Monday, November 16, 2015

Ước mơ dân chủ (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, November 14, 2015 2:13:07 PM 

Ở một phòng bỏ phiếu trong một cửa tiệm bỏ trống, trông ra đường phố ở ngay trung tâm của thành phố lớn nhất Miến Điện, thành phố Yangon, người ta đang kiểm phiếu trong cuộc bầu cử thực sự đầu tiên từ năm 1990. Nhân viên kiểm phiếu lượm một lá phiếu màu vàng, giơ ra cho các quan sát viên xem. Bà cho thấy là nó đã được đánh vào chỗ có dấu hiệu của một đảng, con chim công đang đá của đảng Nghị Hội Quốc Gia vì Dân chủ (National League for Democracy-NLD), đảng đối lập chính.

Lá phiếu được bỏ vào một cái rổ plastic và lá phiếu được đếm trên một tấm bảng bởi một ông tay cầm cây bút felt-tip. Ông ta vẽ một cạnh của một hình vuông. Với thêm phiếu được kiểm, ông thêm các cạnh khác và một gạch chéo để chỉ 5 lá phiếu trước khi đi sang một cái hộp mới. Đến cuối tấm bảng của ông đảng NLD có 62 hộp và đảng cầm quyền Liên Minh Đoàn Kết và Phát Triển (Union for Solidarity and Development -USDP) được sáu hộp.

Quang cảnh này làm tôi nhớ lại một cuộc bầu cử khác hồi năm 1998 ở Cambodia. Hồi đó, là một trong số vài trăm phóng viên ngoại quốc đổ về thủ đô Phnom Penh của Cambodia để chứng kiến cuộc bầu cử cuối cùng dưới sự bảo trợ của Cơ Quan Hành Chánh chuyển tiếp của Liên Hiệp Quốc cho Cambodia-UNTAC.

Mặc dầu ký ức về cuộc bầu cử tự do thực sự cuối cùng hồi năm 1991 đã bắt đầu phai nhạt, người dân Cambodia, một lần nữa có một hy vọng mong manh tìm được một chính quyền dân chủ, đã hăng say đi bỏ phiếu. Từ 5 giờ sáng, tôi đã theo chân một phái đoàn quan sát của Úc do một thượng nghị sĩ cầm đầu tìm đến một trường học nơi có phòng bỏ phiếu. Chúng tôi đến nơi thì dân chúng đã sắp hàng chực sẵn không biết tự bao giờ. Đến 7 giờ sáng, phòng phiếu mở cửa, dân chúng bình tĩnh đi vào bỏ phiếu rồi đi ra. Thấy chúng tôi mang thẻ nhà báo và thẻ quan sát viên Liên Hiệp Quốc, một số người giơ ngón tay có nhúng mực tím để khoe họ đã bỏ phiếu.

Suốt ngày hôm đó, phái đoàn Úc tận tâm đi thăm từng phòng phiếu trong khu vực mà họ chịu trách nhiệm. Ở những nơi đó cuộc bỏ phiếu xảy ra đứng đắn không có gian lận. Nhưng khi về khách sạn, tin tức bắt đầu loan truyền về gian lận bầu cử lớn ở các tỉnh. Ở nhiều nơi đảng Nhân dân Cambodia -CPP của ông Hun Sen đã công khai mua phiếu. Ở những nơi khác họ cũng công khai uy hiếp dân chúng bỏ phiếu cho đảng.

Dĩ nhiên những nơi đó không có quan sát viên ngoại quốc. Ngay trong thủ đô Phnom Penh, khi tôi bỏ không theo phái đoàn Úc, đi đến một địa điểm bầu phiếu khác không có sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế, tình hình khác hẳn. Khi tôi tìm đến một địa điểm như vậy, một thanh niên Cambodia, thấy thẻ nhà báo của chúng tôi, đã giắt tay tôi và ra dấu bảo theo anh. Cảnh một người của đảng CPP ngang nhiên đổ một đống phiếu mang màu của đảng vào thùng phiếu thật khó tin nhưng có thật. Anh bạn trẻ Cambodia hỏi tôi “Quan sát viên Liên Hiệp Quốc đâu rồi? Tại sao họ không có mặt ở đây?” Tôi không biết trả lời cho anh như thế nào bởi tôi biết là các quan sát viên cũng đang bị rơi vào hiện tượng thấm mệt. Một số sinh viên trẻ được Liên Hiệp Âu Châu tuyển từ các trường đại học ở Âu Châu, nào có thiết gì đến dân chủ cho một đất nước xa xôi. Họ thích ở lại khách sạn năm sao, nằm phơi nắng bên hồ bơi hơn là đi kiểm soát bỏ phiếu.

Nhưng phải nói tôi thán phục sự ao ước dân chủ của người dân Cambodia. Xin nhắc lại cuộc bầu cử này xảy ra sau cuộc bầu cử năm 1991 khi đảng bảo hoàng FUNCINPEC của Hoàng Tử Ranariddh thắng cử nhưng ông Hun Sen, vốn đã cởi áo Khmer Đỏ sau khi được Việt Nam đưa về cầm quyền, nhất định không chịu thua. Ông Hun Sen đe dọa sử dụng vũ lực nếu bị tước đoạt chính quyền dầu ông thất cử. Sau cùng, UNTAC, trong một cố gắng hòa giải, với sự đốc thúc của Vua Sihanouk, đã đưa ra giải pháp chính phủ liên hiệp với hai đồng thủ tướng.

Ngay cả lúc đó cũng không ai tin là giải pháp tạm bợ chính phủ hai đầu đó có thể thành công. Chả mấy lâu sau, tình hình bắt đầu suy thoái. Ông Hun Sen từ chối không chịu chia quyền cho Hoàng Tử Ranariddh. Những thỏa thuận như chia một nửa số chức vụ địa phương cho FUNCIPEC đã bị ông Hun Sen lờ đi. Tình hình càng ngày càng rối loạn. Trong tình hình rối ren đó, ông Hun Sen thừa nước đục thả câu. Vào cuối tuần 5 và 6 tháng 7 năm 1997, ông Hun Sen đảo chánh lật đổ chính quyền, phá tan lực lượng an ninh của FUNCINPEC, thủ tiêu những thành viên quan trọng nhất là những chỉ huy quân sự của phe Bảo Hoàng và sau cùng khiến Hoàng Tử Ranaridhh phải đi lưu vong.

Thế nhưng, sau khi cộng đồng quốc tế lần đầu tiên đoàn kết chống lại ông Hun Sen, tư cách hội viên Liên Hiệp Quốc của Cambodia bị ngưng, đơn xin gia nhập Hiệp Hội các Quốc Gia Đông Nam Á của Cambodia không được cứu xét, và nhất là viện trợ bị siết chặt, ông Hun Sen đồng ý cho tổ chức cuộc bầu cử vào năm 1998.

Và một lần nữa người dân Cambodia hy vọng. Lần này, ngoài FUNCINPEC VÀ CPP còn có đảng của ông Sam Rainsy. Cuộc vận động tranh cử đã lôi cuốn được đông đảo dân chúng. Những cuộc meeting của FUNCINPEC và đảng Sam Rainsy được dân chúng hưởng ứng nồng nhiệt.

Cuộc bầu cử vào ngày 26 tháng 7 năm 1998 đã trở thành một ngày mà một lần nữa nhân dân Khmer cương quyết chứng tỏ là họ muốn dân chủ. Ủy Ban Bầu Cử Quốc Gia NEC tuyên bố là 93.74% cử tri đi bầu. Con số này cho thấy, mặc dầu bị đe dọa và mặc dầu những vấn đề trước ngày bầu cử, cử tri đã cương quyết để tiếng nói của mình được xác định.

Nhưng cả cộng đồng quốc tế lẫn nhân dân Cambodia đã bị mắc lừa. Cơ quan bầu cử NEC, dưới sự điều khiển của ông Hun Sen đã đổi công thức đếm phiếu với kết quả là đảng CPP có 64 ghế so với FUNCINPEC có 43 ghế và Sam Rainsy 15 ghế. Theo công thức được thỏa thuận trước bầu cử thì CPP chỉ có 59 ghế, 44 ghế cho FUNCINPEC và 18 ghế cho Sam Rainsy, tức là phải có chính phủ liên hiệp.

Với cộng đồng quốc tế qua tuyên bố của ông Sven Linder, chỉ 32 giờ sau cuộc bầu cử, công nhận “cuộc bầu cử là tự do và công bằng,” những nhà báo quốc tế, chứng kiến sự gian lận và thủ đoạn của ông Hun Sen tức giận nhưng không làm gì được, ông Hun Sen đã lên nắm quyền và từ đó Cambodia không còn có một hy vọng nào có bầu cử tự do và dân chủ nữa.
Nhưng không phải dân tộc nào cũng xấu số như dân tộc Khmer. Ở Indonesia, sau khi chính quyền độc tài quân phiệt của ông Suharto bị lật đổ, tình hình vô cùng rối ren, nhất là sau khi chính phủ chuyển tiếp của ông Habibie bị bất tín nhiệm. Cuộc bầu cử tháng 6 năm 1999 đảng của bà Megawati PDI-P đạt đa số nhưng các đảng khác họp nhau lại chống bà và đưa ông Abdurahman Wahid lên làm tổng thống.

Tình hình đã rối loạn còn ồn ào hơn nữa, ủng hộ viên của bà Megawati xuống đường đòi bà phải được trao quyền, trong khi quân đội vẫn còn có tham vọng nắm quyền. Trong tình trạng đó, ông Wahid, một lãnh tụ của một tổ chức quần chung Hồi giáo lớn nhất nước, đã dùng sự khôn khéo của mình, điều đình để cho bà Megawati trở thành phó tổng thống. Sau đó ông thuyết phục bà Megawati, vốn lúc đó đã muốn bỏ cuộc, ra ứng cử phó tổng thống và bà đã thắng đối thủ là ông Hamzah Haz của đảng PPP.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi thấy cái lối kiểm phiếu tay thô sơ như ở Miến Điện. Cuộc bầu cử ở viện MPR cũng hết sức căng thẳng. Mỗi lá phiếu được loan báo công khai khiến mọi người hồi hộp. Ai cũng biết là nếu bà Megawati không thắng thì sẽ lại có loạn. Nhưng sự thu xếp của ông Wahid ổn thỏa và một chính quyền dân chủ ở một mức độ nào đó ra đời trước sự nghi ngờ của toàn thế giới. Báo chí ngoại quốc tiên đoán là Indonesia, không còn sự chế ngự của một chế độ độc tài, sẽ tan rã thành nhiều mảnh.

Nhưng họ đã không hiểu ao ước dân chủ của người dân Indonesia. Và họ cũng không hiểu sự khôn ngoan của ông Wahid. Tuy chỉ cầm quyền được có từ năm 1999 đến 2001 và sau cùng bị Quốc Hội cách chức nhưng trong giai đoạn ngắn ngủi đó ông đã bắt đầu được tiến trình đưa Indonesia ra khỏi chế độ cũ. Ông bắt đầu để điều đình với Mặt Trận Aceh Tự Do và tiến tới việc giải quyết cuộc nổi dậy ở Aceh. Ông cũng mở cửa cho người gốc Hoa ở Indonesia được những quyền như người Malay. Và hơn hết, như ông Greg Barton đã gọi, ông là một nhà dân chủ Hồi Giáo. Sau ông, Tổng Thống Susilo Bambang Yudhoyono, một ông tướng cởi áo lên cầm quyền trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên, và từ đó nền dân chủ Indonesia bắt rễ.

Miến Điện cũng là một quốc gia khác nữa mà ao ước dân chủ tuy bị chà đạp trong hơn nửa thế kỷ cầm quyền của chính quyền quân phiệt vẫn không bao giờ biến mất. Tôi còn nhớ hồi năm 1997 khi tôi đến Miến Điện, con đường đi từ phi trường về trung tâm thành phố Yangon, lúc đó là thủ đô, đi qua các trường đại học đóng cửa im ỉm, cây cỏ rêu phong. Con đường đi vào nhà bà Suu Kyi bị quân đội kéo rào kẽm gai phong tỏa, bên ngoài hai cái xe tăng đứng canh.

Ấy vậy mà anh bạn sinh viên trẻ mà tôi được giới thiệu vẫn còn đủ bình tĩnh để nói đùa “Mấy ông tướng sợ một người đàn bà không một tấc sắt trong tay hơn là sợ tất cả các đạo quân khác.” Anh ta cũng buồn rầu bảo tôi là “thế hệ chúng tôi chắc là thất học mất vì họ (các ông tướng) cứ động một cái là đóng cửa viện đại học.”

Rồi sau đó, cuộc cách mạng áo vàng thất bại, những người thương Miến Điện nhất cũng phải lắc đầu nghĩ là không thể bao giờ có dân chủ ở đất nước đó. Nhưng những thanh niên như anh bạn trẻ tôi gặp cũng như lãnh tụ tinh thần của họ, bà Aung San Suu Kyi, không chịu từ bỏ ước mơ dân chủ.

Và rồi “phép lạ” xảy ra. Các ông tướng, bị Trung Cộng chèn ép quá, đã viết ra một bản hiến pháp để bảo đảm là họ không thể bị đẩy ra khỏi vị thế quyền lực, rồi mở cửa. Cuộc bầu cử năm năm trước là một trò hề, nhưng nó đã giúp đưa ông Thein Sein lên làm tổng thống, đại diện cho nhóm chủ trương cởi mở trong quân đội. Ông Thein Sein thả tù chính trị, trả tự do cho bà Suu Kyi, và rồi trong một cuộc bầu bổ túc, bà Suu Kyi trở thành dân biểu. Rồi cuộc bầu cử hôm chủ nhật 8 tháng 11. Tương lai sẽ còn nhiều khó khăn, nhưng có vẻ như dân tộc Miến đã có được một hy vọng. Và hy vọng đó chính là nhờ họ hiểu là dân chủ không phải là một phép lạ mà là một cố gắng phi thường.







No comments: