Monday, November 16, 2015

Năm năm nữa xăng vẫn chưa lên giá (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Friday, November 13, 2015 7:23:18 PM

Theo Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (IEA), dầu thô cung cấp trên thị trường năng lượng thế giới từ nay đến năm 2020 sẽ vẫn dư thừa, do sản xuất không có chiều hướng giảm sút, trong khi nhu cầu tiêu thụ kém đi vì sự phát triển sử dụng các nguồn năng lượng sạch. 

Tiền dầu thô chiếm phần lớn nhất trong giá của mỗi gallon xăng, khoảng phân nửa. Vậy trên căn bản, với tình hình dầu thô như thế, có thể tin rằng giá xăng sẽ không tăng cao trong vòng năm năm nữa trừ khi có biến động gì xảy ra đột ngột.

IEA dự đoán nhu cầu tiêu thụ dầu thô chỉ tăng dưới 1% mỗi năm trong nửa cuối thập niên này, và mức cung vẫn cao hơn mức cầu, do đó không thể đẩy giá dầu lên trở lại sau vụ rớt giá nặng nề hồi năm ngoái.

Suốt 15 năm liên tục kể từ cuối thế kỷ trước, thời gian Trung Quốc và nhiều quốc gia đang phát triển khác nhanh chóng kỹ nghệ hóa, nhu cầu tiêu thụ dầu lửa thế giới tăng cao. Đến nay, Trung Quốc giảm không còn đặt trọng tâm vào kỹ nghệ năng lượng mà chủ trương chuyển hướng sang nền kinh tế tiêu thụ và tiêu thụ dầu lửa giảm đi.

Ông Fatih Birol, tân tổng giám đốc IEA mới nhận chức hồi Tháng Chín, nói với tờ Financial Times rằng: “Chúng ta đang đi tới đoạn cuối của thời kỳ đòi hỏi về dầu lửa gia tăng nhanh và mạnh nhất trong lịch sử.”

Theo ông, “Nhu cầu sẽ không còn cao như chúng ta đã thấy trong quá khứ, do các biện pháp hữu hiệu hóa tiêu thụ, chính sách bảo vệ môi trường và chiến lược khí hậu toàn cầu.”
Ông nhận định việc phát triển sử dụng năng lượng tái sinh sẽ hạn chế đáng kể sự tiêu thụ dầu lửa.

Financial Times nói rằng IEA dự đoán trong giai đoạn 2015-2020 tiêu thụ dầu lửa của thế giới chỉ tăng khoảng 1% mỗi năm. Sau đó, trong vòng 20 năm kế tiếp, gia tăng cũng sẽ vẫn chỉ kìm lại ở mức dưới 5% mỗi năm.

Tổng số lượng dầu tiêu thụ sẽ không quá 103.5 triệu thùng/ngày cho đến 2040 so với 94.5 triệu thùng/ngày hiện nay. Tới thời điểm ấy, mức tiêu thụ chung của Hoa Kỳ, Liên Âu và Nhật sẽ giảm bớt khoảng 10 triệu thùng/ngày.

Cũng theo suy luận của ông Birol, những cam kết của các quốc gia về giới hạn khí thải carbonic sẽ được đưa ra tại hội nghị khí hậu toàn cầu ở Paris vào Tháng Mười Hai tới, là thêm xúc tác cho chiều hướng sử dụng năng lượng sạch thay dầu hỏa. Ông cho rằng các đại công ty dầu hỏa có thể chưa đánh giá được đúng mức tác động của tất cả các biện pháp đó.

Về giá cả thị trường, IEA cho là dầu thô sẽ không lúc nào lên tới $80/thùng trước năm 2020, và sẽ chỉ đến gần 2040 mới có mức giá $85/thùng.

Tháng Sáu năm ngoái, một thùng dầu thô “Brent” từ $115 rớt xuống còn $50 và sau đó không bao giờ trở lại gần giá cũ nữa. Dầu thô Brent được dùng làm chuẩn trong việc định giá dầu thô trên thị trường. Dầu thô có những tính chất rất khác nhau về tỷ trọng, độ nhớt, tính bay hơi và những tạp chất chứa trong đó đặc biệt là sulfur, tùy theo nơi khai thác.

Các hạng dầu thô chính bao gồm WTI (West Texas Intermediate) loại dầu ngọt (hàm lượng sulfur thấp) nhẹ, Brent không nhẹ và ngọt bằng WTI (tỷ trọng 0.830/0.836 - sulfur: 0.37%/0.24%) nhưng là dầu thô cao cấp có thể dễ dàng cung cấp nhiều loại sản phẩm tốt tùy theo ý muốn của các nhà máy lọc dầu. Ngoài ra, còn có các dầu thô định chuẩn WCS (dầu nặng Canada), Dubai-Oman, Nga, Tapis (Malaysia), Minas (Indonesia),...

Ở Mỹ hiện nay có 140 xưởng lọc dầu sử dụng khoảng 18 triệu thùng/ngày, kể cả luôn luôn từ ba đến năm xưởng phải tạm ngưng hoạt động để chấn chỉnh các vấn đề kỹ thuật.

Sản phẩm chính của kỹ nghệ lọc dầu là xăng máy xe hơi. Một thùng đầu thô, 42 gallon, có thể cho khoảng 19 gallon xăng, 12 gallon diesel.

Tuy nhiên, chỉ một phần dầu thô được dùng để chế tạo ra xăng, còn lại để sản xuất nhiều loại nhiên liệu khác và dùng cho kỹ nghệ hóa dầu. Năm 2014, Hoa Kỳ tiêu thụ 6.97 tỷ thùng dầu, khoảng 75% dùng vào việc sản xuất nhiên liệu các loại, 47% lọc ra xăng, 21% ra diesel và dầu sưởi, xăng máy bay (jet fuel) chiếm 8%.

Trên thị trường, giá xăng và giá dầu không phải luôn luôn biến thiên song song cùng chiều. Thông thường, khi giá dầu xuống, giá xăng không hạ ngay và vẫn có thể lên. Nhưng khi giá dầu lên, giá xăng mau chóng lên theo ngay.

Một phần lý do là vì phản ứng từ các hệ thống phân phối và trạm nhiên liệu bán lẻ. Trong một thời gian ngắn các trạm xăng có thể hưởng lợi từ biến động này. Nhưng tác động đến giá xăng hầu hết là do các nhà máy lọc dầu. Khi có trục trặc kỹ thuật hay xảy ra tai nạn phải tạm ngưng hoạt động, giá xăng ở một số địa phương sẽ lên ngay. Năm ngoái, một xưởng lọc dầu của BP ở miền Trung-Tây phải tạm đóng cửa và xưởng lọc dầu Exxon Mobil ở California bị nổ khiến xăng lên giá trong khi dầu thô xuống giá.

Hiện nay, sản lượng dầu thô vẫn cao hơn nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới khoảng 1 triệu thùng/ngày. Sản xuất dầu lửa ở Mỹ tăng nhanh từ năm năm gần đây do khai thác các mỏ dầu đá phiến (shale oil). Đồng thời với tiêu thụ giảm trên toàn thế giới, dầu thô mất giá nhanh chóng. Nhưng khối OPEC (Tổ Chức Các Quốc Gia Xuất Cảng Dầu) do Saudi Arabia dẫn đầu, quyết định không giảm sản lượng. Chiến thuật của họ là để giá dầu hạ sẽ gây khó khăn cho việc khai thác dầu đá phiến vì phải chịu nhiều chi phí và do đó ngành kỹ nghệ này sẽ phải bỏ cuộc.

Nhưng chiến thuật này ít hiệu quả vì kỹ nghệ dầu đá phiến tỏ ra thích ứng với tình thế và có khả năng chịu đựng lâu dài. Do đó hậu quả chung cho kỹ nghệ dầu lửa là phải chịu giá dầu hạ một thời gan dài trong tương lai và các quốc gia có nguồn thu nhập quan trọng nhờ dầu hỏa chịu nhiều thiệt thòi nặng nề. Cùng lúc đó, các đại công ty dầu khí cũng phải tiết giảm đầu tư, rút bớt các dự án khoan, thăm dò khai thác mới và điều chỉnh chiến lược kinh doanh của họ cho phù hợp với tình thế.




No comments: