Nguyễn
Quang
Cập
nhật lần cuối 19/11/2016
Một
trong những khẩu hiệu bắt mắt nhất của « giấc mơ Mỹ », như mọi người
đều biết, là : tại Hoa Kỳ, đất nước của mọi vận hội, bất cứ ai cũng có cơ
may, kể cả cơ may trở thành tổng thống. Điển hình là anh kép già hạng nhì,
Ronald Reagan, thắng cử năm 1980, tái thắng cử năm 1984, mà ngày nay đa số người
Mỹ vẫn coi là một tổng thống “vĩ đại”. Nhưng hôm nay ? Cơ sự thế nào mà
cái ghế tổng thống thứ 45 của lịch sử Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ lại trở thành chỗ
ngồi của một tên Donald Trump mà cuộc vận động tranh cử 18 tháng ròng luôn luôn
ở dưới mức cống rãnh, một con người mà nhật báo New York Times đã
dùng những tính từ rất chính xác để mô tả : “dỏm, dối trá, khoe khoang,
lừa đảo, côn đồ, khinh thị phụ nữ, mị dân, cưỡng đoạt, sùng đạo mê muội, chán
như cơm nguội, vị kỷ ám thị, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính” ? Và thằng hề cuồng điên ấy sẽ nắm
mọi quyền bính – Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện, Toà án Tối cao – của cường
quốc số 1 trên thế giới ? Giấc mơ đã trở thành ác mộng. Để nhận định về
Trump, xin đọc bản “trích lục” và “cương lĩnh” (kèm theo) và chuẩn bị tình thần
để sống (ít nhất) bốn năm trần ai khổ ải sắp tới.
"Li"
Chúng Quốc Hoa Kỳ
Kể
từ cuộc thắng cử bất ngờ năm 1948 của Harry Truman, có lẽ đây là
« cú » to đùng nhất trong lịch sử bầu cử Hoa Kỳ. Ngoại trừ một vài
nhà tiên tri sáng suốt hiếm có như Michael Moore 1, chẳng ai chờ
đợi như vậy (kể cả người viết bài này). Hầu hết các media, các cơ quan thăm dò
dự luận, các nhà chính trị học thuộc đủ mọi khuynh hướng, cũng như các thị trường
tài chính đều coi xác suất Hillary Clinton thắng cử là 70% ; Đảng dân chủ
thậm chí còn hi vọng giành lại được đa số ở lưỡng viện Quốc hội. Vậy thì What
went wrong ? Sao lại có cái sự tréo cẳng ngỗng như vầy ? Một bên
là một « tay mơ » tranh cử dưới danh nghĩa Đảng cộng hoà, chưa bao giờ
giữ một vị trí dân cử, lại bị chính Đảng cộng hoà nửa chừng bỏ rơi vì ăn nói
quá bỗ bã, xằng bậy ; suốt ngày chửi rủa các dân tộc thiểu số trong nước
và các dân tộc khác (trừ nước Nga của Putin) ; doanh nhân thành đạt nhưng
dốt nát về kinh tế ; dốt nát về đủ mọi chuyện, như người ta thấy rõ trong
ba cuộc tranh luận truyền hình… Bên kia là một nữ chính khách dày dạn kinh nghiệm,
hai mươi năm phục vụ công quyền, hai lần làm thượng nghị sĩ bang New York,
nguyên Ngoại trưởng dưới thời Obama ; được sự ủng hộ của Đảng Dân chủ, với
những phương tiện tài chính và nhân sự gấp đôi đối thủ ; từ lâu đã nuôi
cao vọng trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Vậy mà kết quả
lại gây kinh ngạc như thế !
Tất
nhiên, có thể lập luận rằng về mặt chính trị Hillary là ứng viên tài năng nhất,
nhưng về mặt chính khách, thì có lẽ bà không phải là ứng viên tối ưu :
không hấp dẫn, thiếu cảm thông, bị dư luận (thật oan uổng) không ưa (- 70%). Rằng
tên côn đồ đối thủ liên tục khiêu chiến, kích thích đám đông hò la, nguyền rủa :
« Hillary thối nát ! », « Bỏ tù Hillary ! ». Rằng
Wikileaks tiếp tục du kích chiến phục thù bằng cách công bố thư tín điện tử mà
Hillary gửi đi từ hộp thư riêng, không qua kênh Bộ ngoại giao (rất có thể do cơ
quan tình báo Nga cung cấp). Rằng FBI bất ngờ tuyên bố mở lại cuộc điều tra về
hộp thư điện tử – mà trước đó FBI đã kết thúc – hai tuần trước ngày bầu cử, chắc
chắn quyết định vô lối này đã tác động vào diễn tiến cuộc tranh cử…
Hành
động của giám đốc FBI nêu ra một vấn đề then chốt. Hillary không thấm vào đâu
so với Donald về mặt những vụ xì căng đan tai tiếng. Nhật báo USA Today thống
kê trong vòng 30 năm có tới 3500 vụ kiện tụng (Donald Trump kiện người hay bị
người kiện), phần lớn liên quan tới làm ăn, nhưng có một số vụ có tính chất
chính trị nhạy cảm : kỳ thị chủng tộc (y đánh dấu C – colored, người da
màu – bên cạnh tên họ những người muốn thuê nhà) ; dùng người lao động
chui tại các công trường xây dựng (trong khi Trump hô hào trục xuất người nhập
cư trái phép) ; biển thủ tiền nong từ các Quỹ ; tuyên bố phá sản với
mục đích trốn thuế gần như trái phép (« Tôi chỉ lợi dụng các khả năng
pháp lý thôi », y không ngần ngại thừa nhận) ; dùng mưu mẹo
« tối ưu hoá thuế má » để không đóng một đồng xu thuế thu nhập trong
suốt hai mươi năm trời ; cương quyết không chịu công bố giấy tờ khai thuế
thu nhập, trong khi các ứng cử viên vẫn thường làm ; những vụ kiện
« Trường đại học Trump » (dạy sinh viên kinh doanh) vì tội lừa đảo ;
và cuối cùng là, một ngày sau băng hình Trump miệt thị phụ nữ (xem ngữ lục
đính kèm), những lời tố cáo « sờ soạng » của cả chục phụ nữ… Vậy
mà tất cả những điều tai tiếng ấy trôi tuột như nước đổ xuống lá khoai môn.
Ngay cả sau khi lời nói của D. Trump được đưa lên truyền hình (« cưa
gái bằng cách nắm l. »), tỉ số người ủng hộ vẫn không suy suyển một thập
phân. Tóm lại là cuộc tranh cử đối chọi hai phe, phe dân chủ được coi là đa số,
nhưng có phần lừng khừng, thậm chí hơi cà khịa đối với ứng cử viên của mình 2 , và một
phe cộng hoà nóng lòng phục thù 8 năm Obama, được « đun sôi » bởi « một
tên phát xít nguỵ trang thành thằng hề », « một tên đại bịp đầy hấp lực »
với những bài thuyết khách hết sức mị dân « làm chao đảo đám đông đến mức
như lên đồng tập thể » 3 .
Số
liệu thống kê xã hội – sắc tộc của Pew Researche Center sau cuộc
bỏ phiếu cho phép ta nhận dạng hai khối cử tri một cách khá chính xác. Trên 226
triệu cử tri tiềm thể, chỉ có 2/3 đăng ký vào danh sách, và khoảng 54% thực sự
đi bầu – tỉ số thấp nhất từ 2000 đến nay, mặc dù tính chất quan trọng của cuộc
tuyển cử. Đã bỏ phiếu cho Trump (số trong ngoặc là cho Clinton) : 47,5%
(47,7%) trên tổng số cử tri toàn quốc ; 58% (37%) cử tri da trắng ;
8,8% (87%) cử tri gốc Phi ; 29% (65%) gốc Châu Mỹ Latinh ; 40% (52%)
thuộc lứa tuổi dưới 44 ; 51% (45%) trên 45 tuổi ; 53% (41%) đàn
ông ; 49% (51%) đàn bà ; 45% (49%) có bằng cấp ; 51% (45%) không
bằng cấp ; 50% (46%) người thu nhập bình quân thấp và trung bình (từ 30
000 đến 50 000 USD/năm). Kết
hợp những con số với bản đồ (xem dưới) phân bố lá phiếu theo địa lý, ta có thể
kết luận là người ủng hộ tiêu biểu cho Trump là : đàn ông, da trắng, tuổi khá cao, sống ở
nông thôn, thu nhập và học vấn thấp. Nhưng số liệu thống kê cũng
mang lại vài điều đáng ngạc nhiên. Mặc dầu thái độ và những phát ngôn của Trump
sặc mùi kỳ thị giới tính, cử tri phụ nữ không dị ứng với y ; đó là điều
không mấy phấn khởi đối với Hillary (hay đúng hơn, với những nữ ứng viên sau
này) mong muốn đập vỡ « cái trần thuỷ tinh » ngăn chận phụ nữ lên làm
tổng thống. Tuy luôn mồm kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và đòi hỏi cứng rắn về nhập
cư, nhưng Trump được nhiều phiếu trong cử tri không da trắng hơn là những ứng cử
viên cộng hoà trước đó (như Mitt Romney). Và Clinton không đạt được tỉ số phiếu
như Obama trong giới này. Song điều đáng lo ngại nhất đối với Đảng Dân chủ là sự
bỏ rơi của giới « cổ cồn xanh » : phải chăng đảng của Franklin
D. Roosevelt không còn là chính đảng tự phong của white working class
(giai cấp lao động da trắng) ?
Nước
Mỹ « hoen rỉ »
Bây
giờ nhìn lại thì quả thật là hai năm rõ mười (lại càng thấy khâm phục tài tiên
tri của Michael Moore, (đọc lại chú thích 1). Kết cục cuộc tranh cử đã được định
đoạt trong đoạn đường thẳng cuối cùng giữa hai chiến lược đối nghịch. Trong hệ
thống bầu cử tổng thống Mỹ, người thắng cuộc không phải là người được nhiều phiếu
cử tri nhất (nếu thế thì Hillary đã trúng cử, vì tỉ số phiếu hơn 0,2% so với tỉ
số của đối thủ) mà dựa trên số phiếu của các « đại cử tri » (với con
số giới hạn là 270). Từ ít nhất sáu cuộc bầu cử tổng thống liên tiếp, phe Dân
chủ có chỗ dựa là « bức tường xanh » (Blue Wall) 18 bang với tổng
số 242 đại cử tri, phe Cộng hoà « bức tường đỏ » gồm 13 bang, với 158
đại cử tri. Đại để, một bên là nước Mỹ đại dương, tứ xứ chung chạ, của các
thành phố, của tuổi trẻ và các sắc tộc thiểu số ; bên kia là nước Mỹ của
nông thôn, thành phố nhỏ, da trắng hơn, và ngả về xu hướng tôn giáo toàn thống.
Từ mấy chục năm trở lại đây, sự thắng bại được định đoạt ở mấy bang bản lề (Swing
States) – trong đó có bang Florida năm 2000 đã nổi tiếng với cuộc thư hùng
Al Gore - George Bush Jr – là nơi hai đối thủ phải tập trung nỗ lực tranh thủ.
Phe Dân chủ nắm chắc phần thắng ở « tường thành xanh », nên nhắm 28
phiếu đại cử tri bằng cách tập trung tranh thủ các thiểu số sắc tộc. Phe đối
phương, cụ thể là Trump, đã đích thân tập trung nỗ lực vào giới « cổ cồn
xanh » của vùng Đại Hồ, nằm trên vòng cung đi từ Green Bay tới Pittsburg,
gồm 4 bang Michigan, Ohio, Pennsylvania và Wisconsin (tổng cộng 64 đại cử tri),
trước kia là « trái tim » của nước Mỹ công nghiệp nay đã trở thành
« vành đai hoen rỉ » (Rust Belt). Đó là vùng đất bị các cuộc
khủng hoảng kinh tế và « di dời nơi sản xuất » biến thành hoang địa,
là nơi mà khẩu hiệu “ Làm cho nước Mỹ trở lại thành vĩ đại ” đã đạt hiệu ứng tối
đa, cho cử tri vào túi Donald Trump. Mất đi vành đai Rust Belt, « tường thành xanh »
đã sập đổ lên đầu Hillary Clinton.
Phải
thừa nhận là, gian dối tới đâu chăng nữa, Trump đã biết bắt mạch « nước
Mỹ sâu thẳm », hay chính xác hơn, nước Mỹ của 44 triệu người sống dưới
ngưỡng nghèo khó, sống bằng « tem phiếu lương thực », không được
bảo hộ về xã hội và y tế, và một giai cấp trung gian đang bị « đục ruỗng
ở mép dưới ». Nguy cơ « xuống cấp » là bóng ma ám ảnh giấc
mơ Mỹ. Tuy thế, vào cuối nhiệm kỳ thứ nhì, Tổng thống Obama đã chẳng tự hào với
hao hụt công giảm đi một nửa, GDP tìm lại được mức trước khi nổ ra khủng hoảng subprimes,
tỉ lệ thất nghiệp xuống mức 5% đó sao ? Song đôi khi, số liệu kinh tế vĩ
mô mang lại cái nhìn biến dạng về thực tế. Thực tế chủ yếu là cỗ máy kinh tế vẫn
chạy cầm chừng : tăng trưởng bình quân « chỉ » ở mức 2,8% từ năm
2008 đến nay (năm nay 1,5%), tỉ số « ít việc » (sous-emploi)
là 9,7% tổng số lao động (gần giống tình hình châu Âu), nghĩa là có khoảng 10
triệu người Mỹ ngồi không nhưng không phải là thất nghiệp, hoặc biến mất khỏi
xã hội lao động ; còn những ngưởi giữ được mức sống trước khủng hoảng là
do họ phải làm thêm một « job » thứ nhì… Thành phần mà người ta gọi
là giai cấp trung lưu chỉ còn chiếm 50% dân số (cách đây 15 năm là 54%). Giấc
mơ Mỹ không những đã vuột ra khỏi tầm tay, mà còn mất đi tính thời sự, vì những
người « sống sót » trong giai cấp trung lưu thì tài sản của họ cũng
đã hao mòn sau những vụ đánh quả đầu cơ, không có hy vọng khôi phục vì thu nhập
lao động giảm đi, và quan trọng hơn cả, họ không nhìn thấy tương lai của mình
trong lứa con cháu. Trong khi đó, sau bao nhiệm kỳ hai đảng Dân chủ và Cộng hoà
luân phiên nhau cầm quyền, với đường lối liberal thả giàn, sự bất bình đẳng
trong xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng, 1% dân số giàu nhất từ nay tập trung trong tay 22% tài sản
toàn dân, nghĩa là ngang bằng tài sản của 90% dân số nghèo nhất, nghĩa là của hầu
hết xã hội 4 .
Tới
mức độ chênh lệch như vậy, có thể nói rằng « khế ước xã hội » gắn
kết các thành phần trong một xã hội dân chủ đã bị xé bỏ. Từ ngữ « đấu
tranh giai cấp » đã tái hiện một cách tự phát trong diễn ngôn, thí dụ như
của Bernie Sanders, ứng cử viên « tả khuynh » trong vòng đầu bỏ phiếu
của Đảng Dân chủ. Với khẩu hiệu « xã hội chủ nghĩa » (một cụm từ đồng
nghĩa với mạ lỵ ở Hoa Kỳ), ông già Sanders đã giành được 80% số phiếu của giới
trẻ dưởi 30 tuổi, và nghịch lý hơn nữa, trong cả cử tri siêu bảo thủ của hai
bang Kansas và Louisiana. Giới bảo thủ này luôn luôn nói tới « giai cấp xã
hội » và tán thành những ý tưởng của Sanders mà họ gọi một cách trìu mến
là « Bác Bernie » (xem chú thích 3). Đồng thời, tầng lớp nghèo khó
căm thù giới cầm quyền (gộp chung dưới danh từ establishment) đến tột
độ, coi giới này là nguyên nhân của mọi khổ đau của họ. Ta hãy nghe chứng từ của
Laurence Haïm, đặc phái viên đài phát thanh France Inter : « Không
tưởng tượng được những gì tôi thấy trong cuộc vận động tranh cử này (…) Trong
nước Mỹ sâu thẳm [các nhà báo] bị phỉ nhổ, có người gọi thẳng nhà báo chúng tôi
là những kẻ bất lương, bọn chúng tôi thối nát tất tật ». Chính trong bối cảnh ấy, tên mị
dân to mồm xuất hiện, bất cần phải trái, không đắn đo cân nhắc, hứa hẹn mở lại
các nhà máy, mang lại công ăn việc làm, và nhân phẩm cho họ, và chưa hết, còn sẽ
đét vào đít « bọn thượng lưu » chúng nó một trận. Họ phản ứng
ra sao ? Chẳng cần biết nhà ảo thuật sẽ làm trò gì, chẳng cần hiểu bằng
phép lạ nào mà một nhà tư bản thứ thiệt bỗng nhiên lại mủi lòng nghĩ tới những
người bất hạnh. Lý trí nhường chỗ cho cảm tính, điều mà tác giả A. R.
Hochschild (xem chú thích 3) gọi là « thâm sử », trong đó người ta
không để tâm tới sự kiện, bối cảnh, phán đoán đạo lý. Hầu hết các nhà quan sát
(kể cả người viết bài này) đã bé cái lầm, chính vì đã muốn tiếp cận theo lý
tính một cuộc bỏ phiếu không thuần lý chút nào.
Về
lí thuyết mà nói, phe tiến bộ lẽ ra có thể nắm lấy chủ đề bất bình đẳng xã hội
để thâm nhập các tầng lớp bình dân. Nhưng trong vòng bỏ phiếu sơ bộ, phe tả dân
chủ đã thua phiếu Clinton trung phái. Vả lại, sự thâm nhập ấy cũng sẽ trở thành
bất khả vì chiêu trò “bản sắc”, “căn cước Mỹ” mà Trump đã tung ra và lạm dụng
vô giới hạn (xem “ cương lĩnh ” của y). Strangers in their own
land (Xa lạ trên đất nước của chính mình). Nhà xã hội học A. R.
Hochschild đã đặt tên như vậy cho cuộc điều tra của mình (xem chú thích 3).“ Đó
là câu chuyện của sự uất hận. Cử tri phái hữu cực đoan đang phẫn nộ, vì những
lý do kinh tế, nhưng không chỉ có vậy. [Trên con đường thực hiện giấc mơ Mỹ]
như thể họ phải đứng sắp hàng mà đằng trước, đã có không biết bao nhiêu người đứng
chờ, và họ phải giậm chân tại chỗ, sau cả một cuộc đời làm lụng khổ nhọc. Lỗi
rõ ràng là tại Nhà nước đã thay đổi luật chơi, làm lợi cho những bọn kia. Bọn
đen, bọn đàn bà, bọn nhập cư… từ nay có quyền « ăn gian ». Họ nổi giận,
cảm thấy bị bỏ quên ». Phi lý tính, tất nhiên rồi. Người nhập cư nào có được
ưu quyền gì. Cướp công ăn việc làm của người da trắng nghèo không phải là người
nhập cư, mà là do quá trình tự động hoá, toàn cầu hoá, là sự chuyển dịch địa điểm
sản xuất sang các nước đang phát triển. Nhưng không thể thảo luận một cách thuần
lý nữa rồi, bởi vì nỗi lo sợ đã bắt nguồn từ lâu, theo nhà sử học Pap Ndiaye
(báo Libération, ngày 10.11.16) từ những năm 1960, « khi
dòng nhập cư từ Châu Mỹ La tinh, từ Châu Á, cũng như cuộc vận động chính trị của
« các nhóm bị đàn áp trong lịch sử », người da đen, phụ nữ, người đồng
tính… bắt đầu phản đối cái điều vẫn được coi là « bình thường » :
quyền bính dưới mọi dạng thức đều nẳm trong tay người đàn ông da trắng, từ những
năm 60 cho đến biểu tượng tuyệt đỉnh năm 2008 khi Obama thắng cử […] Khi Trump
hứa hẹn « mang sự vĩ đại trả lại cho nước Mỹ », thì thông điệp tiềm ẩn
trong đó là trở về nước Mỹ da trắng của thập niên 50, một nước Mỹ tôn ti trật tự,
dưới sự lãnh đạo của một tổng thống quyền y và nam nhi chí khí » (có lẽ
vì vậy mà Trump luôn mồm nói tới « balls » – « hai hòn » –
« balls » cuả bản thân y và của người khác, xem khung « ngữ lục »).
Hẳn
có người muốn coi sự đột xuất của Donald Trump đơn thuần là một hiện tượng bất
thường, tuy nguy hiểm, nhưng có thể sửa sai bằng nhiệm kỳ tới. Có điều là hiện
tượng ấy nằm trong làn sóng dân tộc chủ nghĩa đang trào lên ở khắp Châu Âu, từ
những nước Đông Âu cũ (Hungary, Ba Lan) cho đến những nước dân chủ cũ ở Tây Âu
(bán đảo Bắc Âu, Anh, Pháp), với dự phóng là xây dựng lại cộng đồng quốc gia
thuần nhất và khép kín, được biên giới vững chãi bảo vệ khỏi mối đe doạ của
« tính hiện đại », một cộng đồng hoài cổ mơ tưởng trở lại một quá khứ
đã được lý tưởng hoá. Chính Trump cũng viện dẫn cuộc Brexit, và không phải ngẫu
nhiên mà Mặt trận Quốc gia FN là chính đảng đầu tiên ở Pháp chào mừng thắng lợi
của Donald Trump, ngay trước khi có kết quả dứt điểm. Điều tra so sánh về cử
tri bỏ phiếu cho Trump, FN và Brexit cho thấy tuy không hoàn toàn đồng nhất,
chúng đều có chung một động cơ : bác bỏ toàn cầu hoá về kinh tế, từ chối luồng nhập cư và
chính sách đa văn hoá, ghét bỏ các giới thượng lưu (đặc biệt trong chính trị và
truyền thông), hoài tưởng quá khứ. Dưới đây là biểu đồ với những dữ kiện
xã hội – kinh tế cho phép so sánh ba khối cử tri đó :
So sánh cử tri bỏ phiếu
cho Trump (đỏ), cho đảng FN năm 2015 ở Pháp (đen), cho Brexit năm 2016 (xanh)
Cột 1 : theo lứa tuổi. Cột 2 : trình độ học vấn. Cột 3 : mức thu nhập.
Cột 1 : theo lứa tuổi. Cột 2 : trình độ học vấn. Cột 3 : mức thu nhập.
Trong
nội bộ nước Mỹ, cuộc vận động tranh cử và sự thắng cử của Donald Trump để lại một
đất nước rạn nứt làm hai. Một bên, ngôn từ kỳ thị chủng tộc và bài ngoại được
giải toả, dẫn tới lộng hành, thậm chí những cuộc hành hung. Và bên kia, có lẽ
đây là lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, tại các thành phố lớn, hàng ngàn người
xuống đường liên tiếp nhiều buổi tối để thét lên « Not my
President ! ». Bên ngoài, dòng chữ tự phát (và ngay sau đó, tự kiểm
duyệt) trong tweet của đại sứ Pháp đã nói lên sự choáng váng toàn cầu trước ẩn
số vừa ập tới : « Sau Brexit và cuộc tuyển cử này, mọi sự đều có thể
xảy ra. Một thế giới đang sụp đổ trước mắt chúng ta ». Sau bức tường
Berlin sập đổ và Liên Xô nổ sụm, đã có những lí thuyết gia lảm nhảm « lịch
sử kết thúc » khiến nhiều người tưởng rằng dân chủ là « chân trời
không-thể-vượt-qua » của các chính thể. Ngày hôm nay, người ta mới nhận ra
rằng, các chế độ dân chủ, cũng như các nền văn minh, đều có thể chết.
11.2016
Nguyễn
Quang
Kiến
Văn dịch từ nguyên tác tiếng Pháp
Ngữ lục :
1 Michael
Moore, http://www.huffingtonpost.fr/michael-moore/cinq-raisons-pour-lesquelles-trump-va-gagner/
2 Người ta
liên tưởng tới cuộc tranh cử tổng thống năm 2002 ở Pháp, khi Lionel Jospin bị
loại ngay vòng đầu.
3 Artie
Russell Hochschild & Thomas Frank, trả lời phỏng vấn của báo Pháp Monde ngày
03.11.2016, nhân dịp giới thiệu hai cuốn sách của mỗi người, « Strangers
in their Own Land » (nhà xuất bản The New Press, 2016), và « Pourquoi
les pauvres votent à droite ? » (Agone, 2013).
4 Về sự
chênh lệch giàu nghèo, nhất thiết phải đọc cuốn sách của Thomas Piketty, Chủ
nghĩa tư bản Thế kỉ XXI, mà chúng tôi đã giới thiệu trên Diễn Đàn.
(http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/doc-tu-ban-the-ky-xxi-cua-thomas-piketty)
(http://www.diendan.org/phe-binh-nghien-cuu/doc-tu-ban-the-ky-xxi-cua-thomas-piketty)
No comments:
Post a Comment