Sổ
Tay Thượng Dân K’ Tien
Wed, 07/22/2015 - 09:51 — tuongnangtien
Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm 1979,
một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt ngả
theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm
trong lãnh vực sắc tộc.
Lý Hồng
Xuân
*
Kon Tum và Pleiku, nhìn trên bản đồ, giống y
như hai thành phố (chị em) nằm kề cạnh bên nhau. Tuy thế, “đường tình
duyên” của hai “kiều nữ” này lại không chạy song song mà đi theo chiều
hoàn toàn trái ngược.
Kon Tum tựa một cô gái không mặn mà nhan sắc.
Thiên hạ chỉ biết đến có mỗi em Pleiku má đỏ môi hồng (thôi)
theo như cách tán tụng của Phạm Duy, qua thơ của Vũ Hữu Định:
Phố núi cao phố núi đầy sương
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương
...
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
Nên mắt em ướt và tóc em ướt
Nên em hiền như mây chiều trong
Xin cảm ơn thành phố có em
Xin cảm ơn một mái tóc mềm
Mai xa lắc trên đồn biên giới
Còn một chút gì để
nhớ để quên
Pleiku còn được cả nước “nhớ mãi” qua hai câu
thơ của Bút Tre:
Anh đi công tác Pờ-lây
Cu dài dằng dặc biết ngày nào ra
Kon Tum không có cái duyên tương tự với thơ văn
nên dù phố núi cũng cao, phố xá cũng gần (và chắc chắn cũng có vô
số những mái tóc rất mềm) nhưng vì thiếu bước chân của thi nhân nên
... chả khiến ai nhớ thương, hay bâng khuâng gì ráo trọi.
Có người mới chỉ nghe tên địa danh Kon Tum
(lần đầu) qua “Bài Giảng Mùa Chay” của linh mục Nguyễn Văn Đông,
tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, vào ngày 4 tháng 3 năm 2001 :
“ Tôi xin tự hào khoe rằng, xứ tôi phụ trách cái gì
cũng nhất, lớn nhất, có người dân tộc đông nhất, có nhiều đồng bào từ khắp mọi
miền về nhiều nhất, có nhiều rừng núi nhất và nghèo nhất.”
Người cùi ở
Kontum. Ảnh: Kontum
Missionary and Friendship
Không chỉ là nơi “nghèo nhất,” Kon Tum còn là
nơi bệnh nhân phong cùi đông nhất – và bị quên lãng một cách tệ hại
nhất, giữa núi rừng heo hút – vẫn theo như lời của linh mục Nguyễn
Văn Đông:
"Có lần, anh
chị em có biết là tôi lội bộ 12 cây số để vào thăm một buôn người dân tộc, họ
có tục lệ là đối với người bị phong cùi, làng sẽ cất nhà riêng trong rừng cho ở,
không cho ở chung. Mà đồng bào nghèo quá, khổ quá, nên ngay cái nhà họ ở đã
không ra cái gì, giờ thì lại cất nhà cho người cùi ở, thật là không gọi là nhà,
phải gọi là ổ mới đúng, chỉ một mùa mưa đã nát. Mỗi lần đến thăm họ, tôi phải
cúi đầu lom khom mới vào ‘nhà’ họ được. Thấy tôi đến họ mừng lắm anh chị em à.
Họ cứ nhìn tôi họ cười, họ nói Bab đến thăm con là quý lắm, mừng lắm. Họ cười
mà tôi khóc anh chị em ơi."
Kon Tum còn khiến cho thiên hạ ứa nước mắt,
hay “sửng sốt” (theo như nguyên văn cách dùng chữ của phóng viên VnExpress)
vì cách qua sông của cư dân ở địa phương này:
“Nhớ lại, hồi tháng
5 năm 2010, chúng ta cũng từng sửng sốt khi báo chí đăng tải hình ảnh những người
dân ở một làng không tên tại Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông
Pô Kô bằng cách… đu dây.”
Đưa con đến
trường. Ảnh: Tuổi
Trẻ
Học sinh vượt
sông Pô Kô. Ảnh: Tuổi
Trẻ
Và mới đây, Kon Tum vừa “bị” tất cả các cơ
quan truyền thông trong nước nhắc đến với rất nhiều ... phẫn nộ:
- “Bắt
Ba Đối Tượng Ném Đá Xe Khách” – Báo Nhân Dân 2/7/2015
- “Sẽ
Khởi Tố Các Đối Tượng Ném Đá Vào Xe Khách Ở Kon Tum” – Báo Tiền
Phong 3/07/2015.
- “Phó
Thủ Tướng Yêu Cầu Xử Nghiêm Những Vụ Ném Đá Xe Khách” – Báo Pháp Luật
3/07/2015.
- “Kon
Tum: Kiên Quyết Làm Rõ Vụ Việc Và Xử Lý Nghiêm Các Đối Tượng Có Hành Vi Ném Đá
Vào Xe Ôtô Khách” – Tin Tây Nguyên 04/07/2015.
Riêng báo Giao
Thông, tiếng nói của BGTVT, còn có bản tin (“Công An Mật Phục Bắt Gọn
5 Đối Tượng Chuyên Ném Đá Xe Khách”) đọc cứ như là chuyện phim trinh thám
vậy:
Công an huyện Đăk Glei đã chỉ đạo, bố trí lực lượng
mật phục, xác minh các đối tượng khả nghi. Qua đó, Công an huyện Đăk Glei đã
xác định được 5 đối tượng là A Huấn (SN:2001), A Dũng (SN 2000), A Tùng (SN
2001), A Mười (SN 1999), A Khê (SN 2002) đều trú tại thôn Brông Mỹ, xã Đăk Môn
khả nghi nhất. Qua đấu tranh, 5 đối tượng này đã khai nhận hành vi ném đá vào
xe khách rạng sáng 1/6 sau khi đã uống rượu.
Ảnh: Báo
Lao Động
Tôi xem tên tuổi, và hình ảnh sáu “đối tượng”
mà lực lượng công an Kon Tum đã “bố trí lực lượng mật phục” để “bắt gọn”
mà không nén được một tiếng ... thở dài! Tất cả đều là những trẻ
em bản địa, và trông hoàn toàn không có vẻ gì dính dáng đến rượu
chè cả. Vóc dáng còi cọc của các em cũng khiến tôi ta chợt nhớ ra
rằng Kon Tum là một trong 16 địa phương đã nộp đơn xin chính quyền trung
ương cung cấp gạo cứu đói hồi đầu năm nay, năm 2015.
Thống kê (năm 2012) của Sở LĐ-TB&XH tỉnh
Kon Tum cho biết:
Toàn tỉnh có 183.148 trẻ em trong độ tuổi từ
0-16 tuổi, chiếm 39,7% tổng dân số; trong đó khoảng 25.643 em có hoàn cảnh đặc
biệt (2.037 em khuyết tật, tàn tật; 2.169 em mồ côi không nơi nương tựa; 1.147
em bị tai nạn thương tích; hàng trăm em bị dị tật bẩm sinh hoặc bị bệnh hiểm
nghèo...). Ngoài ra còn có trên 80.000 em sống trong diện hộ nghèo, hộ cận
nghèo... cần được quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt.
Thảo nào mà ở Kon Tum tệ đoan xã hội và
trộm cắp ... như rươi – theo như tổng kết tình hình an ninh chính trị, trật
tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh trong phiên họp (vào
ngày 3 tháng 7 năm 2015) vừa rồi của ngành công an:
Qua 15 ngày đã phát hiện 22 vụ phạm pháp, trong đó
giết người 02 vụ, cố ý gây thương tích 03 vụ, trộm cắp tài sản 11 vụ, cưỡng đoạt
tài sản 01 vụ, trộm cắp + cưỡng đoạt tài sản 01, vận chuyển lâm sản trái phép
01 vụ, mua bán tàng trữ trái phép chất ma túy 03 vụ,… Cơ quan cảnh sát điều tra
các cấp đã khởi tố 26 vụ – 34 bị can, hoàn thành hồ sơ chuyển Viện kiểm sát đề
nghị truy tố 10 vụ – 20 bị can. Qua công tác bắt giam giữ, các lực lượng nghiệp
vụ đã bắt 16 đối tượng (trong đó bắt tạm giam 10, bắt quả tang 05, bắt khẩn cấp
01), bắt và vận động đầu thú 07 đối tượng có Quyết định truy nã.
Nhà Rông Kon Tum
năm 1898. Nguồn Ảnh: kontumquetoi
Kon Tum (nói riêng) hay Tây Nguyên (nói chung)
không băng rã và tan nát qua đêm. Cũng không phải trong một sớm một chiều
mà mảnh đất này (bỗng dưng) biến thành một nơi “lý tưởng” cho tội
phạm sát nhân, trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản, vận chuyển lâm sản trái phép,
hay mua bán tàng trữ chất ma túy ... Nhà văn Nguyên
Ngọc đã lên tiếng cảnh báo về những bất ổn trong cách
“phát triển” của Tây Nguyên tự lâu rồi:
1. Dân số Tây Nguyên tăng nhanh, đột ngột, với cường độ lớn... Đầu thế kỷ XX, các dân tộc bản địa chiếm 95% dân số. Đến năm 1975, tỷ
lệ này là 50%. Hiện nay người bản địa chỉ còn 15-20% trên toàn địa bàn...
2. Sự tan vỡ của làng Tây Nguyên. Từ sau năm 1975,
quyền sở hữu tập thể truyền thống của cộng đồng làng đối với đất và rừng nghiểm
nhiên bị xoá bỏ, tất cả đất và rừng đều bị quốc hữu hoá. Như đã thấy ở trên,
quyền sở hữu này chính là nền tảng vật chất, kinh tế của làng ; bị bứng mất đi
nền tảng này, làng, tế bào cơ bản của xã hội Tây Nguyên, tất yếu tan vỡ...
3. Môi trường bị tàn phá nghiêm trọng. Cho đến nay, trừ
một vài vùng nhỏ như một ít khu vực quanh núi Ngok Linh, vùng Komplong..., có
thể nói về cơ bản rừng Tây Nguyên đã bị phá sạch, hậu quả về nhiều mặt không thể
lường.
4. Người bản địa bị mất đất. Việc mất đất, không phải
trong một xã hội bình thường mà là từ tay người dân tộc bản địa sang tay người
nơi khác đến là người Việt, đã khiến vấn đề đất đai trở thành vấn đề dân tộc.
Đây chính là nguyên nhân trực tiếp của sự mất ổn định nghiêm trọng đã và đang
diễn ra ở Tây Nguyên.
5. Văn hoá Tây Nguyên bị mai một. Việc mất rừng,
tan vỡ của làng, cơ cấu dân cư bị đảo lộn lớn và đột ngột, người bản địa bị mất
đất và mất gốc rễ trở thành lang thang trên chính quê hương ngàn đời của
mình... tất yếu đưa đến đổ vỡ về văn hoá.
Nhà Thờ Gỗ Kon
Tum năm 1967. Nguồn Ảnh: kontumquetoi
Tuy thế, trong phiên họp của Hội Đồng Nhân Dân
tỉnh Kon Tum (kỳ họp lần thứ 10, khóa X, nhiệm kỳ 2011-2016, tổ chức vào
hai ngày 8 và 9 tháng 7 năm 2015) không một giới chức nào lên tiếng về
chuyện thiếu đói, tệ trạng xã hội, và những mất mát cùng thua
thiệt của sắc dân bản địa tại đây. Chỉ có mỗi “Vấn Đề Ném Đá Xe Khách
Làm ‘Nóng’ Kỳ Họp HĐND Tỉnh Kon Tum” mà thôi – theo như cách đưa tin
của Thông
Tấn Xã Việt Nam:
Tại kỳ họp này, vấn đề ném đá xe khách được nhiều đại
biểu quan tâm vì trong 2 tháng qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ném đá
lên các phương tiện giao thông ở 4 huyện, thành phố trong tỉnh gồm Đăk Glei,
Đăk Tô, Đăk Hà và thành phố Kon Tum.
Tại kỳ họp, các đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh đều
khẳng định việc ném đá trên là hành vi nguy hiểm cần được ngăn chặn. Các vụ ném
đá đã gây tâm lý bất an đối với lái xe và hành khách đi trên xe, đồng thời ảnh
hưởng nghiêm trọng đến công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa
bàn...
Truyền
thông, báo chí nhà nước, cũng như Hội Đồng Nhân Dân Tỉnh đều
đồng tình làm ngơ trước những vấn nạn đau lòng của Kon Tum. Từ trung ương, Phó
Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ “yêu cầu phải xử
lý nghiêm những vụ ném đá xe khách” chứ không bận tâm đến bất cứ
chuyện gì khác nữa.
Sự vô tâm này chỉ mang lại cho mọi người sự
an lòng nhất thời và giả tạo. Rồi ra, tất cả chúng ta – Kinh cũng
như Thượng – sẽ phải trả giá rất không rẻ vì thái độ “giả ngây”
này.
Sẽ còn nhiều biến động khác nữa, trong tương
lai gần, khi những tín hiệu gửi đi (bằng đá) từ những vùng đất này
không được “giải mã” một cách nghiêm trang, và đứng đắn.
Ngày 9 tháng 7 vừa qua, báo Giáo
Dục lại vừa loan tin nóng: “Trung Quốc Rót Tiền Cho Campuchia Làm
Đường Đến Biên Giới Giáp Việt Nam.” Khi bị gạt ra bên rìa cuộc sống, và
“buộc phải lang thang trên chính quê hương ngàn đời của mình” thì người ta
không chỉ cầm đá mà còn sẵn sàng cầm súng, nếu có. Và vũ khí –
từ nước lạ, nay mai – rất có thể sẽ được tuồn vào Tây Nguyên, theo
biên giới phía Tây.
“Khi bọn bành trướng Bắc Kinh tràn sang hồi năm
1979, một bộ phận không nhỏ dân tộc thiểu số, sống ở vùng biên giới, đã đồng loạt
ngả theo, làm tay sai cho ngoại bang. Ðó chính là hậu quả của chính sách sai lầm
trong lãnh vực sắc tộc.” (Lý Hồng Xuân. Nhận Diện
Chân Dung Nhà Văn. Văn Nghệ: California 2000,177).
Bằng cách này hay cách khác, chắc chắn, “Bọn
bành trướng Bắc Kinh” cũng sẽ tìm cách “tràn sang” lần nữa. Dù vậy, “những
chính sách sai lầm trong lãnh vực sắc tộc” thì mỗi lúc lại càng “sai lầm”
tệ hại hơn!
No comments:
Post a Comment