Tuesday, July 7, 2015

Khủng hoảng Hy Lạp : Hy Lạp 'không có kế hoạch gì mới' (tin tổng hợp)





7-7-2015

Hy Lạp 'không có đề xuất nào cụ thể' về gói cứu trợ tài chính mới, trước cuộc họp quan trọng với các bộ trưởng tài chính khu vực dùng đồng euro, theo Thủ tướng Malta.
Ông Joseph Muscat viết trên Twitter rằng điều này “không hề có ích cho cuộc họp tối nay của các lãnh đạo khối đồng euro” ở Brussels.
Khu vực đồng euro thúc giục Hy Lạp nộp bản kế hoạch mới hoàn toàn sau khi người dân bỏ phiếu chống lại các điều kiện để có được gói cứu trợ trong cuộc trưng cầu dân ý.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras sẽ xuất hiện trước Nghị viện châu Âu vào thứ Tư 08/07, một nguồn từ chính phủ Hy Lạp nói.
Thông tin báo chí cho biết phía Hy Lạp đã trình bày trước các bộ trưởng tài chính vào thứ Ba. Tuy nhiên các nguồn cho biết không hề có văn bản kế hoạch mới nào.

'Không thể lãng phí thời gian'

Một nguồn nói với hãng tin Reuters: “Họ nói sẽ nộp một bản thỉnh nguyện mới và đại cương đề xuất mới, có thể vào ngày mai (thứ Tư).”
Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos nói với một phóng viên người Tây Ban Nha: "Chẳng có đề xuất nào. Chúng tôi chỉ họp chung chung. Và chúng tôi không có thời gian để lãng phí."
Nói về mức độ khó khăn của cuộc họp, một quan chức khối euro cho biết: "Nếu họ thực sự lên kế hoạch sẽ đề xuất chính thức gì đó vào ngày mai, họ có thể sẽ chẳng tìm thấy ai mà đọc."
Ông Tsipras được cho là muốn cắt 30% khoản nợ từ tổng số 323 tỷ euro, trả trong vòng 20 năm.
Ông Tsipras sẽ gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande trước cuộc gặp với các lãnh đạo ở Brussels, một quan chức Hy Lạp nói.
Trước đó Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói nước này sẽ làm tất cả có thể để giữ Hy Lạp trong khu vực đồng euro và đó là “nền tảng cho một thỏa thuận đã tồn tại”.
Tuy nhiên, Đức cảnh báo chống lại mọi kiểu xóa nợ vô điều kiện cho khoản nợ của Hy Lạp trong lúc có lo ngại điều này sẽ làm sụp đổ dòng tiền tệ chung duy nhất.

-----------------

Trọng Thành  -   RFI
Đăng ngày 07-07-2015

Hôm nay 07/07/2015, các quốc gia khu vực đồng euro họp thượng đỉnh bất thường vào cuối giờ chiều nhằm thảo luận về khả năng hỗ trợ Hy Lạp, đang đứng trước nguy cơ ra khỏi vùng euro, sau cuộc trưng cầu dân ý, với việc đại đa số cử tri nói « không » với đề xuất của các chủ nợ. Đây là một thượng đỉnh được các nhà quan sát đánh giá là đầy bất trắc.

Trước hội nghị thượng đỉnh nói trên, các bộ trưởng Tài chính của vùng euro sẽ gặp nhau tại Bruxelles. Ít giờ trước thượng đỉnh khối euro, phát biểu trước Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định « đã đến lúc trở lại bàn thương lượng », và nhấn mạnh quyết tâm của ông không để xảy ra kịch bản Grexit (tức Hy Lạp bị loại ra khỏi Eurogroupe).
Quyết tâm của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu dường như ngày càng ít được chia sẻ trong nội bộ khối euro, bị phân làm hai. Một số nước có quan điểm cứng rắn với Athens, bao gồm trước hết là Đức, cùng với các nước Đông Âu, cũng như các nước bị khủng hoảng nợ ảnh hưởng nặng như Ailen và Bồ Đào Nha. Về vấn đề này, Pháp có quan điểm mềm mỏng hơn.
Trong cuộc hội kiến tại Paris hôm qua, Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cố gắng tìm kiếm một lập trường chung. Thủ tướng Đức cho rằng Hy Lạp phải « khẩn cấp » có « các đề xuất rõ ràng », trong khi Tổng thống Pháp đòi hỏi Athens phải có các đề nghị « nghiêm túc ».
Tuy nhiên, đằng sau nỗ lực thống nhất ngôn từ, quan điểm của Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức là hết sức khác biệt. Ông Hollande, trung thành với truyền thống hòa giải, nhắc lại rằng cánh cửa « để ngỏ » cho các thảo luận, ông cũng nhấn mạnh đến sự « đoàn kết » với Hy Lạp, bất chấp việc cử tri Hy Lạp bác bỏ các đòi hỏi của các chủ nợ. Trong khi đó, bà Merkel nhấn mạnh rằng, đề nghị của các định chế chủ nợ, bị 61,2% cử tri Hy Lạp bác bỏ, vốn đã là « rộng rãi ».
Cho đến nay, lập trường của Đức là rất cứng rắn với Hy Lạp. Trả lời phỏng vấn tuần báo Stern, Phó Thủ tướng Đức Sigmar Gabriel, kiêm Bộ trưởng Kinh tế, tái khẳng định : thảo luận về giảm nợ cho Hy Lạp không thể bắt đầu trước khi Athens tiến hành các cải cách. Hôm qua, Bộ trưởng Kinh tế Đức báo trước các lãnh đạo khu vực đồng euro sẽ thảo luận tại Bruxelles hôm nay về một « trợ giúp nhân đạo » cho Hy Lạp. Ông Sigmar Gabriel giải thích : « Không nên buộc mọi người (tức dân chúng Hy Lạp) phải chịu trách nhiệm về những điều ngớ ngẩn do chính phủ của họ gây ra ».
Về phía Hy Lạp, hôm qua, Thủ tướng Tsipras lần đầu tiên triệu tập lãnh đạo các đảng đối lập, để ra một tuyên bố chung. Thông cáo, được công bố sau buổi họp, kêu gọi thông qua một thỏa thuận về trợ cấp tài chính cho Hy Lạp, đổi lại các cải cách, nhưng các nỗ lực về ngân sách của phía Hy Lạp phải được « phân chia một cách công bằng ».

*
*

Đăng ngày 07-07-2015

Giữa Angela Merkel và ông Sigmar Gabriel, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Chủ tịch đảng Xã hội – Dân chủ (SPD), giọng điệu tuyên bố về hồ sơ Hy Lạp đôi khi khá khác biệt. Dù là trên mặt cơ bản, cả hai người đồng ý nên có một thái độ cứng rắn hơn đối với Athens, nhưng bà Merkel vẫn luôn tỏ ra cẩn trọng và ngoại giao, trong khi đó ông Gabriel đôi khi có những lời lẽ hơi to tát, theo như nhận định của thông tín viên Pascal Thibaut từ Berlin:

« Bà Merkel thì thích giữ yên lặng để phân tích tình hình. Khi bà phát biểu, bà luôn đề cập đến những hồ sơ nhạy cảm nhất một cách rất thận trọng và cố không để lộ quan điểm thật sự của bà. Còn ông kia thì có vẻ hơi bốc đồng, đôi khi nói mà không kịp nghĩ, để rồi phải rút lại lời nói.
Tối Chủ nhật rồi, sau khi chính ông đã khuyên phe của ông là không được hành động hấp tấp, Sigmar Gabriel đã không thể tự kềm chế và đã buộc miệng nói toạc hết những gì ông nghĩ về chính phủ Hy Lạp: « Tsipras đã cắt đứt hết mọi đường về; một cuộc thương lượng sẽ rất là khó khăn. »

Hôm qua, Phó thủ tướng Đức đã dịu giọng lại, tuyên bố là không nên bỏ rơi người dân Hy Lạp trong tình thế khó khăn. Sở dĩ Bộ trưởng Kinh tế và Chủ tịch đảng SPD có những lời lẽ bộc trực, nóng nẩy, đó là vì bà Angela Merkel đã đẩy ông xuống hàng thứ yếu trong hồ sơ Hy Lạp. Để được giới truyền thông để ý tới, ông Gabriel buộc phải có những lời lẽ táo bạo.

Thế nhưng, chính trị gia bất trị này cũng hiểu được những gì cử tri của ông đang nghĩ, nhất là những cử tri thuộc tầng lớp có thu nhập thấp nhất, những người phản đối mạnh mẽ Athens và chống việc tiếp tục trợ giúp Hy Lạp. Ông không thèm đếm xỉa đến việc thành phần cánh tả trong đảng Xã hội-Dân chủ và những người chủ trương giọng điệu ngoại giao không đồng tình những phát ngôn nóng nẩy của lãnh đạo đảng." 








No comments: