Sunday, July 12, 2015 1:42:54 PM
HÀ NỘI (NV) –
Lần thứ hai báo chí Việt Nam tiếp tục đưa tin về việc tưởng niệm những người
lính tử trận năm 1984 khi phản công để giành lại các cao điểm bị Trung Quốc chiếm
giữ ở Hà Giang.
Có tờ báo như Tuổi Trẻ còn cử phóng viên thực hiện một phóng
sự liên quan đến sự kiện đẫm máu mà Việt Nam từng tìm mọi cách để làm cho
công chúng quên lãng.
Vào ngày 17 Tháng Hai, 1979, Trung Quốc xua
quân tràn sang Việt Nam để “dạy cho Việt Nam một bài học,” bởi bỏ Trung Quốc
theo Liên Xô. Sau khi phá sạch, đốt sạch nhiều làng mạc, thị trấn ở các tỉnh tiếp
giáp với biên giới của mình, ngày 16 Tháng Ba, Trung Quốc tuyên bố đã rút
toàn bộ quân đội ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, xung đột giữa hai bên tại khu vực biên giới
Việt-Trung vẫn còn kéo dài cho đến năm 1989. Trong đó có sáu đợt giao tranh lớn
vào các năm: 1980, 1981, 1983, 1984, 1985, 1986 và đợt giao tranh được xem là đẫm
máu nhất xảy ra hồi Tháng Bảy, 1984.
Ngày 12 Tháng Bảy, 1984, sư đoàn 356 của Việt
Nam đã phản công để giành lại một số cao điểm thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà
Giang – lúc đó đã bị Trung Quốc chiếm giữ từ Tháng Tư, 1984. Trong ngày đầu
của cuộc phản công này, có ít nhất 600 người lính Việt Nam tử trận. Rất nhiều
người cho đến nay không tìm được xác.
Sau khi Việt Nam “bình thường hóa quan hệ với Trung
Quốc” vào năm 1990, cuộc chiến với Trung Quốc trở thành đề tài cấm kỵ. “Tinh thần
bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và “16 chữ
vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương
lai) mà giới lãnh đạo Trung Quốc đề nghị, trở thành kim chỉ nam của giới lãnh đạo
Việt Nam trong ứng xử. Không còn ai đả động đến những người lính đã tử trận khi
chống Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ.
Đầu thập niên 2010, do Trung Quốc càng lúc càng càn
rỡ và Việt Nam càng ngày càng tỏ ra bạc nhược, hèn yếu, người Việt trong
nước bắt đầu đề cập đến họa mất nước và cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược
trong giai đoạn từ 1979 đến 1989 được xới lên, nhắc lại như một bằng chứng về
dã tâm của Trung Quốc.
Đến lúc đó, người ta mới sửng sốt và phẫn nộ khi
phát giác tại khu vực biên giới Việt-Trung, bia ghi công những người lính “thắng
quân xâm lược Trung Quốc” và bia tưởng niệm những thường dân bị “quân xâm lược
Trung Quốc thảm sát” đã bị đục bỏ.
Cho đến những năm 2012, 2013, các cuộc tưởng niệm những
người lính đã tử trận trong các cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược hoặc
bị Trung Quốc giết tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa vẫn bị an ninh Việt
Nam theo dõi chặt chẽ, sách nhiễu và bị hệ thống truyền thông vu cáo là những
hành động nông nổi vì “bị các thế lực thù địch kích động.”
Kể từ năm ngoái, bất kể đã rất cố gắng nhằm chứng tỏ
“thiện chí” trong việc gìn giữ nghiêm cẩn “tinh thần bốn tốt” và “16 chữ vàng”
nhưng Trung Quốc vẫn lấn tới và trước sự phẫn nộ càng ngày càng lớn của dân
chúng, chính quyền Việt Nam bắt đầu nới lỏng chuyện chỉ trích Trung Quốc. Báo
chí Việt Nam lại bắt đầu ca ngợi những người lính đã tử trận trong các cuộc chiến
chống Trung Quốc như họ đã từng làm lúc chính quyền Việt Nam cần nhiều người cầm
súng. (G.Đ.)
___
XEM THÊM :
(BBC Tiếng Việt
13-7-2015)
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment