Nguyễn Trần Sâm
16/07/2015
Câu hỏi này, nếu đặt ra cho nhà cầm quyền ở những nước
có “lãnh tụ vĩ đại” (như Triều Tiên và các nước anh em) hoặc “giàn lãnh đạo
sáng suốt”, sẽ có câu trả lời là CHĂM LO. Phải, nhà cầm quyền sẽ trả lời ngay:
Người dân cần được chăm lo. Những nhà lãnh đạo cần chăm lo cuộc sống cho họ. Và
trên thực tế, các nhà lãnh đạo đã làm việc đó một cách xuất sắc!
Nhưng vẫn với câu hỏi đó, người dân sẽ những câu trả
lời khác nhau, và hầu hết là trả lời khác với nhà cầm quyền.
Trong xã hội nào cũng có những người bần cùng. Có những
người không nghề nghiệp, không nhà cửa, không có bất cứ phương tiện gì để bảo đảm
cuộc sống bình thường. Vì tình đồng loại, những người đó cần được những người
khác quan tâm giúp đỡ. Một nhà nước không quá hoang dã sẽ có chính sách và ngân
sách để thực hiện sự hỗ trợ cho những người như vậy. Nhưng số người này chỉ là
thiểu số. Đa số dân chúng không cần sự hỗ trợ đó.
Một hoạt động khác mà nhà nước cần thực hiện để nâng
cao chất lượng sống cho nhiều tầng lớp dân chúng là thiết lập và vận hành hệ thống
an sinh xã hội. Người về hưu cần được trả lương hưu và hưởng những chăm sóc,
trong đó quan trọng nhất là chăm sóc y tế. Người mất sức lao động cần được nhà
nước hỗ trợ theo cách nào đó. Đây là nghĩa vụ của nhà nước, bởi nó tồn tại dựa
vào tiền thuế của dân và những giá trị vật chất do tài nguyên quốc gia mang lại.
Nhưng những điều trên chưa phải là quan trọng nhất.
Điều quan trọng nhất là người dân không bị tước đi quyền thể hiện ý chí và nguyện
vọng. Và nếu ý chí và nguyện vọng của họ là chính đáng, nhà cầm quyền có nghĩa
vụ phải bảo đảm để chúng được thực thi hoặc ít nhất là không cản trở việc thực
thi.
Mỗi khi quyền và lợi ích của một nhóm hay một tầng lớp
dân chúng bị vi phạm, họ không có cách nào để thể hiện ý chí nhằm đòi các bên hữu
trách phải dừng ngay việc vi phạm đó, và bồi thường quyền lợi cho nhóm người
này, ngoài việc tập hợp nhau lại để đưa ra yêu cầu. Việc như vậy có thể mang
hình thức một cuộc tụ họp để nêu kiến nghị hoặc yêu sách, hoặc một cuộc biểu
dương lực lượng ở nơi công cộng. Nếu như ý chí của nhà cầm quyền có thể được
chính họ thực hiện ngay, do có lực lượng và phương tiện trong tay, thì ý chí và
nguyện vọng của người dân không thể được thực hiện theo cách như vậy. Người dân
chỉ có thể nêu ý chí và nguyện vọng thông qua các cuộc tụ họp, tuần hành hay biểu
tình. Một nhà nước tước đi quyền thể hiện ý chí và nguyện vọng bằng các hình thức
như vậy (và chỉ “cho phép” người dân tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành do
nhà nước tổ chức) là một nhà nước phản dân.
Cần nhấn mạnh thêm rằng với những người dân đứng
ngoài hệ thống quyền lực và không có một thứ vũ khí nào trong tay thì việc mỗi
người trong số họ thể hiện ý chí một cách đơn độc là gần như vô vọng. Vì vậy, một
nhà nước nếu thực sự là “của dân – do dân – vì dân” thì phải chấp nhận quyền của
những người dân được phép tổ chức thành nhóm, thành các tập thể để thể hiện ý
chí. Nhà nước đó không được phép cấm “tụ tập đông người”, không được phép cấm
“khiếu kiện tập thể”. Tước đi quyền khiếu kiện tập thể gần như đồng nghĩa với
việc tước hẳn quyền khiếu kiện.
Tương tự, trong các công ty, doanh nghiệp, nhà máy,
xí nghiệp, người lao động phải được quyền bãi công. Do mục tiêu lợi nhuận, đa số
chủ doanh nghiệp không chịu tăng lương, cải thiện điều kiện lao động và bảo đảm
những quyền lợi khác cho người lao động. Vài tiếng nói đơn lẻ không thể giải
quyết được vấn đề. Vì vậy, người lao động chỉ có thể bảo vệ được quyền lợi của
mình nếu họ tập hợp lại được với nhau và có tiếng nói chung. Nếu giới chủ không
chịu nghe tiếng nói của họ, họ chỉ còn cách bãi công. Khi đó, thiệt hại kinh tế
sẽ buộc giới chủ lắng nghe và đáp ứng yêu cầu của họ.
Những quyền nói trên gắn liền với một thứ quyền
khác, đó là quyền lập hội. Không có hội đoàn, nghiệp đoàn do chính các công dân
và những người lao động lập ra thì không thể nào tổ chức được để đấu tranh một
cách hữu hiệu. Nhưng hội phụ nữ “quốc doanh”, hội thanh niên “quốc doanh”, công
đoàn “quốc doanh” đương nhiên không bao giờ hoạt động ngược lại với ý chí của
những người trong bộ máy nhà nước và giới chủ doanh nghiệp, và do đó chúng không
thể bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Bây giờ xin quý vị hãy hình dung tình huống đang diễn
ra lâu nay. Hoa Kỳ và một số nước văn minh khác đã và đang tạo cơ hội cho giới
chủ ở nước họ đầu tư vào VN (và chính quyền VN cũng mong muốn quá trình này diễn
ra mạnh mẽ). Rõ ràng, lợi nhuận của giới chủ ở các nước này sẽ tăng lên, nếu họ
chỉ phải trả lương thấp cho người lao động VN, mà lợi nhuận của giới chủ tăng
lên thì các nhà nước này cũng được lợi. Và nếu những người lao động Việt trong
các doanh nghiệp này không có quyền lập hội, không được phép tự tổ chức bãi
công, thì phần thu nhập của giới chủ sẽ tăng lên.
Bây giờ xin quý vị đặt câu hỏi: Trong hai nhà cầm
quyền – VN và Hoa Kỳ – ai là người muốn cho người lao động Việt được quyền lập
ra nghiệp đoàn của chính mình để tự bảo vệ quyền lợi?
Nếu quý vị là người từ hành tinh khác tới, hoặc quý
vị suốt ngày đóng cửa, không tìm hiểu thực trạng đất nước, chắc chắn quý vị sẽ
trả lời ngay: Tất nhiên là chính quyền VN. Vì người lao động Việt là công dân
nước họ. Những người này giàu thì nước họ mạnh. Còn ông Obama tất nhiên chỉ muốn
giới chủ nước ông đem về cho nước ông thật nhiều lợi nhuận.
Than ôi! Thực tế đang đập vào mắt chúng ta thì hoàn
toàn ngược lại! Một thực tế thật đau buồn. Đàm phán TPP giữa VN và Hoa Kỳ ngưng trệ bao năm nay
chính vì Hoa Kỳ yêu cầu VN công nhận quyền lập hội của người dân, quyền lập
nghiệp đoàn tự do của người lao động, còn các quan chức phía ta thì ra sức chây
ì, tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ đối với việc bảo đảm quyền lợi cho chính
các công dân nước mình! Thử hỏi, chẳng lẽ những vị quan chức này mà thuộc
cái “chính quyền của dân, do dân, vì dân”?
Trở lại câu hỏi ở tiêu đề. Chúng tôi, những người
dân bình thường xin trả lời: Chúng tôi không cần gì, ngoài việc trả lại cho
chúng tôi quyền được làm người công dân bình thường và người lao động bình thường
như ở các quốc gia không mọi rợ.
NGUYỄN TRẦN SÂM
No comments:
Post a Comment