Friday, July 10, 2015

Chứng khoán Thượng Hải đe dọa kế hoạch cải tổ của Tập Cận Bình (Thanh Hà - RFI)





Thanh Hà  -  RFI
Đăng ngày 10-07-2015

Đang dự thượng đỉnh BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Ufa- Nga, nhưng mọi chú ý của Chủ tịch Trung Quốc vẫn hướng về thị trường tài chính Thượng Hải và Thẩm Quyến. Những bất cập của hệ thống tài chính có nguy cơ đe dọa đến uy tín và tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình.

Chỉ số chứng khoán CSI 300 của Thượng Hải mất giá hơn 30 % trong ba tuần lễ, kéo theo vào vòng xoáy chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông. Chỉ riêng trong phiên giao dịch hôm 08/07/2015, thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến mất giá 6,75 %, Hồng Kông là 5,8 %. Dư chấn lan tới tận Tokyo, Bombay hay Seoul. Cho đến tháng 6 vừa qua, trong 12 tháng liên tiếp, chứng khoán Trung Quốc tăng 150 % và trở thành một hoạt động kinh tế hấp dẫn, thu hút đến hơn 90 triệu người mua cổ phiếu. Nét đặc trưng của Trung Quốc : cổ đông chủ yếu là tư nhân, thậm chí nhiều người chấp nhận đi vay tín dụng để đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Hoạt động này càng được chính quyền Trung Quốc khuyến khích, bởi từ khi lên cầm quyền năm 2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã liên tục tiến hành các biện pháp cải tổ để mở cửa lĩnh vực tài chính cho tư nhân. Biện pháp đó nhằm mở rộng ảnh hưởng của thị trường theo hướng huy động vốn tư nhân để tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước. Trung Quốc muốn phát triển và nâng cấp các doanh nghiệp nhà nước để vươn ra thế giới, cạnh tranh với các đối tác quốc tế của phương Tây.

Mặt khác, với những khoản lãi chóng mặt, nhờ đầu tư vào chứng khoán, thu nhập của người dân Trung Quốc cũng đã được nâng cao. Đây là dụng ý thứ hai của Bắc Kinh muốn dùng mãi lực của người dân trong nước để làm đòn bẩy thứ nhì cho đà phát triển, bên cạnh các hoạt động trong ngành xuất khẩu. Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Trung Quốc huy động Ngân hàng Trung ương mở van tín dụng, và cho tư nhân vay với những điều kiện rất dễ dãi. Hậu quả trông thấy là chứng khoán Thượng Hải tăng giá 150 % trong vỏn vẹn một năm.

Chiến lược do ông Tập Cận Bình đề xướng đã được « thuận buồm xuôi gió » cho đến đầu tháng 6 vừa qua. Nhưng mô hình ấy đã bị rạn nứt. Trị giá cổ phiếu không còn phản ánh giá trị thực sự của các tập đoàn tham gia sàn chứng khoán Trung Quốc. Nền kinh tế thực của nước đông dân nhất địa cầu lại bị chựng lại. Khu vực sản xuất liên tục tỏ dấu hiệu bị hụt hơi, ngành bất động sản bị đóng băng, tiêu thụ nội địa không cất cánh như Bắc Kinh mong đợi.

Tất cả những mục tiêu đề ra ban đầu có nguy cơ bị đe dọa. Chính vì để cứu vãn các chương trình đã đề ra, cho nên Bắc Kinh vội vàng đưa ra hàng loạt các biện pháp can thiệp. Một trong những quyết định gây chú ý là việc cấm các nhà đầu tư nắm giữ hơn 5 % vốn của một công ty bán đi các cổ phiếu đang có trong tay. Ngoài ra, cho tới ngày hôm nay 10/07/2015, theo thẩm định của hãng thông tấn Bloomberg, cổ phiếu của gần 60 % các tập đoàn Trung Quốc phải ngưng niêm yết giá trên các sàn chứng khoán.

Có điều, theo như nhận địch của chuyên gia kinh tế Brian Jackson, thuộc cơ quan tư vấn IHS China, sự can thiệp của các nhà cầm quyền Trung Quốc đi ngược lại với mục đích cải tổ và mở cửa ngành tài chính mà chính Chủ tịch Tập Cận Bình từng đề xuất khi ông lên cầm quyền. Còn theo phân tích của Quỹ tài chính Templeton Emerging Merkets Group, thì Trung Quốc đang rất bối rối và có nhiều khả năng « không còn làm chủ được tình hình ».

Tuy nhiên, theo như phân tích của Tangui Le Liboux của cơ quan tư vấn Aurel BGC trụ sở tại Paris, đáng lo ngại hơn cả là « giới đầu tư không tin tưởng vào chính quyền, họ thất vọng và lo sợ khi thấy các nhà cầm quyền không còn làm chủ tình hình ». Quyết định ngưng niêm yết giá các cổ phiếu của hàng ngàn công ty lại càng gây thêm hoang mang cho các cổ đông.

Một số nhà phân tích khác thì cho rằng dù hơn 3.000 tỷ đô la chứng khoán Trung Quốc đã « bốc hơi », nhưng những thiệt hại thuần túy về kinh tế trước mắt chưa đến nỗi quá nghiêm trọng, nhưng uy tín của Đảng và Nhà nước Trung Quốc thì đang bị sứt mẻ. Bởi, thứ nhất, cơn gió lớn đang thổi qua thị trường Thượng Hải và Thẩm Quyến làm lộ rõ những yếu kém cơ bản của hệ thống tài chính Trung Quốc, và những đại tập đoàn nhà nước có thể chỉ là những ông khổng lồ có đôi chân đất sét.

Nhưng yếu tố quan trọng thứ nhì là từ những năm 1980 tới nay, đảng Cộng sản Trung Quốc luôn xem khả năng đem lại thịnh vượng kinh tế cho người dân là nền tảng để xây dựng uy tín và tính chính đáng của mình. Điều gì sẽ xảy tới nếu hơn 1,2 tỷ dân Trung Quốc không còn tin vào lời hứa đó ?

Điểm thứ ba và có lẽ cũng là yếu tố quan trọng nhất, như giáo sư William Lam thuộc đại học Hồng Kông đã nhận định : đảng Cộng sản Trung Quốc từ trước tới nay luôn chủ trương rằng cải tổ kinh tế không nhất thiết phải đi kèm với cải tổ chính trị.

Những gì đang diễn ra trên các sàn chứng khoán ở Thượng Hải, Thẩm Quyến liệu có như một cơn sóng lớn, cuốn trôi luận điểm cố hữu đó của Bắc Kinh hay không ? Dù sao đi chăng nữa, theo lời một chuyên gia thuộc trường London Business School của Anh, đây là đợt "khủng hoảng nghiêm trọng nhất mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt".








No comments: