Thụy My - RFI
Đăng ngày 18-07-2015
Năm
1965, Solange Brand mới 19 tuổi, được tuyển vào làm thư ký ở đại sứ quán Pháp ở
Bắc Kinh. Tại đây, cô có cơ hội quan sát kỹ lưỡng khi cuộc Cách mạng văn hóa nổ
ra. Brand không thể nào ngờ những tấm ảnh màu được cô chụp tại chỗ sau này trở
thành những tài liệu lịch sử, được xuất bản tại Trung Quốc nửa thế kỷ sau đó.
Ra mắt vào tháng Giêng, cuốn sách ảnh « Hồi ức
Trung Quốc, 1966 » tập hợp 90 bức ảnh của cô gái Pháp. Trong đó có thể thấy
những cảnh người Trung Quốc hồ hởi trước các chiến dịch đấu tranh giai cấp, giơ
cao những cuốn sách đỏ hay đọc đại tự báo – những tấm áp-phích trên đường phố để «
giáo dục quần chúng ». Những người khác tham gia các cuộc mít-tinh vĩ
đại từ ngày 1 tháng Năm đến ngày 1 tháng Mười, hay các hoạt động mang tính
tuyên truyền chống chiến tranh Việt Nam.
Những hình ảnh này, Solange Brand ghi lại trong các
cuộn phim màu, mang lại cho chúng những giá trị có thể nói là vô giá. Vào thời
đó, « Các phóng viên ảnh phương Tây không được phép hành nghề tại Trung
Quốc, và ảnh màu chỉ dành riêng cho các nhà nhiếp ảnh chính thức của Mao Trạch
Đông ». Robert Klein, nhà triển lãm Mỹ và là người đại diện cho
Solange Brand giải thích.
Cuốn sách ảnh với chú thích bằng tiếng Hoa đã bán được
11.000 bản, và ấn bản lần thứ ba đang được chuẩn bị. Trong chuyến thăm Bắc Kinh
mới đây, Solange Brand thu hút sự mọi sự chú ý của báo chí Trung Quốc. Họ ngạc
nhiên khi các bức ảnh ấy lại ngủ quên lâu đến thế tại nhà của tác giả ở Paris,
được xếp cẩn thận trong các hộp giấy.
Sau thời gian làm việc tại Trung Quốc, Brand trở về
Pháp làm cho tờ Le Monde mười năm, sau đó giữ chức giám đốc nghệ thuật của tờ
Le Monde Diplomatique suốt 25 năm.
Sự
ngây thơ của người chụp lẫn người được chụp ảnh
Bà nói : « Những tấm ảnh của tôi gây dấu ấn
mạnh mẽ lên người Trung Quốc, tôi nghĩ thế, vì chúng là chứng nhân cho sự ngây
thơ của cả người chụp ảnh lẫn người được chụp. Tôi hồi đó còn trẻ, điều gì đối
với tôi cũng đều mới mẻ. Còn họ thì không có thói quen được chụp hình, và đáng
ngạc nhiên hơn cả là lại đối mặt với một người ngoại quốc ».
Đúng là Bắc Kinh năm 1966, mười lăm năm sau khi nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mở cửa ra thế giới bên ngoài, không có điểm chung
nào với đại đô thị tân tiến của ngày nay.
Các loại xe cộ có động cơ hết sức hiếm hoi. Cũng hiếm
gặp như những người nước ngoài, vốn phải xin được giấy phép đặc biệt để du hành
tại Trung Quốc.
Không có chuyến bay trực tiếp nào nối liền Paris với
thủ đô Trung Quốc. Trước khi đến được Bắc Kinh, Solange phải quá cảnh nhiều nơi
: Matxcơva, Omsk, Novossibirsk rồi Oulan-Bator. Bà nhớ lại : « Đại sứ
quán Pháp bị cô lập với thế giới bên ngoài, va-li ngoại giao phải gởi qua Hồng
Kông ».
Tại thuộc địa cũ Anh quốc, cô thư ký trẻ mua một chiếc
máy ảnh Pentax SV, rất được các phóng viên ảnh thập niên 60 ưa chuộng. Với một
nữ đồng nghiệp ở tòa đại sứ, Solange còn đưa được đến Bắc Kinh một chiếc
VéloSolex, loại xe máy nhẹ nhàng thanh lịch hết sức phổ thông ở Pháp.
Bà kể : « Nếu để chiếc Solex ở một nơi nào
đó, khi trở lại sẽ thấy khoảng 100 đến 150 người Trung Quốc xúm xít chung
quanh, cố tìm hiểu cách vận hành của nó…Bắc Kinh thời đó là một thành phố xám xịt,
với nhiều màu xanh trong trang phục người dân. Rồi sau đó màu đỏ xuất hiện… ».
Đỏ, như các hồng vệ binh hừng hực diễu hành trong cuộc
« trường chinh ». Đỏ, như những lá cờ rực lửa giơ cao chống lại « chủ nghĩa xét
lại » xô-viết – Bắc Kinh đã ly khai về ý thức hệ với Liên Xô.
Khi lăng-xê « Cuộc Cách mạng văn hóa vô sản
vĩ đại » (1966-1976), Mao Trạch Đông tăng cường sự sùng bái cá nhân
ông ta và trừ khử tất cả mọi dạng thức đối lập.
Nội
chiến mở rộng
Đi kèm theo là việc tập trung thanh niên vào những
đơn vị được cho là nhằm trấn áp khuynh hướng tiểu tư sản, « cải tạo » những trí
thức bị đày ải về nông thôn, và tình trạng hỗn loạn đến nỗi trở thành một cuộc
nội chiến phổ quát, làm cho hàng trăm ngàn người chết.
Solange Brand đã tham dự những cuộc mít-tinh khổng lồ.
Ngược lại, bà không chứng kiến trực tiếp những hành xử bạo lực. Chẳng hạn vụ
đàn áp nhà văn Lão Xá (Lao She) năm 1966 : nhà ông ở Bắc Kinh bị đập phá tan
tành, ông bị thẩm vấn, đánh đập dẫn đến việc nhà văn phải tự tử.
« Mãi sau tôi mới hiểu, mới biết được. Nhưng ban đầu
có lẽ là một dạng chối từ sự thật. Một cuốn sách như ‘ Những bộ quần áo mới của
Mao chủ tịch’’, vào thời đó tôi không muốn đọc ». Nhà nhiếp ảnh nhìn nhận, nhắc đến tác phẩm của Simon Leys xuất bản năm
1971, nói về những sự thực khủng khiếp của Cách mạng văn hóa.
Solange Brand tự cho mình là mao-ít chăng ? «
Không, tôi chưa bao giờ tham gia, nhưng tôi có cảm tình. Vào năm 1966, tôi đồng
tình với việc thay đổi thế giới. Phong trào cách mạng 1968 tại Pháp diễn ra hai
năm sau đó ».
Ngày nay đảng Cộng sản Trung Quốc giữ im lặng về
chương lịch sử đen tối này. Bị kiểm duyệt lọc bớt, những lời chứng chỉ xoay
quanh sai lầm cá nhân, che giấu bối cảnh chính trị cuồng tín cổ vũ người ta đấu
tố các láng giềng và những người thân thích.
« Vì đây là một chủ đề nhạy cảm, nên chỉ có 90 bức ảnh
được chọn lựa để in thành sách ». Ông Li, một người
có trách nhiệm của nhà xuất bản Trung Quốc nhìn nhận với AFP.
Nhưng sức mạnh của cuốn sách là ở chỗ đã làm hồi
sinh cuộc sống thường nhật thời đó, nay đã biến mất các vết tích.
Chen Xiaobo, biên tập viên của Tân Hoa Xã nhấn mạnh
: « Năm 1966, có rất ít người Trung Quốc sở hữu một chiếc máy ảnh, và ý
định sử dụng nó ở bên ngoài lại càng ít hơn. Chúng tôi không giữ lại những cảnh
tượng trên đường phố được chụp vào thời ấy. Nhưng Solange Brand đã làm việc
này, với sự nhạy cảm của riêng mình ».
Một buổi tối đầu thập niên 90, Solange gặp gỡ một
nghệ sĩ Trung Quốc ở Paris. Vì người bạn mới, bà mở cho xem các hình ảnh cũ. Bà
kể lại : « Tôi đã chiếu các phim dương bản, phải làm thật nhanh vì dưới
sức nóng của máy chiếu, hóa chất tráng trên mặt bị chảy khiến tấm ảnh bị cong
đi. Người bạn nhảy nhổm lên, nói với tôi : ‘‘Chị đã trả lại cho tôi ký ức. Hồi ức
của tôi chỉ có hai màu đen và trắng mà thôi !’’ ».
No comments:
Post a Comment