Tuesday, November 15, 2016

VÌ CHỨC QUYỀN MÀ CHỐI BỎ TRÁCH NHIỆM (Người Buôn Gió)




Thứ Ba, ngày 15 tháng 11 năm 2016

Trương Đức Giang uỷ viên thường trực Bộ Chính Trị Trung Quốc sang thăm Việt Nam, cùng lúc 1000 thanh niên Trung Quốc cũng đến Việt Nam để giao lưu với thanh niên Việt Nam. Và ngoài khơi là tàu chiến của hải quân Trung Quốc cũng cập bến Cam Ranh. Một số cửa khẩu Việt Nam đề nghị thay đổi, chẳng hạn như cửa khẩu Lào Cai đòi thay đổi đường ray tàu cho phù hợp với đường ray của tàu Trung Quốc, cửa khẩu Quảng Ninh mở cửa cho xe ô tô Trung Quốc được phép chạy qua biên giới vào nội địa Việt Nam.

 Chưa bao giờ sự xuất hiện có yếu tố Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của họ tràn ngập trên đất Việt Nam như vậy. Từ trên cao của những cuộc gặp gỡ giữa các uỷ viên Bộ Chính Trị đến giao lưu thanh niên, hải quân và biên giới.

 Chỉ trong vòng chưa đầy một năm từ khi đại hội đảng cộng sản VN khoá 12 nhóm họp xong, bóng dáng của người Trung Quốc phủ sâu rông trên toàn cõi Việt Nam. Và cũng lần đầu tiên Tổng bí thư, chủ tịch nước Tập Cận Bình công khai xác nhận các đảo đá ở biển Đông là của Trung Quốc và Trung Quốc không chấp nhận thoả hiệp về chủ quyền ở đây vào ngày 7 tháng 11 năm 2016 theo tờ Straits Times đưa tin.

 Trước đây mỗi khi Trung Quốc cải tạo hoặc gia tăng hành động củng cố chủ quyền của họ ở Biển Đông, người phát ngôn của Việt Nam thường nói rằng đề nghị tôn trọng thoả thuận của lãnh đạo cao cấp hai nước. Người dân Việt Nam khi nghe những phát ngôn này, thường cho rằng phía cấp dưới nào đó của Trung Quốc đã có hành vi manh động, làm ẩu đi ngươc với thoả thuận của lãnh đao cấp cao hai nước. Vì thế họ tin rằng khi sự việc được nói ra như vậy, lãnh đạo Trung Quốc sẽ giữ lời cam kết với lãnh đạo Việt Nam, hạn chế những hành động vi phạm của cấp dưới.

 Nhưng bây giờ, đích thân lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc là ông Tập cận Bình đã công khai phát biểu về quan điểm của Trung Quốc về các đảo đá ở biển Đông cũng như chủ quyền của những người Trung Quốc tại đây. Vậy thử hỏi có cam kết nào giữa Việt Nam và Trung Quốc như người phát ngôn Việt Nam hay nói không.? Nếu có cam kết ấy là gì, ông Tập Cận Bình phải chăng đã vi phạm cam kết ấy.?

 Thật khó hiểu khi ông Tập Cận Bình là cấp lãnh đạo cao nhất Trung Quốc vi phạm cam kết đó,  đảng CSVN ngày càng gia tăng đón rước Trung Quốc vào Việt Nam trọng vọng như không có chuyện gì xảy ra.

 Có thể trả lời những câu hỏi trên như sau. Một khi Tập Cận Bình đã nói công khai về chủ quyền của Trung Quốc như thế trên Biển Đông, thì cam kết kia có hay không có chẳng có giá trị nào cả. Lẽ ra là người đứng đầu chế dộ Việt Nam, ông Nguyễn Phú Trọng phải có trách nhiệm đứng ra phát ngôn bác bỏ những lời nhận vơ chủ quyền của ông Tập Cận Bình. Thế nhưng ông Trọng dường như không nghe thấy, hoặc ông chẳng có lời nói nào rõ ràng để minh định chủ quyền Việt Nam sau những phát ngôn của ông Tập.

 Không phải chỉ mình ông Trọng không nói, mà các vị trí khác như thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội đều không ai dám đáp lại lời của Tập Cận Bình. Các lãnh đạo Việt Nam hầu như tê liệt, làm ngơ trước những lời lẽ xấc xược của Tập Cận Bình.

 Nguyên nhân sự sợ hãi này do chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ còn duy nhất chỗ dựa vào Trung Cộng. Hầu như toàn bộ nền chính trị Việt Nam đã được phó thác cho Trung Cộng quyết định. Bởi thế các lãnh đạo Việt Nam cần phải giữ mồm miệng để giữ được vị trí cho mình và tương lai phía trước. Những bậc thầy về chính trị Trung Quốc đã dạy cho Nguyễn Phú Trọng cách sắp đặt nhân sự một cách khác hẳn Trung Cộng. Ví dụ ở Trung Cộng nhân vật kế cận chức tổng bí thư có thể thấy trước hàng năm trời. Nhưng ở Việt Nam,  dưới thời của Trọng bây giờ người ta khó có thể biết ai sẽ là tổng bí thư tương lai. Việc để ngỏ vị trí kế cận TBT và đưa ra nhiều ứng cử viên, khiến cho các lãnh đạo Việt Nam đều phải dè chừng giữ miếng, và hơn hết cả không ai muốn mất lòng người đàn anh Trung Cộng vốn dĩ ảnh hưởng rất lớn trong việc quyết định chức TBT cho Việt Nam. Đây là sự phân hoá nội bộ mà Trung Công đã dùng cho Việt Nam.

 Chính vì vậy mà trong chuyến thăm của Trương Đức Giang đến Việt Nam gần đây, cả chủ tịch nước và thủ tướng Việt Nam đều bày tỏ sự thần phục Tập Cận Bình qua những câu chào '' thân thiết ''. Trong hoành cảnh bị phân hoá như vậy, lãnh đạo nào của Việt Nam muốn có tương lai đều chọn cách bày tỏ thần phục với Trung Cộng hơn là dại dột đối đầu, gây bất lợi cho bản thân mình trong quá trình đi tới chức vụ cao hơn.

 Nguyễn Phú Trọng đang biến mình thành tay sai của Trung Cộng, thực hiện âm mưu phân hoá lãnh đạo Việt Nam, đánh đúng vào tâm lý hèn nhát, ham chức quyền của các lãnh đạo Việt Nam. Khiến cho những con người này phải lo lắng đối phó với quyền lợi, chức vụ của mình hơn là nghĩ đến đất nước và dân tộc. Bởi thế trước những hành động , phát ngôn của Trung Cộng về vấn đề Biển Đông không một lãnh đạo nào của Việt Nam dám phản đối, may chăng có những vị quan chức, đại biểu quốc hội sắp hết nhiệm kỳ mới dám có đôi lời tỏ ý phản đối mà thôi. Từ cấp uỷ viên trung ương đảng trở lên, kẻ nào cũng ý thức được việc phải giữ mình để mong tiến xa hơn.

 Trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, dù chỉ bằng những phát ngôn cũng không ai dám lãnh nhận. Tình trạng buông xuôi của lãnh đạo Việt Nam trước những áp lực của Trung Cộng đè lên đất nước Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến.

 Tuy nhiên vẫn có cái đáng nói từ những sự buông xuôi này. Đó là sẽ không có chiến tranh ngoài Biển Đông, không có xáo trộn về thể chế chính trị. Điều đó làm hài lòng nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, công chức và trí thức được hưởng lộc nhiều từ chế độ Việt Nam và  thêm cả một số tầng lớp doanh nhân thành đạt. Đây là những lực lượng khá đông đảo ở Việt Nam, cùng với những lãnh đạo cao cấp đang tìm đường tiến thân, họ hợp thành một sức mạnh khá lớn để tạo ra luồng tư tưởng không đối đầu căng thẳng với Trung Cộng, chấp nhận nhượng bộ để giữ những lợi ích mà họ có được  từ mối quan hệ Việt Trung như hiện nay.

 Trong vòng 5 năm tới,  sẽ tiếp tục cho thấy sự thần phục của Việt Nam về Trung Quốc càng nhiều hơn. Việt Nam từng bước trở thành một dạng thuộc địa kiểu mới của Trung Quốc. Hiện vẫn chưa thấy khả năng nào ngăn chặn được diễn tiến này. Làn sóng bài Trung, biểu tình chống Trung Cộng cao trào từ những năm trước đây đến giờ ngày một giảm đi trông thấy.

 Sự thắng thế của ảnh hưởng Trung Cộng trên đất nước Việt Nam ngày càng rõ rệt thêm. Nguyên nhân chính là do các lãnh đạo Việt Nam vì chức quyền của mình đã đồng loã với những ảnh hưởng đó, điển hình là các uỷ viên bộ chính trị cao cấp trong đảng cộng sản Việt Nam bây giờ.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 00:31 





No comments: