Minh Anh – RFI
Đăng
ngày 16-11-2016
Bản tổng kết cuối nhiệm
kỳ của tổng thống Barack Obama không tồi cũng không tuyệt hảo ; Trung Quốc
không thể là chủ nhân thế giới ; Liên Hiệp châu Âu không phải là đồng minh lớn
của Hoa Kỳ… Đó là những nhận định của chuyên gia Aaron Miller về chính sách đối
ngoại của Mỹ trong thời gian qua, được đăng trong bài phỏng vấn của tuần san Le
Point, số ra ngày 09-16/11/2016.
Ông
Aaron Miller, phó chủ tịch hiệp hội Những Sáng Kiến Mới thuộc Woodrow Wilson
International Center, một trung tâm cố vấn có trụ sở tại Washington. Chuyên
nghiên cứu về Trung Đông, ông từng là cố vấn dưới nhiều đời chính quyền Mỹ thuộc
đảng Cộng Hòa và Dân Chủ từ năm 1988-2003. Về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
trong thời gian tới, chuyên gia Aaron Miller cho rằng « Washington sẽ
không thể tiến hành chính sách ngoại giao theo kiểu người hùng ». RFI
xin giới thiệu.
Le
Point : Ông Donald Trump sẽ có chính sách ngoại giao ra sao ?
Aaron
Miller :
Nói thẳng ra, điều này chẳng đáng bàn. Tôi không biết ông ấy sẽ đưa ra những đề
xuất gì. Có rất nhiều thứ lệ thuộc hoàn toàn vào ứng xử của ông ấy, vốn dĩ đã rất
khó đoán lắm rồi.
Liệu
ông Obama phải chịu một phần trách nhiệm ?
Tôi
không cho rằng bản tổng kết của Obama là tuyệt vời, nhưng cũng không hẳn là một
thảm họa, như một số người nói. Họ đã đặt quá nhiều hy vọng lên ông cả trên
phương diện đối nội lẫn đối ngoại. Ông Obama kế thừa một cuộc khủng hoảng kinh
tế tệ hại nhất kể từ năm 1929 và hai cuộc chiến dai dẳng nhất trong Lịch sử Hoa
Kỳ, ấy vậy mà người ta đã trông đợi ông tái lập trật tự và sáng tạo ra cách thức
mới để thúc đẩy chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ…
Thế
nhưng, ông Obama lại phải đối mặt với một khu vực Trung Đông nóng bỏng và hỗn
loạn, với những phần tử Hồi giáo, với một Vladimir Putin quyết tâm phục hồi lại
vị thế nước Nga trên trường quốc tế. Ông ấy chỉ mất có một năm thì đã hiểu rằng
thế giới này rất khắc nghiệt và các chọn lựa cho Hoa Kỳ rất hạn hẹp, đặc biệt
là những vấn đề liên quan đến quan hệ với Trung Đông và Nga. Để rồi cuối cùng
ông Obama đã trở nên trơ ì trước rủi ro. Đó mới chính là dấu ấn của toàn bộ
chính sách đối ngoại của ông.
Nhưng
ông Obama cũng làm thổi bùng niềm hy vọng với các bài diễn văn kêu gọi thay đổi
thế giới ?
Chắc
chắn rồi ! Chính quyền Obama luôn có những phát biểu vượt quá khả năng của
mình. Ví dụ như bài diễn văn Cairo đã vượt quá tất cả những gì mà ông ấy có thể
thực hiện. Ông ấy nói về việc ngừng xây dựng các khu định cư Do Thái và còn tỏ
ra quyết tâm đạt được một thỏa thuận trong một thời gian tương đối ngắn. Điều
đó đã cho thấy là không thể làm được. Ông ấy còn vạch ra lằn ranh đỏ không nên
vượt qua tại Syria…
Theo
ý tôi, những bài phát biểu hùng hồn đó chỉ là một phần của vấn đề. Câu hỏi mà tất
cả các nhà phân tích nghiêm túc nào cũng đang đặt ra đó là : Trách nhiệm của
ông Obama đến đâu về tình trạng hiện nay trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ
? Phải chăng là tình hình thế giới trong giai đoạn 2008-2016 ít nhạy cảm hơn với
các học thuyết quân sự và ngoại giao của Hoa Kỳ ?
Cá
nhân tôi, tôi thiên về giả thuyết thứ hai. Do bản chất các thách thức hiện nay,
tôi nghĩ thật là ảo tưởng khi cho rằng ông Obama hay vị tổng thống sắp tới có
thể tiến hành một chính sách mà tôi gọi là chính sách ngoại giao hào hùng hoặc
thậm chí tạo thuận lợi cho việc đưa ra các giải pháp. Không một vấn đề nào –
như vấn đề Putin, Ukraina, châu Âu, Iraq, Israel… có giải quyết được một cách
đơn giản. Điều tốt nhất mà một tổng thống có thể làm, đó là tìm cách tác động
lên những sự kiện một cách có lợi cho những lợi ích của Hoa Kỳ.
Ông
Obama có xứng đáng được trao giải Nobel Hòa bình hay không ?
Ông
ấy không tìm cách có mà cũng không hề muốn giải thưởng này. Châu Âu hiểu lệch lạc
chính sách đối ngoại của chúng tôi (nước Pháp, với tư cách là một cựu cường quốc,
lẽ ra phải ý thức được những bất cập và sự giả dối vốn dĩ là cố tật của mọi đại
cường) và đã trao cho ông ấy giải thưởng mà không hề có ý niệm gì về cái mà ông
Obama có thể thật sự hoàn thành. Họ trao cho ông ấy giải thưởng đó bởi vì họ
vui mừng ông George Bush ra đi. Đó là một món quà chào mừng.
Vậy
ông ấy có thể tự hào về những thành công nào ?
Tái
lập quan hệ với Cuba và thương thuyết hạt nhân với Iran có thể được xếp vào loại
« thành công bán phần », dù rằng cần phải có thời gian để đánh giá các tác động
của chúng. Đó là những tiến trình đang được thực hiện. Tôi nghĩ là thay đổi
chính sách đối với Cuba lẽ ra phải được tiến hành từ lâu. Liệu mọi việc sẽ diễn
ra như dự kiến hay không ? Đó là chuyện khác. Thỏa thuận với Iran đã làm chậm lại
việc sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng trong 6 năm nữa, phần lớn các lệnh cấm vận
sẽ được dỡ bỏ và vấn đề là phải chờ xem liệu vào lúc đó, Iran có tái khởi động
chương trình hạt nhân của mình hay không.
Thỏa
thuận về biến đổi khí hậu là một hồ sơ lớn. Nhưng trong hồ sơ này, tổng thống sắp
tới sẽ phải làm gì ? Ông Obama đã kịp thời ngăn cản một vụ tấn công khủng bố mới
tại Hoa Kỳ, điều đó cực kỳ quan trọng và nên đưa vào bản thành tích của ông. Có
thể là ông Obama đã chậm trễ đối phó với sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi
giáo, nhưng xét cho cùng, tôi nghĩ là chính sách của ông có lẽ sẽ thu được kết
quả tốt trong những tháng tới đây. Và rồi, đương nhiên, mục tiêu chiến lược của
ông là đưa Hoa Kỳ thoát khỏi hai cuộc chiến tranh tại Irak và Afghanistan không
hợp lòng dân và quá tốn kém mà Hoa Kỳ không tài nào thắng được. Rút quân khỏi
Irak là cần thiết cho dù kế hoạch này được thực hiện một cách lộn xộn không thể
tả được.
Thế
còn những sai lầm của ông Obama thì sao ?
Nếu
như quý vị so sánh hai bài diễn văn Cairo và Oslo (nhân lễ trao giải Nobel Hòa
Bình), được đọc vào năm 2009, cả hai bài diễn thuyết này trình bày hai quan niệm
khác nhau. Một bài mang tính chất lý tưởng, bài kia thể hiện rõ tính rất thực dụng.
Bởi vì chính bản thân ông Obama cũng bị phân tâm về những gì ông có thể hoàn
thành. Ông ấy muốn thực hiện cải cách nhưng không làm được. Về hồ sơ Cuba và
Iran, ông tỏ ra sẵn sàng chấp nhận rủi ro, vì đó là những tiến trình có thể kiểm
soát được. Điều này khá tế nhị, nhưng trước mặt ông là những đối tác dễ dàng tiếp
thu và mong muốn thương lượng.
Nhưng
khi cần phải chống lại một thế lực như nước Nga chẳng hạn, thì đấy lại là một
Obama khác. Nhiều người nghĩ rằng ông đã thực hiện một chính sách ngoại giao yếu
kém, không hiệu quả và rằng Hoa Kỳ không còn là một cường quốc thống trị nữa.
Nhưng riêng tôi, tôi nhìn thẳng vào thế giới hiện nay, vào những gì công luận
và Quốc hội Mỹ sẵn sàng làm, và tôi tự hỏi ông Obama thật sự có trong tay bao
nhiêu lựa chọn.
Tại
Syria, lẽ ra ông Obama đã phải hành động khác đi ? Rất nhiều người xem việc ông
từ chối can thiệp là một sự thoái lui.
Trước
hết, ông Obama lẽ ra không bao giờ nên đề cập đến lằn ranh đỏ nổi tiếng mà ông
không có ý định bắt Syria phải tuân thủ. Một vị tổng thống lẽ ra nên nói những
gì ông ấy có ý định làm và làm những gì ông nói. Phải chăng tôi cho rằng bằng
cách bắn vài quả tên lửa người ta có thể làm thay đổi một cách cơ bản thế cân bằng
lực lượng ? Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Trừ phi là Hoa Kỳ sẵn sàng chấp
thuận một nỗ lực chung bằng cách thực thi một chiến lược quân sự, có nghĩa là
phải triển khai các lực lượng Mỹ, huy động cộng đồng quốc tế và tiến hành một
cuộc chiến ủy nhiệm chống lại Iran vào lúc mà tổng thống đang thương lượng thỏa
thuận hạt nhân. Liệu điều đó có mang lại kết quả hay không ? Đó là một chuyện
khác. Vấn đề cần biết không phải là những gì ông lẽ ra phải làm, mà là những gì
ông có thể làm. Sau kinh nghiệm Afghanistan và Irak cay đắng, ông ấy không còn
hứng thú đối với kiểu can thiệp như thế nữa. Thế giới và Trung Đông hoàn toàn hỗn
loạn. Người ta không thể coi ông Obama như một nhà cải cách để rồi kết luận rằng
ông ấy đã thất bại, bởi vì ông ấy không thích mạo hiểm… Tất cả những điều đó,
theo tôi, là quan điểm của châu Âu mà thôi.
Nhưng
điều đó có nghĩa là để rộng đường cho ông Putin…
Ông
Putin đã ý thức được rằng Hoa Kỳ không chấp nhận hy sinh vì Ukraina. Syria thì
khác hẳn. Giả như chúng ta có những hành động đáp trả và hành động sớm hơn chống
lại chế độ Assad, liệu chúng ta có thể hạn chế được những tham vọng của ông
Putin hay không ? Ông Obama chưa sẵn sàng trả giá cho hành động can thiệp đó bởi
vì ông ấy sợ bị sa vào một vũng lầy khác nữa, và tôi cho rằng có lẽ không một tổng
thống nào muốn như vậy.
Ông
có quan ngại về mối đe dọa có thể từ phía Trung Quốc và Nga hay không ?
Liệu
tôi có e ngại một cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Nga hay không ? Không hẳn.
Tôi cũng không lo sợ Trung Quốc sẽ trở thành chủ nhân của thế giới. Trung Quốc
cũng giống như Nga, sẽ phải hứng chịu một loạt vấn đề. Tuy nhiên, họ sẽ tiếp tục
bảo vệ lợi ích của họ trong các lĩnh vực quan trọng như an ninh quốc gia và sự
phồn thịnh. Thỉnh thoảng, Bắc Kinh sẽ tự khẳng định vai trò của mình theo cách
có thể gây tổn hại đến lợi ích và giá trị của Hoa Kỳ. Nhưng cũng có lúc Trung
Quốc họ sẽ hợp tác với chúng tôi.
Thế
giới phức tạp hơn nhiều, có nhiều mối đe dọa nghiêm trọng, nhưng tôi không tin
là Hoa Kỳ yếu hơn trước đây. Theo tôi, nước Mỹ vẫn là cường quốc quan trọng nhất
trên thế giới, trong ngắn hạn, vẫn duy trì tốt nhất thế cân bằng kinh tế -
chính trị - quân sự. Ngược lại, điều làm tôi lo lắng chính là khi Hoa Kỳ được
xem như là một dạng cường quốc không thể thiếu, rằng các đồng minh luôn nhờ cậy
vào Hoa Kỳ để giải quyết mọi vấn đề của họ. Đối với tôi điều đó là hoàn toàn
không thực tiễn.
Hoa
Kỳ cũng có những vấn đề riêng của mình – hệ thống chính trị vận hành tồi tệ, nợ
công, cơ sở hạ tầng trong tình trạng tồi tệ…Tôi đã từng làm việc với nhiều bộ
trưởng trong suốt 25 năm qua và tôi có thể nói với quý vị thật là ảo tưởng nếu
nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ giải quyết hết mọi vấn đề.
Ông
Obama đã cố tỏ ra cứng rắn với Ả Rập Xê Út và Israel nhưng không mấy thành
công. Người Palestin và Israel không sẵn sàng, không muốn và không thể đưa ra
kiểu quyết định cho phép Hoa Kỳ đóng vai trò trung gian hiệu quả như Mỹ đã từng
làm trong quá khứ. Chính quyền Obama đã tiến hành nhiều cuộc tranh đấu mà họ
không thể thắng được, chẳng hạn như đòi Israel ngưng xây dựng các khu định cư
Do Thái. Thủ tướng Netanyahou là một đối tác rất khó.
Mối
quan hệ với Ả Rập Xê Út, từ 50 năm qua vốn dựa trên sự đổi chác – bên này cung
cấp dầu lửa, bên kia bảo đảm an ninh - đang bị lật nhào. Ả Rập Xê Út không có
cùng quan điểm với Hoa Kỳ về các vấn đề an ninh, họ căm ghét thỏa thuận với
Iran, họ nghĩ rằng nước Mỹ quá thận trọng về Syria… Họ đi theo hướng riêng của
họ, đó là điều không thể tránh khỏi.
Với
vụ Brexit, làn sóng tị nạn, khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa dân túy gia tăng,
châu Âu đang gặp khó khăn. Ông có lo lắng về những yếu kém của đồng minh lớn
này của Hoa Kỳ hay không ?
Đây
không phải là một đồng minh lớn, mà là 28 nước. Trên thực tế, Hoa Kỳ là đối tác
của một số quốc gia trong số này và cần phải xem xét từng trường hợp một. Châu
Âu vận hành không tốt. Tôi chưa bao giờ xem châu Âu như là một thực thể gắn bó
chặt chẽ, thậm chí bây giờ còn ít gắn bó hơn bao giờ hết. Những năm gần đây đã
làm lộ rõ những mâu thuẫn và các bất thường tồn tại trong lòng châu Âu và điều
đó đã làm cho Hoa Kỳ sáng mắt ra.
------------------------------------
No comments:
Post a Comment