Thanh Hà - RFI
Đăng ngày 09-07-2015
Ngày
09/07/2015, tại thành phố Ufa, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đón lãnh đạo
các nước Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi đến dự thượng đỉnh của nhóm BRICS
và các nguyên thủ thành viên Tổ chức Hợp Tác Thượng Hải.
Hiện đang bị trừng phạt kinh tế vì can thiệp vào
Ukraina và bị gạt khỏi nhóm G8, nước Nga tổ chức gần như cùng lúc hai thượng đỉnh
của nhóm BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (OCS). Giới quan sát nhận định
đây là cơ hội để Matxcơva khẳng định lại ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế.
Theo chủ nhân điện Kremlin, đây cũng là bằng chứng cho thấy phương Tây không
còn độc quyền nắm giữ vận mệnh của thế giới. Thông tín viên đài RFI, Muriel
Pomponne từ thủ đô Matxcơva tường thuật :
« "Nhiều trung tâm quyền lực mới bắt đầu trỗi dậy".
Ngoại trưởng Nga đã khẳng định như trên. Hai thượng đỉnh mở ra cùng một lúc tại
Ufa, một thành phố nằm ở biên giới giữa hai Châu lục Á- Âu chứng minh cho điều
đó. Thượng đỉnh của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), đại
diện cho tất cả các châu lục, phô trương sức mạnh kinh tế của toàn khối cho dù
bản thân nước Nga đang gặp khủng hoảng, còn Trung Quốc thì phải đương đầu với
khủng hoảng tài chính trên các thị truờng chứng khoán và ngày càng có nhiều dấu
hiệu cho thấy kinh tế của Trung Quốc đang bị hụt hơi.
Với nhóm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, hiện quy tụ 6
thành viên thực thụ, 5 nước được cấp quy chế quan sát viên (Afghanistan, Ấn Độ,
Pakistan, Iran và Mông Cổ), mục đích của Hội nghị nhắm vào các hợp tác và phát
triển quân sự, an ninh. Tổ chức này là một sáng kiến của Bắc Kinh và sau đó đã
được Nga, Kazakhstan, Kirghizistan, Ouzbékistan, Tadjikistan hưởng ứng. Cả bốn
quốc gia ở khu vực Trung Á này đều có một mối quan hệ mật thiết với nước Nga.
Nhưng bản thân Bắc Kinh cũng đặc biệt quan tâm đến những quốc gia Hồi giáo đó,
bởi Trung Quốc lo ngại trước ảnh hưởng của họ đối với chính một phần dân số nước
mình.
Tại thượng đỉnh Ufa lần này, một trong những chủ đề
chính được các lãnh đạo của nhóm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải đề cập đến là đe dọa
của các nhóm Hồi giáo cực đoan. Tình hình an ninh của Afghanistan, Pakistan hay
hồ sơ hạt nhân Iran cũng sẽ là những chủ đề chính được các bên thảo luận lần
này. Có một sự liên đới giữa Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran đang được hình thành
và Matxcơva tận dụng điều đó để đạt được những mục tiêu ngoại giao. Nga dự trù
đưa vào bản thông cáo chung kết thúc hội nghị vấn đề Ukraina. Có nhiều khả
năng, các đối tác của Matxcơva sẽ thể thiện một sự đoàn kết tối thiểu khi đứng
về phía nước Nga».
No comments:
Post a Comment