Saturday, November 7, 2015

TPP & Công Đoàn Độc Lập (FB Truong Huy San)






Điều mà chúng ta chờ đợi đã trở thành sự thật: Để tham gia TPP, Việt Nam đồng ý với Hoa Kỳ, sẽ chấp nhận Công Đoàn Độc Lập (theo một văn bản mà Bộ Công Thương công bố chiều nay).

Theo cam kết này: Người lao động VN sẽ có quyền thành lập công đoàn cơ sở mà không cần chính quyền chấp nhận trước (Chính phủ không có quyền cho phép hay không cho phép). Để hoạt động, công đoàn cơ sở có thể ĐĂNG KÝ với tổng liên đoàn, hoặc một cơ quan nhà nước có chức năng (competent government body).

Dù đăng ký với cơ quan nào, người lao động vẫn toàn quyền xây dựng điều lệ hoạt động, chọn người đứng đầu, tự quản lý tài chính/ hành chính; tự tổ chức và lãnh đạo các cuộc đình công.

Các cơ quan chức năng, trong luật cũng như trên thực tế, phải đảm bảo sao cho, quyền của các tổ chức công đoàn cơ sở này không kém hơn quyền của các tổ chức công đoàn cơ sở thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động. Chính quyền không được phép ưu tiên công đoàn nhà nước (hơn các công đoàn động lập khác).

Lộ trình để Việt Nam thực hiện những cam kết này là 5 năm sau khi gia nhập TPP. Việt - Mỹ sẽ cùng xem xét việc tuân thủ các quy định này hàng năm.

Năm ngoái, tại hội trường Thời báo Kinh Tế Sài Gòn, Cựu Bộ trưởng Trương Đình Tuyển - đặc phái viên của Thủ tướng bên cạnh đoàn đàm phán TPP - vẫn tuyên bố: VN không bao giờ chấp nhận công đoàn độc lập vì đây là một vấn đề cốt tử, mang tính nguyên tắc của chế độ, là "bất khả thương nghị". Thế nhưng "vấn đề mang tính nguyên tắc của Chế độ" này đã được "thương nghị" và khai thông trong chuyến đi đến Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Hãy coi "21 phát đại bác đón Tập Cận Bình" cũng chỉ là đãi bôi như "16 chữ vàng" của Bắc Kinh để đón nhận thông tin này và suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc chuẩn bị những tiền đề phát triển xã hội dân sự, đặc biệt là công đoàn độc lập.

Năm năm tới không phải là thời gian để chúng ta chờ đợi.

Cho dù lập hội là quyền của dân, nó cũng không đến một cách đương nhiên và cũng như không thể trông đợi vào sự ban phát của "trên". Những quyền đó chỉ có thể thành hiện thực nếu chúng ta tiếp tục đấu tranh để yêu cầu chính quyền thực hiện những điều cam kết.

PS: Trong văn bản không dùng từ "độc lập", tôi chỉ diễn giải theo cách hiểu những công đoàn nằm ngoài hệ thống "công đoàn nhà nước" đều được gọi là "độc lập".

-------------------------
Tin liên quan:









No comments: