Trọng Nghĩa - RFI
Đăng
ngày 14-11-2015
Các vụ tấn công đồng
thời tại nhiều nơi, đám đông con tin bị nhiều tay súng bắt giữ, sự xuất hiện của
những kẻ khủng bố tự sát : Đây là kịch bản chẳng khác gì một cơn ác mộng mà các
cơ quan chống khủng bố lo ngại từ nhiều tháng qua, và đã diễn ra tối thứ Sáu,
13/11/2015 tại Paris.
Trong
những tuần lễ qua, giới lãnh đạo và chuyên gia chống khủng bố đã nhiều lần lên
tiếng cảnh báo về khả năng các phần tử Hồi giáo cực đoan đang chuẩn bị một vụ
khủng bố chưa từng thấy nhắm vào nước Pháp, mà không ai có thể phát hiện để
ngăn chận.
Theo
nhật báo địa phương Opinion vào hôm nay, 14/11/2015, nhân một chuyến thăm thành
phố Dijon vào hôm qua, chỉ vài tiếng đồng hồ trước lúc nổ ra các vụ tấn công bố,
Thủ tướng Pháp Manual Valls đã từng bày tỏ lo ngại trước nguy cơ « khủng
bố bất cứ lúc nào ».
Mới
đây, một viên chức chống khủng bố cao cấp, xin giấu tên đã khẳng định với hãng
tin Pháp AFP : « Nhiệt độ đang tăng mạnh. Hiện nay mục tiêu của quân khủng
bố là kéo dài thời gian cầm cự để các phương tiện truyền thông bám lấy sự kiện,
trực tiếp tường thuật để quảng cáo tối đa cho họ ». Đối với viên chức
này, cái đáng sợ nhất là các vụ tấn công kéo dài bằng súng AK 47.
Các
lo ngại trên đã biến thành thực tế vào tối qua, với các vụ tấn công khủng bố cả
bằng chất nổ lẫn súng tự động diễn ra đồng thời ở nhiều điểm khác nhau trong
Paris, với nhiều tay khủng bố võ trang bằng AK47 bắn xả vào đám đông rồi cầm giữ
con tin trong một thời gian dài trước khi bị lực lượng an ninh tiêu diệt. Số nạn
nhân chết và bị thương lên đến hàng trăm người.
Đấy
chính là điều mà chính quyền Pháp lo ngại từ nhiều tháng qua : Áp dụng tại
Paris kịch bản đã từng xẩy ra trong vụ tấn công vào trung tâm thương mại
Westgate ở Nairobi, tháng 9/2013, làm 68 người thiệt mạng sau 4 ngày bị cảnh
sát bao vây và dưới ống kính truyền hình của cả thế giới.
Theo
giới chức an ninh, từ đầu năm đến nay, nước Pháp đã tránh được một số thảm họa
đẫm máu là nhờ cơ may và sự vụng về của thủ phạm các vụ tấn công, như trên chiếc
xe lửa Thalys Amsterrdam-Paris hay ở nhà thờ Villejuif, vùng ngoại ô
Paris.
Nhưng
với sự kiện ngày càng có nhiều người qua tham gia thánh chiến ở Syria, Irak, rồi
trở về, nguy cơ khủng bố nghiêm trong càng tăng vì những thành phần này vừa thiện
chiến, vừa đông.
Ông
Yves Trotignon, một cựu viên chức bộ phận chống khủng bố của cơ quan tình báo
DGSE của Pháp phân tích, « mối nguy hiểm đến từ những ê kíp, dù lớn hay
nhỏ, của những phần tử từ chiến trường trở về, có thể từ Syria, Libya, Yêmen. Họ
tìm được vũ khí ngay tại Pháp và bước sang hành động ».
Theo
chuyên gia này thì các thành phần trên là « những người cương quyết, sẵn
sàng chết, được huấn luyện, biết nghiên cứu, chọn lựa mục tiêu, cho nên vô cùng
nguy hiểm ». Số lượng những người từng tham gia thánh chiến trở về này
hầu như gia tăng mỗi ngày, các đơn vị chống khủng bố bị quá tải, không thể theo
dõi hết được.
Từ
sau vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái
vào tháng Giêng 2015, các đơn vị chống khủng bố, tình báo, cảnh sát Pháp, giới
cứu thương đã chuẩn bị cho nguy cơ bị tấn công đồng loạt. Họ đã chuẩn bị đáp
án, cách huy động và hợp tác để đối phó. Vụ tấn công khủng bố ở Bombay, Ấn Độ
năm 2008, mà 10 người đã tấn công vào 5 địa điểm khác nhau cùng một lúc, làm
173 người chết, đã được giới chống khủng bố trên toàn cầu nghiên cứu.
Thể
nhưng những người đầu ngành đều cho là vào ngày hành động cụ thể, phương thức
hành động của kẻ khủng bố có thể có những chi tiết không lường trước được, và
đó là điều không thể tránh khỏi.
-------------------------
No comments:
Post a Comment