Monday, November 7, 2016

NHỮNG TAI HẠI MÀ ÔNG TRUMP ĐÃ GÂY RA CHO HOA KỲ (Tom Nichols - New York Daily News)




Tom Nichols - New York Daily News
07/11/201609:37:00

Những tai hại mà Ông Trump đã gây ra cho Hoa Kỳ
(What Trump has already cost America: And how much steeper the price will grow if he wins)
By Tom Nichols - New York Daily News, Nov 05, 2016,
New York Daily News: Nichols is a professor of national security affairs at the Naval War College and teaches in the Harvard Extension School. The views expressed here are solely his own. 
Trần Trung Tín chuyển ngữ

*
Tại thời điểm này, những luận điểm chính chống lại việc ông Donald Trump trở thành Tổng Thống Hoa Kỳ đã quá quen thuộc với mọi người. Chẳng có gì để cần phải đề cập thêm đến vị trí hoặc chính sách của ông Trump: Vì ông ta chẳng có thứ nào cả.

Thay vì phải đưa ra các lý giải để chứng tỏ ông Trump là vị Tổng Thống tệ hại (một điều cũng được công nhận bởi nhiều trong số những người ủng hộ ông), thì chúng ta nên nhìn vào những tai hại mà ông Trump đã gây ra cho quốc gia của chúng ta, ngay chỉ bởi việc ông đã ra tranh cử.  Chúng ta không cần có thêm dấu hiệu báo nguy nào khác về việc ông Trump làm tổng thống mà chỉ cần nhìn vào những gì mà ông ta đã gây thương tổn cho chúng ta trên bình diện quốc gia và quốc dân.

Đầu tiên hãy xét đến chính sách ngoại giao, điều mà đa số người đi bầu thường không quan tâm nhiều. Ở một chừng mực nào đó, coi như ông Trump có được một chính sách ngoại giao, thì chính sách đó hầu như hoàn toàn đặt căn bản trên sự xun xoe tiếp nhận quan điểm của Tổng Thống Nga Vladimir Putin chống lại quan điểm về thế giới của Hoa Kỳ.

Ông Trump cho rằng bà Clinton sẽ là người bắt đầu Thế Chiến III, nhưng chính ông mới là người đã làm bạn hữu và đồng minh của chúng ta run sợ và đặt họ vào tình trạng nguy hiểm bằng những lời nói bạt mạng (reckless) và ngu xuẩn (stupid).

Mùa thu năm nay, tôi đã có cơ hội nói chuyện với những người dân thường, sinh viên, nhà báo... tại các thành phố bên Trung Âu. Gần như tất cả những người này đều bầy tỏ cùng một mối sợ hãi: là Hoa Kỳ sẽ bầu ông Donald Trump và sẽ bỏ rơi họ - những đồng minh NATO của chúng ta - để họ cùng chịu chung một số phận thương đau mà Nga đã gây ra cho các nước như Ukraine, Georgia, và đặc biệt là Syria.

Những người đó hoàn toàn không hiểu được tại sao Hoa Kỳ lại có thể nghĩ đến việc chọn lựa một người rõ rệt ngưỡng mộ Putin, kẻ mà họ có đủ lý do chính đáng để sợ hãi.  Những người này bị thất thần trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bên hữu phái, đó là một vấn đề mà họ cho rằng chỉ quẩn quanh trong các địa phương Âu Châu, nhưng sẽ miễn nhiễm đối với Hoa Kỳ, hoặc ít ra cũng là không lên tới được bực thang chính trị hàng tổng thống.

Tệ hại nhất là những người này bị thất vọng và sợ hãi. Đây là những người mà trước đây đã sống sau Bức Màn Sắt. Họ hy vọng vào chúng ta, tin vào chúng ra và ngưỡng mộ hệ thống chính quyền của chúng ta. Đó là một phần của lý do tại sao họ ràng buộc số phận của họ với số phận của chúng ta. Ngay cả như khi ông Trump thất cử, những người này sẽ không bao giờ còn nhìn vào chúng ta được như cũ nữa, bởi vì họ biết chúng ta có thể chấp nhận được những gì (không thể chấp nhận được) nơi một ứng cử viên tổng thống.


Tại Hoa Kỳ, ban vận động tranh cử của ông Trump đã để lại nơi chúng ta những vết sẹo mà không vị Tổng Thống nào trong tương lại có khả năng nhanh chóng làm lành lại được.  Toàn bộ cuộc vận động tranh cử của ông Trump được đặt trên việc khai thác sự chia rẽ trong xã hội Hoa Kỳ, làm tràn ngập cuộc tranh luận trước công luận với những điều ảo tưởng và những thống kê mạo hóa, từ huyền thoại về tội phạm gia tăng cho đến lời hứa hẹn về một bức tường sẽ chẳng bao giờ được xây dựng.

Ở bên dưới cùng là một sự lôi cuốn không mấy thông minh không những về chủng tộc (race), mà còn về thành kiến về tôn giáo, sắc dân (ethnic), miền, và giai cấp. Ông ta đã cố gắng nổi lửa đốt bất cứ khác biệt căn bản nào trong xã hội Hoa Kỳ mà hệ thống liên bang và hiến chương về quyền tự do phổ thông khắp chốn (universal liberties) của chúng ta đã khắc phục được kể từ cuộc Nội Chiến (Civil War) để kết chặt chúng ta lại thành một nước cộng hòa.

Vì những điều trên, tôi đã quyết định không bầu cho bà Hillary Clinton. Là một người đảng Cộng Hòa, tôi không thể bầu cho một gia đình mà trong suốt hơn hai thập niên qua tôi đã hy vọng họ rời bỏ sân khấu chính trị của chúng ta. Tuy nhiên, mọi thứ đều thay đổi, kể từ khi ông Trump khai thác những khác biệt của chúng ta trên bình diện quốc gia và trực tiếp tấn công vào hệ thống chính quyền.

Khi thấy có nhiều khả thể sẽ bị thua, ông Trump đã quyết định đả kích và nhìn xem có bao nhiêu truyền thống hiến pháp ông ta có thể hạ xuống cùng với ông. Ông đã đưa ra những tố cáo về hệ thống bầu cử bị "gian lận”, và chồng chất thêm những lý thuyết âm mưu (conspiracy theories) vẫn thường hay luân lưu tới những góc đen tối (và ngu xuẩn) nhất của internet. Chắng cần quan tâm tới hậu quả, lòng tự phụ ngất trời (bloated self-esteem) của ông ta đã đòi hỏi việc phá hủy hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ nếu hệ thống này không sản sinh ra được kết quả mà ông ta muốn.

Ông Trump cũng có thể quá dốt (too ignorant) để hiểu được sự nguy hiểm của điều ông ta đang ve vãn, bởi vì xem ra ông ta không thể hiểu được bất cứ điều gì không trực tiếp và liên quan đến ông ta ngay lập tức. Nhưng những thành phần chung quanh ông Trump thì biết rất rõ là họ đang làm điều gì. Những người đã một lần tuyên thệ bảo vệ và bênh vực cho Hiến pháp đã hân hoan khuyến khích việc tấn công vào những truyền thống thiêng liêng nhất của chúng ta dựa trên những tố cáo một cách vô căn cứ đến nỗi ngay cả các chuyên gia tuyên truyền của Moscow cũng chạy theo không kịp.

Việc ông Trump xoi mòn bản sắc (identity) quốc gia của chúng ta, cả ở trong nước lẫn bên ngoài, đã lập tức có những hậu quả xấu và sẽ còn kéo dài. Ông Trump đã nghiền nát đi những gì đã một thời là một sự tao nhã (decency) căn bản của cử tri Hoa Kỳ, ông ta ra sức xoi mòn niềm tin của cử tri Hoa Kỳ vào chính những định chế của họ thay vì chịu nhận những thiệt hại làm thương tổn lòng tự tôn của ông ta.

Khi còn ở nước ngoài, tôi đã phải giảng đi giảng lại rằng những cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ được quản lý tại địa phương, và rằng đa số người Mỹ không chấp nhận việc tố cáo bạn bè và hàng xóm của họ là gian lận.

Tôi nói như vậy bởi vì tôi tin vào điều đó, nhưng cũng là bởi vì tôi cần được tin vào điều đó.

Những người phò tá cho ông Trump nói với cử tri rằng đừng lo ngại gì cả, rằng một ông Trump mới mẻ và có trách nhiệm hơn sẽ nổi lên từ Oval Office (văn phòng làm việc chính thức của Tổng Thống Hoa Kỳ), rằng nhân viên của ông ta và những đảng viên Cộng Hòa khác có thể điều hợp (moderate) hành vi của ông ta. Đây là một lời nói láo. Không làm gì có một ông Trump khá hơn. Một người sẵn sàng ngồi xổm lên hai thế kỷ rực sáng truyền thống hiến pháp sẽ không bất chợt tìm được chiều sâu và sự kính phục mới nơi hệ thống của chúng ta một khi ông ta đang ngồi cao trên chóp đỉnh.

Và còn các thành phần nhân viên đó? Ông Trump đã làm ô nhiễm đời sống công cộng của chúng ta với một đội ngũ phụ trợ thiếu lương hảo sẵn sàng khởi động chương trình trình diễn quái dị của cuộc vận động tranh cử của ông Trump nhằm tiến vào cho được Washington, một thành phố mà họ tuyên bố là ghét bỏ nhưng đó chính là nơi mà đa số những người này hiển nhiên khao khát muốn được sống.

Ở đây tôi không nói về những người đã ném sự nghiệp và lòng tự tôn (egos) của họ vào trong giàn hỏa của cuộc vận động tranh cử của ông Trump, và giàn hỏa này nhìn thấy ít giống như một quan tài oai phong lẫm liệt mà giống như một hòn đảo đốt rác đang trôi dạt. Nếu Chris Christie (Thống đốc Tiểu bang New Jersey) hay Rudy Giuliani (Cựu Thị trưởng New York City) muốn chấm dứt sự nghiệp của họ như những anh giúp việc cho Donald Trump, thì điều đó tùy thuộc nơi họ.  Tối thiểu thì cử tri cũng đã lên tiếng về Chris và Rudy.

Không, ý tôi muốn nói là hàng loạt những thành phần quái gở (kooks), cơ hội chủ nghĩa, và tuyển thủ hạng tư đã tràn ngập trên màn ảnh TV của chúng ta và nơi cư ngụ của họ trong Tòa nhà Văn phòng Điều hành cũ xưa là một kết hợp của những trò hề, bi kịch và thảm họa.

Từ CEO của ban vận động Steve Bannon cho tới toán "xung kích" tay mơ kỳ quặc (weird JV squad) đã được điều phối ra trước TV với các thành phần như AJ Delgado, Scottie Nell Hughes, Corey Lewandowski, Boris Epshteyn..., cho thấy ông Trump đã quá tệ ngay từ việc đầu tiên của một lãnh tụ chính trị: chọn lựa những người cộng tác chuyên nghiệp, có khả năng và cùng một lúc vừa có thể phục vụ cho cả người lãnh tụ lẫn quốc gia của họ.

Đúng, vài người trong số đó cũng chớp sáng trên TV. Đúng, họ cũng có được nét vẻ khôi hài tự nhiên, ngay cả việc làm cho các thành viên trong buổi hội luận phải bật cười vì mức độ sùng bái của họ đạt tới mức như dân Bắc Hàn đối với bất cứ điều gì ông Trump nói đàng sau hậu trường. Thế nhưng, những người này đáng lý ra không phải là những thành phần ở chung quanh Tổng Thống Hoa Kỳ để giúp ông khi có khủng hoảng ngoại giao, hoặc lúc kinh tế khó khăn, hoặc khi quốc gia rơi vào tình trạng khẩn cấp.

Còn thành phần làm việc cho bà Clinton, qua những emails bị tiết lộ và những nguồn tin khác, thì, dĩ nhiên, cũng là những thành phần có khả năng đua tranh, nhưng không đạo đức và phe phái. Họ không phải là những người mà tôi muốn làm việc chung, nhưng hành vi (behavior) của họ thì, dùng một chữ tốt hơn để diễn tả, bình thường.  Nếu chúng ta thấy được các emails của ban vận động tranh cử cho ông Trump (hoặc người khác), thì, tương tự như vậy, chúng ta cũng thấy những hành vi không hay ho gì. Đối với tôi, trước đây là nhân viên của thành phố, tiểu bang và chính quyền quốc gia, thì emails của (nhóm) bà Clinton giống như emails trong công việc hàng ngày của một nhóm những thành phần chuyên nghiệp cứng cỏi và khá tệ (not very appealing).

Nhưng nếu có điều gì tệ hại xẩy đến cho quốc gia của chúng ta, tôi sẽ chọn nhóm đó hơn là các thần dân ngụ cư nơi hòn đảo Misfit Toys của ông Trump (Trump's Island of Misfit Toys), những người này đã cho thấy họ sẽ đặt quyền lợi cá nhân của họ lên trên sự an toàn và thịnh vượng của quốc gia, và còn làm điều này nhanh hơn nhóm thân cận của bà Clinton nữa.

Cuối cùng, chúng ta phải cân nhắc xem cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã làm gì cho chúng ta.

Tôi phải nhìn nhận rằng, dù đang ở tuổi trung niên, cuộc bầu cử lần này đã làm tôi thay đổi. Kể từ 1980, tôi chưa bao giờ không bầu. Tôi đã từng cảm thấy phấn chấn, thất vọng, và đôi khi thờ ơ hoặc buông bỏ hẳn. Nhưng tôi chưa bao giờ có cảm giác hoài nghi yếm thế (cynicism) sâu đậm và buồn bã như khi tôi nhìn thấy những người dân trong nước đang sống trong sự sợ hãi và với những thành kiến tệ hại nhất. Tôi không bao giờ cảm thấy một sự hoàn toàn thiếu vắng sự nối kết ngay cả đối với một vài thành viên thân cận nhất trong gia đình và bạn bè của tôi vì những chuyện chính trị.

Đúng ra tôi cũng có phần trách nhiệm về điều trên:  Tôi đã để cho cuộc bầu cử này, và ở một mức độ nào đó đã để cho những trò điên rồ đáng ghét đã thành công với hàng triệu người, làm cho tôi bị mòn mỏi.  Tôi đã cố gắng duy trì sự ràng buộc (engagement) với công chúng như là một phần nghề nghiệp của tôi trong vai thầy giáo và học giả, nhưng tôi phải nhìn nhận là niềm tin của tôi vào đức hạnh của cử tri Hoa Kỳ đã bị lung lay. (Và cũng xin đừng lầm lẫn:  về phía những người Đảng Dân Chủ đã chọn bà Clinton, họ chẳng làm điều gì để củng cố niềm tin đó.)

Tổng Thống là một vị có thể gây cảm hứng cho chúng ta và khuyến khích chúng ta để trở nên khá hơn.  Ông Trump đã làm giảm giá trị của chúng ta, kích động thú tính (bestial) của chúng ta, và nhận chìm chúng ta trong những thù ghét và thành kiến vốn sẽ làm cuộc sống của chúng ta trong cộng đồng và như một quốc gia sẽ trở nên hoàn toàn không thể có được. Ông ta đã khuyến khích chúng ta để từ bỏ nhiệm vụ của chúng ta như một công dân của một nước cộng hòa, từ bỏ di sản của người Mỹ chúng ta, và từ bỏ tâm hồn của con người.

Bầu ông ta làm Tổng Thống sẽ làm cho ông Trump tin rằng ông ta đã đúng và rằng sự thu hút lỗ mãng và cay đắng (coarse, bitter appeals) của ông ta là con đường chính để đi đến quyền lực. Vào ngày bầu cử, chúng ta phải chống lại, và cho Donald Trump biết là chúng ta và quốc gia của chúng ta sẽ không bị bán rẻ sau khi bị mua ở một giá cao hơn giá mà một ông nhà giàu có thể tưởng tượng được.

Trần Trung Tín chuyển ngữ - Nov 07, 2016
 NOTE: Người dịch, Trần Trung Tín, là cộng tác viên thường trực của đặc san Lâm Viên online tại www.dslamvien.com.

-------------------------

New York Daily News   -   Saturday, November 5, 2016, 11:36 AM




No comments: