Tuesday, November 17, 2015

Khao khát Tự do (The Economist)





Trà Mi dịch
Posted on November 17, 2015 by editor — 0 Comments

Hãy nhớ lại hoàn cảnh của chúng ta, những người tị nạn cộng sản, những ngày đầu ở đây, 40 năm về trước.

Give me your tired, your poor, Your huddled masses yearning to breathe free, The wretched refuse of your teeming shore. Send these, the homeless, tempest-tossed to me, I lift my lamp beside the golden door! The Statue of Liberty-Ellis Island Foundation, Inc.. Nguồn: Getty Images

Joseph, một tín hữu Thiên chúa giáo Ai Cập hiện đang sống ở Chicago, đã phải bỏ của chạy lấy người khi căn phòng của ông ở Ai Cập bị phá nát và xe của ông bị đốt cháy. Ba năm trước, ông và gia đình đã đến Mỹ lấy cớ đi kinh doanh rồi xin ở lại tị nạn. Phiên điều trần cứu xét trường hợp của ông tại Toà án Di dân ở Chicago đáng lẽ xảy ra vào tháng này, đã được hoãn lại đến tháng Hai năm 2017. Joseph, yêu cầu được giữ kín họ phòng trường hợp ông bị gửi trở lại Ai Cập, muốn đi học ở đại học nhưng không thể xin trợ giúp về mặt tài chính vì tình trạng cư trú của ông vẫn chưa được giải quyết; vì vậy ông đã đi làm nhân viên thu ngân tại một trạm xăng và lái xe taxi vào ban đêm. Trường hợp của Joseph không phải là bất thường: một số người tị nạn ở Chicago phải đợi đến năm 2020 mới có phiên điều trần. Một nửa sẽ bị từ chối.

Trong suốt lịch sử, nước Mỹ là một quốc gia hào hiệp bao dung đối với người tị nạn và người xin nhập cư từ khắp nơi trên thế giới. Sau chiến tranh thế giới thứ hai Mỹ đã nhận hơn 650.000 người châu Âu không còn nhà cửa. Sau sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975 Mỹ đã đón hàng trăm ngàn người tị nạn Đông Dương. Kể từ khi thông qua Đạo Luật Tị nạn vào năm 1980 Mỹ đã nhận 3 triệu người tị nạn, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Mỹ là nước đóng góp lớn nhất cho Chương trình Lương thực Thế giới và UNHCR (Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc).

Biểu đô số dân tị nạn và nhập cư được định cư ở Mỹ và EU. Nguồn: Economist.com

Tuy nhiên, trong cuộc khủng hoảng người tị nạn hiện nay, Mỹ là nước đang dứng dựa hàng rào (xem biểu đồ). Trong những năm gần đây Mỹ nhận dưới 70.000 tị nạn mỗi năm (người tị nạn nộp đơn ở nước ngoài – người xin nhập cư nộp đơn sau khi đã đến Mỹ). Số đơn xin nhập cư được chấp thuận thường ít hơn nửa con số đó. Con số đó thật không đáng kể với 1,5 triệu người tị nạn, trong đó có nhiều người Syria, đang xin nhập cư tại Đức Quốc trong năm nay, 2015. Nhà Trắng gần đây hứa sẽ tăng số người của người tị nạn vào Mỹ lên 85.000 trong năm tài chính tới (10.000 sẽ là người tị nạn từ Syria) và 100.000 trong năm sau nữa. Ngay cả mức tăng khiêm tốn này đã bị phản đối: Michael McCaul, dân biểu đảng Cộng hòa từ Texas, chủ tịch Ủy ban Nội An ở Hạ viện, đã đệ trình dự luật để “kiềm chế” kế hoạch nhận thêm người tị nạn Syria.

Có hai lý do ảnh hưởng đến sự thay đổi lòng nhân đạo của Mỹ. Người tị nạn và người xin nhập cư bị mắc kẹt trong cuộc chiến giữa hai đảng trong Quốc hội về vấn đề di trú. Và vụ khủng bố tấn công 9/11, đã làm thay đổi nhận thức về người tỵ nạn; từ những người bị tổn thương cần được giúp đỡ họ trở thành những kẻ có thể đe doạ an ninh; Hai lý do này gây hiệu ứng đình trệ tiến trình xét đơn tiếp nhận người tị nạn tại Hoa Kỳ.

Người tị nạn nộp đơn xin di cư tại các toà đại sứ Hoa Kỳ hoặc qua ngả Liên Hiệp Quốc. Nếu vượt qua được rào cản đầu tiên đó, họ sẽ được nhân viên di trú của Mỹ trên toàn thế giới chọn lọc. Họ phải qua cuộc điều tra về tiểu sử và căn cước cá nhân; FBI sẽ kiểm tra sinh trắc vân tay và hình ảnh của họ; Nhân viên Bộ Nội An sẽ phỏng vấn họ; và họ cũng phải qua cuộc kiểm soát về sức khoẻ cũng như cuộc điều tra của Trung tâm Quốc gia Chống khủng bố và các cơ quan tình báo Mỹ và quốc tế. Tiến trình này có thể kéo dài đến ba năm, đôi khi lâu hơn. Không có người nào khác đến Mỹ mà phải qua một mức độ kiểm soát gắt gao như vậy.

Kathleen Newland tại Viện Chính sách Di dân nói, định cư người tị nạn là con đường có tiềm năng thấp nhất để quân khủng bố sử dụng. Trong số 745.000 người tị nạn được định cư kể từ ngày 11 tháng 9, 2001 chỉ có hai người Iraq ở Kentucky đã bị bắt giữ vì tội khủng bố: viện trợ cho al-Qaeda ở Iraq.

Người xin nhập cư (sau khi đã đến Mỹ) cũng phải vượt qua một số thủ tục hành chánh tương tự. Quyết định cho phép nhập cư thuộc thẩm quyền của nhân viên Vụ Quốc tịch và Di trú Hoa Kỳ (Citizenship and Immigration Services, USCIS). Nếu nhân viên USCIS thấy hồ sơ của người xin nhập cư không đủ thuyết phục, họ sẽ nhận được “Thông báo Ý định Không chấp thuận” (“Notice of Intent to Deny”, NOID) miễn là tình trạng cư trú của họ, ví dụ, như khách du lịch hoặc du học sinh vẫn còn hợp lệ. Sau đó, họ được phép nộp thêm bằng chứng để trình bày rõ hơn hoàn cảnh của mình, mặc dù những quyết định như vậy hiếm khi thay đổi. Nếu tình trạng cư trú không còn hợp lệ, họ sẽ được đưa qua thủ tục tố tụng để trục xuất trước một phiên toà di trú. Ứng viên xin nhập cư sau đó vẫn có cơ hội thứ hai để biện hộ trường hợp của mình trước tòa trong khi luật sư của chính phủ cho rằng ứng viên đó nên bị trục xuất. Vào tháng Ba năm nay, USCIS có tới 82.175 trường hợp xin nhập cư đang chờ giải quyết. Năm ngoái, trung bình mỗi chánh án di trú phải thụ lý 1.500 vụ, gấp đôi hoặc gấp ba các chánh án khác.

Một cách giải quyết vụng về

Các quyết định từ hệ thống chọn lựa này thường chẳng liên quan gì giá trị của những trường hợp cá nhân. Joseph không may mắn vì sau khi đến Mỹ, ông rơi vào tay của một người thông dịch lừa đảo mạo danh luật sư, và Joseph đã tốn hàng ngàn đô la trả tiền cho hắn để được giúp đỡ trước các cuộc phỏng vấn xin nhập cư. Trường hợp của Joseph không được trình bày một cách suông sẻ, tốt đẹp và đã bị nhân viên di trú từ chối và chuyển hồ sơ sang tòa án di trú để trục xuất.

Về mặt lý thuyết, là quốc gia đã ký vào Hiệp ước Liên Hiệp Quốc năm 1951, Mỹ có nghĩa vụ pháp lý để bảo vệ người tị nạn. Trong thực tế, công chúng không sẵn sàng chấp nhận những hậu quả vô biên của cam kết này, vì vậy chính phủ liên bang phải giới hạn tổng số người tị nạn bằng một hệ thống hành chánh quan liêu nặng nề, ít hiệu quả.

Định cư người tị nạn tại Canada. Nguồn: Anqi Shen © 2013

Một cách có thể làm dân chúng bớt lo lắng về chi phí cho người người tị nạn là để cho tư nhân bảo lãnh như ở Canada. Kể từ năm 1979 chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada đã định cư hơn 200.000 người tị nạn. Các tổ chức dân sự trong cộng đồng, nhà thờ và những nhóm nhỏ, thành viên của những cộng đồng văn hoá, chung góp tiền để bảo lãnh cho những người tị nạn đến Canada và để giúp họ định cư và tìm kiếm việc làm. Một nghiên cứu về chương trình bảo lãnh tư nhân của Canada năm 2007 cho thấy rằng người tị nạn được tư nhân bảo trợ trở nên tự lập nhanh hơn những người tị nạn do chính phủ Canada bảo trợ.

Kathleen Caulderwood, Nguồn: The Guardian

Cộng đồng người Việt ở Toronto đã đến với nhau để bảo trợ người tị nạn Syria đến Canada. Nhiều người trong số 60.000 những người đã là ‘thuyền nhân’ phải lìa bỏ quê hương Việt Nam đi tị nạn đã được chính phủ Canada cấp quy chế tị nạn khẩn cấp. Hôm nay, họ đang đứng dậy mở vòng tay cùng nhau hỗ trợ tài chính, nhà ở và pháp lý cho hàng ngàn người Syria mà họ chưa bao giờ biết mặt

Nên chăng những cộng đồng đông người gốc Việt ở các thành phố lớn khác như Vancouver, Montreal, Calgary, Edmondton cùng bước lên, theo gương của cựu thuyền nhân Việt Nam tại Toronto, đứng ra bảo lãnh hoắc ít nhất cũng thành lập được những uỷ ban chuẩn bị đón tiếp, giúp đỡ người tị nạn Syria khi họ đến Canada?

Hãy nhớ lại hoàn cảnh của chúng ta, những người tị nạn cộng sản, những ngày đầu ở đây, 40 năm về trước.

Richard Haass, người đứng đầu Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, một think-tank, nói, “Chúng tôi có một lịch sử cởi mở đối với người nhập cư và người tị nạn; họ là những người đã đóng góp tốt với Canada, và đã là một phần DNA của đất nước chúng tôi.”

Với dòng người tị nạn dường như không bao giờ kết thúc đang đổ về nước Đức, ông Haass lập luận rằng quan tâm để giúp Đức, một trong những đồng minh tin cậy nhất [giải quyết vấn đề người tị nạn] là lợi ích của Hoa Kỳ.

Thật không may, hầu hết các người đang vận động tranh cử chức tổng thống Mỹ không đồng ý. Chỉ minh ông Martin O’Malley, cựu thống đốc tiểu bang Maryland, người ít hy vọng nhất để được đảng Dân chủ đề cử làm ứng viên tranh cử tổng thống, rõ ràng đã nói rằng Mỹ cần làm nhiều hơn nữa cho người tị nạn Syria.

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: The Economist, Yearning to breathe free. America should reclaim its role as a beacon for those fleeing persecution and war. Oct 17th 2015 | CHICAGO | From the print edition




No comments: