Friday, July 10, 2015

Màn trình diễn hoàn hảo của Tổng Bí thư (Nam Nguyên - RFA)





Nam Nguyên, phóng viên RFA
2015-07-10

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng kết thúc chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ 6 đến 10/7/2015. Tuy không phải là quốc khách nhưng ông Trọng đã được tiếp đón trọng thị và đã gặp gỡ Tổng thống Barack Obama tại phòng Bầu Dục Nhà Trắng ở Washington DC. Chuyến đi chưa từng có của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đến thủ đô Hoa Kỳ được đánh giá như thế nào là chủ đề tạp chí Đọc báo trên mạng tuần này.

Những việc được thỏa thuận từ trước

Những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và phái đoàn Việt Nam đạt được trong những ngày ở Mỹ là những việc đã được thỏa thuận từ trước, qua những chuyến đi con thoi của các giới chức cao cấp Mỹ đến Việt Nam và những khoảng thời gian thảo luận chặt chẽ giữa hai chính phủ Việt-Mỹ. Thế nhưng dư luận cho rằng Nhà Trắng và Chính phủ Hoa Kỳ đã giữ lời hứa, thực hiện những điều mà Đại sứ Ted Osius tuyên bố trước đó trên báo chí Việt Nam, Hoa Kỳ sẽ tiếp đón người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam một cách trọng thị.

Và ông Nguyễn Phú Trọng có vẻ gây ngạc nhiên cho nhiều người về phong thái được cho là ung dung và tự tin của ông, nếu so sánh với 4 nhà lãnh đạo Việt Nam là Khải-Triết-Dũng-Sang đã từng vào Nhà Trắng trước ông. Ông Nguyễn Phú Trọng người sắp rời cương vị Tổng Bí Thư sau kỳ Đại hội Đảng XII vào sang năm, từng được biết đến như một nhà lãnh đạo bảo thủ giáo điều với những phát ngôn gây thất vọng cho người Việt Nam. Những điều này không chỉ thể hiện trên các trang mạng xã hội như blog hay facebook mà còn được chính các báo do nhà nước quản lý trích thuật.

Người đọc báo chưa thể quên những phát biểu điển hình của ông Nguyễn Phú Trọng như “Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” hoặc “Cương lĩnh Đảng cao hơn Hiến Pháp”.Tuy vậy, tác dụng của phương tiện đa truyền thông tường thuật hoạt động của ông Nguyễn Phú Trọng ở thủ đô Hoa Kỳ được cho là đã giúp ông lấy lại một chút uy tín.

Nội dung bản Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ được Nhà Trắng phổ biến sau cuộc hội đàm Barack Obama – Nguyễn Phú Trọng tuy không có những đột phá quan trọng, nhưng cũng sẽ được biết tới như thành quả của chuyến đi Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Giáo sư Jonathan London chuyên gia về các vấn đề Việt Nam và thông thạo Việt ngữ từ Hong Kong nhận định:
“Ít nhất cuộc gặp gỡ này với việc hai lãnh đạo gặp nhau là một bước đi lịch sử trong quan hệ song phương giữa hai nước. Tôi đặc biệt mừng về phần nội dung của tuyên bố hai bên vì có rất nhiều nội dung liên quan đến vấn đề cải cách ở Việt Nam.”

Câu chuyện Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Tổng thống Barack Obama tiếp đón và đàm luận ở Nhà Trắng được giới quan sát cho là một sự kiện lịch sử. Tuy vậy họ không chờ đợi một sự đột phá nào.

TS Nguyễn Thanh Giang một nhà phản biện độc lập ở Hà Nội nhận định:
“Những chuyến đi trước của ông Trương Tấn Sang và ông Nguyễn Tấn Dũng đã đẩy lên được một quan hệ hợp tác toàn diện. Đáng lẽ chuyến này đi phải đẩy lên một bước tiến mới là hợp tác chiến lược toàn diện, nhưng tôi không tin là ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được. Hơn nữa, trong tình hình này thì phải thiết lập được liên minh toàn diện với Hoa Kỳ trong đó có liên minh về quân sự và có việc đàm phán mở cửa cho Hoa Kỳ vào Cam Ranh. Nhưng tôi không tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng có thể làm được những việc cần phải làm đó.”

Không có đột phá?

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà Trắng công bố là Việt Nam và Hoa Kỳ đạt tới Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, việc cấp giấy phép thành lập Viện Đại học Fulbright tại Việt Nam; cũng như nhiều thỏa thuận khác mà giới quan sát cho là không có tầm mức quan trọng.

Một trong những vấn đề được quan tâm rất nhiều trước chuyến đi là sẽ có đột phá về việc Mỹ công nhận qui chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tuy nhiên điều này đã không xảy ra. Trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ, Nhà Trắng dùng lời lẽ ngoại giao ghi nhận sự quan tâm của Việt Nam mong muốn đạt được kinh tế thị trường, mà không có hứa hẹn gì cụ thể.

TS Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng có nhiều năm làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ New York nói về khúc mắc quan trọng khiến Việt Nam vẫn chưa được Hoa Kỳ công nhận là nền kinh tế thị trường:
Việt Nam ngay cả trong Hiến pháp và các văn bản quyết định khác đều coi kinh tế quốc doanh là chủ đạo. Nếu quốc doanh chủ đạo thì có nghĩa là nó được hưởng rất nhiều ưu tiên. Cái đó là một trong 5 lý do mà người ta không chấp nhận kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường. Với chế độ cộng sản và với nền kinh tế họ coi là quốc doanh chủ đạo thì như vậy họ sẽ làm lợi nhất cho những người ở trong Đảng và những người cầm quyền, đặc biệt việc sử dụng đất đai…họ sẽ tạo ra những cơ sở để cho đảng viên những người liện quan đến Đảng, liên quan đến chính quyền được hưởng lợi ích và giới tư nhân khó lòng mà cạnh tranh lại những người đang nắm quyền… ”

Vấn đề TPP cũng vậy, trong Tuyên bố tầm nhìn chung Việt-Mỹ, Nhà Trắng cho thấy sẽ còn các cuộc đàm phán khác và Việt Nam cần tiến hành những cải cách để đáp ứng tiêu chuẩn cao của TPP, kể cả khi cần thiết đối với các cam kết liên quan tới Tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế ILO năm 1998 về Nguyên tắc cơ bản và Quyền tại nơi làm việc.

Theo các chuyên gia vấn đề vừa nêu có thể tóm tắt là Việt Nam phải cải cách chính trị và pháp luật, chấp nhận quyền tự do nghiệp đoàn. Đã có những tin không chính thức nói là Việt Nam mong muốn giảm nhẹ vấn đề này trong giai đoạn chuyển tiếp, chấp nhận hình thức người lao động có thể thành lập nghiệp đoàn riêng của mình tại cơ sở, tức là ở nhà máy, hãng xưởng nơi họ làm việc. Pháp luật hiện hành của Việt Nam cấm tự do nghiệp đoàn và cả nước chỉ có một loại nghiệp đoàn trực thuộc Đảng và Nhà nước đó là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Vấn đề nhân quyền luôn là một vướng mắc trong quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát biểu vào chiều 8/7 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS ở Washington DC đã nhấn mạnh, không để vấn đề nhân quyền cản trở quan hệ Việt Mỹ. Ông nói:
“Tôi hiểu trong vấn đề này, hai bên còn có những khác biệt về nhận thức và cần tiếp tục thông qua đối thoại thẳng thắn, xây dựng để có cách nhìn tổng thể về những thay đổi cơ bản mang tính hệ thống, từ đó có đánh giá khách quan hơn về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, không để vấn đề này cản trở đà tiến triển tốt đẹp của quan hệ, cũng như ảnh hưởng tới việc xây dựng lòng tin giữa hai nước.”

Ghi nhận tín hiệu cải cách qua chuyến đi của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Giáo sư Jonathan London từ Hong Kong phát biểu bằng tiếng Việt là ông tán dương việc Hoa Kỳ đặt nặng vấn đề nhân quyền và ông Nguyễn Phú Trọng cũng có đề cập tới.
“Tôi nghĩ Việt Nam càng tiến bộ về vấn đề nhân quyền thì quan hệ song phương giữa hai nước sẽ gần nhau hơn. Chẳng hạn nếu Việt Nam làm một số điều quan trọng như thả những người nên thả và chấm dứt hành vi sách nhiễu… thì tôi có thể tưởng tượng Obama sẽ sang thăm Việt Nam trong năm nay…nhưng vẫn cần có một số tiến bộ.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm được gì và chưa làm được gì trong chuyến đi lịch sử tới Hoa Kỳ sẽ có thể là đề tài mà các nhà bình luận mổ xẻ. Thế nhưng trong tương lai khi người dân hai quốc gia Việt-Mỹ tránh được việc bị đánh thuế hai lần, hay các sinh viên theo học tại Trường Đại học Hoa kỳ không vụ lợi đầu tiên ở Việt Nam mang tên Fulbright, thì lúc ấy họ có thể nhớ lại một vài điều tốt đẹp của sứ mạng Nguyễn Phú Trọng.









No comments: