Thu,
11/12/2015 - 01:56 — nguyenhuuvinh
Có
lẽ, cái chết của Đỗ Đăng Dư, một trẻ vị thành niên 17 tuổi do bị đánh chết sẽ
không ồn ào và không tạo nên nhiều hệ quả như thời gian vừa qua, nếu cái chết của
em không phải ở trong đồn Công an.
Câu
chuyện bắt nguồn từ việc em này đã trộm số tiền 1,8 triệu đồng bị bắt và đã trả
lại. Nhưng em vẫn bị Công an Chương Mỹ bắt đi giam cầm và kết quả là cái chết
khuất tất trong nơi tạm giam. Vụ bắt bớ này, theo các luật sư, thì Công an đã
vi phạm nguyên tắc tố tụng hình sự khi bắt giữ trẻ em vị thành niên mà không
đúng với các quy định pháp luật.
Điều
cần nói ở đây, không chỉ là việc bắt bớ có nhiều vấn đề khuất tất mà sau khi em
bị đánh trọng thương, cũng như sau khi đưa em đến bệnh viện và chết, nhiều động
tác của Công an Hà Nội cũng như hệ thống báo chí, truyền thông không kịp thời nắm
bắt, điều tra... đã bộc lộ những điều không thể không nghi ngờ.
Việc
giam giữ trẻ vị thành niên một thời gian dài trong trại, mà bà mẹ chỉ nghĩ rằng
em bị giữ mấy ngày rồi sẽ về, không hề biết con mình được đối xử thế nào, cũng
như sau khi bị đánh trọng thương đưa đến bệnh viện, vẫn bị canh giữ bằng công
an các loại. Người nhà cũng bị hạn chế không được vào chăm sóc cho em những
ngày cuối đời. Điều này không chỉ nói lên việc vi phạm pháp luật về tố tụng, mà
còn nói lên tình người và đạo đức thông thường của lực lượng công an như thế
nào trước một mạng người. (Hình: Đỗ Đăng Dư chết sau khi vào nơi tạm giữ)
Không
chỉ vậy, khi mạng xã hội đưa tin liên tục và làm nóng các diễn đàn trong và
ngoài nước, các báo chí trong nước im bặt. Chỉ đến khi, tờ báo của ngành công
an đưa bản tin, như bản kết tội người đã chết, thì các báo chí khác mới đua
nhau... chép lại.
Cái
lý do đưa ra từ phía công an là em bị dánh bởi một phạm nhân vị thành niên đã
khó đứng vững trước nghi ngờ của dư luận xã hội. Bởi trong mấy ngày khi dư luận
nóng lên đến mức độ căng thẳng, phía công an gần như im hơi lặng tiếng, chỉ lo
canh giác người nhà và những người quan tâm. Và, ngay cả nếu em Dư có bị đánh
chết bởi phạm nhân trong trại tạm giam, thì vẫn là trách nhiệm của ngành Công
an về cái chết này.
Vì
sao dư luận bức xúc?
Sở dĩ cái chết của em được chú ý nhiều trên mạng
xã hội và sau đó là trên các phương tiện truyền thông nhà nước, bởi những vụ chết
trong đồn Công an Việt Namngày
càng nhiều và ngày càng có lắm khuất tất. Bởi theo giải thích của
ngành công an thì đã có rất nhiều người "đến
đồn công an để tự tử" (!). (Hình: Một người "tự tử bằng treo
cổ" ở tư thế ngồi trên mặt đất)
Thậm
chí, báo chí còn phải kêu lên rằng: "Dễ
như treo cổ trong đồn Công an". Ở đó, người ta thống kê mấy vụ nổi bật
như " Ngày 20.12, anh H. có dấu hiệu sử dụng ma túy bị công
an phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An bắt về trụ sở. Sáng hôm sau, cán bộ phát
hiện anh H. treo cổ bằng thắt lưng của mình.
Ngày
15.2.2012, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng ra kết luận về cái chết của
anh Nguyễn Công Nhựt, một thủ kho tại công ty Kumho đóng trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, cái chết của anh Nhựt là do treo cổ tự tử chết trong trụ sở công an.
Ngày
14.9.2012, tại trụ sở công an thị xã Long Khánh, người ta phát hiện anh Hồ Long
Giang, 27 tuổi, chết ở tư thế treo cổ. Trước đó, lúc 16 giờ 30 cùng ngày anh
Giang còn ăn cơm bình thường, nhưng đến hai giờ đồng hồ sau thì treo cổ tự tử…"
và “Việc
Tư bị bắt không ai trong nhà hay biết. Cho đến khoảng 9 giờ sáng hôm
sau, công an xã đến báo tin thì gia đình tôi mới biết. Tại trụ sở công an xã,
tôi thấy Tư chết trong tư thế quỳ gối dưới sàn nhà, hai tay co cụm lại trước ngực,
treo cổ lên cửa sổ bằng một cái mền” - ông Ba nói." (Hình minh họa: Ông
Hoàng Văn Nghi bị tra tấn đến chết trong đồn Công an Đak Nông, nhưng được
coi là tự tử)
Nhiều
người đang yêu đời, khỏe mạnh bị đưa về đồn, chỉ vài ngày sau được chết một
cách bí ẩn, bởi nhiều lý do, mà nhiều khi lý do được đưa ra như một sự chọc tức
thiên hạ.
Rất
nhiều vụ việc được công an giải thích rằng nạn nhân treo cổ, với thi thể bầm
tím và đủ các loại vết thương...
Đây
là chuyện lạ hiếm có trên đời. Bởi theo lệ thường và tại các nước văn minh, thì
đồn công an là nơi bảo vệ người dân khi có nguy hiểm, nếu họ có bất cứ một vấn
đề gì ảnh hưởng đến tính mạng, thì lẽ thường, đồn công an là nơi họ cần tìm đến
để bảo vệ họ. Hà cớ gì họ phải vào đồn công an để tự tử, thậm chí có người được
thả về nhưng không về mà ở lại đó để tự tử? Rồi cảnh những công dân tự tử treo
cổ ở tư thế ngồi trong đồn công an được đưa ra giải thích cho cái chết của công
dân, đã trở thành chuyện hài hước chỉ có Việt Nam.
Những
sự bất thường đó, được lặp đi lặp lại khắp nơi và trở thành một đề tài để người
dân chú ý.
Và
hầu hết, những vụ dân chết trong đồn công an với bất cứ lý do gì, thì các cơ
quan công quyền, công an... hầu hết đều vô tội và nguyên nhân cái chết đều do nạn
nhân.
Thực
chất, không cần nói thì người dân ai cũng hiểu, hiện tượng ép cung, tra tấn
trong đồn công an không phải là chuyện lạ ở Việt Nam, dù đã rất nhiều tiếng
nói, nhiều vụ án đã được đưa ra, nhưng tình hình không có gì thay đổi mấy. Và
dù Việt Nam đã ký vào công ước chống tra tấn đi nữa, thì vấn đề vẫn cứ như cũ
mà thôi.
Mới
đây, một
công dân đã tự tử sau khi từ đồn công an về nhà và để lại một bức thư
cho vợ để tố cáo việc ép cung. Điều này nói lên mức độ sử dụng bạo lực và nhục
hình để nhằm khai thác thông tin và ép tội phạm nhân đến mức độ nào.
Liệu
có thể chấm dứt trình trạng ép cung và dùng nhục hình?
Hậu
quả của việc ép cung, nhục hình và tra tấn là hàng loạt án oan, tù oan đang chiếm
một tỷ lệ rất lớn trong số các vụ án ở Việt Nam, theo con số được báo chí cho
biết là hơn 10% - một tỷ lệ khủng khiếp.
Theo
báo cáo của Bộ Công an, nhu cầu cho biết số chỗ tạm giữ cần 43.000 chỗ theo quy
hoạch; chỗ tạm giam là 46.000. Tổng cộng là có gần 100.000 công dân được đưa
vào hệ thống tạm giam, tạm giữ. Vậy con số tù nhân chính thức sẽ là con số
không hề nhỏ. Do đó có thể thấy rằng với tỷ lệ hơn 10%, thì có hàng chục ngàn
công dân vô tội vẫn tiếp tục chịu án oan, án sai và thậm chí bỏ mạng.
Mới
đây, để phụ họa cho tội ác đưa người lương thiện vào tù, một
ông thầy chùa quốc doanh là Thượng Tọa Thích Thanh Quyết đã dùng cả
nhà Phật và lịch sử để chứng minh việc oan sai, việc chết một số người là bình
thường, là công an vẫn cứ giỏi. Thế nhưng, với những người bình thường, việc tước
đoạt quyền tự do, quyền sống của hàng chục ngàn người một cách vô lý bởi chính
cơ chế độc tài là điều không ai chấp nhận được, chứ chưa nói đến một người tu
hành không được phép sát sinh.
Đề
cập tình trạng bức cung, nhục hình với người bị tạm giữ, tạm giam, đại biểuTrương
Trọng Nghĩa cho rằng số lượng và mức độ nghiêm trọng đang gia tăng,
"vượt khỏi vòng kiểm soát".
Để
chấm dứt trình trạng ép cung, tra tấn, dùng nhục hình, các nền tư pháp thế giới
đã buộc phải tuân theo nguyên tắc của một nhà nước Tam quyền phân lập - Nghĩa
là Tòa án tuyên án công dân hoàn toàn căn cứ luật pháp và tranh tụng trên cơ sở
pháp luật mà không chịu "sự lãnh đạo sáng suốt" nào làm áp lực, chỉ đạo
án.
Thế
nhưng, ở Việt Nam, tư duy "lãnh đạo sáng suốt và toàn diện" không thế
chấp nhận điều này. Nguyễn Phú Trọng coi rằng đó là "suy thoái", chỉ
vì sự cai trị độc tài.
Tuy
nhiên, đã có nhiều tiếng nói đòi hỏi chấm dứt hiện tượng trái lương tâm, đạo đức
làm người, luật pháp quốc tế trong việc ép cung, tra tấn và nhục hình. (Hình:
Thích Thanh Quyết: “Thời nhà Lê, vua Lê còn xử oan cho Nguyễn Trãi, một
công thần của mình trong vụ án Lệ Chi Viên. Nhà Phật chúng tôi, có nghìn mắt,
nghìn tay nhưng vẫn có câu chuyện xử oan cho Thị Kính đến khi chết”)
Mới
đây, trước những hiện tượng dùng nhục hình, bức cung, tra tấn các nghi can, phạm
nhân, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị tách cơ quan giam giữ ra khỏi Bộ Công
an, đưa về Bộ tư pháp. Nhưng có lẽ còn lâu điều này mới thực hiện được vì nhiều
lý do. Bởi như vậy thì công an điều tra đâu có quyền hành xử hoàn toàn tự do đối
với công dân khi rơi vào tay họ? Ngoài ra, hệ thống nhà tù cũng là nguồn thu vô
cùng lớn đối với ngành này từ việc giam giữ tù nhân và kinh doanh trên mạng sống
của họ.
Theo
thông lệ và luật lệ quốc tế, việc các nghi can được quyền có luật sư bào chữa
ngay từ đầu vụ án. Điều này đã bị hạn chế ở Việt Nam bằng chính cái quy định
"phải được cơ quan điều tra cho phép". Mà cơ quan điều tra cho phép sự
có mặt của luật sư khi hỏi cung, thì làm sao có thể khai thác nghi can, làm sao
có thể dùng nhục hình, ép cung và mớm cung, tra tấn tù nhân "bằng biện
pháp nghiệp vụ"?
Khi Quốc
hội bàn về "quyền im lặng" của công dân, đã là một phép thử
của hệ thống công an điều tra của Việt Nam. Đó là quyền của công dân được im lặng
trước quá trình điều tra buộc tội mình mà không cần chứng minh mình vô tội. Điều
này, chính các nhân vật của ngành công an đã phản ứng dữ dội nhất.
Tại
sao lại thế?
Chỉ
vì, nếu để cho bị cáo quyền im lặng, thì "cản trở quá trình điều tra"
- Nghĩa là việc buộc nghi can phải khai bằng cách nào đó là việc đương nhiên. Nếu
không có điều này, thì việc điều tra "bị cản trở"(!). Chính tư duy
này là nền móng cho việc cơ quan điều tra ép cung, tra tấn, dùng nhục hình với
công dân
Vì
vậy, nếu vẫn cứ duy trì mô hình nửa dơi, nửa chuột là "Nhà nước pháp quyền
XHCN" kiểu này, thì xin thưa rằng, việc chống nhục hình, tra tấn là một việc
hết sức khó khăn cho ngành công an hiện nay, dù ngành công an đã được ông Phó
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn
Đình Quyền cho rằng, "cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những
cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh".
Hà
Nội, ngày 12/11/2015
· J.B
Nguyễn Hữu Vinh
*
*
Sat,
11/14/2015 - 00:59 — nguyenhuuvinh
Cái
chết của em Đỗ Đăng Dư đã làm nóng dư luận bởi sự khuất tất và oan khuất. Nhưng
dư luận còn chú ý hơn vì những hành động của các cơ quan công quyền, các đám xã
hội đen, côn đồ - mà những năm gần đây, hiện tượng công
an đóng giả côn đồ hành động như côn đồ đã trở thành phổ biến - đã tiếp
tục gây sự chú ý của dư luận xã hội. Chúng tôi đã từng là nạn nhân thường xuyên
của lực lượng công an đóng giả côn đồ này.
Những
vụ việc ngăn chặn, sách nhiễu, đánh đập người đến thăm gia đình nạn nhân Đỗ
Đăng Dư đã làm dư luận chú ý. Ngay sau đám tang của em một ngày, một số người động
lòng thương đến thăm gia đình em và viếng hương hồn oan khuất của em đã bị gây
sự và chặn đánh vào ngày 16/10/2015. Đám người mặc thường phục đã vào tận nhà
em rình rập, khủng bố những người đến thăm gia đình em mà không có bất cứ lý do
nào. (Hình: Nhóm côn đồ vào đánh người đến thăm nhà em Đỗ Đăng Dư ngày
16/10/2015)
Cũng
theo hình thức đó, ngày 3/11, hai vị luật sư đến gia đình cũng bị một nhóm côn
đồ tổ chức tấn công tạo nên nhiều thương tích, cướp lấy tài sản của họ...
Đặc
biệt, những hành động đằng sau đó của hệ thống công an đã không thể không đặt
ra những nghi ngờ về một sự khuất tất trong vụ việc này.
Trước
hết, theo các luật sư cho biết, thì ngay sau khi các luật sư bị đánh, công an
huyện Chương Mỹ đã không đến hiện trường, khi luật sư khai báo và làm biên bản,
họ đã ghi không trung thực vào lời khai và biên bản như báo cáo của các nạn
nhân, kết quả là các luật sư đã không ký vào biên bản. Riêng điều này, người ta
có quyền đặt câu hỏi: Nguyên nhân nào mà các nạn nhân đã không được bảo vệ bởi
lực lượng Công an và những động thái của Công an có ý nghĩa gì?
Ngay
sau khi vụ việc xảy ra, Ls Trần Đình Triển Phó chủ nhiệm, Trưởng ban Bảo vệ luật
sư đến tận Công an Chương Mỹ, thì được bảo vệ cho biết các công an Huyện đã xuống
hiện trường. Thế nhưng khi đến hiện trường, thì người dân cho biết không có bất
cứ công an nào đến đó chiều hôm ấy. Trở lại CA Huyện Chương Mỹ, thì Ls Triển được
thông báo các cán bộ bận và không thể tiếp luật sư(!)
Tình
trạng làm việc và cách làm của Công an Chương Mỹ là vậy trước một vụ án. Mặc dù
tướng Nguyễn Đức Chung "đã cho hay sau khi vụ việc xảy ra đã chỉ đạo Công
an huyện Chương Mỹ điều tra nghiêm túc".
Trả
lời báo chí, thiếu tướng Giám
đốc Công an Hà Nội cho rằng:“Vấn đề ở đây là tình hình ở Chương Mỹ
rất phức tạp, khi mọi người đến thì cũng nên thông báo để cho cơ quan công an
có phương án bảo vệ. Đây là trách nhiệm của công an phải bảo đảm an ninh trật tự
chứ đừng chủ động vào”. Điều này có nghĩa là ở đất nước Việt Nam ổn định và
an ninh này, ngay tại Thủ đô vì hòa bình, mà người dân đến đây phải nhờ công an
bảo vệ, nếu không thì bị đòn... đừng kêu?(Hình minh họa: Tấm biển minh họa
câu nói của GĐCAHN trở thành một biểu tượng cười đang lan nhanh trên mạng)
Ngày
10/11/2011 Công an Hà Nội tổ chức một cuộc họp báo, nhưng các nạn nhân và đoàn
Ls Hà Nội không được mời. Thậm chí khi đến, họ còn không được cho vào(?).
Nguyên nhân vụ việc được CAHN cho biết là vì "xe chạy gây bụi" nên
các luật sư bị côn đồ đánh và chưa khởi tố vụ án hình sự. Điều này trái hẳn với
điều ông Nguyễn Đức Chung, thiếu tướng, Giám
đốc Công an Hà Nội đã trả lời báo chí rằng"Nhưng thông tin ban
đầu thì 2 luật sư bị hành hung khi ra đường sau khi có va chạm giao thông”.
Từ
chỗ nguyên nhân là va chạm giao thông đã bị các luật sư nạn nhân phản đối kịch
liệt, nội dung đã được chuyển sang do "bụi".
Nội
dung cuộc họp báo đã bị các luật sư phản ứng dữ dội. Mạng xã hội được dịp nóng
lên vì phát ngôn này của Công an Hà Nội, tạo những trận cười chảy nước mắt.
Tiếp
đó, các nạn nhân luật sư đã nhận dạng được một gương mặt hung thủ là công an xã
tên Cửu, nhưng sau đó, bằng một cuộc họp báo, Công an Hà Nội đã khẳng định viên
công an này đi qua đó nhưng không tham gia đánh đập các nạn nhân. Người ta có
quyền đặt câu hỏi: Tại sao là khách xa lạ từ nơi khác đến, các Ls lại nhận ra một
người trong hệ thống công an xã mà họ chưa từng gặp, chưa từng thù oán lại đến
đánh họ? Chẳng lẽ các luật sư này đã chiêm bao thấy tên Cửu này?
Khi
côn đồ được dùng như một giải pháp
Tại
Việt Nam, một thời khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người dân thấy công
an như thấy cọp, thì công an muốn làm gì đều được, muốn bắt bớ, đánh đập hoặc
làm gì thì cũng không ai dám hé răng nửa lời. Họ có thấy cũng coi như giả điếc,
có chứng kiến cũng như không.
Thế
nhưng, thời nay đã khác. Khi Internet phổ cập khắp mọi nơi, một chiếc điện thoại
rẻ tiền từ một hang cùng ngõ hẻm nào đó cũng có thể cho cả thế giới thấy được sự
thật đang diễn ra bằng hình ảnh, âm thanh sống động, thì mọi hành động bạo lực,
vô đạo đức và nhân tâm sẽ khó khăn che giấu hơn. Nhiều hành động, việc làm càn
rỡ bất chấp luật pháp và nhân tính đã được tung lên mạng, nhiều vụ việc đã được
phơi bày trước công chúng và công luận, thì việc công an mang sắc phục làm những
việc bất chấp luật pháp rất dễ bị phơi bày và khó chối.
Nhiều
sự việc đã được đưa lên mạng, lực lượng công an chối quanh một cách ngây ngô,
khiên cưỡng đã chỉ càng làm cho người dân nhận thấy bản chất của sự việc và
cách nhìn của người dân đã thay đổi. Vụ viên công an đạp vào mặt người biểu
tình yêu nước, Công an Hà Nội, tướng Nguyễn Đức Nhanh đã nhanh nhẩu cho rằng
video đó được làm giả từ nước ngoài đã là một ví dụ điển hình cho sự chày cối
và lý sự cùn bất chấp sự thật. Nhiều vụ việc khác đã buộc cơ quan công quyền phải
vào cuộc chữa cháy cũng chỉ từ những chiếc điện thoại, máy quay phim nhỏ nhắn,
rẻ tiền.
Do
vậy, lực lượng công an đã buộc phải dùng biện pháp khác: Giả danh côn đồ.
Những
năm trước đây, khi muốn khủng bố nhà thờ, tu viện Thái Hà, Tòa TGM Hà Nội, từng
đoàn người được huy động kêu gào cả đêm đòi giết người. Hình ảnh đó đã bị công
luận trong nước và quốc tế lên án mãnh liệt. Nhà cầm quyền đã chối quanh: Đó là
do "Quần chúng tự phát" - Lời Lê Dũng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao.
Tuy nhiên, người ta đã không khó để vạch trần con bài này và vạch rõ đây là
cách để dẫn đất nước vào trình trạng vô chính phủ và không luật pháp. Và từ đó
việc dùng cách này coi chừng không hiệu quả. (Hình: Một đám "quần
chúng tự phát" được nhà nước đưa vào phá rối nhà thờ Thái Hà ngày
3/11/2011)
Những
vụ bắt bớ người biểu tình yêu nước, khủng bố cá nhân những nhân sỹ, trí thức,
người bất đồng chính kiến... nhưng không thể căn cứ trên bất cứ một cơ sở pháp
luật nào, họ dùng côn đồ, những người không sắc phục xông đến bắt giữ, đánh đập
không thương tiếc các nạn nhân. Điều này nhằm che đi sự vô luân và vô luật trước
công luận và công chúng
Khi
những hình ảnh, video được đưa lên, nhà cầm quyền ráo hoảnh: Đây là những nhóm
nào, chúng tôi không biết. Thậm chí còn "sẽ điều tra'. Thế nhưng, cái gọi
là điều tra, làm rõ của họ, thì dần dần người ta nghe như một bản nhạc cũ rích
và nhàm chán. Chỉ có tác dụng bào mòn thêm chút còn lại nào đó gọi là niềm tin
mà thôi. Bởi không ai lạ gì những "côn đồ" đó là ai.
Trong
nhiều trường hợp, công an đóng vai côn đồ đánh đập, bắt giữ người dân, vào đồn
hiện nguyên hình Công an với đầy đủ sắc phục. Việc đánh đập chúng tôi khi đến
thăm nhà Trần Anh Kim ở Thái Bình là một minh chứng cụ thể.(Hình: Cao Thị
Minh Toàn, Trường đồn CAP Trần Hưng Đạo, Thái Bình, sau khi đóng vai côn đồ chỉ
đạo đánh đập công dân)
Còn
trong nhiều trường hợp khác, công an sắc phục đầy đủ trong đồn, ra ngoài thay
áo đóng vai côn đồ để đánh đập công dân ngang nhiên. Vụ đánh đập Nguyễn Văn
Phương, người biểu tình yêu nước trước trại Lộc Hà là một ví dụ điển hình. (Hình:
Nhóm côn đồ tấn công Nguyễn Văn Phương là những công an vừa mặc quân phục ở
trong đồn Lộc Hà)
Thực
ra không ai lạ, bởi cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, huống chi là cả một
hệ thống.
Được
thể của nhà cầm quyền dung túng và tổ chức, gần đây một số người tự xưng là
"Dư luận viên" đã xông đến nhà công dân tổ chức gây gổ, hò hét náo loạn
và đánh người vì một cái cớ hoàn toàn bất chấp pháp luật. Chúng hành động và
tuyên bố "Việc gì nhà nước không làm được, thì chúng ta làm" - Nghĩa
là việc gì dưới danh nghĩa chính thức nhà nước không làm được vì sợ dư luận,
thì họ, những người được tổ chức và trả tiền không chính thức sẽ làm, dù đó là
những việc bất chấp luật pháp và nhân tính.
Khi
một lực lượng, một nhà nước mà sử dụng các biện pháp, cách làm không chính
danh, tự nó đã thể hiện sự yếu, sự kém, sự hèn và sự bất chính của mình.
Công
an Hà Nội đã tự bộc lộ mình?
Lẽ
ra, một vụ án đơn giản như cái chết của Đỗ Đăng Dư, cơ quan Công an Hà Nội chỉ
cần xác định rõ, chứng minh rõ ràng và kịp thờ về cái chết của em do đâu mà có,
bằng những chứng cứ và cơ sở hẳn hoi để gia đình và xã hội biết. Thế nhưng, họ
đã lúng túng và hành xử khuất tất để gia đình và xã hội đặt nhiều câu hỏi nghi
vấn.
Những
lúng túng, bất nhất của Công an Hà Nội như đã nói ở trên và cách hành xử đối với
các nạn nhân là hai luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư
đã là cơ hội cho việc những nghi ngờ ngày càng lớn lên. Nói theo ngôn ngữ dân
gian, thì câu ngạn ngữ "đường đi hay tối, nói dối hay cùng" đã có cơ
hội chứng minh sự đúng đắn của nó.
Trước
hết, các luật sư bảo vệ miễn phí cho gia đình Đỗ Đăng Dư đã phải khiếu nại khi
không được cấp giấy bào chữa cho nạn nhân dù đã quá hạn. Luật sư Trần Thu Nam,
nạn nhân trong vụ bị đánh đập, là người đã vào tận phòng mổ tử thi Đỗ Đăng Dư với
Công an và Pháp Y quân đội. Lẽ nào vị Ls này rỗi việc đi chơi và đến đó chứ
không được gia đình đồng ý? Ls Hà Huy Sơn, có giấy yêu cầu của mẹ Đỗ Đăng Dư vẫn
không được chấp nhận là ls bào chữa (?).
Sau
đó là hàng loạt sự khuất tất trong vụ đánh hai luật sư bị dư luận phản ứng. Tất
cả đã nói lên điều gì qua vụ án này?
Ở
đây, điều vướng mắc lớn nhất, là việc chết của cháu Đỗ Đăng Dư lại xảy ra trong
đồn Công an Chương Mỹ, Hà Nội.
Mà
xưa nay, hễ đã dính vào Công an, thì mọi việc đòi hỏi công lý sẽ trở nên khó
khăn, thậm chí là vô vọng, mọi cái chết đều nhẹ nhàng dù chết trong đồn hay chết
bởi một tên công an khát máu đánh người ngoài đường rồi để chờ cho đến chết, đều
là chuyện nhỏ.
Người
ta có quyền so sánh những vụ việc như sau:
-
Cô người
mẫu Trang Trần bị tòa tuyên án 9 tháng tù treo chỉ vì chửi công an.
- Năm
công an đánh người ngã gục rồi bắt quỳ xem nhậu, đến khi phải đi viện
chỉ bị cảnh cáo.
-
Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 5-3-2013 vừa qua, TAND huyện Thanh Trì đã tuyên phạt
bị cáo Huyền 12 tháng tù giam vì đã hắt xô nước mắm vào Công an.
-
Nhưng viên
Trung tá Công an đánh ông Trịnh Xuân Tùng gãy cổ, xong xiềng lại cho đến
khi đi bệnh viện thì chết chỉ bị tuyên phạt 4 năm tù.
- Thiếu
nữ tát cảnh sát giao thông bị phạt 9 tháng tù.
- Trung
tá Công an đánh dã man, bầm dập một nữ công nhân vì nghi oan trộm điện thoại,
chỉ bị giáng cấp.
Dường
như, đã là công an, thì được xếp vào một thứ hạng cao hơn tất cả những thành phần
dân chúng còn lại, họ có thể ngang nhiên vi phạm luật pháp, coi thường đạo đức,
nhân cách... Nhưng họ sẽ chỉ bị xử lý kiểu gãi ghẻ mà thôi?
Ở
xã hội Việt Nam, hễ những tội ác, những quan hệ với công an và dân thường trong
xã hội xảy ra, thì nó rất ứng nghiệm và chứng minh rõ ràng một câu trong tác phẩm
"Trại súc vật" của tiểu thuyết gia George
Orwell (1903-1950). Ở trong xã hội
đó, hiến pháp, mọi luật lệ đều chung quy lại như sau: "Bảy điều
răn được giảm xuống còn một câu duy nhất: "Tất cả các loài vật đều bình đằng,
nhưng một số loài vật bình đẳng hơn những loài vật khác."
Và
những hành xử của Công an Hà Nội qua vụ cái chết của em Đỗ Đăng Dư, đã tự nó
nói lên bản chất vụ án là gì.
Hà
Nội, ngày 12/11/2015
J.B
Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment