Thanh Trúc, phóng viên RFA
2015-07-11
2015-07-11
Cựu bộ trưởng quốc
phòng Chuck Hagel phát biểu tại Lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Việt Nam tại Quốc
Hội Hoa Kỳ hôm 8/7/2015. AFP
Thứ Tư ngày 8 vừa qua, lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến
Việt Nam, mà quân đội Mỹ từng tham chiến bên cạnh quân đội miền Nam Việt Nam, lần
đầu tiên được cử hành trọng thể tại Capitol Visitor Center thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ.
58.000
binh sĩ Mỹ hy sinh
Cuộc chiến Việt Nam, chấm dứt ngày 30 tháng Tư năm
1975 sau khi quân đội Mỹ hoàn toàn rút về nước theo chương trình Việt Nam hóa
chiến tranh, là cuộc chiến tốn nhiều giấy mực và không biết bao nhiêu tranh cãi
cũng như bất đồng về sự tham chiến của người Mỹ 50 năm trước.
Đã có 58.000 binh sĩ Hoa Kỳ bỏ mình trên chiến trường
Việt Nam, hàng trăm ngàn người trở về với thương tích trên thân thể và nỗi đau
trong tâm hồn của người lính bị cho là tham dự không chính đáng vào một cuộc
chiến ở một đất nước khác ngoài Mỹ quốc.
Năm mươi năm sau, ngày 8 tháng Bảy 2015, bốn hôm sau
Lễ Độc Lập July 4th, quốc hội Hoa Kỳ lần đầu tiên tổ chức buổi lễ kỷ
niệm chính thức, mời những cựu chiến binh Hoa Kỳ thuộc các binh chủng từng chiến
đấu ở Việt Nam từ đầu thập niên 1960, để nói lên lời cảm ơn đồng thời ghi nhận
sự hy sinh cao cả của những lính chiến đó.
Đây là sự kiện được bảo trợ bởi các viên chức hành
pháp hàng đầu như đương kim bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Ashton Carter, cựu bộ trưởng
quốc phòng Chuck Hagel. Phía lập pháp có các vị dân cử thuộc lưỡng đảng trong
quốc hội như chủ tịch hạ viên John Boehner, thượng nghị sĩ Mitch McCornell, thượng
nghị sĩ Harry Reid, nữ dân biểu Nancy Pelosi cùng một số đại diện dân cử các tiểu
bang Virginia, Connecticut, Florida, Georgia.
Chỉ ghé qua vài phút trước khi buổi lễ khai mạc, thượng
nghị sĩ John McCain, cựu phi công thời chiến Việt Nam mà máy bay do ông cầm
lái bị bắn rơi tại miền Bắc và ông đã bị tù 5 năm trong Hỏa Lò ở Hà Nội, phát
biểu với đài Á Châu Tự Do:
“Khi tôi trở về nước trong tư cách một tù nhân chiến
tranh thì may mắn tôi đã không bị sự đón tiếp lạnh nhạt như những cựu chiến
binh đồng đội của trở về từ Việt Nam trước đó. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn ước
mong giá mà họ trở về và được đón tiếp được vinh danh như những người con đi xa
đã phục vụ cho tổ quốc của mình.
Về sự kiện hôm nay, điều đáng chú ý tôi muốn nói là
đã có một số viên chức Việt Nam đến văn phòng của tôi ngày hôm nay, có nghĩa là
quan hệ Viêt Nam Hoa Kỳ đã thực sự thăng tiến một phần không chỉ do sự đe dọa từ
phía Trung Quốc mà chính là nhờ sự hòa giải chẳng khác nào buổi tưởng niệm 50
năm chiến tranh Việt Nam với các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam
hôm nay.”
Rất nhiều cựu chiến binh đã cùng gia đình đến tham dự.
Đa số đều có tuổi. Có người đi đứng tương đối còn nhanh nhẹn, có người phải chống
gậy và có người ngồi xe lăn.
Đến sớm nhất có lẽ là cựu chiến binh Charles
Goodin:
“Năm 1968 tôi đóng quân tại một nơi có tên là làng
Phong Điền. Đến năm 1969 thì tôi ra Đà Nẵng, nghĩa là bất cứ nơi nào tôi phải
đi, những căn cứ không quân xa gần.
Tôi cảm kích về sự kiện hôm nay, chưa hiểu chuyện gì
sắp xảy ra nhưng hãy cứ đợi xem sao. Tôi thực sự ngạc nhiên nhưng cũng thật tự
hào có mặt ở đây hôm nay.”
Cựu
chiến binh Ben Petrone ngồi trên xe lăn do vợ đẩy, chừng
như không giấu được nỗi xúc động:
“Thật tuyệt vời, cảm ơn rất nhiều, không gì có thể
so sánh được. Sau một thời gian dài thì bây giờ tôi chỉ có thể nói được rằng
trước kia nhiều người Mỹ đã hiểu sai về cuộc chiến Việt Nam mà chúng tôi là những
người từng tham chiến. Đáng tiếc những người phản chiến đó đã bị hướng dẫn
thông tin một cách sai lạc.”
Tiếp lời chồng, bà vợ cựu chiến binh Ben Petrone:
“Tôi lấy làm tự hào và cảm kích nữa khi có mặt nơi
đây, bởi vì tôi nhớ la6i hồi thập niên 60s trở đi những người lính trẻ trở về từ
Việt Nam, trong đó có chồng tôi, đã bị đối xử bất công như thế nào. Với tôi khi
đó mọi sự đáng lẽ không nên diễn ra một cách tồi tệ như vậy, cho nên cảm tưởng
hôm nay là một sự bù đắp rất đáng có.”
Đất
nước và nhân dân Mỹ phải nhớ ơn
Mở đầu buổi lễ, chủ tịch hạ viện John Boehner mời tất
cả những cựu chiến binh hiện diện trong kháng phòng đứng dậy. Trong tiếng vỗ
tay vang dội của gần một ngàn người tham dự, ông John Boehner ngỏ lời tri ân những
chiến sĩ mà nay tuổi đã xế chiều. Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến phức tạp,
kéo dài và gây nhiều tranh luận nhất, ông nói, những chiến sĩ hải lục không
quân cũng như bộ binh Mỹ khi còn là những thanh niên trai tráng đã can đảm nghe
theo mệnh lệnh quân ngũ dấn thân vào một cuộc chiến đắt giá trên nhiều nghĩa.
Theo ông, đất nước và nhân dân Mỹ phải nhớ ơn một thế hệ trẻ đã hy sinh tuổi
thanh xuân của mình cho lý tưởng tự do mà giá trị của nó luôn được ghi nhận.
Góp lời tri ân những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam 50
năm về trước, dân biểu Jeff Miller tiểu bang Florida, cũng là người giới thiệu
cuốn video có tên Đất Nước Ghi Ơn với những hình ảnh sống động, hào hùng nhưng
không kém phần gian khổ của binh lính Mỹ trên chiến trường Việt Nam 50 năm về
trước.
Hầu như mỗi thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên ở đất
nước này, ông nói, đều được giao một trọng trách nào đó để vinh danh và bảo vệ
quốc gia. Thế nhưng, ông khẳng định, không một thế hệ nào giống thế hệ những cựu
chiến binh đã chiến đấu tại Việt Nam, đã nhận lãnh một sứ mạng quá tầm tay của
mình, một trách nhiệm và một mệnh lệnh chiến đấu không hoàn toàn được sự ủng hộ
của mọi giới ở Hoa Kỳ. Họ đã đi, đã vào sinh ra tử, đã nằm xuống trên miền đất
xa xôi mà rất nhiều người Mỹ thời đó không biết tới. Và nếu không chết, không bị
tù tội mà còn sống trở về thì họ đã phải chịu đựng những lời chê trách nặng nề
hay là bị quên lãng đi. Những chuyện như thế ngày hôm nay không còn nữa, những
chuyện không hay ho như thế phải chấm dứt, phải trả lại sự xứng đáng và công lý
cho những cựu chiến binh Việt Nam, dân biểu John Boehner kết luận.
Tiếp đó là phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ
Ashton Carter, trước khi giới thiệu đến mọi người vị tiền nhiệm của ông là cựu
bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, một cựu chiến binh trở về từ cuộc chiến Việt
Nam mấy chục năm trước.
Cảm tưởng của những cựu chiến binh sau buổi lễ kỷ niệm
50 năm quân đội Mỹ tham gia cuộc chiến Việt Nam như thế nào. Ông Jeff
Dombroff, đến từ Warrington, Virginia:
“Năm nay tôi đã 71 rồi, lúc đó tôi là phi công thuộc
binh đoàn trực thăng vận Hoa Kỳ ở Việt Nam. Tôi trở về nước năm 1968, đúng vào
năm xảy ra vụ tổng công kích của Hà Nội ở Huế.
Phải nói là muộn quá, tôi tin rằng chúng tôi là những
cựu chiến binh đích thực trước khi danh xưng này trở thành thời thượng. Bây giờ
mới được ghi nhận thì quả là có phần muôn màng để mà nhớ lại hàng trăm hàng
ngàn lính chiến Mỹ đã tới Việt Nam để giúp đỡ và chiến đấu cho tự do và đã hy
sinh ở đó.
Sau cùng thì giới chức cao cấp nhất trong chính phủ
Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ lòng tri ân đối với những người đã phục vụ trong cuộc chiến
ở Việt Nam. Tôi nhắc lại là đã có phần trể nãi lắm rồi nhưng theo lời những diễn
giả phát biểu hôm nay rằng dù muộn còn hơn không thì tôi cũng phải nói lời cảm
ơn đối với họ.”
Cựu
binh sĩ Stacey Smith, phi công trực thăng ở chiến trường Việt Nam từ
1970 đến 1971, căn cứ không quân Cần Thơ:
“Không có gì, cảm ơn về sự ghi nhận, muộn quá rồi
nhưng dù sao chúng tôi cũng mang ơn quí vị. Khi đó chúng tôi là những người
lính trẻ có một nhiệm vụ phải hoàn thành, phải làm tất cả những gì tốt nhất
trong trách nhiệm của mình. Tôi đã nghe những diễn giả hôm nay nói rằng trách
nhiệm mà chúng tôi cưu mang lúc đó trong cuộc chiến Việt Nam là những gì không
thể thay thế, không thể diễn tả mà chỉ có thể cảm nhận, hiểu và tri ân. Thực sự
chiến tranh không phải chuyện vui mà nó là điều người lính chiến phải nhận lãnh
và khi đất nước kêu gọi thì chúng tôi phải đáp lời.”
Cựu
chiến binh Howard Garder: “Tôi phục vụ ở Việt
Nam năm 1975 thời gian rất gần cuộc di tản khi Saigon thất thủ. Hôm nay tôi thấy
mình cần ngỏ lời cảm ơn vì được tri ân vừa cảm thấy nhớ đồng đội của mình thật
nhiều. Năm mươi năm rồi còn gì, nhiều đồng đội nam nữ của chúng tôi không còn sống
để đến với sự kiện này mà đáng lẽ phải diễn ra sớm hơn. Tuy nhiên điều an ủi là
có một số gia đình vợ con các cựu chiến binh còn sống hay quá cố được mời tới
đây và được nghe những viên chức chính phủ ghi nhận công lao cùng sự hy sinh của
cha ông mình.”
Đó là diễn biến buổi lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến Việt
Nam, lần đầu tiên được tổ chức trọng thể tại quốc hội Hoa Kỳ nhằm tri ân và cảm
ơn những chiến binh Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam lúc bấy giờ.
Thanh Trúc tường trình từ Điện Capitol, Washington
DC.
No comments:
Post a Comment