Người Việt
Saturday, November 7, 2015 2:47:58 PM
HÀ
NỘI (NV) - Các đại biểu Quốc Hội Việt Nam chỉ than vắn, thở dài chứ không
tìm ra giải pháp nào khả thi để giải quyết tình trạng bội chi càng lúc càng cao
và nợ nần càng ngày càng lớn.
Mới đây, một số đại biểu Quốc Hội Việt Nam than rằng,
sau khi xem xét các tài liệu về ngân sách, do tài chính quá eo hẹp, họ không biết
sẽ cắt của ai để chia cho ai!
Ông Trần Văn, phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính và Ngân
Sách của Quốc Hội Việt Nam cho biết, thu-chi ngân sách mất cân đối từ năm 2011.
Năm 2011, ngân sách bội chi 112,000 tỷ đồng, đến năm 2015 bội chi đã tăng lên
226,000 tỷ đồng. Khoản này chưa tính đến nguồn tiền từ bán trái phiếu và giải
ngân ODA.
Nợ nần của Việt Nam cũng tăng rất nhanh, từ 1.3 triệu
tỷ đồng vào năm 2011 lên 2.7 triệu tỷ đồng trong năm nay. Trung bình, mỗi năm,
nợ nần của Việt Nam tăng thêm 20%.
Đáng lưu ý là từ năm 2013 đến nay, chính quyền Việt
Nam không thể tìm đủ nguồn thu để trả các khoản lãi và các khoản nợ gốc đã đến
hạn phải thanh toán. Cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam phải vay nợ mới để trả một
phần nợ cũ.
Ông Văn cảnh báo, nếu năm 2013, lần đầu tiên Việt
Nam phải vay 40,000 tỷ đồng để trả nợ cũ thì đến năm 2015 con số này đã lên tới
125,000 tỷ đồng. Bởi mất cân đối về thu chi, chính quyền Việt Nam phải tìm mọi
cách để cân bằng, ngoài việc phải vay nợ mới trả nợ cũ, vay ngoại quốc để trả nợ
trong nước, nay chính quyền Việt Nam đang phải bán cả những tài sản đang sinh lời,
thu cả cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước để “cân đối ngân sách.”
Phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của Quốc
Hội Việt Nam nhấn mạnh, an ninh tài chính quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào việc
“cân đối ngân sách.” Để thực hiện được điều này, ông Văn đề nghị thay vì cho
phép tăng theo GDP thì phải ấn định mức bội chi của ngân sách trong ba năm tới
không được vượt quá 254,000 tỷ đồng/năm, rồi từ đó giảm dần mức độ bội chi. Ông
Văn cũng đề nghị “đóng băng” biên chế (không tuyển thêm công chức) trong ba năm
để đánh giá lại công việc của công chức, sau đó mạnh tay cắt giảm biên chế
trong những năm kế tiếp. Ông Văn đề nghị thêm là ngưng hoàn toàn việc xây dựng
các công trình không cần thiết, không thật sự phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã
hội.
Theo phó chủ nhiệm Ủy Ban Tài Chính và Ngân Sách của
Quốc Hội Việt Nam, nếu không tự giác thắt lưng buộc bụng thì sẽ tới lúc, Việt
Nam bị các định chế tài chính nước ngoài buộc phải thắt lưng buộc bụng (vỡ nợ
và phải thực hiện các yêu cầu của chủ nợ).
Dẫu Luật Quản Lý Nợ Công của Việt Nam không cho phép
phát hành trái phiếu quốc tế để lấy tiền trả các khoản vay trong nước nhưng vì
tình thế ngặt nghèo như vừa kể, gần như chắc chắn tại kỳ họp lần này, Quốc Hội
Việt Nam sẽ nới lỏng cơ chế cho phép vay vốn bằng trái phiếu (phát hành lượng
trái phiếu trị giá ba tỷ Mỹ kim trên thị trường quốc tế vào năm 2017 để “tái cơ
cấu các khoản nợ” - cách gọi việc vay nợ mới trả nợ cũ), vừa cho phép bán trái
phiếu ngắn hạn.
Trong khi các viên chức chính phủ Việt Nam cố gắng
trấn an các đại biểu Quốc Hội Việt Nam rằng, việc phát hành lượng trái phiếu trị
giá ba tỷ Mỹ kim trên thị trường quốc tế để “tái cơ cấu các khoản nợ” không làm
tổng nợ ngoại quốc của Việt Nam cao hơn hiện nay thì một số chuyên gia kinh tế
cho rằng, phương thức này hết sức nguy hiểm.
Về ngắn hạn, vay Mỹ kim của ngoại quốc dường như rẻ
hơn nhiều so với vay trong nước bằng tiền đồng bởi lãi thấp hơn nhưng về trung
hạn và dài hạn, có một lý do khiến các khoản vay ngoại quốc tạo ra áp lực lớn đối
với tài chính quốc gia và trở thành một gánh nặng thường trực cho Việt Nam.
Chẳng hạn, lãi suất của việc vay trong nước thông
qua phát hành trái phiếu dẫu cao hơn nhưng lạm phát sẽ làm khoản nợ nhỏ lại. Nếu
chưa trả được nợ vay trong nước, chính quyền Việt Nam dễ dàng phát hành trái
phiếu mới lúc trái phiếu cũ đáo hạn. Việc tìm đầu ra cho trái phiếu phát hành
trong nước không quá khó khăn.
Vay ngoại quốc thông qua phát hành trái phiếu không
được như vậy. Cũng vì vậy, một số chuyên gia kinh tế thắc mắc, tại sao Bộ Tài
Chính Việt Nam lại không nhớ đến chuyện những khoản vay ngoại quốc của các tập
đoàn nhà nước đã gây khó khăn như thế nào cho kinh tế, tài chính Việt Nam khi
đáo hạn mà không trả được. (G.Đ)
--------------------------------
Bài
liên quan
No comments:
Post a Comment