Thursday, November 10, 2016

[NƯỚC MỸ] TRANH CỬ ĐỜI XƯA CŨNG VẬY ! (Ngô Nhân Dụng)




Ngô Nhân Dụng
November 8, 2016

Một bài trước trong mục này nhận xét, “Từ trăm năm nay chưa thấy một cuộc tranh cử tổng thống Mỹ nào xuống thấp như năm nay.” Nhiều người Mỹ tiếc một “thời hoàng kim” khi các ứng cử viên tổng thống đều nhã nhặn, lễ phép ngay trong khi đang giành giật nhau lá phiếu.

Hoa Kỳ là quốc gia đem thí nghiệm thể chế dân chủ sớm nhất, sau khi 13 tiểu bang họp nhau lật đổ chế độ của vua nước Anh. Những người đã ký bản tuyên ngôn độc lập được coi là “quốc phụ” nước Mỹ. Ông Washington được bầu làm tổng thống đầu tiên vì đã lãnh đạo cuộc kháng chiến giành độc lập; ông chọn John Adams làm phó tổng thống. Năm 1792, nhiệm kỳ đầu của Washington sắp chấm dứt, hai nhà lập quốc Thomas Jefferson và Alexander Hamilton cố thuyết phục Washington chấp nhận lưu nhiệm. Tuy vậy, ngay thời đó đã có những người đả kích Washington, vu cho ông là có ý muốn làm vua! Những người đó không bị bắt bỏ tù, chứng tỏ Tổng Thống Washington kính trọng tự do ngôn luận! Năm 1796, ông Washington cương quyết từ chối không ứng cử, lúc đó mới có một cuộc tranh cử thật sự. Cuộc giao đấu cũng gay go không khác gì những năm đầu thế kỷ 21, vì những chủ trương đối nghịch giữa hai đảng chính trị và hai “quốc phụ.”

Ứng cử viên Thomas Jefferson, đang làm ngoại trưởng, thuộc đảng Cộng Hòa, Republicans, nhưng những người đối lập gọi họ là bọn Dân Chủ, Democrats, với ngụ ý chế nhạo; cuối cùng dân chúng gọi họ là đảng Dân Chủ Cộng Hòa (Democratic Republicans). Phía bên kia là đảng “Liên Bang” Federalists, đưa Phó Tổng Thống John Adams ra tranh cử.

Ðảng Liên Bang, Federalists, chủ trương nước Mỹ phải trao nhiều quyền hành cho chính phủ liên bang – hơi giống đảng Dân Chủ ngày nay. Phía bên kia, đảng Dân Chủ Cộng Hòa chủ trương phân tản quyền hành cho các tiểu bang, lập trường của đảng Cộng Hòa bây giờ. Nhưng trong lúc tranh cử, người ta không chỉ cãi nhau về triết lý mà đả kích cả “ý đồ” của đối thủ!

Ðảng Liên Bang và John Adams tố cáo đảng Dân Chủ Cộng Hòa là “thân Pháp,” họ sẽ đưa nước Mỹ đến hỗn loạn giống như tình trạng cách mạng Pháp thời đó. Giống như đổ dầu vào lửa, vị đại sứ Pháp ở Washington lại lên tiếng ủng hộ ông Jefferson, thế mới khổ cho ông! Ðảng Liên Bang thì bị phía Thomas Jefferson chỉ trích là ho muốn thiết lập một chế độ giống như nền quân chủ của nước Anh!

Vào thời đó, các phe phái chính trị cũng ghét nhau, đả kích nhau đến cùng – cũng lỗ mãng không kém bây giờ. Khi một người thuộc đảng Cộng Hòa qua đời, có ông hàng xóm thuộc đảng Liên Bang tuyên bố: “Bọn ‘Dân Chủ’ chúng nó, sao không xuống địa ngục hết cho rồi?” Người ta ví hai đảng kình chống không khác gì quân Anh và quân Pháp! Trong thế kỷ 18 người Mỹ vẫn còn tục đấu súng để giải quyết các “vấn đề danh dự” sau khi đấu khẩu mà chưa đã! Có người ghi nhận là ba phần tư các vụ đấu súng ở nước Mỹ bắt nguồn vì lý do chính trị! Và trong Quốc Hội có rất nhiều đại biểu bị thương tật vì đấu súng! Năm 1804, Alexander Hamilton đả kích lập trường của Phó Tổng Thống Aaron Burr khi ông này tranh cử chức thị trưởng New York. Burr thách đấu rồi bắn trúng, hôm sau ông Hamilton qua đời.

Thời đó, Hiến Pháp Mỹ đã dùng lối bầu qua cử tri đoàn, ai thắng ở tiểu bang nào thì được tất cả số phiếu của tiểu bang, giống như bây giờ. Mỗi đảng đưa ra hai ứng cử viên, thành viên cử tri đoàn sẽ chọn hai người; cuối cùng ai nhiều phiếu hơn thì làm tổng thống, người thứ nhì làm phó. Năm 1796, John Adams được 71 phiếu cử tri đoàn, trở thành tổng thống thứ nhì của nước Mỹ, còn Thomas Jefferson được 68; trở thành phó tổng thống!

Năm 1800, cả hai ông Adams và Jefferson lại cùng ra tranh cử! Cuộc vận động năm 1800 đã xuất hiện những màn đả kích cá, nặng nề, lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ nhưng nặng nề không thua gì năm 2016! Thí dụ, đảng Cộng Hòa mô tả đương kim Tổng Thống Adams là “giả quân tử,” độc tài, và phạm trọng tội. Ðảng Liên Bang gán cho Jefferson nhãn hiệu vô thần, hèn nhát và “yếu” (giống như ông Donald Trump nói về ông Jeb Bush năm nay). Nhưng những lời đả khích đó còn “nhẹ nhàng.” Ðến hồi gay cấn, phe ông Adams còn gọi ông Jefferson là “con hoang của một cô gái da đỏ không ra gì với một anh lính lai đen trắng ở Virginia!” Những lời đả kích cá nhân ảnh hưởng mạnh đến nỗi bà Martha Washington, phu nhân vị cựu tổng thống, nói với một vị mục sư rằng bà thấy “Jefferson là một trong những người đáng ghét nhất trong nhân loại!”

Phe ông Jefferson đã “đáp lễ” bằng cách thuê một chuyên viên tung tin đồn, James Callendar. Callendar đã thuyết phục cử tri rằng Phó Tổng Thống Adams đang dự định gây chiến tấn công nước Pháp, và được nhiều người tin! Adams đã thưa kiện và Callendar bị tù về tội vu khống. Sau khi ra khỏi tù, Callendar cảm thấy không được đền ơn xứng đáng, đã tung tin ra là ông Jefferson có 5 con với một cô nô lệ da đen là bà Sally Hemings. Thời đó các nhà chính trị Mỹ còn nuôi nô lệ, và ít nhất, một lần này trong đời, Callendar đã nói đúng sự thật.

Jefferson đánh bại Adams trong cuộc đọ sức 1800, nhưng màn chót của cuộc bỏ phiếu vẫn còn gay go. Jefferson và ứng cử viên cùng đảng với ông là Aaron Burr được số phiếu cử tri đoàn bằng nhau. Theo Hiến Pháp đương thời, Hạ Viện sẽ bỏ phiếu chọn, một làm tổng thống, một làm phó. Nhưng đảng Liên Bang lúc đó chiếm đa số trong Hạ Viện, họ ghét Jefferson nên bỏ phiếu cho Burr! Bầu 35 vòng, hai người vẫn không phân thắng bại! Tới vòng thứ 36 ông Jefferson mới được hơn một phiếu, trở thành vị tổng thống thứ ba của Mỹ, và ông Burr thành phó tổng thống. Rút kinh nghiệm này, năm 1804, Quốc Hội Mỹ làm tu chính án số 12, hai chức vụ đứng chung một liên danh trong đó một người là tổng thống.

Tuy cuộc bầu cử năm 1800 sôi nổi và cay đắng như vậy, 12 năm sau, hai ông Jefferson và Adams đã trở lại với nhau như người người bạn thân thiết! Những bức thư họ gửi nhau còn cho hậu thế nhiều bài học. Ông John Adams sống lâu, năm 1825 được nhìn con trai mình là John Quincy Adams nhậm chức tổng thống; giống như ông Georges W.H. Bush được chứng kiến con là Georges W. Bush đắc cử năm 2000. Nhưng John Adams đã qua đời trước khi nhìn cuộc “tái đấu” giữa Quincy Adams, đảng Cộng Hòa, và Andrew Jackson, đảng Dân Chủ, năm 1828.


Trước năm 2016, có lẽ cảnh các phe tranh cử tổng thống bôi xấu nhau xuống tới mức thấp nhất là vào năm 1828! Một lý do là vì đảng Dân Chủ cho rằng Quincy Adams đã “ăn trộm” ngôi tổng thống của Andrew Jackson trước đó bốn năm! Năm 1824, hai người đạt số phiếu cử tri đoàn bằng nhau, cho nên Hạ viện bỏ phiếu chọn. Quincy Adams thắng, mặc dù thua Andrew Jackson trong số phiếu được dân trực tiếp tín nhiệm (Năm 2000, Tổng Thống Georges W. Bush đắc cử mặc dù cũng thua số phiếu dân bỏ cho Phó Tổng Thống Al Gore).
Hai ứng cử viên Quincy Adams và Andrew Jackson xuất thân khác nhau một trời một vực. Là con một vị tổng thống, Quincy Adams biết nói nhiều thứ tiếng ông đã từng du lịch Châu Âu từ nhỏ; có lúc ông đứng thông dịch cho Nữ Hoàng Nga Katerina. Còn Andrew Jackson thì xuất thân bần hàn, năm 15 tuổi đã mồ côi, sống một mình ngoài đường.

Trong cuộc tranh cử năm 1828, phe Dân Chủ đã gọi John Quincy Adams là “ma cô,” còn phe Cộng Hòa gọi bà vợ Andrew Jackson là “con đĩ.” Một tờ báo viết rằng, “Mẹ Tướng Jackson là một cô gái điếm đã được một tên lính trong quân đội Anh hoàng đem theo sang Châu Mỹ; sau bà này lấy một anh lai da đen, đẻ ra Andrew Jackson.”

Cuối cùng, Andrew Jackson đã thắng với số phiếu cử tri đoàn gấp đôi Quincy Adams, 178/83. Nhưng sau khi thất cử, Quincy Adams đã trở lại chính trường, làm dân biểu Hạ Viện trong 17 năm, và được lịch sử ghi nhận là một người tiên phong trong phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ! Năm 1841, ông đã biện hộ trước Tối Cao Pháp Viện Mỹ, nhân danh quyền tự do của con người đòi trả tự do cho 39 người Châu Phi bị nhốt trong chiếc tầu Amistad, sắp đem đi bán làm nô lệ. Ông đã thành công, mặc dù trong số 9 thẩm phán tối cao thì bẩy vị ủng hộ chế độ nô lệ!

Kể lại những chuyện tranh cử “thấp nhất” trong lịch sử nước Mỹ để quý vị thấy những cảnh diễn ra năm 2016 cũng không đáng ngạc nhiên. Chỉ có một sự khác biệt là thời nay người ta có Internet, có Facebook và Twitter, tất cả những màn đấu khẩu được phơi bầy trên ti vi và báo chí từng giờ từng phút. Cho nên công chúng thấy cường độ mạnh hơn!

Những cuộc tranh cử cũng thuộc loại các sinh hoạt tranh đua khác trong đời sống xã hội. Khi người ta tranh đua gay go thì các tính xấu nhất sẽ lộ ra! Nhưng trải qua hơn 200 năm, với hơn 40 cuộc bầu cử tổng thống, cuối cùng nước Mỹ vẫn bảo vệ được chế độ dân chủ. Cũng trong thời gian đó, nước Pháp đã thay đổi từ dân chủ qua độc tài, trở đi trở lại nhiều lần. Nước Ðức thí nghiệm dân chủ vào đầu thế kỷ 20, nhưng sau đó đã rớt xuống sống đáy vực trong chế độ độc tài quốc xã.

Không có gì bảo đảm những cuộc tranh cử trong chế độ dân chủ lúc nào cũng trong trắng, sạch sẽ, dù ở Mỹ hay bất cứ nước nào. Bởi vì, dân chủ không phải là một thứ “lý tưởng” xa vời. Có những thứ lý tưởng giống chiếc bánh vẽ trên trời, trông rất đẹp mà ăn không tiêu, chỉ sinh bệnh! Thể chế Dân Chủ chỉ gồm những “luật giao đấu;” trong một “cuộc đá banh” chọn người lãnh đạo một quốc gia; mà trọng tài là người dân đi bỏ phiếu. Cuộc giao đấu có thể sạch sẽ hay nhơ bẩn, như những cuộc đá banh hay cảnh mua bán ngoài chợ! Như Winston Churchill đã nhận xét, chế độ dân chủ là một thể chế thật tồi tệ, nhưng chỉ thấy là nó đỡ hại nhất so với những thể chế chính trị đã dùng thử trong trái đất này!

Ðiều quan trọng giúp nền dân chủ Mỹ tồn tại đến ngày nay là họ giữ được một số “định chế” quan trọng; như một nền báo chí tự do, nền tư pháp độc lập, cũng nhu guồng máy hành chánh, quân đội và cảnh sát đứng ngoài các đảng chính trị. Ðó là những bảo đảm cho cuộc sống dân chủ tự do và kinh tế phồn thịnh.




No comments: