Thursday, November 10, 2016

HÀN GẮN NƯỚC MỸ : "NHIỆM VỤ BẤT KHẢ THI" CỦA DONALD TRUMP ? (Thu Hằng - RFI)




Thu HằngRFI
Đăng ngày 09-11-2016

Cuộc bầu cử tổng thống và Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ tiếp tục là chủ đề chính trên các nhật báo Pháp phát hành sáng 09/11/2016, dù không kịp cập nhật kết quả. Nhà tỉ phú địa ốc Donald Trump, ứng viên đảng Cộng Hòa, trở thành chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

Bài xã luận của nhật báo Le Figaro cho rằng nhiệm vụ đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ là hàn gắn nước Mỹ. Ngày tổng tuyển cử 08/11 là bằng chứng mới nhất cho thấy một nước Mỹ đầy thương tích. Một nước Mỹ phải gột rửa hết bùn để tìm ra những vết thương và chữa trị chúng, mà tân tổng thống Mỹ phải đóng vai trò một bác sĩ quân y.

Sau chiến dịch tranh cử tổng thống, ngoài bạo lực và bùn lầy, còn là hình ảnh của một thất bại lớn. Chỉ thỏa mãn với những lời chỉ trích biếm họa, các chính trị gia, các cơ quan thông tấn, các nhà phân tích đã không nhận thấy chiếc máy ủi Trump lừ lừ tiến tới. Hay đúng hơn là họ đã không nhận thức được một dân tộc đang nổi giận đứng sau lưng người đàn ông quá khích, quàu quạu.

Tình trạng lộn xộn này đã che giấu một thực tế xã hội. Đằng sau những ngọn lửa giận dữ theo « khuynh hướng Trump » xuất hiện một nước Mỹ hoàn toàn khác. Một tầng lớp công nhân bình dân cam chịu và lo lắng đủ thứ : từ sự phồn thịnh đang đi xuống đến mở cửa biên giới, từ toàn cầu hóa đến đa văn hóa và tình trạng nhập cư ồ ạt. Tiếp theo là một cộng đồng người, chủ yếu là da trắng, sống tách biệt và tự khép mình trong nỗi ám ảnh bị hạ thấp và gạt ra ngoài lề.

Một nước Mỹ khác đã xuất hiện và thế giới soi mình vào tấm gương này. Giới tinh hoa dân chủ châu Âu đã vỡ mộng. Sau khi cười nhạo điều không tưởng, họ đã phải sửng sốt vì điều không thể. « Brexit » và sự trỗi dậy của các đảng phái phản hệ thống tại Lục Địa Già là những dấu hiệu tăm tối cho họ. Bài báo kết luận : cuối cùng, sự nổi giận của dân chúng Hoa Kỳ rất gần với các thế lực đòi hỏi thay đổi triệt để tại châu Âu.

Bẩy hồ sơ gai góc chờ tân tổng thống

Giống nhận định của bài xã luận trên Le Figaro, Libération cho rằng hàn gắn « những sứt mẻ căn bản và bất bình đẳng » là nhiệm vụ đầu tiên trong số «7 hồ sơ của tân tổng thống» được nhật báo liệt kê.

Hoa Kỳ bị chia rẽ sâu sắc kể từ thập niên 1970, đến mức ngày nay chỉ 0,1% người giầu Mỹ sở hữu khối tài sản tương đương với 90% tài sản của những người nghèo nhất. Tài sản trung bình của các gia đình Mỹ gốc da trắng cao hơn 13 lần so với các gia đình da đen. Tỉ lệ trẻ em da đen chết yểu cao gấp hai lần so với trẻ da trắng. Bất bình đẳng xã hội còn được thể hiện trong việc tách biệt về chỗ ở và trường học, thiếu phương tiện công cộng và vay tín dụng nhà đất…

Hồ sơ thứ hai là « Kinh tế ». Tám năm sau cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp bất động sản dưới chuẩn (subprimes), dường như nền kinh tế Mỹ phát triển tốt hơn, nhưng thật ra vẫn bấp bênh. Thêm vào đó là khối nợ công của Hoa Kỳ đang ở mức gần 20.000 tỉ đô la và sẽ chạm đến mức trần vào đầu năm 2017. Điều này báo hiệu các cuộc đàm phán khó khăn vào tháng Hai và chính phủ có nguy cơ thiếu tiền vào đầu tháng Ba. Nếu Nghị viện không đạt được thỏa hiệp, nền kinh tế Mỹ sẽ có thêm một khó khăn mới.

Tiếp theo, hệ thống bảo hiểm y tế (Affordable Care Act, ACA, hay Obamacare) là một trong những trọng tâm của chính quyền Obama, nhưng lại bị phe Cộng Hòa phản đối. Ngoài ra, tân chủ nhân Nhà Trắng còn phải đối mặt với tình trạng người chết vì dùng thuốc phiện quá liều, khoảng 80 người mỗi ngày và số tiền chi cho tiêu thụ ma túy hàng năm lên tới 75 tỉ đô la.

Hồ sơ thứ tư là chính sách « Nhập cư ». Đây là một trong những thất bại sâu cay của tổng thống Barack Obama. Vì quá tập trung vào cải cách hệ thống bảo hiểm y tế, ông đã lơ là vấn đề này, dù đã đưa lên hàng ưu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai. Giới chuyên gia cũng chia sẻ một quan điểm là phải có một thỏa thuận giữa hai phe để cải cách sâu rộng hệ thống nhập cư.

« Chính sách đối ngoại » là thách thức thứ năm, cùng với những hồ sơ gai góc như nội chiến ở Syria, cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Irak và Syria, sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương, sự can thiệp của Nga ở Đông Âu và Trung Đông và vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Theo nhận định của giới chuyên gia, mọi thay đổi chiến lược do Washington quyết định sẽ được các đồng minh và đối thủ của Mỹ nghiên cứu kỹ lưỡng, mà bắt đầu là Nga.

Libération nêu hai chủ đề cuối là « Biến đổi khí hậu » và vấn đề nhân sự ở « Tòa Án Tối Cao ».

Hoa Kỳ : Cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử

Trang nhất của nhật báo Le Monde là bức biếm họa của Plantu về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với câu hỏi lớn : « Ai sẽ chiến thắng ? » và bên cạnh là câu trả lời của đồng đô la : « Tôi ».
Đây cũng là nhận định của nhật báo Libération : « Cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử ». Chiến dịch vận động bầu cử tổng thống và Nghị Viện năm 2016 đánh bại mọi kỉ lục và tiêu tốn « gần 7 tỉ đô la ». Các nhà hảo tâm ngày càng giầu hơn tìm cách thu hút thiện chí của các ứng viên. Theo nhận định của Ian Vandewalker, luật sư tại Trung Tâm Vì Tư Pháp Brennan (Brennan Center for Justice) : « Một phần tư khoản tiền thu được đến từ các quyên góp có trị giá trên 100.000 đô la. Dù có rất nhiều các nhà hảo tâm nhỏ, tỉ lệ này chưa bao giờ cao đến như vậy ».

------------------------------------------

Đăng ngày 09-11-2016

Dư luận Mỹ, kể cả những người ủng hộ ông Donald Trump, đều đã rất bất ngờ trước chiến thắng của ứng cử viên Cộng Hòa, trái với kết quả thăm dò dư luận. Bà Hillary Clinton thất cử vì cử tri da màu đã không đi bỏ phiếu đông đảo, trong khi cử tri là người da trắng tầng lớp lao động ở các miền quê ồ ạt bỏ phiếu cho ông Trump. Vừa bất ngờ, đa số dân Mỹ vừa lo ngại cho tương lai, vì chưa biết các chính sách của ông Trump sẽ ra sao. Đó là nhận định của nhà báo Phạm Trần khi trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, 09/11/2016.    Nghe





No comments: