Wednesday, November 18, 2015

Báo chí thế giới sẽ tiến tới đâu? (TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức)





TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
Posted by adminbasam on 17/11/2015

Tờ báo đầu tiên trên thế giới do Johann Carolus xuất bản năm 1605 tại Straßburg thuộc Đức. 50 năm sau, ngày 1.6.1650, nhà xuất bản báo đầu tiên ra đời do Timotheus Ritzsch thành lập tại Leipzig, Đức. 50 năm tiếp, năm 1702 tờ nhật báo thế giới đầu tiên được phát hành ở Anh, và phải tiếp 1 trăm năm nữa, năm 1908 nghề làm báo mới được đào tạo lần đầu tiên ở Hoa Kỳ. Như bất kỳ hàng hoá tiêu dùng thường nhật nào khác, dạng cơm ăn, áo mặc, thuốc uống, giấy viết… báo chí cũng không ngoại lệ mang đầy đủ 3 thuộc tính (theo Karl Marx): Vừa có „Giá trị Sử dụng“ (1) để thoả mãn nhu cầu con người hàng ngày, vừa có „Giá trị“ (2) tính bằng tiền có thể sản xuất nhỏ cá thể, hoặc lớn bởi các công ty, tập đoàn (2.1) nhằm mục đích lợi nhuận (2.2); xuất bản nó là một dạng nghề nghiệp thuộc quyền con người tự do mưu sinh (3).
Tên gọi báo chí ở ta nguyên thuỷ theo nghĩa Hán Việt là „thông báo“ trên „giấy (chí)“, nay được hiểu theo nghĩa rộng là truyền thông bao gồm cả nghe nhìn internet. Khái niệm báo chí ở Đức cũng bắt nguồn từ nghĩa „tin tức“ hay „thông điệp“ từ thế kỷ 14 ở Köln, Đức, nhưng giới hạn vào các sản phẩm in ấn định kỳ, trước đây trên giấy ngày nay mở rộng cả trên Internet.

*Thị trường báo chí thế giới
Theo Hiệp hội Báo chí, Xuất bản WAN-IFRA, về thuộc tính (2), năm qua 2014 bán báo toàn cầu đạt 92 tỷ USD, quảng cáo đạt 87 tỷ USD, tổng doanh thu 179 tỷ. Sáu thị trường báo chí lớn nhất thế giới, Mỹ 37 tỷ USD, Nhật Bản 18 tỷ USD, Đức 16 tỷ USD, Trung Quốc 14 tỷ USD, Anh 8 tỷ USD và Ấn Độ 7 tỷ USD. Về thuộc tính (1), Trung Quốc đứng đầu mức phát hành báo in với 116 triệu bản/ngày, tiếp đến Ấn Độ 112 triệu, Nhật 47 triệu, Mỹ 40 triệu, Đức 21,4 triệu. (Chú ý, nếu xét yếu tố ảnh hưởng bởi dân số, thì các thứ hạng trên sẽ đảo lộn).

* Nhìn từ báo chí Đức
Đức hiện có 351 tờ báo in tư nhân phát hành hàng ngày trên toàn Liên bang và 1.528 tờ phát hành điạ phương, 21 báo tuần, 7 báo Chủ Nhật, 842 tạp chí phổ thông, 1137 tạp chí chuyên ngành. Tính ra gấp trên 3 lần ấn phẩm Việt Nam (Theo cổng điện tử Bộ TTTT, có 838 cơ quan báo chí in, 1.111 ấn phẩm báo chí; 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí). Phát hành tới 21,4 triệu bản với 116.000 điểm bán lẻ. (Thống kê trên không tính báo điện tử hay báo in thuộc các cơ quan tổ chức doanh nghiệp phát hành nội bộ hoặc miễn phí hoặc nhằm mục đích quảng cáo 1406 ấn phẩm, chưa kể công báo của các cơ quan nhà nước).
Xét thuộc tính (1) cho kết qủa, cứ 4 người Đức trên 14 tuổi (tuổi trưởng thành) có 3 người đọc báo ngày, trong đó có 11,3/90 triệu dân số Đức đặt báo chuyển phát tới nhà. 30,9 triệu dân Đức đọc báo trên Internet, chưa kể 9,6 triệu đọc qua điện thoại di động. Mỗi ngày bình quân 1 người Đức đọc báo 39 phút, cuối tuần 44 phút. Chất lượng: Tin tức được người dân tin cậy 46% đặt vào báo (tư nhân) gấp đôi truyền hình nhà nước chỉ 23%, truyền thanh nhà nước 10%, và Internet 8%. Xuất bản tiếng nước ngoài: Tổng cộng 125 báo ngày, không có tiếng Việt ngoại trừ vài tờ báo tuần, và 1 tờ báo tháng có đăng ký mã số quốc tế nộp lưu chiểu thư viện.

*Chính sách báo chí Đức
Ngày nay, kết quả bất kỳ hoạt động gì, ở thể chế quốc gia nào, trước hết đều là sản phẩm của hành lang pháp lý nước đó. Hành lang đó lại được quyết định bởi hiến pháp. Báo chí Đức cũng không ngoại lệ, 3 thuộc tính của nó đều được hiến định.
Cũng như ở ta và hầu hết mọi quốc gia, thuộc tính (3) „quyền tự do báo chí“ được Đức hiến định tại Điều §5. Nhà nước chỉ được phép hạn chế „bằng văn bản lập pháp“ với điều kiện bảo đảm „bản chất quyền tự do đó bất khả xâm phạm“ (Điều §19) và phải chịu tài phán của Toà Bảo hiến. Cũng như bất kỳ hàng hoá nào, báo chí bị chi phối bởi các điều khoản hiến định về thể chế chính trị kinh tế xã hội, ở Đức theo nguyên lý „nhà nước liên bang, xã hội và dân chủ“ (Điều §20). Theo đó, với thuộc tính (1) và (2) báo chí là sản phẩm của nền kinh tế thị trường, thuộc công việc mưu sinh của người dân, sản xuất để thoả mãn nhu cầu người tiêu dùng, nhằm thu lợi nhuận.
Từ các chuẩn mực hiến định trên, luật báo chí Đức được phân cấp cho các tiểu bang, như của tiểu bang Sachsen, ban hành 1991, sửa 2003, gồm 17 điều 2000 chữ (để hình dung, Luật báo chí ta 58 điều, 11.200 chữ). Được xây dựng theo đúng nguyên lý của một nhà nước pháp quyền (trị), như đối với bất kỳ hoạt động nào cuả bất kỳ ngành nghề gì: Các điều khoản đều đưa ra những chuẩn mực thước đo quy tắc xử sự (đong đo đếm được). Chỉ điều chỉnh những hành vi bị cấm hoặc phải có trách nhiệm thực hiện áp dụng đối với người làm báo; những hành xử được phép hoặc phải có trách nhiệm thực hiện áp dụng đối với các cơ quan nhà nước, (còn lại cả hai phiá nhà nước và nhân dân hoàn toàn độc lập, tự do quyết định), gồm:

1- Chế tài các cơ quan nhà nước:
– „Cấm mọi cơ quan nhà nước kiểm duyệt hay áp dụng bất kỳ biện pháp nào gây ảnh hưởng xấu. Cấm lập hiệp hội báo chí với hội viên bắt buộc“ (Điều §1).
– Mọi hoạt động báo chí và thành lập cơ quan báo chí không cần giấy phép đặc thù báo chí (Điều §2).
– Cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin (Điều „4): „Người đứng đầu hoặc được ủy quyền của các cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp tin. Chỉ được phép từ chối khi phải giữ bí mật theo luật định hoặc bảo vệ quyền riêng tư hay để tránh ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình điều tra, lợi ích riêng của cá nhân, nhà nước. Không được ban hành lệnh chung chung cấm cơ quan nhà nước nào đó cung cấp thông tin cho báo chí“.

2- Chế tài người làm báo:
– Nhiệm vụ của báo chí đối với nhà nước (Điều „3): „Trong các vấn đề liên quan tới lợi ích nhà nước, lấy tin, truyền tải, thể hiện ý kiến, phê bình, phản biện, hoặc bằng các cách khác tác động tới công luận“, nghĩa là không bắt buộc phải ủng hộ.
– Báo chí phải có trách nhiệm cẩn thận (Điều §5): „Trước khi đưa tin phải kiểm tra độ trung thực, nguồn tin, không được giả mạo“.
– Phải công bố dữ liệu toà soạn trên báo (Điều §6), gồm: „Chức danh lãnh đạo các bộ phận biên tập, nơi xuất bản“.
– Điều kiện đối với các chức danh lãnh đạo biên tập (Điều §7): „Phải lưu trú ở Đức, không dưới 21 tuổi, chưa bị điều tra hình sự do làm báo gây ra“.
– Tách bạch giữa báo chí và cơ quan nhà nước: „Các chức danh lãnh đạo biên tập không kiêm nhiệm các chức danh cơ quan công quyền“ (Điều §7).
– Báo chí có trách nhiệm công khai những doanh nghiệp tham gia chủ cơ quan báo chí trên mục dữ liệu toà soạn (Điều §8).
– Có trách nhiệm ghi rõ quảng cáo khi đưa thông tin nhằm mục đích quảng cáo có phí (Điều §9).
– Trách nhiệm phải đăng phản hồi phản bác của đối tượng được báo đưa tin, ngoại trừ phản hồi đó nội dung vi phạm luật hình sự, hoặc không liên quan tới nội dung tin đề cập, hoặc tin đó chỉ thuộc quảng cáo phục vụ cho giao dịch. Toà án phải có trách nhiệm xử nhanh khi 2 bên không thống nhất (Điều §10).
– Trách nhiệm nộp lưu trữ cho thư viện (Điều §11).

3- Hình phạt đối với người làm báo:
– Báo chí có nội dung vi phạm hình sự sẽ áp dụng Bộ luật hình sự đối với lãnh đạo các bộ phận biên tập hoặc các chức danh toà soạn liên quan trực tiếp (Điều §12).
– Được coi là vi phạm hành chính có chủ đích hoặc cẩu thả, khi vi phạm Điều §6, §7, §8, §9,§10, §13. Tùy mức độ có thể bị phạt tới 100.000 Euro.
– Hành vi vi phạm hình sự bị quá hạn sau 6 tháng, sau 3 tháng đối với vi phạm hành chính tính từ thời điểm phát hành số báo đó (nghĩa là sai phạm sau thời hạn trên mới phát hiện sẽ được miễn truy cứu (Điều §14).

4- Hình phạt đối với người đứng đầu các cơ quan nhà nước liên quan, khi cơ quan đó vi phạm Luật báo chí: Áp dụng luật công chức hoặc Luật luật hình sự liên quan.


* Báo chí Việt Nam

Đức và Việt Nam có xấp xỉ số dân và diện tích. Theo đánh giá của Bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son (tại buổi tiếp xúc cử tri ngày 24.4.2015, xã Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Nội): „… hiếm nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay với hơn 800 tờ báo, tạp chí…“; nghĩa là xét tương quan với thế giới, báo chí ta đã thoả mãn nhu cầu người đọc về thuộc tính (1). Cụ thể, theo cổng điện tử của Bộ, năm 2014 Việt Nam có 838 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm báo chí (trong đó các cơ quan Trung ương có 86 báo in và 507 tạp chí; địa phương có 113 báo in và 132 tạp chí); 90 báo và tạp chí điện tử, 215 trang tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Không có số liệu về doanh thu như Đức.
Khác với Đức, Luật báo chí Việt Nam (bản dự thảo hiện nay) 11.200 chữ dài gấp 5 lần, với 58 điều nhiều gấp 3,5 lần, do Hiến pháp 2 nước nhiều khác biệt. Khác thể chế nhà nước Đức, Việt Nam được hiến định là nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa (Điều §1, §2) được xây dựng trên nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác – Lê Nin (Điều §4) vốn có dấu hiệu đặc trưng: kinh tế theo mô hình „quản lý tập trung, nhằm hoàn thành kế hoạch nhà nước (phân loại theo khoa học kinh tế quốc dân)“, do „Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý (theo kinh tế chính trị học Mác -Lê Nin)“. Báo chí là một ngành kinh tế cũng không nằm ngoài mô hình và nguyên lý quản lý trên.
„Quyền tự do báo chí“ cũng như Đức, Việt Nam hiến định tại Điều §25, nhưng giới hạn hoàn toàn khác họ „do pháp luật quy định“ (Điều §25). Khái niệm „pháp luật“ được hiểu là tất cả các văn bản pháp lý của nhà nước từ lập pháp tới lập quy đến hành chính các cấp, nghĩa là rốt cuộc do các các cấp đó quyết định.
Với nền tảng thước đo pháp lý trên, Luật báo chí ta tập trung luật hoá mọi hoạt động tự thân của cơ quan báo chí tương tự như đối với cơ quan hành chính sự nghiệp hay các doanh nghiệp nhà nước sở hữu, đặt dưới sự quản lý điều hành của nhà nước, lãnh đạo của Đảng, từ vĩ mô tới vi mô. Không cho phép báo chí tư nhân, đồng thời coi báo chí nhà nước như một cơ quan hành chính sự nghiệp được nhà nước bao cấp bằng „Quỹ hỗ trợ phát triển báo chí (Điều §7)“, không tự chịu trách nhiệm lỗ lãi, phá sản, được bao cấp: „tài chính của cơ quan báo chí bao gồm các nguồn từ cơ quan chủ quản báo chí cấp“, „tài trợ“, bán các sản phẩm của nó (Điều §25).


*Thời đại báo chí công dân

Cách mạng khoa học kỹ thuật quyết định trình độ nền sản xuất. Truyền thông báo chí là một ngành nghề cũng không ngoài quy luật đó. Báo giấy thế giới hiện đang bị „thời đại truyền thông Internet“ đẩy vào khủng hoảng, „chết dần (khái niệm thế giới hiện dùng)“ với doanh thu liên tục tụt dốc cùng bao tập đoàn xuất bản nó nổi tiếng thế giới phá sản liên tiếp chỉ trong vòng mấy năm nay. Các dự báo Đức còn đưa ra thời điểm, một vài thập niên tới thậm chí ngành công nghiệp giấy sẽ biến mất, chỉ còn rơi rớt lẻ tẻ. Đặc trưng „Thời đại truyền thông Internet“ là truyền thông đa chiều cần những tập đoàn truyền thông mạnh sử dụng công nghệ hiện đại; là thời đại báo chí công dân, ai cũng có thể làm báo, phóng viên, nhiếp ảnh, quay camera. Năm 2014, báo điện tử và phiên bản điện tử đã chiếm chỗ thị phần báo giấy, tăng 56% so với năm trước đó. Sang năm nay chính 2 loại báo này đang phải nhường chỗ cho báo mobile E-Paper (công đoạn mua và đọc phiên bản điện tử chỉ cần mỗi điện thoại smartphone) dự báo sẽ thống lĩnh truyền thông nay mai.
Quảng cáo cũng vậy, thị phần quảng cáo bằng mobile năm 2014 đạt 19 tỷ đô la so với 10,7 tỷ năm trước đó, tăng 78%, dự báo sẽ thống trị thị trường; thị phần quảng cáo từ báo giấy và điện tử vì vậy sẽ co lại.
Truyền hình truyền thống thế giới cũng sẽ gần chung số phận báo giấy, không còn độc tôn như xưa nay, khi ứng dụng mang tên Periscope – một bước đột phá mới trong làng công nghệ truyền thông, đưa vào hoạt động đại trà sắp tới. Chỉ cần một nút ấn, bằng điện thoại thông minh smartphone có thể theo dõi trực tiếp mọi lúc, mọi nơi những gì đang diễn ra trên thế giới thu được cũng bằng smartphone. Lúc đó smartphone có thể dễ dàng biến mọi thể chế, nhà nước, lãnh tụ, chính khách, quan chức… cho đến bất kỳ dân thường nào, liên quan tới mối quan hệ Đảng – Nhà nước – Nhân dân, đều trong suốt rõ ràng như pha lê trước toàn thể thế giới không cần bất kỳ lời bình luận nào.

----------------------------

Phạm Mạnh Hà  -   GDVN
17-11-2015

Tuy rằng báo chí tư nhân đóng vai trò rất tốt trong việc tự do nêu quan điểm cá nhân phản biện lại các quan điểm của các cá nhân khác và nhà nước, nhưng do không phải là chuyên ngành định hướng xã hội được kiểm soát chặt chẽ nên báo chí tư nhân không thể tránh được sự phản ánh quan điểm lệch lạc sai trái, lại gây ảnh hưởng đến dư luận khiến cho dư luận không biết đâu là con đường đúng đắn để đi theo.  Hậu quả là báo chí tư nhân dễ gây hoang mang, nhầm lẫn, ảo tưởng trong dư luận xã hội, mà điều này tất yếu dẫn đến sự rối loạn, chệch hướng trong tư tưởng của xã hội“.

Nói như thế, những nước có báo chí tư nhân cả trăm năm qua, người dân của họ đều bị hoang mang, nhầm lẫn, ảo tưởng, rối loạn và chệch hướng… hết à? Người dân ở những nước có báo chí tư nhân như Mỹ, đều có quan điểm lệch lạc, sai trái, họ không biết đâu là con đường đúng đắn để đi theo?

XEM TIẾP :









No comments: