Lãng
07/11/2015
Ngày
05/11/2015, Chủ tịch kiêm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc sang thăm Việt
nam, chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo cao nhất Trung Quốc sau 10 năm tính từ
chuyến thăm trước đó của người tiền nhiệm ông ta là ông Hồ Cẩm Đào. Là một nước
có truyền thống bá quyền hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc luôn chú ý đến bộ mặt
và từng cử chỉ ngoại giao, họ coi việc các lãnh đạo láng giềng đến thăm hàng
năm là một điều đương nhiên, giống như chư hầu vào chầu Thiên Tử, còn việc
Thiên Tử đến thăm chư hầu thì rất hãn hữu và luôn được coi là một chuyến tuần
thú để úy lạo chư hầu.
Thế
giới đã bước sang thế kỷ 21, nhưng lối nghĩ bá quyền của Trung Quốc không thay
đổi. Vì thế mà trong 10 năm từ 2005 - 2015, có rất nhiều chuyến thăm viếng của
các đời Tổng Bí Thư Việt Nam tới Trung Quốc, nhưng số lần ngược lại thì đến giờ
mới là chuyến đầu tiên. Bằng việc tước quyền đối đẳng trong quan hệ ngoại giao,
Việt Nam tự biến thành một dạng chư hầu kéo dài dù lịch sử nhân loại đã sang
trang. Khoan hãy nói về vấn đề quốc thể, hãy xét về mặt lợi ích sống còn quốc
gia xem điều đó cuối cùng sẽ dẫn đất nước đi đến đâu?
Việc
ông Tập đến Việt Nam ở thời điểm này không phải là điều ngẫu nhiên. Quan hệ
song phương Việt Nam - Trung Quốc đã xuống thấp nhất kể từ giữa năm 2014, khi
Trung Quốc đưa giàn khoan HaiYan 981 vào hoạt động sâu trong thềm lục địa Việt
Nam. Tiếp đó, việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo với diện tích hàng trăm
nghìn hecta tại khu vực Trường Sa càng khiến lợi ích quốc gia của Việt Nam bị đặt
vào sự đe dọa sống còn. Nền kinh tế suy thoái kéo dài suốt từ năm 2007 đến năm
2014 khiến áp lực dân chúng đối với chính quyền ngày một gay gắt. Để tìm lối
thoát, Đảng Cộng Sản Việt Nam quay sang Mỹ và phương Tây. Điều may mắn là thời
điểm này trùng khít với chiến lược xoay trục của nước Mỹ sang Á Châu. Nhiều yếu
tố hội tụ đã dẫn tới chuyến thăm lịch sử của ông Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu
ĐCS Việt Nam sang Hoa Kỳ vào 06/07/2015. Dù thể chế chính trị rất khác nhau, Tổng
thống Mỹ Obama vẫn dành cho ông Trọng sự đón tiếp với nghi thức nguyên thủ quốc
gia. Các cuộc hội đàm song phương sau đó đã dẫn tới sự tăng tốc trong quan hệ
hai bên, theo đó Mỹ thừa nhận sự tồn tại của thể chế hiện hành ở Việt Nam, đặc
biệt, hiệp định TPP sau đó được cả hai phía coi là một nền tảng để xây đắp quan
hệ hợp tác mới trong thế kỷ 21.
Ngày
05/10/2015, sau nhiều vòng đàm phán rất khó khăn, với sự thúc đẩy rất lớn từ Mỹ
và Nhật Bản, những nền kinh tế dẫn đầu trong Hiệp định đối tác thương mại xuyên
Thái Bình Dương, TPP được công bố đã kết thúc các vòng đàm phán, sau 5 ngày
căng thẳng đàm phán xuyên đêm. Đây là một khoảng khắc có tính lịch sử với nhiều
nước, trong đó có Việt Nam. Ngược lại, nó gây ra một cú sốc lớn đối với Trung
Quốc, nước bị gạt ra bên lề và hiểu bản chất của TPP đối với mình chính là cái
gì. Báo chí Trung Quốc gần như ngay lập tức định danh TPP chính là một dạng
Nato trong kinh tế để đối đầu với Trung Quốc. Trên thực tế, họ không hề sai vì
TPP chính là hàng rào mà Mỹ - Nhật lập ra để từng bước hạn chế dòng thương mại
của Trung Quốc tràn vào thị trường của họ. Bằng các ràng buộc về quan thuế, bằng
các rào cản về nguồn gốc xuất xứ, TPP là bước đầu tiên để Mỹ chặn thặng dư
thương mại của Trung Quốc đối với mình. Nó đồng thời nắn dòng thương mại ấy
sang các nước thành viên. Những nước có cơ cấu xuất khẩu tương đồng nhiều mặt
hàng với Trung Quốc như Việt Nam được lợi lớn nhất, vì tự nhiên được hưởng khoảng
trống thị trường mà Trung Quốc bị gạt ra. Khác với WTO chỉ là một bộ quy tắc
thương mại, TPP là một bàn cỗ được dọn sẵn cho nhiều nước thành viên. Nhiều
phân tích kinh tế dự báo sức tăng trưởng rất lớn của xuất khẩu Việt nam, và trước
hết là sự gia tăng mạnh của dòng vốn đầu tư để tạo ra các nhà máy mới, giúp Việt
Nam chuẩn bị sẵn nguồn hàng xuất khẩu cho thị trường mà TPP mang lại. Với nhiều
người Việt Nam, TPP còn đem lại cơ hội xóa bỏ một nỗi ám ảnh đã kéo dài nhiều
chục năm khi hứa hẹn các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao và giá rẻ từ Mỹ, Úc
sẽ tràn vào thay thế các hàng thực phẩm độc hại nhập từ Trung Quốc, chấm dứt
cơn ác mộng về nạn diệt chủng từ từ đã kéo dài hàng thập kỷ. Sức hấp dẫn của
TPP lớn đến mức các lãnh đạo cộng sản Việt Nam dường như vượt qua được sự e dè
về các điều khoản liên quan đến công đoàn độc lập, thứ có thể làm suy yếu quyền
lực cai trị của họ, để thúc đẩy nỗ lực gia nhập TPP. Việc Việt Nam có mặt trong
danh sách 12 nước sáng lập viên của TPP, có thể giúp thay đổi bộ mặt đất nước
trong khoảng 1 thập kỷ tới.
Trung
Quốc coi TPP là một điềm không lành. Giữa năm 2015, Trung Quốc ba lần tiến hành
phá giá đồng tiền khi dòng thương mại xuất khẩu của họ suy giảm kỷ lục. Trong
cùng thời gian, thị trường chứng khoán của họ lao dốc mất 1/3 giá trị và dòng
tiền chạy ra nước ngoài bình quân mỗi tháng xấp xỉ 50 tỷ USD. Trong khoảng 4 thập
kỷ liên tiếp, thặng dư xuất khẩu là điều làm nên sự thần kỳ trong tăng trưởng
kinh tế Trung Quốc. Nhưng có vẻ thời kỳ huy hoàng đã qua, khi họ phải đối đầu với
cuộc chiến thương mại âm thầm mà Mỹ dẫn dắt. Số liệu thống kê hai tháng sau đó
cho thấy việc phá giá tiền của Trung Quốc không đem lại hiệu quả. Họ buộc phải
chấp nhận một thực trạng mới rằng Trung Quốc không còn được chào đón trên thế
giới sau những gì họ đã thể hiện quá đà sau nhiều năm “thao quang dưỡng hối”.
Đây chính là kết quả của sự sai lầm chiến lược, khi họ lựa chọn lối bành trướng
bằng sức mạnh thay vì việc đóng góp cho thế giới bằng quyền lực mềm và ảnh hưởng
quốc gia.
Cách
bành trướng hung hăng của Trung Quốc sẽ không thay đổi, vì đó là bản chất của họ.
Không thể xóa được cái nhìn nghi kỵ của các đối tác trên thế giới đối với mình,
để có lại các điều kiện thuận lợi giống như trong quá khứ, do đó, Tập Cận Bình
tìm cách phá băng nhằm thiết lập một luật chơi thương mại mới, đối trọng với
TPP và lấy Trung Quốc làm trung tâm. Chiến lược một vành đai, một con đường, nhằm
thiết lập một dòng thương mại xuyên Á Âu, nhằm tiếp tục đẩy mạnh sự thâm nhập của
hàng hóa Trung Quốc ngày càng sâu hơn vào vành đai mà Trung Quốc vạch ra. Chuyến
đi phá băng đầu tiên của Tập là tới châu Âu. Tập mang theo 30 tỷ USD hợp đồng hợp
tác tới nước Anh sau thất bại thảm hại của chuyến thăm Mỹ. Người Anh hoan hỷ
đón tiếp vì họ không chê tiền. Ngày 05/11/2015 Tập Cận Bình tới Việt Nam, lộ
trình kế tiếp chính là Singapore, hai quốc gia sáng lập của Hiệp định TPP vừa
ký kết, cũng đồng thời là những mắt xích rất quan trọng cho chiến lược một vành
đai, một con đường mà Trung Quốc đang tìm cách thiết lập. Mục tiêu của chuyến
đi khá rõ. Trung Quốc sẽ rất hài lòng nếu có thể làm chậm tiến trình phê duyệt
TPP tại các quốc gia này, hoặc nếu khiến Việt Nam rút khỏi TPP và tích cực tham
gia vào chiến lược mới của Trung Quốc thì càng tốt. Tập có thành công hay
không? Đó là một câu hỏi rất khó trả lời ở thời điểm này. Giàn lãnh đạo của Việt
Nam đang trong thời kỳ chuyển đổi, các phe cánh đấu đá rất ác liệt. Sự can thiệp
và hậu thuẫn của Tập ở thời điểm này có thể giúp thay đổi cán cân với những phe
nhóm có truyền thống thân Tàu. Đó cũng chính là lý do, hầu hết người Việt Nam
nhìn nhận chuyến thăm của Tập một cách nghi kỵ sâu sắc.
Tập
Cận Bình đã mang gì đến Việt Nam? Trong thông cáo gần đây nhất, Trung Quốc
tuyên bố viện trợ cho Việt Nam 1 tỷ nhân dân tệ trong 5 năm (159 tr USD chia đều
5 năm), bổ sung khoản vay hạ tầng cho tuyến đường sắt đầy tai tiếng Cát Linh
thêm 250 tr USD. Ngoài ra, là việc đồng ý chuyển mục đích sử dụng khoản vay 300
tr USD để xây dựng tuyến đường cao tốc Móng Cái - Vân Đồn. Những khoản tài
chính quá nhỏ bé nếu đối chiếu với tổng số vốn ODA mà Nhật Bản đã viện trợ cho
Việt Nam, tính đến 2015 đã là 20 tỷ USD. Có lẽ Tập Cận Bình cũng nhận ra, việc
đổ thêm tiền vào Việt Nam sẽ không giúp ông ta xoay chuyển được thế cục ở đây,
khi hầu như 90 tr dân Việt nam coi Trung Quốc là mối đe dọa sống còn, và mọi chế
độ cai trị, dù tiến bộ hay phản động, chỉ có thể trì hoãn chứ không thể thay đổi
được lối tư duy ấy. Hơn nữa, chiến lược thôn tính ở biển Đông của Trung Quốc chắc
chắn không thay đổi. Trong chuyến viếng thăm London, Tập Cận Bình công khai
tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như đường lưỡi bò ở biển Đông là
những quyền lợi của Trung Quốc được truyền lại từ “cổ sử”. Việc người Tàu với
khả năng làm hàng giả trứ danh nay vẽ ra một thứ cổ sử dởm mới thì không ai nấy
làm lạ, nhưng tuyên bố này rõ ràng đặt lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Việt
nam vào thế đối đầu và không thể thay đổi.
Mục
đích chính của Tập Cận Bình, do đó không phải là hòa bình hay nhượng bộ. Thông
điệp duy nhất Tập mang theo là “Đại cục”.
Thứ đại cục đang dẫn tới việc mất dần mòn lãnh thổ của Việt nam. Thứ đại cục
khiến kinh tế Việt Nam ngày một lệ thuộc sâu vào Tàu. Thứ đại cục khiến người
Việt nam chết dần chết mòn vì thực phẩm độc có nguồn gốc từ Trung Quốc. Biết chắc
không ru ngủ được Việt Nam, Tập chuyển luận điệu sang tính tương đồng về chế độ,
với lời phát ngôn vận mệnh Việt Nam và vận mệnh Trung Quốc gắn chặt với nhau.
Luận điệu của Tập, có lẽ vẫn còn sức nặng với nhiều thành phần trong chế độ Việt
nam, vốn muốn duy trì sự tồn tại của chế độ càng lâu càng tốt, với các đặc quyền
từ quyền lực độc tài và lợi ích kinh tế vơ vét được càng nhiều càng tốt. Giống
như hồi hội nghị Thành Đô ngày 3/09/1990, Trung Quốc đã thành công lôi kéo các
lãnh đạo hàng đầu Việt Nam, bắt chặt tay nhau để duy trì chế độ. Lịch sử lại lặp
lại vào ngày 5/11/2015, trong một bối cảnh khác và một hoàn cảnh khác.
Nhằm
in đậm dấu ấn chuyến thăm của mình tới Việt Nam, Tập cố gắng để nó thành nhiều
ngoại lệ. Trung Quốc đơn phương đòi cho Tập quyền phát biểu tại Quốc Hội Việt
Nam, điều mà chưa có bất cứ nguyên thủ nào được làm khi đến thăm Việt Nam. Đòi
hỏi của Tập được đáp ứng một cách miễn cưỡng. Dù sao, trong con mắt của các nhà
quan sát quốc tế, động thái này gây được dấu ấn vì rõ ràng như thế vai trò của
Trung Quốc vẫn còn rất mạnh ở Việt Nam. Có lẽ Tập muốn các đối tác phương Tây,
có hệ thống chính trị khác biệt Việt Nam, ghi nhận những dấu ấn này nhằm làm
tăng sự khác biệt giữa Việt Nam với các đối tác mới trong quá trình hội nhập.
Theo dõi truyền thông quốc tế, có vẻ ít nhiều mong muốn của Tập đã có thành
công.
Tập
Cận Bình đang muốn nắn dòng lịch sử Việt nam. Và chính người Việt nam hiện nay,
cần nỗ lực để tác động đến lịch sử của chính mình.
Quan
hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, hiện nay rõ ràng là một quan hệ bất bình đẳng.
Nền hòa bình giả hiệu mà Việt Nam đang có với Trung Quốc, thực ra đang dẫn tới
cái gì? Về mặt bản chất, Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng lãnh thổ. Lần
chạm súng gần đây nhất là năm 1988, khi Trung Quốc nổ súng chiếm 6 đảo và đá tại
Trường Sa. Sau hội nghị Thành Đô tháng 9/1990, dù vừa bị xâm lược, chế độ Việt
Nam bắt tay với chế độ Trung Quốc để duy trì quyền cai trị trong làn sóng sụp đổ
của các chế độ cộng sản tại Đông Âu, liệu như vậy Việt Nam đã có hòa bình? Hoàn
toàn không, trong suốt 25 năm qua kể từ hội nghị Thành Đô, súng vẫn nổ lẻ tẻ
trên biển Đông và mức độ khủng bố tàu ngư dân Việt Nam trên các ngư trường
trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì ngày một leo thang. Số
tàu chấp pháp và các tàu quân sự của Trung quốc ngày một nhiều thêm, đi kèm với
mức độ ngày càng khốc liệt hơn trong việc đánh cướp, tống tiền và húc chìm tàu
ngư dân Việt Nam. Năm 2015, báo chí đã nói đến việc ngư dân Lý Sơn bỏ biển lên
bờ, họ đã tới giới hạn của sự chịu đựng khi cứ phải âm thầm đối mặt với cướp
bóc và chết chóc. Các bước tiến xâm lăng của Trung Quốc trong suốt thời gian gọi
là hòa bình ấy cũng chưa bao giờ dừng lại. Năm 2007, Trung Quốc thành lập thành
phố Tam Sa, bao trọn các quần đảo chiếm đóng tại Biển Đông như một đơn vị hành
chính chính thức. Năm 2013, Trung Quốc tập trung nỗ lực vào việc chiếm đóng bãi
đá ngầm Scarborough do Philipin kiểm soát. Năm 2014, sau khi khởi công đóng mới
thêm hai tàu sân bay và hạ thủy một loạt chiến hạm mới, được khuyến khích bởi
hành động xâm lược Crimea của Nga, Trung Quốc vươn thêm một bước dài xuống phía
Nam. Cùng lúc đưa giàn khoan HaiYan 981 vào hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế
của Việt Nam, Trung quốc tiến hành mở một đại công trường xây 7 đảo nhân tạo tại
các đảo đá chiếm đóng bất hợp pháp tại Trường Sa, mục tiêu không che dấu nhằm
thiết lập những căn cứ liên hoàn Không - Hải quân và hậu cần khổng lồ giữa biển,
làm bàn đạp vững chắc để kiểm soát hoàn toàn vùng biển phía Nam. Các bước tiến
của Trung Quốc cho đến nay, hầu như đều không bị chặn lại.
Trong
lúc lãnh thổ đang bị xâm lăng, dựa vào cái khái niệm về “đại cục”, quan hệ kinh
tế giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày một được thắt chặt theo hướng lệ thuộc
ngày càng lớn vào Trung Quốc. Nhập siêu trong thương mại với Trung Quốc hiện
nay hầu như nuốt trọn mọi khoản thặng dư Việt Nam có được từ các nước phương
Tây. Nói cách khác, thay vì có một nền kinh tế tự chủ do thứ hòa bình “đại cục”
mà Trung Quốc ban phát, kinh tế Việt Nam trở thành một hệ thống phái sinh, gia
công và xuất hàng thay cho Trung Quốc. Đó là quan hệ thương mại chính thức, thống
kê được. Trong khi đó, một cuộc chiến thương mại mang tính tàn sát khác được
Trung Quốc âm thầm tiến hành. Do hệ thống độc tài đã làm suy đồi đến tận gốc rễ
bộ máy công quyền, hầu như lực lượng hải quan, biên phòng, kiểm soát thị trường
của Việt Nam đã bị vô hiệu hóa trước dòng thác hàng lậu Trung Quốc. Hàng lậu
Trung Quốc nhập vào Việt Nam bằng mọi ngóc ngách trên tuyến biên giới kéo dài
hàng nghìn cây số, đủ loại, đủ mặt hàng, không phải chịu bất cứ một khoản thuế
nào ngoài tiền hối lộ, và nó bóp nghẹt nền kinh tế Việt Nam. Con số thống kê lộ
ra vào cuối năm 2014, khi người ta đối chiếu thấy một khoản chênh lệch tới 20 tỷ
USD hàng xuất TQ vào VN, giữa số liệu của tổng cục thống kê TQ và VN. Có nhiều
cách giải thích vụng về từ Việt Nam cho khoản chênh lệch khổng lồ này, đại loại
do khác biệt trong thống kê xuất xứ. Sự chênh lệch do thống kê xuất xứ có thể
có, nhưng không quá một vài tỷ USD, toàn bộ phần chênh khổng lồ còn lại chính
là hàng lậu. Trong số đó, đương nhiên là nhiều tỷ USD hàng thực phẩm độc hại,
thứ đang tàn sát và làm thoái hóa giống nòi người Việt Nam một cách từ từ.
Cũng
với chiêu bài đại cục, trong 25 năm qua Trung Quốc tìm cách thò tay can thiệp
vào các chính sách chiến lược của Việt Nam. Hồi ký của nhiều viên chức về hưu
cho thấy sự tác động lớn của Trung Quốc vào Việt Nam, nhằm trì hoãn việc ký kết
BTA với Mỹ hồi năm 2000 (Hiệp định thương mại Việt Mỹ hiện đem lại kim ngạch
song phương tới 35 tỷ USD năm 2014, trong đó Việt nam thặng dư thương mại với Mỹ
tới 22 tỷ USD). Trung Quốc cũng can thiệp để chính phía Việt Nam làm chậm lộ
trình gia nhập WTO của mình. Điều bi hài là Việt nam đã gia nhập WTO chậm hơn
Campuchia tới 2 năm, khi nước láng giềng đã là thành viên chính thức của WTO từ
13/04/2004. Rất nhiều cơ hội lớn khác của Việt Nam đã bị bỏ lỡ, để hội nhập sâu
hơn với thế giới và tận dụng triệt để hơn các cơ hội phát triển với sự can thiệp
ngầm về chính sách của Trung Quốc.
Đến
giờ có lẽ mọi chuyện đã được làm sáng tỏ, thực chất trong 25 năm qua, Việt Nam
và Trung Quốc có thực sự có hòa bình? Rõ ràng là không, nhưng bằng thứ hòa bình
giả hiệu trên khái niệm gọi là “Đại Cục”, Trung Quốc một mặt ngày một vươn dài
tay chiếm đoạt lãnh thổ Việt nam, mặt khác lũng đoạn và bóp nghẹt nền kinh tế
Việt Nam và tìm cách kìm hãm Việt nam càng nhiều càng tốt.
Cái
gì đã khiến Trung Quốc thành công với nền hòa bình giả dối ấy? Đó chính là cái
mồi “đại cục”, mà lực lượng đớp mồi, chính là thể chế cai trị hiện nay ở Việt
Nam, những người bắt tay với Trung Quốc từ hội nghị Thành Đô 03/09/1990 chỉ để
bảo tồn quyền cai trị và chế độ càng lâu càng tốt.
(Anh
nợ các bạn nốt phần còn lại trong khuya muộn hôm nay hoặc ngày mai. Anh quyết định
biến phần còn lại thành một phân tích kinh tế chi tiết để chỉ rõ tương quan so
sánh về sức mạnh kinh tế mà chế độ đã dẫn Việt Nam đi trong 25 năm qua so với
các nước trong khu vực và so sánh với chính Trung Quốc, để thấy rằng chúng ta
đã thực sự làm được gì và đang đi về đâu, nếu cứ tiếp tục theo cách thức này)
Chúng
ta quay trở lại câu hỏi ban đầu: “Tương
lai nào cho Việt Nam với chế độ cai trị hiện nay?”
Một
lập luận quen thuộc từ lâu của Ban Tuyên Giáo Trung Ương và của Bộ Chính Trị Việt
Nam với dân chúng mỗi khi nhắc đến việc Trung Quốc đang xâm lược Việt Nam: “Đồng
bào cứ yên tâm, mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo”. Vậy Đảng và nhà nước, đã
và đang dẫn chúng ta đi đến đâu trong suốt 25 năm qua.
Hãy bắt đầu bằng số liệu kinh tế năm 1980. Do World Bank không công bố dữ kiện kinh tế Việt Nam các năm 1976 - 1979, anh Lãng lấy mốc 1980 làm mốc xuất phát quá trình điều hành kinh tế của Đảng Cộng Sản ở Việt Nam kể từ khi thiết lập được quyền cai trị trên khắp cả nước sau ngày 30/04/1975. Năm 1980, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 226 USD. Con số của Trung Quốc ở thời điểm đó là 309 USD/người. Tỷ lệ GDP/người của Trung Quốc so với Việt Nam năm 1980 là 1,37 lần. Cũng so sánh về con số đối chiếu với 5 nước Asean thuộc nhóm trên (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thailand, Philippines) và Hàn Quốc, ta có bảng dữ liệu đối chiếu sau trong một giai đoạn 31 năm, từ 1980 - 2011:
Biểu đồ 1. Biến đổi
chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái
Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua thời gian 31 năm kể
từ 1980 đến 2011.
Trong
vòng 31 năm qua, Singapore vẫn giữ hàng đầu. Tuy nhiên, Nam Hàn nhảy hạng từ thứ
3 của năm 1980 lên hạng 2 vào năm 1985, và Malaysia tuột hạng từ 2 xuống 3.
Philippines từ hạng 4 xuống hạng 6 trong lúc Thái Lan nhảy từ hạng 5 lên hạng 4
từ 1987, và Indonesia nhảy lên hạng 5 từ 2005. Việt Nam vẫn tiếp tục giữ hạng
chót trong số 7 quốc gia nói trên.
Tuy
nhiên, việc phân tích chi tiết con số sẽ chỉ ra một thực trạng bi đát hơn nhiều,
khi so sánh tỷ trọng tương đối về khoảng cách GDP/người giữa các nước với Việt
Nam trong chu kỳ 31 năm nói trên:
Năm
1980, GDP/người của Singapore gấp Việt Nam 9,25 lần, của Hàn Quốc gấp 3,29 lần;
của Malaysia gấp 3,44 lần, Philippines gấp 1,45 lần; Indonesia gấp 1,14 lần;
Thailand gấp 1,35 lần.
Năm
2011, sau 31 năm, khoảng cách GDP/người của các nước với Việt Nam đều giãn cách
rất rộng: Singapore gấp Việt Nam 35,86 lần; Hàn Quốc gấp 16,32 lần; Malaysia gấp
7,34 lần; Philippines gấp 1,71 lần; Indonesia gấp 2,56 lần; Thailand gấp 3,93 lần.
Như
vậy, khoảng cách giữa Việt Nam và các nước kề sát không những không được thu hẹp
sau 31 năm mà ngược lại, ngày càng giãn rộng. Điều nguy hiểm hơn, nếu so sánh với
Trung Quốc, quốc gia đang xâm lược Việt Nam, thì khoảng cách chênh lệch ấy lại
càng đáng báo động. Năm 1980 GDP/người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 1,37 lần.
Tuy nhiên, năm 2014, tỷ lệ ấy đã lên tới con số 3,69 lần. Khoảng cách chênh lệch
so sánh giữa Việt Nam và mối đe dọa lớn nhất của nó không những không được thu
hẹp sau 34 năm, trái lại, lại mở rộng ra tới 2,7 lần.
Nếu
chúng ta hiểu việc chế độ Việt Nam tìm mọi cách duy trì hòa bình với Trung Quốc,
là để âm thầm xây đắp đất nước, mục tiêu cao nhất là để thay đổi tương quan lực
lượng so sánh song phương, để từ đó Việt nam có thể trụ vững, thậm chí có thế mạnh
được cải thiện dần để đàm phán đòi lại lãnh thổ thì rõ ràng mục tiêu này đã
hoàn toàn thất bại. Nền hòa bình giả dối mà Trung Quốc ban tặng cho Việt Nam dưới
chiêu bài đại cục, chỉ đem lại lợi ích duy nhất cho chế độ cai trị của Đảng Cộng
Sản Việt Nam, khi nó tiếp tục duy trì được quyền cai trị dài hơn hơn, trong bối
cảnh khoảng cách giữa Việt Nam và tất cả các nước xung quanh thì ngày một giãn
rộng.
Liệu
Việt nam có thể bắt kịp các nước lân cận và Trung Quốc một cách tương đối hay
không? Nhìn vào biểu đồ số 1 bên trên, có thể thấy Việt Nam sẽ không bao giờ bắt
kịp Philippin, Thái Lan, Indonesia chứ chưa nói gì tới Malaysia, Hàn Quốc hay
Singapore. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, anh tham khảo số liệu của IMF
trong 10 năm, từ 2002 - 2011 để vẽ lại mức tăng trưởng GDP/người cho mỗi quốc
gia:
Biểu đồ 2. Đường
biểu diễn biến đổi chỉ số GDP đầu người (US$) của Singapore (1), Nam Hàn (2),
Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia (5), Philippines (6) và Việt Nam (7) qua
thời gian 10 năm từ 2002 đến 2011. Đường biểu diễn do chương trình toán học thống
kê cho kết quả phù hợp với các số dữ kiện với độ chính xác rất cao (R2 từ 0.944
cho Malaysia và 0.988 cho Việt Nam).
Và
cuối cùng, dựa vào chương trình mô hình toán để vẽ ra bản đồ dự báo tăng trưởng
GDP/người của 7 quốc gia trên trong 50 năm tới:
Biểu đồ 3. Đường
biểu diễn tiên đoán GDP đầu người trong thời gian 50 năm tới (trục tâm 0 là năm
2013) cho Singapore (1), Nam Hàn (2), Malaysia (3), Thái Lan (4), Indonesia
(5), Philippines (6) và Việt Nam (7). Tiên đoán dựa theo vận tốc tăng trưởng của
thời gian 2002-2011 của biểu đồ 2.
Kết luận rút ra, là Việt nam không thể
bắt kịp bất cứ một quốc gia lân cận nào trong khu vực với những gì mà chế độ
cai trị hiện hành tại Việt nam đang thực hiện. Bên cạnh đó, thể chế của tất cả
các nước trên đều tiến bộ hơn Việt Nam, sức đổi mới của họ do đó cũng lớn hơn,
và với những gì đang có, sức mạnh so sánh giữa Việt Nam với các nước nêu trên sẽ
ngày càng giảm.
Anh
Lãng không đưa Trung Quốc vào dự báo, vì bản thân quốc gia này có rất nhiều yếu
tố chưa xác định trong tương lai. Tuy nhiên, rõ ràng là khoảng cách giữa Việt
nam với Trung Quốc cũng sẽ ngày một cách rộng, nếu sẽ vẫn là những gì chế độ
cai trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam đang làm.
Có
thể kết luận rằng trong 25 năm qua, nếu hiểu là chế độ Việt Nam câu giờ với
Trung Quốc để tìm kiếm hòa bình, để phát triển nhằm thay đổi tương quan lực lượng
với phía xâm lược, thì họ đã hoàn toàn thất bại. Cá nhân anh thì cho rằng, mục
tiêu chính của họ, hoặc ít nhất là của một phần lớn thành phần trong chế độ, chỉ
nhằm duy trì quyền cai trị càng lâu càng tốt, càng dài càng tốt. Có lẽ đó mới
chính là bản chất vấn đề.
Tiếp
tục đi trên con đường này, sức mạnh so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày một
chênh lệch, chúng ta sẽ dựa vào cái gì để bảo vệ những gì còn lại, chứ chưa nói
đến việc lấy lại những thứ đã mất?
Đây
chính là thứ mà Tập Cận Bình muốn tiếp tục duy trì ở Việt nam khi mang ngọn cờ
“Đại cục” sang vào ngày 05/11/2015. Rõ ràng, phía trước Việt Nam chỉ có vực thẳm.
Đến
đây tự các bạn có thể trả lời câu hỏi: Tương lai nào cho Việt Nam với thể chế
chính trị hiện nay?
Vậy
đâu là giải pháp?
(Dài
quá rồi, anh sẽ viết nốt trong ngày mai)
No comments:
Post a Comment