiều tháng trước đó chúng tôi đã phải thu hút sự chú ý của mọi người, giúp cử tri hiểu rõ những vấn đề quan trọng có liên hệ trực tiếp với họ và quan điểm của đảng Dân Chủ đối với những vấn đề trọng đại đó, làm thế nào để cử tri Hoa Kỳ biết được đảng Dân Chủ là tiếng nói trung thực của họ.”

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài NPR, ông Tân Chủ Tịch Perez cho hay sẵn sàng bắt tay làm việc chung với chính phủ Trump, nhưng cũng sẵn sàng bày tỏ quan điểm đối lập với chính quyền Cộng Hòa đương nhiệm. “Nếu họ lập lực lượng để trục xuất người nhập cư lậu về nguyên quán, chúng tôi sẽ chống đối; nếu họ tiếp tục bác bỏ sự kiện khí hậu mặt đất thay đổi, chúng tôi sẽ chống đối, nhưng nếu ông Trump muốn tăng mức lương tối thiểu cho công nhân lên thành 15 dollars/giờ, chúng tôi sẽ ủng hộ.”

Những điều ông Perez đưa ra “nghe rất hay về mặt lý thuyết, nhưng phải chờ xem ông ta sẽ thực hành như thế nào,” bà Liz Wyler, một quan sát viên độc lập đóng góp ý kiến cá nhân. “Tôi thấy đảng nào cũng có lối hành động giống nhau, cứ sau mỗi lần thất bại chính trị là lại bàn thảo, xem xét tại sao mình thua, sau đó đưa ra những kế hoạch mới, hy vọng sẽ thành công ở cuộc bầu cử kế tiếp.”

Qua điện thoại, bà Wyler nhắc nhở “đường hướng các đảng phái đưa ra bao giờ cũng hay, nhưng liệu có đánh động được cử tri hay không lại là chuyện khác,” nêu thí dụ “sau ngày thất bại hồi 2012, đảng Cộng Hòa họp khẩn cấp, đưa ra kế hoạch hành động chẳng khác gì kế hoạch ông Dân Chủ Tom Perez mới nói tới, nào là phải đến với dân, phải cho dân biết mình là ai để thu hút phiếu cử tri v.v… Bỗng dưng xuất hiện ông Donald Trump, những gì ông (Trump) nói với cử tri và ngay cả những gì ông (Trump) đang làm chẳng đi đúng với sách lược đảng Cộng Hòa đề ra, nhưng ông Trump thành công vì đánh động đúng tâm lý của cử tri” chẳng hạn như “lãnh đạo Cộng Hòa ủng hộ người nhập cư, ông Trump bảo rằng nhập cư, nhất là nhập cư lậu, lấy mất việc làm của người dân Mỹ; lãnh đạo Cộng Hòa chủ trương mở rộng địa bàn thương mại với thế giới, ông Trump cho rằng các bản hiệp định thương mại chỉ có lợi cho những nước khác, chẳng lợi lộc gì cho kinh tế quốc gia, lại khiến công nhân Mỹ bị thất nghiệp. Nên nhớ cử tri đồng ý với ông Trump ở những điểm này, đó là lý do tại sao chúng ta có Tổng Thống Donald Trump,”

Vì thế, bà Liz Wyler nói rõ “muốn thành công ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 và bầu cử tổng thống 2020, tôi tin rằng đảng Dân Chủ cũng phải tìm ra được chủ đề để lôi cuốn cử tri, nếu không, tôi e rằng nỗ lực của dàn lãnh mới không đem lại kết quả như họ mong muốn,” kết thúc với lời dặn dò “dàn lãnh đạo mới của đảng Dân Chủ phải cân nhắc thật kỹ, phải thật thận trọng khi hành động, đừng để người dân xem đảng Dân Chủ là một lực lượng chính trị chỉ chuyên phá bĩnh, nhất là ở thời điểm khí thế của đảng Cộng Hòa đang lên cao ngút vì họ nắm cả hành pháp lẫn lập pháp.”



No comments: