Thursday, November 5, 2015

Tại sao phải 2 mời 1? (Nguyễn Trần Sâm)





Nguyễn Trần Sâm
5-11-2015

Xưa nay, trong quan hệ giữa hai nước, khi tiến hành mỗi cuộc hội đàm, đối thoại song phương thì mỗi bên đều cử ra một đoàn đại biểu. Số thành viên của mỗi bên đều bằng nhau (tiếp khách, hội kiến thì số người có thể chênh lệch), và mỗi bên đều có một trưởng đoàn.
Trước khi gặp nhau, một bên đưa ra lời mời hoặc đề xuất. Nguyên thủ mời nguyên thủ. Chủ tịch đảng cầm quyền mời chủ tịch đảng cầm quyền. Chủ tịch quốc hội mời chủ tịch quốc hội. Ngoại trưởng mời ngoại trưởng… Một mời một. Đó là thông lệ trong quan hệ ngoại giao.
Thế nhưng, riêng trong trường hợp thượng đỉnh VN mời thượng đỉnh TQ thì cứ phải 2 mời 1, 2 hội đàm với 1. Trái lệ và kỳ cục. Chuyện gì vậy?

Nếu đem câu hỏi này hỏi một vị quan chức nhà nước CSVN thì có ngay câu trả lời: Đó là vì “đồng chí lãnh tụ” của “nước bạn” kiêm hai chức: tổng bí thư đảng và chủ tịch nước, trong khi đó hai chức này ở ta là của hai người. Vì vậy, muốn bảo đảm sự “đương đối” trong hội đàm thì phía ta phải cử ra hai vị, nghĩa là cả tổng bí thư và chủ tịch nước, làm đồng trưởng đoàn.

Tuy nhiên, cái lý biểu kiến trong câu trả lời trên thực ra chỉ là ngụy biện, vì các lý do sau đây.

Một: Nếu phát triển kiểu lý giải trên thì nếu ông “lãnh tụ” của nước đối tác kiêm tới 4, 5 chức thì bên ta phải cử ra 4, 5 trưởng đoàn để đón tiếp và hội đàm cho “đăng đối” hay sao? (Trường hợp như vậy đã từng có, ví dụ như ông Fidel Castro từng là bí thư thứ nhất TW ĐCS, chủ tịch hội đồng nhà nước, chủ tịch hội đồng bộ trưởng kiêm tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang; còn ông em hiện đang cầm quyền cũng nắm ít nhất 3 chức.)

Hai: Sao khi mời những ông chủ tịch đảng cầm quyền kiêm thủ tướng (vai trò nguyên thủ) ở một số nước khác, bên ta không cử 2 ông đứng ra mời và hội đàm?

Ba: Cử 2 đối thoại với 1 chẳng phải coi mỗi người bên này chỉ bằng nửa một người bên kia?

Bốn: Nếu bên này chỉ một mình, chẳng hạn, ông TBT, đứng ra làm trưởng đoàn để hội đàm với ông 2 chức bên kia thì có ảnh hưởng gì đâu? Dù ông TBT ta không kiêm chủ tịch nước, nhưng vì chế độ đảng lãnh đạo nên việc ông ấy làm trưởng đoàn để hội đàm với ông bên kia làm gì có hạn chế nào đối với nội dung hội đàm. Nếu cần thì cứ để ông chủ tịch nước cùng ngồi đó hội đàm, nhưng khi mời thì chỉ có 1 người đứng ra, còn trưởng đoàn hội đàm mỗi bên đều chỉ có 1 thì đã sao?

Trong hội đàm Obama-Trọng, hai ông trưởng đoàn làm hai cái chức hoàn toàn “tréo giò” nhau, lại là của hai nước theo hai chế độ khác nhau, mà vẫn được đấy thôi?

Cho nên, nói bên kia một người 2 chức, bên này mỗi người một chức chỉ là cái cớ. Ẩn ý sâu xa của việc 2 mời 1 thực chất là một sự tự hạ thấp để lấy lòng phía bên kia. Điều này càng thấy rõ khi có những lần trong nghi lễ chào cờ 2 vị bên ta phải đứng hai bên vị khách phương Bắc, trông giống như 2 anh cận vệ.

Trong nghi lễ ngoại giao, việc cố tìm mẹo vặt để nâng mình lên ngày nay đã lỗi thời. Tuy nhiên, tự hạ thấp cũng là điều tối kỵ, vì nó không mang hàm nghĩa hạ thấp cá nhân. Đó chính là hạ thấp cả dân tộc.

Trong tình hình phức tạp hiện nay, khi dân Việt ta đã phải chịu đựng quá nhiều những hành động càn rỡ và âm mưu nham hiểm của láng giềng phương Bắc, việc tự hạ thấp của những người đứng đầu đang tạm thời đại diện cho dân tộc trong quan hệ ngoại giao càng khó chấp nhận.

NGUYỄN TRẦN SÂM






No comments: