Tuesday, July 7, 2015

Tòa án Trọng tài Quốc tế trực tiếp nghe Philippines trình bày lý do kiện Trung Quốc (tin tổng hợp)





Tuesday, July 7, 2015 6:10:07 PM

PHILIPPINES Philippines đã chính thức trình bày lập trường trước Tòa án Trọng tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, nhằm thuyết phục cơ quan này bác bỏ yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc tại biển Ðông.

Hồi tháng 3 năm 2013, Philippines chính thức kiện Trung Quốc tại Tòa Trọng tài về Luật Biển, sau khi Trung Quốc đòi chủ quyền khoảng 80% diện tích biển Ðông, theo một đường gồm chín đoạn do Trung Quốc tự vạch ra.

Trong một cuộc phỏng vấn với AFP, tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino chỉ vào bản đồ chín khúc do Trung Quốc tự vẽ ra để đòi chủ quyền 80% diện tích Biển Ðông. (Hình: Ted Aljibe/AFP/Getty Images)

Philippines cho rằng, đường chín đoạn do Trung Quốc tự vạch ra để đòi chủ quyền là trái với Công ước về Luật Biển nên cần được xác định là vô giá trị.

Tháng 12 năm ngoái, trong thông cáo về “Thủ tục trọng tài giữa Cộng Hòa Philippines và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa,” Tòa Trọng tài về Luật Biển nhấn mạnh, ngày 16 tháng 3 năm 2015 là hạn chót để Philippines cung cấp thêm luận chứng, chứng cứ. Ðồng thời, yêu cầu Trung Quốc gửi phản biện đối với các luận điểm mới của Philippines cho tòa trước ngày 16 tháng 6 năm 2015.

Lúc đó, Tòa Trọng tài về Luật Biển không thèm bận tâm đến việc Trung Quốc tuyên bố tòa này vô năng và từng từ chối nộp phản biện theo yêu cầu của Tòa. Yêu cầu lần đầu của Tòa Trọng tài về Luật Biển đối với Trung Quốc đã hết hạn hôm 15 tháng 12 năm ngoái.

Thông cáo vừa kể cũng xác nhận, Tòa Trọng tài về Luật Biển sẽ xem xét thư bày tỏ lập trường của Việt Nam về vụ Philippines kiện yêu sách sách chủ quyền của Trung Quốc tại biển Ðông.

Trong khi Trung Quốc tuyên bố Tòa Trọng tài về Luật Biển vô năng để phân xử yêu cầu của Philippines thì cuối năm ngoái, ở thư bày tỏ lập trường gửi Tòa Trọng tài về Luật Biển, Việt Nam xác định Tòa này có đầy đủ quyền hạn để phân xử vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Tuy Việt Nam không nộp đơn kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc như Philippines nhưng việc gửi thư bày tỏ lập trường cho Tòa Trọng tài về Luật Biển được xem như một cách hậu thuẫn cho Philippines.

Cũng vì vậy, ngay sau đó, Bộ Ngoại Giao Philippines nhận định “lập trường của Việt Nam thúc đẩy pháp quyền và giúp tìm kiếm giải pháp hòa bình, không bạo lực tại biển Ðông dựa trên các qui định của luật pháp quốc tế.”

Cũng cần nói thêm là đến nay, Trung Quốc vẫn tỏ ra không nhân nhượng cả Tòa Trọng tài về Luật Biển lẫn Philippines và Việt Nam.

Ngoài việc khẳng định Tòa Trọng tài về Luật Biển vô năng, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn nhấn mạnh, vụ Philippines kiện Trung Quốc chỉ nhằm gây áp lực chính trị lên Trung Quốc, cản trở quyền hợp pháp của Trung Quốc ở biển Ðông, song Philippines sẽ không thay đổi được lịch sử và thực tế về chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo ở biển Ðông cũng như các vùng biển lân cận. Vụ kiện cũng sẽ không thể làm lung lay quyết tâm cũng như chính sách của Trung Quốc đối với lợi ích và việc giải quyết tranh chấp ở biển Ðông.

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cũng liên tục nhấn mạnh, Trung Quốc không bao giờ chấp nhận việc Việt Nam đòi chủ quyền tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ðồng thời kêu gọi Việt Nam tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển của Trung Quốc và giải quyết các bất đồng trên cơ sở bằng chứng lịch sử và luật pháp quốc tế nhằm cùng gìn giữ hòa bình và ổn định tại biển Ðông. Thậm chí sau đó, Ngoại trưởng Trung Quốc còn tuyên bố biển Ðông là “nhà” và là “sân riêng” của Trung Quốc.

Ðầu tuần này, ông Triệu Giám Hoa, đại sứ Trung Quốc tại Philippines, tiếp tục khuyến cáo là các tranh chấp lãnh thổ nên được giải quyết bằng những cuộc đàm phán song phương.

Người ta dự đoán, phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc sẽ được công bố vào cuối năm nay. Tuy không có cơ chế để cưỡng ép các bên có liên quan thực thi phán quyết của Tòa án Trọng tài về Luật Biển, song theo các chuyên gia, nếu phán quyết của Tòa có lợi cho Philippines, điều đó sẽ khuyến khích các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền trên biển, tiếp tục kiện Trung Quốc. (G.Ð)

----------------------------------

Đức Tâm  -  RFI
Đăng ngày 07-07-2015

Biểu tình tại Manila ngày 07/07/2015 phản đối Trung Quốc xâm lấn lãnh hải Philippines trên Biển Đông.  Reuters

Hôm nay, 07/07/2015, lần đầu tiên kể từ khi Philippines nộp đơn kiện Trung Quốc vào năm 2013, liên quan đến các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, Tòa án Trọng Thường trực của Liên Hiệp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, bắt đầu nghe đại diện chính quyền Manila trình bày lập trường của mình.

Tòa án sẽ xác định xem bên nào có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN cũng như Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ vụ kiện này.
Nhóm chuyên gia Philippines đưa ra các lập luận và tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn –mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò – là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này.
Theo giới chuyên gia, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ít có khả năng được thực thi, bởi vì Tòa án không có cảnh sát hoặc cơ chế pháp lý ràng buộc thực hiện quyết định của tòa.
Tuy vậy, nếu Tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines thì đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của chính quyền Manila và có thể khuyến khích các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc đi theo con đường này.
Trong bối cảnh đó, ngày hôm qua, đại sứ Trung Quốc tại Manila, Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua), khi tiếp các phóng viên tại tư dinh, đã nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh là nên đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Các vùng tranh chấp chồng lấn tại Biển Đông là những điểm nóng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường bồi đắp, tôn tạo đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự trên đó, và Hoa Kỳ thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

--------------------------
7-7-2015

Một tòa án của Liên Hiệp Quốc (LHQ) đang xem xét xem có khả năng xử vụ kiện tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Năm 2013, Philippines yêu cầu Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố những tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc ở khu vực tranh chấp là vô giá trị.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ vùng Biển Đông khiến một số láng giềng châu Á giận dữ.
Trung Quốc nói tòa không có quyền tài phán để xử vụ kiện.
Nếu tòa án quyết định có thẩm quyền xử, các phiên điều trần pháp lý sẽ diễn ra.
Philippines cho gửi nhóm luật sư cao cấp tới phiên tòa gồm 5 thành viên tòa án sẽ tiếp diễn tới ngày 13/07. Trung Quốc không tham gia phiên xử.
Việt Nam, Đài Loan, Malaysia, Brunei và Indonesia cũng tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng 3.5 triệu kilomet vuông, được cho là giàu tài nguyên.
Philippines đã có tranh chấp ngoại giao với Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough và đặc biệt là quần đảo Trường Sa.
Nước này nói “đường chín đoạn” của Trung Quốc dùng làm đường biên giới để tuyên bố lãnh thổ, là trái luật xét dưới Luật biển của Công ước LHQ, mà cả hai quốc gia đã ký, và muốn tòa án công bố đây là trái luật.

Phân tích của Carrie Gracie, biên tập viên Trung Quốc, BBC News
Đây là cuộc chiến giữa David nhỏ bé và người khổng lồ Goliath trước tòa LHQ tại Hague vào thứ Ba 07/07, nếu Goliath xuất hiện.
Năm 2010, Ngoại trưởng Trung Quốc lúc đó là Dương Khiết Trì, nói với các vị láng giềng rằng: “Trung Quốc là nước lớn, các nước khác là nước nhỏ, và đây là chỉ đơn giản là thực tế.”
Nhưng kích cỡ không được coi là phương tiện trao đổi hợp pháp trong cuộc đua tranh tuyên bố lãnh thổ trên Biển Nam Trung Hoa.
Năm vị quan tòa của Tòa Trọng tài sẽ quyết định trường hợp của Philippines với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo Luật biển của Công ước Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) mà cả hai quốc gia cùng ký.
Phí tham gia kiện vẫn rẻ hơn là xây dựng quân đội, và đây là sân chơi cân bằng hơn cho Philippines bé nhỏ đối đầu với vị láng giềng khổng lồ.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc ra sức bồi đắp và xây dựng cơ sở ở một vài rạn san hô, khiến Hoa Kỳ đưa ra kêu gọi tạm ngưng những hoạt động này.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng đường băng trên rạn Fiery Cross (đảo đá Chữ thập) thuộc Trường Sa, bên cạnh xây dựng những cơ sở khác.
Trung Quốc biện hộ rằng nước này đang hoạt động hợp pháp dựa trên quyền chủ quyền ở khu vực tranh chấp.







No comments: