Wednesday, November 18, 2015

XHDS độc lập vẫn tiếp cận ACSC/APF 2015 và Thượng đỉnh ASEAN dù bị chính quyền VN "gạt ra" (Thái Hòa - VNTB)





Thái Hòa  -  VNTB

(VNTB) Các hội đoàn XHDS độc lập Việt Nam dù bị nhà nước tiếp tục sử dụng tổ chức XHDS quốc doanh để gạt XHDS độc lập ra khỏi Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, nhưng những động thái vừa qua liên quan đến tuyên bố chung của 20 tổ chức XHDS độc lập gửi đến ACSC/APF 2015, cũng như hoạt động của "Ủy ban cứu Người vượt biển" tại Diễn Đàn Người Dân ASEAN và Tuyên bố 2015 trước đó của Cộng đồng tổ chức XHDS ASEAN đã cho thấy, các tổ chức XHDS độc lập Việt Nam đang "mở rộng" cánh cửa hoạt động XHDS của mình.

Vào ngày 15/11/2015, 20 tổ chức XHDS độc lập tại Việt Nam đã gởi ra một Tuyên bố chung đến Hội nghị tương tác giữa ACSC/APF 2015 và Thượng đỉnh ASEAN (diễn ra từ ngày 16-20/11/2015 ở Kuala Lumpur - Maylaysia) cho biết, ba đại diện của Hà Nội (Liên minh các tổ chức hữu nghị Việt Nam gọi tắt là VUFO) tham gia Diễn đàn lần này chỉ là "tiếng nói của Đảng Cộng sản và không phải của người dân chứ không phải của xã hội dân sự." Và bản tuyên bố cũng kêu gọi "ACSC/APF hãy tìm kiếm các giải pháp sáng tạo như sự tham gia từ xa hoặc sắp xếp các cuộc họp bàn bạc an toàn."

Liên quan đến vấn đề này, trong thông cáo báo chí ngày 15/11/2015 do nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy soạn thảo, có dẫn lời kêu gọi của ông Phạm Bá Hải, một điều phối viên của Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Việt Nam tiếp tục lời kêu gọi về giải pháp nhằm đảm bảo cho các tổ chức XHDS độc lập Việt Nam hiện diện tại diễn đàn XHDS cấp khu vực.

"Chúng tôi kêu gọi ACSC / APF (Xã Hội Dân Sự/Diễn Đàn Người Dân ASEAN) để phát triển các công cụ hiệu quả để bảo đảm đại diện xã hội dân sự độc lập của chúng tôi tại diễn đàn này."

Trong khi đó, dù bị ngăn trở trong tiếp cận Diễn đàn người dân ASEAN lần này, nhưng theo trang tin Machsongonline cho biết, tiếng nói của XHDS độc lập Việt Nam vẫn đến được với hội nghị. Trong ngày đầu tiên, 6 người của tổ chức "Ủy ban cứu Người vượt biển" (BPSOS) đã phân phối bản tuyên bố chung của 20 tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam đến các thành phần tham gia hội nghị. Và cũng tại buổi họp mở đầu, hai nhà hoạt động XHDS người Campuchia, Myanmar đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về việc chính quyền ngăn chặn XHDS độc lập tham gia Hội Nghị quan trọng này của xã hội dân sự toàn vùng ASEAN, đồng thời nêu ra tình trạng tra tấn và các vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

Và việc chất vấn phái đoàn XHDS quốc doanh Việt Nam dự kiến sẽ được tiếp tục trong suốt 3 ngày diễn ra hội nghị tại Kuala Lumpur (Malaysia).

Đồng thời, phái đoàn của BPSOS tiếp tục mở chiến dịch “Not A GONGO” (Chúng Tôi Không Là Tổ Chức Quốc Doanh) để lên tiếng về tình trạng, chính quyền đứng đằng sau các tổ chức mang danh nghĩa tổ chức phi chính phủ. Đoàn BPSOS còn phát hành nhãn hiệu mầu vàng với dòng chữ “Not A GONGO” để gắn vào áo hoặc trên laptop. 

Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhấn mạnh rằng: “Sự vắng mặt của các tổ chức XHDS độc lập chính là tiếng nói dõng dạc về tình trạng bưng bít ở Việt Nam”.

Cần nhắc lại, Hội Nghị Xã Hội Dân Sự (XHDS)/Diễn Đàn Người Dân ASEAN (ACSC/APF) là nơi nhấn mạnh quyền làm chủ của con người, và tìm sự thúc đẩy xã hội dân sự nhằm đảm bảo quyền con người trong khu vực ASEAN. 

Trước đó, vào tháng 1/2015, trong tuyên bố 2015 của Cộng đồng tổ chức XHDS ASEAN với chủ đề "Cộng đồng ASEAN phục vụ người dân" đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng người dân ASEAN tiếp tục phải "tiếp tục gánh chịu các chế độ độc tài và quân phiệt, tình trạng quân sự hoá gia tăng, bạo lực và xung đột vũ trang, sự can thiệp ngoại lai phi pháp, sự thiếu các quyền tự do căn bản và các vi phạm nhân quyền, các tiến trình phi dân chủ, sự quản lý quốc gia kém và nạn tham nhũng, bất công trong phát triển, nạn kỳ thị, sự bất bình đẳng, và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan và tình trạng bất dung." 

Tuyên bố này cũng có nhắc đến những con số "đáng lo ngại" về sự hạn chế hoặc khước từ "quyền tự do ngôn luận và thông tin, tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng, hội họp ôn hoà, và lập hội, cả trong không gian trực tuyến và ngoài đời." Đồng thời cũng chỉ trích luật ở "một số quốc gia" đã khước từ quyền thành lập các tổ chức XHDS, các phong trào quần chúng, các định chế tôn giáo độc lập, các đảng chính trị, và các công đoàn tự do và độc lập.

*
ACSC / APF là Diễn đàn, Hội nghị giải quyết các vấn đề xung quanh hòa bình, công lý và nhân quyền, phát triển và dân chủ hóa trong ASEAN hướng tới việc đạt được hòa bình và phát triển bền vững.

---------------------

Xem thêm: 

Hội Nghị XHDS ASEAN: Phái đoàn Việt Nam bị chất vấn
Mạch Sống, ngày 17 tháng 11, 2015

Trong ngày đầu của Hội Nghị Xã Hội Dân Sự ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN, nhiều tổ chức xã hội dân sự trong vùng đã hưởng ứng lời kêu gọi của BPSOS và chất vấn phái đoàn do chính quyền Việt Nam gởi đến. Hội nghị này kéo dài 3 ngày và được tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Ngay từ sáng sớm, phái đoàn 6 người của BPSOS đã phân phối bản tuyên bố chung của 20 tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam đến các thành phần tham gia hội nghị. Bản tuyên bố này khẳng định:

“Không một tổ chức XHDS độc lập nào ở Việt Nam được thông tin về sự kiện XHDS quan trọng này. Chúng tôi chỉ biết qua nguồn tin không chính thức. [Các tổ chức XHDS quốc doanh] tiếp tục gạt chúng tôi ra khỏi các sinh hoạt của Diễn Đàn Người Dân ASEAN.”

Sáng sớm hôm qua, Cô Nguyễn Thị Ngọc Lụa đã bị chặn ở phi trường và bị tịch thu passport khi chuẩn bị đến Kuala Lumpur để tham gia hội nghị trong tư cách đại diện cho Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam.

“Hội chúng tôi đã sắp xếp cho Lụa bay sang Kuala Lumpur để dự Hội nghị và gióng lên tiếng nói của XHDS độc lập Việt Nam,” Cô Huỳnh Thục Vy, một phối hợp viên của Hội PNNQVN, cho biết.

Ngay tại buổi họp mở đầu, hai nhà hoạt động XHDS người Campuchia đã chất vấn phái đoàn Việt Nam về việc chính quyền ngăn chặn XHDS độc lập tham gia Hội Nghị quan trọng này của xã hội dân sự toàn vùng ASEAN. Họ còn nêu tình trạng tra tấn và các vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam.

“Phái đoàn Việt Nam đã thoái thác không trả lời”, Ông Ian Stuart, Giám Đốc về Phát Triển XHDS của BPSOS, cho biết từ Kuala Lumpur.

Ông dẫn đầu phái đoàn của BPSOS đến từ Thái Lan, Malaysia, Anh Quốc và Hoa Kỳ, tổng cộng 6 người.

Vào buổi chiều, các vấn đề kể trên lại được tiếp tục nêu lên với phái đoàn Việt Nam, lần này bởi một tổ chức XHDS Miến Điện.

Để tạo ý thức cho mọi người hiện diện về thực chất của các tổ chức quốc doanh mà chính quyền Việt Nam gởi đến Hội Nghị XHDS ASEAN, phái đoàn của BPSOS đã mở lại chiến dịch “Not A GONGO”, nghĩa là “Chúng Tôi Không Là Tổ Chức Quốc Doanh”. GONGO là viết tắt của chữ government-organized NGO, là các tổ chức phi chính phủ trên danh nghĩa nhưng kỳ thực là do chính quyền tổ chức, dàn dựng lên.

Trong chiến dịch này những ai biểu đồng tình thì đeo nhãn hiệu mầu vàng với dòng chữ “Not A GONGO” vào áo hay gắn nó trên máy laptop. Đồng thời họ có thể chuyển cho nhau qua facebook hay twitter. Thậm chí tại một buổi họp bên lề, các người tham gia quyết định chỉ cho dự họp những ai đeo bảng chữ "Not A GONGO" mà BPSOS phân phối.

BPSOS bắt đầu chiến dịch này tại Hội Nghị XHDS ASEAN và Diễn Đàn Người Dân ASEAN tổ chức vào tháng 4 vừa qua cũng ở Kuala Lumpur và được sự hưởng ứng nồng nhiệt của các thành phần tham dự.

Phái đoàn BPSOS tại Hội Nghị XHDS ASEAN tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia vào tháng 4, 2015

“Chúng tôi muốn chỉ ra cho mọi người thấy rằng chỉ có các tổ chức quốc doanh mới được nhà nước cho phép rời khỏi Việt Nam để tham gia diễn đàn quan trọng này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, giải thích. “Sự có mặt của họ ở diễn đàn tự động chỉ ra cho mọi ngưởi biết rằng họ là chính là thành phần quốc doanh.”

BPSOS đã tham gia diễn đàn hàng năm này từ năm 2009 trong tư thế một tổ chức XHDS toàn khu vực. Năm nay, vì quốc gia chủ nhà là Malaysia, nơi chương trình chống buôn người của BPSOS đã hoạt động từ năm 2008, một số thành viên của BPSOS được mời vào ban tổ chức diễn đàn.

Trong vai trò là thành phần của ban tổ chức, BPSOS đã giới thiệu nhiều tổ chức XHDS độc lập ở Việt Nam với diễn đàn vào tháng 4 vừa qua. Các người đã phát biểu tại diễn đàn này gồm có: LM Phan Văn Lợi đại diện Nhóm Linh Mục Nguyễn Kim Điền, Cô Huỳnh Thục Vy đại diện Hội PNNQVN, anh Huỳnh Trọng Hiếu đại diện Tổ Chức Bảo Vệ Tôn Giáo và Sắc Tộc , Giáo Sư Dharma đại diện dân tộc Chăm, Cô Lucia Phan và anh Lê Thanh Lâm đại diện Hiệp Hội Giáo Dân Cồn Dầu.

Lần nữa BPSOS tạo cơ hội cho các tổ chức XHDS ở trong nước lên tiếng tại diễn đàn đang diễn ra ở Kuala Lumpur bằng cách phân phối các tuyên bố và phát biểu của họ đến tất cả thành viên tham dự.

“Sự vắng mặt của các tổ chức XHDS độc lập chính là tiếng nói dõng dạc về tình trạng bưng bít ở Việt Nam”, Ts. Thắng nói.

Bài liên quan:


Ngày mới cho xã hội dân sự Việt Nam








No comments: