Sunday, July 19, 2015

Quyền truy cập internet có tăng cường hiệu quả làm việc? (Caroline Paunov & Valentina Rollo, World Bank)





Caroline Paunov & Valentina Rollo, World Bank
Trường Sơn chuyển ngữ, CTV Phía Trước
Posted on Jul 18, 2015

Mạng Internet có thể thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân ở các nước mới nổi hoặc đang phát triển thông qua việc cải thiện cách tiếp cận thông tin thị trường, tạo điều kiện để hoạt động điều phối trong dây chuyền sản xuất và phân phối diễn ra hiệu quả hơn và kiến tạo các cơ hội kinh doanh mới. Tuy nhiên, tác động của việc sử dụng mạng Internet đến hiệu suất làm việc ở từng vùng trên thế giới thường không ngang nhau, và khác biệt tương ứng với tình hình phát triển của các nước. Một lý do tiềm ẩn dẫn đến những tác động kém tích cực hơn là hiện trạng của những cơ cấu tổ chức nặng nề, kém hiệu quả – bao gồm những bất cập trong cơ sở hạ tầng, thị trường tài chính kém phát triển, và lực lượng lao động thường thiếu kỹ năng. Trong quá khứ, hạn chế như vậy đã ngăn trở những sáng kiến trong lĩnh vực kinh tế tư nhân và cần phải được giải quyết trước khi Internet có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của những doanh nghiệp.

Một bài báo chúng tôi viết gần đây đã phân tích rõ rằng lợi ích của việc áp dụng Internet trong kinh doanh đối với kinh tế tư nhân giờ được thừa nhận rộng rãi đến dường nào, cũng như hệ lụy từ những cơ chế kinh doanh nặng nề. Từ năm 2006 đến năm 2011, 49.610 doanh nghiệp đã xuất hiện ở 117 nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, thực tế như vậy cho thấy rõ tác động tích cực của việc sử dụng Internet vào hiệu suất làm việc và đổi mới của các doanh nghiệp, và vấn đề này không liên quan gì đến đầu tư của họ vào công nghệ mạng. Chúng tôi cũng đã chứng minh rằng việc ứng dụng Internet trong kinh doanh tác động tích cực đến hiệu quả làm việc ở hầu hết mọi doanh nghiệp trên toàn cầu, từ châu Phi, Đông Âu, Trung Á và Trung Đông đến những vùng như châu Mỹ Latinh và Caribbean. Mọi doanh nghiệp hoạt động trong những nền kinh tế với mức phát triển khác nhau đều được hưởng lợi, bao gồm cả các nền kinh tế với lợi tức quốc dân không cao.

Hơn nữa, chúng tôi nhận thấy hiệu quả làm việc tích cực có được nhờ ứng dụng Internet vẫn được duy trì ngay cả trong môi trường kinh doanh không thân thiện. Như vậy, vấn nạn tham nhũng và tình trạng thiếu hụt kỹ năng cũng không làm giảm hiệu năng đạt từ việc áp dụng Internet vào kinh doanh. Trong khi những điều kiện như cơ sở hạ tầng yếu kém, cũng như những quy định tài chính nặng nề và lực lượng lao động kém hiệu quả thường hạn chế tác động tích cực của Internet, những bằng chứng của chúng tôi cho thấy các doanh nghiệp vẫn cải thiện được năng suất làm việc. Nói cách khác, thành công của những chiến lược phát triển kinh tế tư nhân thông qua khuyến khích ứng dụng Internet không hoàn toàn phụ thuộc vào việc giải quyết các bất cập khó có thể định danh.

Tuy nhiên, lợi ích đạt được từ việc ứng dụng Internet biểu hiện đa dạng theo cách phân bố năng suất và thường thì những công ty làm việc hiệu quả nhất sẽ hưởng lợi khoảng gấp ba lần so với những đơn vị làm việc kém hiệu quả (Xem hình 1). Chỉ có những doanh nghiệp với trình độ cao hơn về khả năng tiếp thu được lợi nhiều nhất từ lượng thông tin, kiến thức tràn đầy trong thế giới mạng. Như vậy, năng suất thế nào thì hưởng lợi thế ấy.

Hình 1. Ảnh hưởng của những hiệu suất làm việc khác nhau trong các thống kê về việc sử dụng Internet. (Trục tung: Hệ số/ Trục hoành: Điểm phân vị) Lưu ý: Các biến phụ thuộc là năng suất lao động. Biểu đồ này trình bày tác động của việc áp dụng Internet theo hệ số trong mô hình hồi quy với mỗi thập phân vị.

Sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa từ việc ứng dụng Internet vào kinh doanh luôn có khả năng bảo vệ những chính sách nhằm bồi dưỡng việc sử dụng Internet. Tuy nhiên, sự chênh lệch trong khả năng sử dụng kiến ​​thức tiếp thu từ mạng Internet có thể tạo ra một “khoảng cách điện tử” mới. Chỉ những doanh nghiệp có khả năng tiếp thu đầy đủ mới có thể hưởng lợi từ những nền tảng kinh doanh thông minh, và các diễn đàn trao đổi trực tuyến sẽ cung cấp quyền truy cập đến hệ thống tri ​​thức liên quan đến nhu cầu khoa học và công nghệ đặc thù của họ. Vì vậy, các doanh nghiệp với nỗ lực tiếp cận thế giới mạng như vậy và ý thức trau dồi năng lực sử dụng chúng xứng đáng nhận được những chính sách hỗ trợ.

Những phát hiện này thể hiện quan điểm riêng của các tác giả và không nhất thiết trùng khớp với quan điểm của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và các nước thành viên.

© 2007-2015 Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info









No comments: