Phạm Thị Hoài
- Báo Trẻ
Online
November 16, 2016
.
Sợ hãi. Tranh của Edvard Munch, 1894
.
Tổng thống Mỹ nhiệm kì tới, Donald Trump, thì liên
quan gì đến một quán
ăn Việt Nam ở Berlin?
Chuyện diễn ra hai ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ở Mỹ.
Một phụ nữ Đức tên Kate đang thưởng thức bữa ăn trong một quán Việt ở quận
Mitte, trung tâm Đông Berlin, thì thấy bà Beatrix von Storch bước vào. Bà này
là Phó Chủ tịch Đảng Alternative für Deutschland (Giải pháp khác cho
Nước Đức, viết tắt là AfD), đảng dân túy cánh hữu với khuynh hướng dân tộc chủ
nghĩa mới ra đời ba năm trước, nay đã vượt qua Đảng Xanh, trở thành lực lượng
chính trị chiếm vị trí thứ ba ở Đức, đặc biệt mạnh ở các bang thuộc Đông Đức
cũ. Một trong những phát ngôn kinh hoàng nhất của nữ chính khách
này là yêu cầu cảnh sát biên phòng nã súng vào người tị nạn, kể cả phụ nữ và trẻ
em, nếu họ cứ tràn qua biên giới. AfD cũng là đảng chính trị duy nhất ở Đức vui
mừng trước “thắng lợi rực rỡ” của Trump.
Nuốt không trôi món mì chay xào, bà Kate quyết định
hành động. Bà đứng lên, nói lớn: “Các vị ở đây, ai lo ngại về việc Donald Trump
thắng cử thì nhìn kìa!”. Bà giải thích, nữ chính khách vừa bước vào là một nhà
lãnh đạo của Đảng AfD, một kẻ kì thị chủng tộc và kì thị giới tính. Rồi bà nói
thẳng với bà kia: “Quán ăn này thuộc khu doanh nghiệp nữ
quyền, loại khách như bà ở đây là nhầm chỗ.”
Một người đàn ông ở bàn bên cạnh thấy vậy cũng lớn
tiếng: “Bà von Storch, đừng nghe làm gì cho rác tai. Chúng ta đang sống trong một
nền dân chủ, bà hoàn toàn có quyền đến quán này.”
Bà Kate phẫn nộ đáp rằng nữ chính khách đang ngồi
kia đã làm đủ thứ để phá hoại nền dân chủ và nhất là đang ra sức chống nữ quyền.
Nữ chính khách giận run, bảo mọi người đến đây để ăn
trưa, không phải để bàn chuyện chính trị. Bà Kate đáp lại, chẳng có gì trong cuộc
đời này không là chính trị. Đến đây, bà chủ quán Việt bước ra, yêu cầu vị nào
muốn to tiếng thì mời ra ngoài mà ầm ĩ. Bà cho biết, nhà lãnh đạo AfD là một
khách hàng thân thiện và vì thế được quyền ngồi lại, trong khi bà Kate tường
thuật, rằng trừ ông ủng hộ AfD ở bàn bên, bà được gần như tất cả khách trong
quán vỗ tay khen ngợi.
Chuyện đến đây thực ra là hết, song vĩ thanh của nó
cũng đáng thuật lại. Đăng trên trang Giai cấp chống Giai cấp (Klasse gegen Klasse) của
tổ chức Quốc tế Cánh mạng Chi nhánh Trotskist – Đệ tứ Quốc tế và Thanh niên Cộng
sản Cách mạng – một website mà trước đây tôi chưa bao giờ biết đến – bình luận
của độc giả chủ yếu chia thành bốn nhóm:
1) Những người ủng hộ bà Kate, coi hành động của bà
là mẫu mực của ý thức công dân trước hiểm họa cực hữu đang bùng lên ở Đức, và mỉa
mai rằng một người Đức kì thị người nước ngoài thì xin mời đến quán Đức ăn chân
giò hầm với dưa chua chứ đừng vào quán Việt ăn nem rán;
2) Những người bênh vực bà von Storch, rằng bà chỉ
chống bọn tị nạn kinh tế, bọn nước ngoài nhập cư bất hợp pháp, bọn nước ngoài
ăn bám trên mồ hôi nước mắt của những người làm ăn tử tế, bọn nước ngoài tội phạm,
bọn nước ngoài Hồi giáo cực đoan khủng bố, chứ người Việt lương thiện đã hội nhập
tốt thì không ai chống;
3) Những người không ưa bà von Storch nhưng cũng
không đồng tình với cách xử sự của bà Kate, trời đánh còn tránh miếng ăn,
phát-xít cũng có quyền ngồi ăn trưa yên ổn;
4) Những người lên án hành động của bà Kate, rằng bà
mới chính là kẻ hủy hoại nền dân chủ khi nhân danh bảo vệ dân chủ để tấn công
người khác chính kiến, rằng bà mới chính là hiểm họa của đa nguyên khi coi mình
là độc quyền đạo đức, thứ đạo đức giả của đám cánh tả cứ suốt ngày dựng dậy những
hồn ma Quốc xã đã chết ngóm từ thuở nào để có cớ mà giảng bài học chống
phát-xít chán ngấy.
Tóm lại, một cuộc đấu gay gắt không thể lấy ra nổi một
xu đồng thuận, như đang phổ biến ở một phương Tây chưa bao giờ thịnh vượng như
ngày nay và chưa bao giờ co cụm trong sợ hãi đến thế.
Trong số các bình luận, tôi chú ý nhất đến phát biểu
của một độc giả xưng tên Nguyen Van Duc, nguyên văn như sau: “Đa số bạn bè tôi người Việt đều không đồng ý với chính sách tị nạn của
bà Merkel, phần nào thậm chí còn có cảm tình với Đảng AfD và chắc không coi những
kẻ điên như cái bà Kate này ra gì.”
Người Việt ở Đức cảm tình với AfD đòi nã súng vào cả
đàn bà và trẻ em Trung Đông tị nạn? Thì người Mỹ gốc Cuba ở Florida bỏ phiếu cho The Donald đòi xây Vạn lý Trường
thành ngăn dân Mễ. Nỗi sợ cũng toàn cầu hóa như nghề buôn nỗi sợ.
Mùa thu năm ngoái, khi Thủ tướng Đức tuyên bố giang
tay đón người tị nạn, tôi đã sởn gai ốc khi đọc vô số bình luận của người Việt
trên Facebook, rằng mụ Merkel này ngu như chó, không đâu bỗng nhiên mở toang cửa
cho bọn lợn Hồi giáo ùn vào ỉa bậy, kiểu này thì nước Đức văn hiến tan tành
thôi em ơi.
Nỗi sợ từ những người Đức trước khủng hoảng di dân
đã dễ dàng bước nhanh vào lòng người Việt và ở lì trong đó. Tôi đoán không ít
người trong số họ đến từ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang trên đà
phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vì người Việt đến từ Việt Nam Cộng
hòa đã sụp đổ không dễ quên bi kịch thuyền nhân của mình, khó cầm lòng trước những
số phận tương đồng: phần lớn người tị nạn tại Đức đến từ Syria còn tan nát bởi đạn bom của vô vàn
bên tham chiến hơn nước Việt bốn mươi năm trước.
Tôi đoán họ hay cha mẹ họ, trước khi trở thành những
ông bà chủ của các nhà hàng sushi và quán ăn Việt-Thái, các quầy
hoa và sạp rau quả, các kiosk bán báo và tiệm làm móng, các cửa hàng 99 xu và
shop thời trang Trung Quốc, trước khi thành đạt đều đã là những người tị nạn
kinh tế chứ không hề dấn thân chính trị chống một chính quyền trước sau vẫn độc
tài. Họ đã qua rất nhiều sóng gió; đã không từ một mưu chước nào để kiếm một “bộ
giấy tờ” ngon lành; đã sống chui và làm nhủi, đã
ăn cắp, buôn lậu và lừa đảo; rồi ngay cả khi đã được khen là hội nhập tốt,
con cái chăm học, cha mẹ chăm làm, vẫn chưa hết tâm lí ẵm tiền chùa, “ăn xã hội”
và vơ vét không từ một chế độ an sinh nào mà nhà nước phúc lợi này có thể cung
cấp.
Theo số liệu năm 2014, trong 84437 người Việt định cư tại
Đức, 23442 người sống bằng trợ cấp thất nghiệp. Đó là 27,8%, chưa kể cả chục
ngàn người nữa đang nhận trợ cấp xã hội hay tiền xã hội hay phụ cấp hưu trí hay
trợ cấp tị nạn. Tỉ lệ này ở người Ấn là 12,8%, người Thái 0,8%, người nước
ngoài nói chung 18,6%, người Đức 6,9%.
Mùa thu năm ngoái tôi cũng nhiều lần sợ. Cùng các
tình nguyện viên phần lớn đều rất trẻ, tôi cũng hoảng hốt trước đám đông cuồng
nộ la hét đủ thứ tiếng mà tôi không hiểu để giành một phiếu chờ phỏng vấn trước
một trung tâm tiếp nhận người tị nạn hoàn toàn quá tải. Cốc cà phê nóng và suất
bánh mì mà chúng tôi tươi cười ấn vào tay họ không đủ để trấn an. Lần sợ nhất
là một buổi đêm, tôi đăng kí ca trực và được phân công chở bốn người đàn ông Ả-rập
bằng xe riêng đến nơi tạm trú. Song sau vẻ ngoài lầm lì nhàu nhĩ và đầy tự ái,
có lẽ họ còn sợ hơn tôi ở một nơi tuyệt đối xa lạ. Tất cả những gì tôi mất là
hai tiếng đồng hồ và chưa đầy một lít xăng.
Những ngày ấy, tôi lại xem bộ phim Angst
essen Seele auf của Fassbinder, miêu tả thấm thía và oái oăm bậc
nhất về thành kiến chủng tộc, áp lực và cấm kị của một xã hội tự cho mình là
khoan dung lên một thiểu số khác mầu da, về sự ích kỷ thường tình của lòng người
và thói đời bạc bẽo. Và về nỗi sợ. Nỗi sợ ăn tâm hồn hết nhẵn, như chàng
Marocco cô đơn trong phim lý giải về sự thù địch của xung quanh trước mối tình
của mình với người phụ nữ Đức lớn tuổi cũng cô đơn. Cách nói sai ngữ pháp ấy của
chàng thợ khách ít học hành đã trở thành thành ngữ trong tiếng Đức hiện đại,
còn nguyên tính thời sự sau hơn bốn mươi năm.
German Angst, nỗi sợ của người
Đức, và American Paranoia, chứng hoang tưởng của người
Mỹ, trong hình hài của AfD và Donald Trump sẽ chẳng cho ai vô can, dù chỉ để ăn
trưa trong một quán ở Berlin của người Việt.
12/11/2016
P.T.H.
No comments:
Post a Comment