Saturday, February 25, 2017

CHÍNH SÁCH CỦA TRUMP ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC CHỈ LÀ CỌP GIẤY (Michael H. Fuchs - Foreign Policy)




Michael H. Fuchs  -  Foreign Policy
Dịch giả: Trần Văn Minh
Posted by adminbasam on 24/02/2017

Tổng thống Donald Trump đã dành rất nhiều thời gian trong chiến dịch tranh cử để chỉ trích Trung Quốc và hứa hẹn sẽ cứng rắn với Trung Quốc khi lên làm làm tổng thống. Nhưng chỉ trong vài tuần đầu tiên nhậm chức, Trump đã chứng tỏ là một con cọp giấy trước Trung Quốc, làm cho chính ông mang vẻ yếu đuối trong con mắt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, theo đó, lần lượt sẽ khuyến khích hành vi quyết đoán của họ.

TT Trump đã chứng tỏ là con cọp giấy với Trung Quốc, tự làm cho ông ta trông có vẻ yếu đuối dưới con mắt của các lãnh đạo TQ. Ảnh: FP.

Trong chiến dịch tranh cử, Trump luôn tấn công Trung Quốc, làm như thể Hoa Kỳ đã không biết làm thế nào để đối phó với Trung Quốc. Các giao dịch thương mại thua thiệt là trọng tâm chính của Trump, ông ta nói rằng, “số tiền mà [các thỏa thuận] làm thất thoát khỏi Hoa Kỳ đã xây dựng lại Trung Quốc”. Khi Hoa Kỳ cần xử lý vấn đề đối với Bắc Hàn và Biển Đông, Trump tuyên bố rằng “Trung Quốc đang đùa giỡn với chúng ta”.

Nhưng khi lên làm tổng thống, có vẻ như Trump không biết làm thế nào để ứng phó với Trung Quốc. Trong thời gian chuyển tiếp, Trump đã cảnh báo Trung Quốc bằng cách đặt câu hỏi về chính sách Một Trung Quốc – chính sách coi Đài Loan là một phần của Trung Quốc, vốn là yếu tố nền tảng trong quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc từ thập niên 1970 – bằng cách đón nhận một cú điện thoại từ tổng thống Đài Loan. Đây là một hành động dị thường dưới mắt Trung Quốc, là điều có thể phá hủy mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc.

Trump đã chứng minh quan điểm của mình về Đài Loan bằng cách nói rằng ông không thấy lý do tại sao Hoa Kỳ phải bị “ràng buộc bởi chính sách ‘Một Trung Quốc’ trừ khi chúng ta thương lượng với Trung Quốc để họ phải làm thêm những thứ khác”. Một số người có lẽ ca ngợi hành động của ông như một mưu đồ chiến lược để đảo lộn mọi thứ và đạt được lợi thế với Trung Quốc trên các vấn đề khác, chẳng hạn như thương mại.

Sau phát biểu của Trump về Đài Loan, quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc bắt đầu trở nên lủng củng. Khi Tổng thống Trump bắt đầu một loạt các cuộc gọi thông thường đến các nhà lãnh đạo khắp nơi trên thế giới, theo báo The New York Times, “viên chức chính quyền kết luận rằng ông Tập sẽ chỉ chấp nhận nói chuyện, nếu ông Trump công khai cam kết tôn trọng chính sách 44 năm tuổi”.

Và như vậy, chỉ ba tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã tái khẳng định chính sách Một Trung Quốc trong một cuộc gọi điện thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình. Nói cách khác, hành động đầu tiên của Trump trên cương vị tổng thống đối với chính sách Trung Quốc là “gấp bài lại” trước Trung Quốc. Và mặc dù Trump tuyên bố biết cách đàm phán với Trung Quốc, dường như ông đã không nhận lại được gì từ hành động lùi bước trước tuyên bố Một Trung Quốc trước đây của ông.

Rõ ràng là, trong khi quyết định hỗ trợ chính sách lâu đời của Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã đi một bước rất cần thiết để tránh những hậu quả có khả năng gây mất ổn định đối với Trung Quốc. Nhưng những thông điệp mà Trung Quốc sẽ rút ra từ sự kiện này thật rõ và không tốt cho lợi ích của Mỹ: Một tổng thống Hoa Kỳ thiếu thông tin và thiếu trách nhiệm, lùi bước trước một mối đe dọa mà không chứng tỏ một hành động gì. Ngay cả hồ sơ chính thức về cuộc gọi điện của Nhà Trắng, giữa Trump và Tập, thừa nhận rằng Trump đã phải nhượng bộ: “Tổng thống Trump đồng ý, theo yêu cầu của Chủ tịch Tập, tôn trọng chính sách ‘Một Trung Quốc’.”

Bài học mà Trung Quốc có thể sẽ rút ra là sự đe dọa của Donald Trump không [nên] xem nặng.

Sự kiện này tưởng như đã đủ cho một bước khởi đầu tệ hại. Nhưng Tổng thống Trump, trong tuần đầu tiên làm việc, đã quyết định đơn phương làm suy yếu vị thế của Hoa Kỳ với Trung Quốc bằng cách rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương, tức TPP. Mục tiêu của TPP là cung cấp cho Hoa Kỳ các mối quan hệ thương mại thuận lợi với các đối tác chính ở châu Á, trong một khu vực, mà các mối quan hệ thương mại của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng.

Nếu Trump thực sự muốn cứng rắn với Trung Quốc về thương mại, có lẽ ông nên thúc đẩy việc cải tiến TPP để thăng tiến vị thế kinh tế của Mỹ trong khu vực và mang lại cho ông ta nhiều lợi thế hơn trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Bằng cách hủy bỏ sự tham gia của Mỹ vào TPP, ông Trump đã cho Trung Quốc một món quà, và một lần nữa không được gì trở lại.

Hậu quả của những vấp váp ban đầu có thể là rất lớn. Không chỉ việc Trung Quốc tin rằng họ có thể quấy rối tân tổng thống Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc cũng sẽ tin rằng họ có thể tự nhiên hành động quyết đoán hơn trong việc bắt nạt các nước láng giềng. Tương tự như vậy, các đồng minh của Hoa Kỳ và các đối tác ở châu Á sẽ khó tin rằng chính quyền mới có thể trông cậy được để chống lại Trung Quốc, hủy hoại chữ tín của Hoa Kỳ trong khu vực.

Từ Bắc Hàn tới Biển Đông, vấn đề thương mại đến an ninh mạng, không thiếu những thách thức gai góc trong quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, đòi hỏi tân chính quyền Hoa Kỳ phải cứng rắn. Cho không lợi thế của Hoa Kỳ trong mối quan hệ với Trung Quốc không phải là cách đúng đắn để bắt đầu.

*





No comments: