Wednesday, July 15, 2015 5:24:01 PM
VIENNA,
Áo (TH) - Chưa thể biết chắc chắn thỏa hiệp
hôm Thứ Ba giữa nhóm 6 cường quốc và Iran sẽ được thực thi như thế nào, và kết
quả tương lai ra sao, vì hãy còn rất nhiều vấn đề phức tạp.
Các nhà bình luận cho rằng thỏa hiệp lịch sử này là
kết quả của những nỗ lực chính trị ngoại giao vô cùng khó khăn mà Tổng Thống
Obama đã dự tính từ trước khi vào tòa Bạch Ốc, nhưng cuối cùng sẽ là thành công
hay thất bại thì cho đến bây giờ chưa thể nào biết chắc.
Phó Tổng Thống Joe Biden (trái) đến Hạ Viện để vận động
các dân biểu ủng hộ thỏa thuận nguyên tử. Ði bên cạnh ông là nữ Dân Biểu Nancy
Pelosi (Dân Chủ-California), lãnh tụ thiểu số Hạ Viện. (Hình: AP Photo/Manuel
Balce Ceneta)
Với Hoa Kỳ, trở lực đầu tiên là thỏa hiệp cần phải
được Quốc Hội thông qua. Việc này không dễ vì phản ứng sơ khởi của đa số các
người Cộng Hòa là không tán thành vì có nhiều hoài nghi. Tuy nhiên chống đối và
loại bỏ cũng không đơn giản vì có những thủ tục để tổng thống có thể vượt qua
các khó khăn.
Hơn
10 năm thương thuyết
Vấn đề nguyên tử Iran khởi đầu từ Tháng Tám năm 2002
khi các cơ quan tình báo Tây Phương và một nhóm đối lập lưu vong Iran phát hiện
một căn cứ bí mật ở Natanz miền Ðông nước Cộng Hòa Hồi Giáo này. Cơ quan Nguyên
Tử Năng Quốc Tế (IAEA) sau đó xác nhận đây là một cơ sở để làm giầu quặng
uranium.
Tháng Sáu, 2003, Anh, Pháp, Ðức mở cuộc thương lượng
với Iran-Hoa Kỳ từ chối tham dự - và bốn tháng sau Iran đồng ý ngưng tinh luyện
uranium.
Tháng Hai, 2006, tổng thống khuynh hướng cứng rắn
Mahmoud Ahmadinejad đắc cử, Iran loan báo mở lại chương trình tinh luyện
uranium sau khi Anh, Pháp, Ðức tuyên bố ngưng cuộc đàm phán kéo dài không đem tới
kết luận.
Tháng Sáu năm đó, Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng với Anh,
Pháp, Ðức thành lập nhóm P5+1 (5 quốc gia có vũ khí nguyên tử và Ðức không có)
cố gắng thuyết phục Iran hạn chế chương trình phát triển nguyên tử mặc dầu Iran
vẫn khẳng định không nhằm chế tạo vũ khí mà chỉ có mục tiêu hòa bình.
Thoạt đầu Hoa Kỳ khước từ không tham gia cuộc thương thuyết.
Cuối năm 2006, Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bắt đầu
một loạt các biện pháp cấm vận, được tiếp tục siết chặt thêm trong những năm kế
tiếp.
Tháng Mười Một, 2007, theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc,
số máy ly tâm Iran dùng vào việc tinh chế nguyên tử liệu từ con số vài trăm
tăng lên tới trên 3,000.
Tháng Bảy, 2008, thời chính quyền Tổng Thống George
W. Bush, Hoa Kỳ lần đầu tiên tham gia cuộc thương thuyết.
Tháng Chín, 2009, các nhà lãnh đạo Tây Phương cho biết
Iran có một căn cứ tinh chế nằm dưới hầm trong núi, không thể bị oanh kích bằng
máy bay.
Tháng Mười, 2009 một nhà ngoại giao cao cấp tron
chính quyền Obama khởi sự những cuộc mật đàm trực tiếp với Iran.
Tháng Giêng, 2011, thương thuyết Iran - P5+1 đình chỉ
trong 15 tháng và Iran vẫn từ chối cắt giảm chương trình nguyên tử của họ.
Tháng Giêng, 2012, IAEA nói rằng Iran đã làm giầu quặng
uranium tại căn cứ Fordo trong núi, tới mức 20% nghĩa là về mặt kỹ thuật gần tới
chỗ có thể dùng cho vũ khí nguyên tử. Liên Âu phong tỏa các tài sản của Ngân
Hàng Trung Ương Iran và không nhập cảng dầu lửa Iran,
Các cuộc thương lượng mở lại vào Tháng Tư năm 2012
nhưng trong hơn một năm không có tiến bộ gì, cho tới khi Tổng Thống Ahmadinejad
thất bại trong cuộc bầu cử Tháng Tám năm 2013.
Tân Tổng Thống Hassan Rouhani loan báo Iran sẵn sàng
thương thuyết nghiêm chỉnh hơn. Lúc này Iran đã có khoảng 20,000 máy ly tâm và
Hoa Kỳ ước lượng chỉ trong ít tháng nữa có thể chế tạo một bom nguyên tử. Trong
khi đó nền kinh tế Iran đi tới tình trạng khốn đốn vì bị cấm vận.
Tháng Mười Một, 2013, Iran và 6 cường quốc thỏa hiệp
sơ bộ theo đó Iran ngưng các hoạt động nguyên tử, đổi lấy sự giải tỏa một số
tài sản.
Thỏa hiệp đầy đủ dự tính sẽ có 6 tháng sau, tuy
nhiên đã nhiều lần phải kéo dài hạn ký thương lượng và cuối cùng tới ngày 14
Tháng Bảy năm 2015 nghĩa là 19 tháng sau mới đạt tới.
Những
điểm chính của thỏa hiệp
Toàn bộ thỏa hiệp này là chương trình nguyên tử của
Iran sẽ không phát triển trong vòng 15 năm. Như vậy sau 15 năm tình hình sẽ ra
sao? Theo lời Ngoại Trưởng John Kerry, với những hạn chế Iran không dễ dàng tái
tục chương trình nguyên tử của họ, hơn nữa trong tương lai sẽ còn có những điều
kiện khác chứ không phải mọi chuyện đứng lại ở hiện trạng lúc này.
Về tinh chế uranium, Iran sẽ giảm số máy ly tâm hiện
nay khoảng 20,000 xuống còn 6,000 trong vòng 10 năm. Iran cũng cam kết chỉ sử dụng
loại mày hiện hữu chứ không phải loại tân tiến hơn mà họ đang muốn lắp đặt.
Khoảng 5 tấn nguyên liệu đã tinh chế tới cấp cao sẽ
phải giảm xuống chỉ còn 300 kg, số dư được gởi qua Nga. Các chuyên viên Mỹ nói
rằng với số lượng giới hạn này, ít nhất một năm Iran mới có thể làm giầu
uranium đủ để chế tạo một vũ khí nguyên tử.
Iran đồng ý căn cứ Forgo dưới lòng núi sẽ chỉ dùng
làm một trung tâm nghiên cứu.
Trong vòng 24 ngày, Iran phải chấp thuận để thanh
sát bất cứ cơ sở nào, nếu các thanh tra nguyên tử Liên Hiệp Quốc có những bằng
chứng cụ thể và nhận thấy cần.
Lò phản ứng hạt nhân đã xây dựng ở Arak phải điều chỉnh
lại để không thể sản xuất plutonium dùng cho vũ khí nguyên tử.
Tất cả các biện pháp cấm vận của Mỹ và Liên Âu sẽ được
bãi bỏ sau khi các chuyên viên xác nhận Iran thi hành đúng những cam kết. Khi
nào Iran chưa thi hành đủ nghĩa vụ, lệnh cấm vận sẽ có thể được tái tục ngay, Lệnh
cấm vận vũ khí sẽ vẫn còn hiệu lực trong 5 năm nữa, và 8 năm đối với chương
trình phát triển hỏa tiễn đạn đạo. Nga và Trung Quốc ủng hộ việc bãi bỏ tức thời
lệnh cấm vận vũ khí, nhưng Tây Phương không đồng ý.
Ðồng
ý và không đồng ý
Qua những giai đoạn thương lượng gay go như thế, để
có thỏa hiệp, chắc chắn cả hai bên đều đã cần phải có nhiều nhượng bộ. Ðiều này
khiến những người vốn hoài nghi càng tăng thêm chống đối. Chỉ có tại Iran dân
chúng tỏ ra vui mừng vì thấy rằng sự bãi bỏ các biện pháp cấm vận sẽ làm cho đời
sống vất vả của họ được dễ dàng hơn.
Một sự kiện đáng chú ý là chương trình nguyên tử của
Iran không bị xóa bỏ hoàn toàn, Iran vẫn được phép tiến hành nhưng trong một giới
hạn. Ðó là vì phải hiểu rằng chính quyền của Tổng Thống Hassan Rouhani không thể
nào nhượng bộ hơn và vượt qua sự phản đối của những giới cứng rắn quốc nội. Do
đó tất cả các cơ sở hiện hữu của Iran không bị gỡ bỏ và vẫn tiếp tục hoạt động
theo một hướng khác, chỉ thực sự phục vụ cho hòa bình như Iran vẫn luôn luôn khẳng
định.
Tổng Thống Obama nói rằng: “Thỏa hiệp không dựa trên
sự tin tưởng mà được xây dựng với việc kiểm tra xác minh.”
Theo lời Tổng Thống Nga Vladimir Putin: “Chúng tôi
tin tưởng rằng thế giới sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn.”
Israel không chấp nhận những lập luận ấy. Thủ Tướng
Benjamin Netanyahu gọi thỏa hiệp là “lỗi lầm tệ hại nhất ở tầm cỡ lịch sử.”
Isaac Herzog, lãnh tụ đảng đối lập, cho biết sẽ đến Hoa Kỳ để trình bày về quan
điểm của họ và hy vọng tìm một giải pháp dung hòa để vẫn bảo đảm được ưu thế
quân sự của Israel.
Ngoại Trưởng Anh Philip Hammond cho rằng, “Israel
bao giờ cũng muốn đối đầu vĩnh viễn với Iran” và “không chấp nhận bất cứ thỏa
hiệp nào.” Ngược lại Iran cũng chưa bao giờ rút lại lời hăm dọa “nguyện xóa sổ
quốc gia Do Thái.”
Ða số dân Mỹ vẫn coi Iran là thù nghịch của Hoa Kỳ
và không tin tưởng đường lối của Tổng Thống Obama, Nhưng thăm dò dư luận AP-GfK
cho biết 51% dân Mỹ muốn có quan hệ ngoại giao với Iran và 45% phản đối.
Các ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa đều tuyên bố
không chấp nhân thỏa hiệp, và không tin Iran tuân hành. Cử tri bảo thủ chiếm đa
số trong giai đoạn bầu cử sơ bộ, nhưng lập trường này chưa chắc sẽ là thuận lợi
cho ứng cử viên nào sẽ được tấn phong làm người đại diện của đảng, Ngược lại bà
Hillary Clinton tuyên bố ủng hộ thỏa hiệp mà theo bà không có phương cách gì
khác ngoại trừ chiếm tran để giải quyết vấn đề nguyên tử Iran,
Nhiều nước Hồi Giáo lo lắng khi quốc tế hòa hoãn với
Iran và Iran sẽ sử dụng sức mạnh của họ để gây nên rối loạn ở Trung Ðông. Tuy
nhiên Abdulkhaleq Abdullah, giáo sư khoa học chính trị đại học UAE nói rằng:
“Thỏa hiệp hay không thỏa hiệp, căng thẳng tại khu vực này vẫn thế.”
Quốc Hội Hoa Kỳ có 60 ngày để duyệt lại thỏa hiệp.
Các nhà lãnh đạo Cộng Hòa ở cả hai viện đều cho rằng Tổng Thống Obama nhượng bộ
quá nhiều. Tuy vậy khả năng chống đối của họ không nhiều. Tổng thống đã cho biết
sẽ dùng quyền phủ quyết nếu Quốc Hội không đồng ý và khi đó Quốc Hội cần phải hội
đủ túc số 2/3 để vượt qua quyền phủ quyết. (HC)
No comments:
Post a Comment