Saturday, November 21, 2015

Dạy môn “Công dân và Tổ quốc”, nhưng Tổ quốc tên là gì? (Hà Sĩ Phu)






(Nhân ngày Nhà giáo nghĩ về việc dạy môn học Lịch sử hiện nay) 

Xuất thân là một thày giáo phổ thông, rồi giảng viên đại học, rồi viết về những vấn đề chính trị xã hội, tôi rất quan tâm đến cuộc tranh luận quyết liệt về xử lý môn học Lịch sử hiện nay. 

Phía cơ quan chủ quản tức Bộ Giáo dục thì bảo vệ cho quan điểm cần “tích hợp” môn Lịch sử chung với 2 môn khác thành môn học “Công dân và Tổ quốc”, trong khi hầu hết các trí thức trong nước, ngoài bộ phận chủ quản nói trên, đều nói rằng làm như vậy thì "Thực chất là xoá bỏ môn Lịch sử trong nền giáo dục phổ thông", đây “là một việc làm không đúng, cần phải kiên quyết loại bỏ. Phải nghiên cứu lại một cách nghiêm túc với sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học”, “chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay”...(*)

1. Ý kiến đã nhiều nhưng nỗi lo chưa hết

Trên công luận thì ý kiến trái chiều với Bộ Giáo dục tỏ ra áp đảo, nhưng đừng vội mừng, kinh nghiệm cho biết trong cơ chế vận hành hiện nay những ý kiến “trái chiều” dù có tình có lý rõ ràng, dù có lợi cho dân cho nước cũng “không là cái đinh gì” khi “Trên” đã quyết định, khi đã là chủ trương lớn của ĐCSVN, (và người ta có lý do để nghi ngờ, nếu điều này có bàn tay của Trung quốc thì thật khó thoát ra như cái gông 16 chữ vàng rất êm ả mà tai quái). Vậy tuy đã có rất nhiều lời phân tích xác đáng song mối lo ngại bị “teo” dần môn Sử Việt vẫn không được phép nguôi ngoai, cho tới khi nào nguyện vọng chính đáng của nhân dân, mà đại diện là giới trí thức độc lập, được thành hiện thực. 

2. Ý nghĩa đặc biệt của môn Sử Việt và môn Sử Đảng:

Ý nghĩa chung thì đã rõ, mỗi dân tộc đều “lớn lên thành người” theo một quá trình riêng của dân tộc mình, quên cái quá khứ cụ thể ấy là lấy đi cái nền phát sinh của con người, thì dân tộc ấy như người bị chặt cụt 2 chân, chỉ ngồi trên xe lăn để người ta đưa đẩy đi đâu cũng được. Không còn biết mình là ai thì mất hết sức mạnh tự thân.

Không ít người ngộ nhận, tưởng đang cùng thế giới chia sẻ những giá trị văn minh kỹ thuật hiện đại như nhau thì có nghĩa mọi dân tộc đã ngang hàng với nhau. Thực ra, cái tầm vóc NGƯỜI, đẳng cấp NGƯỜI tức cái hồn NGƯỜI bên trong vẫn có thể khác nhau nhiều lắm. Tầm vóc NGƯỜI là kết quả được tạo ra từ một quá trình lịch sử lâu dài và gắn chặt với một cộng đồng xác định gọi là Dân tộc

Vậy trong trường hợp cộng đồng dân tộc Việt Nam, đặc điểm lịch sử quan trọng nhất là gì? 

- Trong QUÁ KHỨ, VN là một dân tộc thuần hậu, đã còn nhiều lạc hậu lại phải sống cạnh một nước láng giềng khổng lồ đầy tham vọng và thâm hiểm. Nhưng dù có nền văn hóa rất gần nhau mà sau 1000 năm đô hộ, kẻ khổng lồ gian ác vẫn không đồng hóa được nước nhò này, giang sơn gấm vóc Việt Nam vẫn nguyên vẹn. Lịch sử Việt Nam (gọi tắt là Sử Việt để phân biệt với môn Sử Đảng) chủ yếu là Lịch sử chống xâm lược Tàu, qua đó khẳng định một Dân tộc có sức sống và khả năng thích nghi mãnh liệt. 

- Nhưng trong Lịch sử HIỆN TẠI tức mấy chục năm gần đây Việt Nam gặp một bước ngoặt bất ngờ. Kẻ thù cũ có dịp quay trở lại, nhờ tận dụng được một cơ hội mới quý như vàng, đó là Ảo tưởng Cộng sản đã nhốt chung con sói và bày hươu vào chung một chuồng, cái chuồng sơn son rất đẹp có tên “đại gia đình Xã hội chủ nghĩa, bốn phương Vô sản đều là anh em”. 

Đã là XHCN thì mọi việc cứ do hai ĐCS ngồi với nhau quyết định, trong đó thế bất lợi luôn thuộc về cái ĐCS nhỏ và chịu ơn. Còn nhân dân bị trị thì bị nền CS toàn trị tước hết mọi vũ khí tinh thần và vật chất và khóa chặt, không còn điều kiện tối thiểu để tự đứng lên làm một sự nghiệp gì. Sự hỗ trợ quốc tế thì bị hạn chế tối đa bởi chủ trương chỉ đối thoại song phương, không chấp nhận nước thứ ba can dự và trì hoãn việc kiện ra Liên hiệp quốc. Nước nhỏ mà thực hiện ba điều ấy thì khác nào tạo “điều kiện cần và đủ để cho địch nhất định thắng-ta nhất định thua”như dọn cỗ cho kẻ xâm lược. Giai đoạn Lịch sử ngắn ngủi này là thời gian của Sử Đảng, tuy được viết rất hùng tráng song chính là giai đoạn làm cho Việt Nam chịu ơn Trung quốc, thất thế trước Bành trướng Đại Hán và rước họ trở lại.

Nay trước vận nước lâm nguy, đúng lúc phải tăng cường Sử Việt để sống lại tinh thần Thoát Trung, và sửa những sai lầm của giai đoạn Sử Đảng đã giúp Đại Hán cơ hội trở lại thì giới cầm quyền Việt Nam đã khéo léo làm toàn những điều ngược lại: lấy cớ “giảm tải cho học sinh” để giảm dần Sử Việt truyền thống, đồng thời tăng cường môn Sử Đảng bằng mọi phương tiện, thử hỏi như vậy thì có lợi cho giặc hay có lợi cho dân tộc ta? Nếu có một tên Thái thú Tàu thì nó cũng chỉ mong làm được như vậy.

Còn nhớ hồi ông Lê Khả Khiêu đang làm Tổng Bí thư, có đoàn đại biểu Trung quốc sang thăm, trao đổi về những vấn đề lý luận. Phía Việt Nam nói ĐCS Trung quốc đảm nhiệm phần lý luận, VN chỉ nhiều kinh nghiệm thực hành. Phía Trung quốc nói VN cần sửa lại Lịch sử của mình!

Theo ý Trung Quốc, Việt Nam chỉ là “đứa con hoang” cần trở về với mẹ thì những trang sử oanh liệt chống ngoại xâm của Lê Lợi, Hưng Đạo, Quang Trung…chẳng qua chỉ còn là những vụ phản loạn của địa phương, như bọn giặc có nổi lên chống lại chính quyền Trung ương chứ có gì khác? 

Dã tâm gian ác của giặc Bành trướng Đại Hán đã nằm trong gien của họ, đấy là việc của họ. Nhưng những người cùng được mang dòng máu Việt của những anh hùng cứu quốc trong Sử Việt mà nay bị cái “đại cục Ý thức hệ đầy lợi quyền lừa đảo” cuốn đi, cúi mặt làm tay sai, làm nhục tổ tiên thì sao mà tha cho được? Họ chỉ lo cho Đại Hán khi thấy tâm lý người Việt ghét xâm lược Tàu, họ hứa với Tàu sẽ đàn áp những cuộc biểu tình yêu nước, họ hứa sẽ sửa những trang lịch sử oanh liệt chống giặc Tàu…Chương trình “tích hợp” môn lịch sử kiểu này khác nào tiếp tục triển khai mật ước phục vụ ý đồ của giặc xâm lăng? Liệu có oan không, khi nhớ rằng ông Bộ trưởng bảo vệ cái đề án xóa nhòa môn Sử Việt này cũng chính là người mấy năm trước đã ra lệnh cấm học sinh sinh viên tham gia biểu tình yêu nước đấy! Chẳng có gì là ngẫu nhiên cả. 

Ảnh: Thí sinh thi Sử, một mình một hội đồng thi!

3. Tích hợp thành môn “Công dân và Tổ quốc” gây hiệu quả tốt hay xấu?

- Tích hợp kiểu này, môn Sử Việt sẽ bị phá nát

Có sự tích hợp là tốt, có sự tích hợp là xấu, tùy theo tính chất và tương tác của các môn hợp phần. TS Vũ Thị Phương Anh cho biết khi giảng về chủ đề "người dân tộc thiểu số ở VN", trong đó tích hợp luôn cả lịch sử, cả địa lý, và cả văn hóa vào nữa. Đó là ví dụ về sự tích hợp tốt làm tăng hiệu quả. Sự tích hợp có nhiều mức độ, có khi chỉ cần bổ sung hay minh họa bằng những bài đọc thêm kẻm theo bài chính. 

Nhưng sự tích hợp môn Sử Việt với hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng cho ta ví dụ ngược lại, nó sẽ “phá nát” môn Sử Việt (như lời GS Đỗ Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội). Bản thân môn Lịch sử (Sử Việt) với tư cách là một khoa học và ổn định, nhưng hiện nay đã bị nhiễm “tính Đảng”, bị chính trị hóa khá nhiều rồi (và đó là một nguyên nhân khiến môn Lịch sử bị áp đặt và khô khan), đã thế bây giờ lại ghép vào hai môn Giáo dục công dân và An ninh quốc phòng là hai môn gắn chặt với thể chế chính trị trước mắt, chứa đầy “đảng tính” là yếu tố chính trị nhất thời, thì Lịch sử sẽ bị băm nát và biến tính ra sao, thiết nghĩ có thể biết trước.

Nếu chỉ vì tâm lý học sinh chán môn Sử mà phải tinh giảm thì còn đâu là chuẩn mực sư phạm? Lỗi không ở học sinh, không ở bản thân môn học, mà ở nội dung áp đặt chủ quan vô lý và người truyền đạt vô hồn.

- Vướng ngay từ cái tên môn học

Việc “tích hợp” môn Sử Việt này vào một môn chung bị vướng ngay từ cái tên của môn chung đó: Công dân và Tổ quốc! Tổ quốc tên là gì vậy? Người dân Việt nào cũng hiểu đây là Tổ quốc Việt Nam, thế thôi. Nhưng xin thưa không phải thế, ĐCSVN đã đổi tên chính thức cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa, nhiều khi chỉ gọi tắt là Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Tổ quốc có kèm một tính ngữ để định hướng, để đừng lầm với cái Tổ quốc cổ truyền. Tổ quốc cũng phải mang “tính Đảng”, phải chính trị hóa. 

Trong bài “Đôi điều suy nghĩ của một công dân” (1993) tôi đã viết như sau:

Vượt lên trên mọi sự tranh giành giai cấp, vượt qua mọi thể chế, Tổ quốc chúng ta bao giờ cũng là Tỏ quốc Việt Nam thôi! Ta gọi những đồng bào ta ở nước ngoài muốn đem sức người sức của về xây dựng đất nước là 'Việt kiều yêu nước' nhưng họ có yêu Chủ nghĩa Xã hội đâu? Nếu ta chuyển cả Tổ quốc thành 'Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa' thì những đồng bào yêu nước ấy còn đâu nước để mà yêu? Tôi tin rằng sẽ có ngày chúng ta làm lễ trả lại 'tên khai sinh' cho Tổ quốc là Tổ quốc Việt Nam, thì sức mạnh của Người sẽ tăng lên gấp bội, những con dân nước Việt sẽ rưng rưng nước mắt, nắm chặt lấy tay nhau mà reo hò.”

- Phẩm chất người thày quyết định hiệu quả môn học

Tổng số tiết dạy tất nhiên là một yếu tố quan trọng nhưng nội dung giảng dạy và phẩm chất người thày quan trọng hơn nhiều. Nội dung môn học thì đã như trên phân tích. Phẩm chất người thày thì sao? Bên cạnh phương pháp, kỹ năng truyền đạt thì quan điểm, tư tưởng, nhiệt tâm và nhân cách của người thày là yếu tố quyết định. Người thày hiện nay ra sao, họ phải là những “cán bộ giáo dục của Đảng”, phẩm chất đầu tiên là không được có ý kiến khác với Đảng, nếu có sẽ bị loại trừ ngay. Nhà trường là nơi bị quản lý chính trị rất chặt, trong những trí thức có tư tưởng dân chủ tiến bộ, dám lên tiếng phản biện lâu nay hỏi có được mấy người là các nhà giáo? Các nhà giáo bị nhiễm độc CS (một cách tự nguyện hay bắt buộc) lại đứng trên bục, giảng cái gọi là môn Lịch sữ đã “tích hợp” bị nhiễm độc nặng nề thì nạn nhân là những người bị nuốt những thức ăn tinh thần độc hại đó là những con em chúng ta, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ bị nhiễm độc hàng loạt, sẽ chết từ từ cả về trí tuệ và tâm hồn, đến lượt họ lại thành những người thày đi gieo chất độc thì xã hội chỉ còn là con thuyền lạc bến, buông trôi theo mật ước Thành Đô.

***

Để dứt lời, xin các thày giáo cô giáo, những đồng nghiệp của tôi miễn thứ cho tôi nếu có những lời làm quá đau lòng đồng nghiệp trước cái “đại cục” nhức nhối cho tương lai của giống nòi mình. Nhưng cũng thật mừng trong cuộc tranh luận về môn Sử Việt này, nhiều thày giáo cô giáo đã không thể im lặng, đã lên tiếng phản biện quyết liệt. Thương trò, thương mình và thương Dân tộc. Xin trích lời của Phó Gíáo Sư Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) làm một ví dụ: 

“Cắt ghép và xuyên tạc lịch sử vốn là cách làm của những người muốn bôi nhọ lịch sử dân tộc và nhân loại. Ngày càng có nhiều công bố trên phương tiện thông tin đại chúng làm lung lạc tinh thần thế hệ trẻ Việt Nam bằng cách lắp ghép và xuyên tạc lịch sử theo một logic chủ quan đã định trước, nhưng lại núp bóng "cách nhìn mới" về lịch sử. Vì vậy, việc giáo dục lịch sử thiếu tính hệ thống và toàn diện sẽ đặt thế hệ trẻ Việt Nam đứng trước hiểm họa thấy rõ.”

21-11-2015

____________________________________


(*) Tham khảo:








No comments: